Đạt điểm tối đa phần đọc hiểu thơ vào 10 cùng cô Trang

0
4246

 Trong đề thi văn vào 10 sẽ thường gặp 1 kiểu bài chính là kiểu bài đọc hiểu về tác phẩm thơ. Dưới đây là chia sẻ của cô Trang về những lưu ý khi chúng ta làm bài đọc hiểu về tác phẩm thơ trong kì thi văn vào 10.

1. Các dạng câu hỏi về đọc hiểu thơ

 Cô Trang chia sẻ việc đầu tiên trước khi bắt đầu làm một bài đọc hiểu thơ thì chúng ta phải nhận dạng những câu hỏi thường gặp.

Dạng câu hỏi thứ nhất đó chính là chép thuộc lòng thơ. Với dạng câu hỏi này thì các em lưu ý chép chính xác thậm chí đến từng dấu chấm dấu phẩy, bởi vì có những dấu câu rất là quan trọng.

Dạng câu hỏi thứ 2 là cho 1 ngữ liệu thơ, nêu tên tác giả và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm. Với dạng bài này các em phải nêu thật kĩ vì hoàn cảnh sáng tác có thể sẽ ảnh hưởng tới nội dung của bài thơ.

Dạng câu hỏi tiếp theo là chỉ ra mạch cảm xúc của bài thơ. Với dạng bài này thường thì các đề bài sẽ yêu cầu các em chỉ ra mạch cảm xúc của bài thơ đi theo trình tự nào: Trình tự thời gian, không gian hay là trình tự tình cảm.

Một dạng câu hỏi phổ biến mà chúng ta hay gặp trong đọc hiểu về thơ là câu hỏi liên quan đến biện pháp nghệ thuật, yếu tố ngôn từ được lạ hóa, giọng điệu, cách gieo vần và phân tích tác dụng của nó trong bài thơ.

Cuối cùng sẽ là những câu hỏi liên quan đến các tác phẩm thơ cùng chủ đề. Với dạng câu hỏi này chúng ta nên gom các bài thơ cùng chủ đề để học tốt hơn như các bài thơ về chủ đề gia đình, quê hương đất nước.

2. Kỹ năng phân tích thơ

 Trên cơ sở các em đã nhận diện được các dạng đề trong câu hỏi đọc hiểu thơ. Chúng ta có 3 bước để phân tích kỹ năng thơ một các hiệu quả nhất.

 Bước đầu tiên chúng ta cần phải xác định nội dung chính của khổ thơ, đoạn thơ  đó như thế nào. Sau khi xác định nội dung chính xong chúng ta sẽ xác định mạch cảm xúc của bài thơ đi theo trình tự nào. Trong bước này chúng ta cần phải xác định  cả nhân vật trữ tình.

 Bước thứ 2 là bước rất quan trọng, các em cần phải phân tích các biện pháp nghệ thuật bao gồm các biện pháp tu từ, giọng điệu, cách gieo vần, yếu tố ngôn từ được lạ hóa trong bài thơ, trong khổ thơ như thế nào. Từ đó phân tích các tác dụng của nó  trong việc thể hiện nội dung bài thơ.

 Bước thứ 3 là bước chúng ta sẽ khái quát lại vẻ đẹp của bức tranh thơ. Đó có thể là bức tranh thiên nhiên, bức tranh về con người… Chúng ta khái quát để hiểu thêm được về tình cảm của tác giả đó là thái độ, thông điệp và cung bậc cảm xúc của tác giả gửi gắm trong bài thơ.

 Trên đây là 3 bước cơ bản để chúng ta có thể nắm chắc chìa khóa đi vào phân tích thơ hiệu quả nhất. Chúc các bạn thành công trong kì thi vào 10 môn văn.

Hãy chia sẻ cho bạn bè để cùng nhau khắc phục các lỗi này nhé!