Thầy Nguyễn Phi Hùng hệ thống kiến thức và bài tập về biện pháp tu từ Ngữ văn lớp 6

0
10187

Các biện pháp tu từ là một trong những phần trọng tâm và quan trọng nhất khi ôn tập phần tiếng Việt trong chương trình Ngữ văn 6 học kì II. Do vậy, để ghi điểm ở dạng bài này, học sinh cần tập trung vào những nội dung kiến thức dưới đây.

Khái quát kiến thức lí thuyết về biện pháp tu từ

Nhân hóa, so sánh, ẩn dụ và hoán dụ là bốn biện pháp tu từ học sinh đã được học ở học kì II Ngữ văn 6. Với mỗi biện pháp tu từ, học sinh cần nắm được khái niệm và hệ thống phân loại của chúng.

– So sánh: là việc đối chiếu hai hay nhiều sự vật có những điểm tương đồng nhằm làm nổi bật lên những đặc điểm riêng biệt của đối tượng đó và làm sự diễn đạt trở nên sống động, giàu hình ảnh, cảm xúc. So sánh được phân thành hai loại: so sánh ngang bằng hoặc không ngang bằng.

– Nhân hóa: là việc biến các sự vật vô tri vô giác trở nên sống động, có suy nghĩ, tình cảm, hành động như con người. Căn cứ vào cách thức biến đổi sự vật, người ta chia nhân hóa thành ba loại: dùng từ nghĩ chỉ hoạt động, tính chất, trạng thái của con người cho vật; trò chuyện với vật như trò chuyện với người; gọi tên vật như cách gọi tên người.

– Ẩn dụ: là việc gọi tên sự vật này bằng tên sự vật khác dựa trên mối quan hệ tương đồng (giống nhau) giữa chúng. Ẩn dụ gồm bốn loại: ẩn dụ hình thức, ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ cách thức và ẩn dụ chuyển đổi cảm giác

– Hoán dụ: là việc gọi tên sự vật này bằng tên sự vật khác dựa trên mối quan hệ tương cận (gần gũi)  giữa chúng. Hoán dụ được chia thành bốn loại: lấy một bộ phận thay thế cho toàn thể; lấy vật chứa thay cho vật bị chứa; lấy dấu hiệu để thay cho vật mang dấu hiệu; lấy cái cụ thể thay thế cho cái trừu tượng.

4 biện pháp tu từ được học trong chương trình Ngữ văn 6

Hai dạng bài tập về biện pháp tu từ

 Dạng 1: Xác định và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ

Đây là dạng bài cơ bản, phổ biến và thường xuyên được hỏi nhất trong các bài thi, bài kiểm tra. Tùy vào độ linh hoạt và độ khó của đề thi mà khi nêu tác dụng của biện pháp tu từ, học sinh sẽ được yêu cầu viết câu hoặc đoạn văn.

Ví dụ, với một đề bài xác định kiểu ẩn dụ, hoán dụ, học sinh cần làm theo ba bước:

Bước 1: Đọc văn bản và xác định những hình ảnh được nhà văn sử dụng theo nghĩa ẩn dụ hoặc hoán dụ.

Bước 2. Xác định xem hình ảnh ấy giúp ta liên tưởng tới hình ảnh nào khác.

Bước 3. Xem mối quan hệ giữa hai hình ảnh đó là gì để lựa chọn loại ẩn dụ, hoán dụ cho phù hợp.

Dạng 2: Viết câu/ đoạn văn có sử dụng biện pháp tu từ

Khác với dạng 1, học sinh phải tự viết ra các văn bản có sử dụng biện pháp tu từ. Đề bài thường yêu cầu thay thế các từ ngữ in đậm thành hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ,…  thích hợp hoặc viết đoạn văn miêu tả, kể chuyện có chứa các biện pháp tu từ đã học.

Ví dụ, đề bài “Viết đoạn miêu tả khung cảnh sân trường giờ ra chơi có sử dụng các biện pháp tu từ”, học sinh phải xác định nội dung và hình thức của đoạn văn đó.

–  Cụ thể, nội dung tả cảnh sân trường giờ ra chơi cần miêu tả khung cảnh xung quanh và cảnh ra chơi của các bạn học sinh.

– Với yêu cầu sử dụng biện pháp tu từ, học sinh có thể so sánh, nhân hóa, hoán dụ, ẩn dụ như sau: “Các bạn ríu rít như bầy ong vỡ tổ ùa ra khỏi lớp”, “Những bước chân gấp gáp, hối hả chạy vào lớp khi có tiếng trống báo hiệu hết giờ ra chơi”,…

Để chuẩn bị tốt cho năm học mới ngay từ bây giờ, học sinh và phụ huynh có thể tham gia ngay Chương trình Học Tốt 2020 – 2021. Với lộ trình từ trang bị kiến thức cơ bản theo sách giáo khoa đến củng cố và ôn luyện kiến thức, Chương trình Học Tốt 2020 – 2021 sẽ giúp học sinh tự tin đạt kết quả cao trong năm học tới.

>>>Đăng kí Chương trình Học Tốt ngay tại đây để nhận ƯU ĐÃI HẤP DẪN từ HOCMAI: https://hocmai.link/hoc-tot-van-6

Liên hệ hotline 0936 58 58 12 để được tư vấn chi tiết.