Cha mẹ nên làm thế nào khi học sinh tiểu học sợ học Toán?

0
3970

Cha mẹ nên dạy con học toán như thế nào? Ở lứa tuổi tiểu học đã nên cho con dùng sách tham khảo hay chưa? Làm sao để con thoát khỏi nỗi sợ môn toán? Cô Mai Quỳnh sẽ tư vấn và giải đáp.

       

Ở bậc Tiểu học, đã nhiều lần ta dở khóc dở cười khi chứng kiến những học sinh bé nhỏ khệ nệ mang chiếc cặp nặng đến mấy cân. Kiến thức không chỉ “nhiều” mà còn “khó” khiến không ít học sinh và phụ huynh đã lựa chọn “sách giải” để việc học tập trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sách giải cũng như con dao hai lưỡi, thứ hữu ích dễ khiến người ta thụ động và phụ thuộc. Vậy sử dụng sách giải như thế nào cho đúng? Cô Nguyễn Thị Mai Quỳnh – giáo viên Toán tại Hệ thống giáo dục HOCMAI sẽ tư vấn giải đáp vấn đề trên, cũng như đề ra phương pháp dạy con học toán hiệu quả nhất.

Những vấn đề phụ huynh gặp phải khi dạy con học toán

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, tiếp xúc với các thế hệ học sinh cũng như lắng nghe tâm sự của nhiều cha mẹ, cô Mai Quỳnh đã rút ra ba vấn đề chính mà phần lớn cha mẹ gặp phải khi dạy con nhỏ học toán:

Thứ nhất, rất nhiều cha mẹ không nắm rõ về phương pháp giải bài tập cho con.

Ở mỗi cấp bậc học khác nhau sẽ có phương pháp tiếp cận kiến thức khác nhau. Ở mức tiểu học, học sinh thường tiếp cận bằng cách nhìn trực quan và thực tế nhất. Thế nhưng, hầu hết cha mẹ đều có xu hướng “đơn giản hóa” và sử dụng kiến thức cấp cao hơn cho các bài toán của con, vì cách giải ở Trung học thường ngắn gọn hơn rất nhiều, điều này khiến trẻ không hình thành lối tư duy một cách trình tự (từ trực quan mới đến trừu tượng), con có thể không hiểu được cách làm của cha mẹ và càng bối rối hơn trước bài toán.

Thứ hai, giữa con cái với cha mẹ không tạo được sự hợp tác khi học

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là các lớp cuối cấp tiểu học – các em đang bước vào lứa tuổi tiền dậy thì nên có sự ương ngạnh và thích độc lập một cách nhất định. Nói dễ hiểu hơn là sự gần gũi của người thân khiến cha mẹ khó tạo “uy” cho trẻ, để trẻ nghe lời và tập trung khi học.

Thứ ba, nguyên nhân xuất phát từ bản thân phụ huynh

Cô Mai Quỳnh cho biết, sự thiếu kiên nhẫn và dễ nóng nảy của cha mẹ chính là một phần nguyên nhân khiến trẻ học tập không hiệu quả. Rất nhiều cha mẹ từng chửi mắng hay thậm chí là đánh phạt con khi con không làm được bài. Hậu quả tai hại của vấn đề nổi nóng với con là trẻ càng khó hợp tác với cha mẹ, con có xu hướng tránh xa bố mẹ và không dám hỏi bài khi con không biết nữa. Đứng trên vai trò là một người mẹ, cô Mai Quỳnh hiểu rõ những mệt mỏi khi ngày làm việc  vất vả, tối về lại kèm cặp con nhưng con không hợp tác, cha mẹ cáu giận là dễ hiểu. Tuy nhiên, cáu giận chỉ làm con trở nên khó khăn hơn trong học tập và xa lánh bố mẹ hơn mà thôi.

               Cô Nguyễn Thị Mai Quỳnh – giáo viên Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI

Một số gợi mở hữu ích giúp cha mẹ dạy con học toán

Sách giải là “đối tác” của phụ huynh nhưng là “đối thủ” học toán của con

Để có thể nắm bắt được phương pháp làm bài ở độ tuổi và cấp học của con, cha mẹ nên dành nhiều thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu. Theo cô Mai Quỳnh chia sẻ, sách tham khảo chính là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề đầu tiên gặp phải của phụ huynh.  Sách giải là một trong những phương tiện hiệu quả để cha mẹ nắm bắt được chương trình học tập của con. Để có hướng dẫn làm bài phù hợp nhất, phụ huynh có thể tham khảo trước đáp án để gợi ý cho con, hướng con đến cách làm đúng.

Tuy nhiên, cô Mai Quỳnh cũng nhấn mạnh: “cha mẹ nên hạn chế tối đa việc cho con tiếp xúc trực tiếp với sách giải, điều này sẽ khiến con trở nên thụ động và ỷ lại”. Sách giải cũng như con giao hai lưỡi, cái gì mang nhiều hữu ích cũng đi kèm với hạn chế của nó. Đối với trẻ học chương trình cơ bản, cha mẹ không nên dùng sách giải cho con bởi các bài toán đều là dạng cơ bản, chỉ cần cố gắng suy luận thì con sẽ làm được. Đối với học sinh chuyên và học nâng cao, sau khi trẻ đã nháp rất lâu và thử nhiều hướng giải mà không làm được, cha mẹ hãy gợi ý theo các bước trong sách giải để con làm bài, tuy nhiên cũng không nên để con trực tiếp xem – chép, hãy cố gắng gạch ý và hướng dẫn cho con trước.

Phụ huynh – học sinh cùng xem video bài giảng của giáo viên Nguyễn Thị Mai Quỳnh

4 lưu ý về phương pháp giúp trẻ không còn sợ học toán

Luôn nhắc nhở con tập trung khi học

Trẻ nhỏ ham chơi và dễ phân tâm, để con học tập hiệu quả cha mẹ phải thường xuyên quan sát và yêu cầu sự tập trung của con trong học tập. “Khi thiếu chú tâm, cho dù dưới sự chỉ bảo của cha mẹ, con có thể đúng lần này nhưng sau đó sẽ quên rất nhanh” – cô Mai Quỳnh chia sẻ.

Tóm tắt lại bài học ở trường mỗi ngày vào sổ tay

Dạy con tóm tắt lại bài học, ghi chú những công thức mới học trên trường về sẽ giúp con tổng quan lại kiến thức, hình thành thói quen xem lại bài của con. Việc tóm tắt công thức bài học giúp con biết chú trọng vào nội dung nào, ghi nhớ lại một lần nữa và xem xét vấn đề thắc mắc để kịp thời giải đáp chứ không phải để con lưu lại và đem ra xem khi làm bài về nhà.

Làm bài tập đầy đủ dù dễ hay khó

Chăm chỉ và kiên trì là hai yếu tố cần có dù con học bất cứ môn học nào. Với mỗi bài tập mới trên lớp, cha mẹ nên cẩn thận cho con luyện tập với mức độ cả dễ cả khó. Con nên làm quen với bài bằng các bài tập cơ bản trong sách, để có nền kiến thức rồi mới làm quen các bài nâng cao. Như vậy con vừa nắm chắc kiến thức cơ bản, vừa không bị “sốc” độ khó khiến con chán nản học hành.

Xóa bỏ rào cản tâm lý tự ti cho trẻ

Cha mẹ tuyệt đối không nên sử dụng hình ảnh của “con nhà người ta” để so sánh với con, điều đó khiến con mặc cảm về bản thân, khi con gặp bài khó dễ nảy sinh tâm lý “bài này quá khó – không thể làm được”. Ngoài ra, sự chê bai của người lớn cũng làm con tự ái và “dấu dốt” – không muốn chia sẻ vấn đề cùng cha mẹ nữa.

Thay vì than thở “bài này rất dễ tại sao con không làm được”, hãy điềm tĩnh ở bên con, hỏi con về những gì thầy cô đã dạy để con nhớ lại kiến thức, xem con khúc mắc ở chỗ nào và hướng dẫn cho con. Có thể con không yếu môn Toán, chỉ là con chưa luyện tập nhiều hay chưa tiếp xúc quen với dạng toán, hãy mở lời để con sẵn sàng nói ra khúc mắc của chúng. Cha mẹ cũng đừng quên khen ngợi để khích lệ khi con làm bài tốt, để con cảm thấy hứng thú hơn – tự tin hơn với môn học.