TOÁN 7: Mẹo làm bài toán số hữu tỉ cùng thầy Nguyễn Quyết Thắng

0
12796

Trong chương trình học Toán lớp 7, học sinh được học với các bài toán hữu tỉ. Nhắc đến số hữu tỉ, nhiều học sinh sẽ không khỏi mơ hồ. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách gọi khác của tập hợp các số có thể viết được dưới dạng phân số. Các bài tập về số hữu tỉ chính là các bài tập về phân số mà học sinh đã được làm quen từ chương trình lớp 6.

Số hữu tỉ là tập hợp các số có thể viết được dưới dạng phân số a/b (a, b thuộc Z; b # 0) gồm số hữu hạn, số thập phân vô hạn tuần hoàn, tập hợp số nguyên.

   Thầy Nguyễn Quyết Thắng hướng dẫn cách làm bài toán hữu tỉ

Các dạng bài cộng – trừ số hữu tỉ

Thầy Nguyễn Quyết Thắng – giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI hướng dẫn, với dạng bài này, học sinh cần lưu ý các tính chất trong phép cộng, trừ số hữu tỉ. Một số tính chất thường dùng như: 

  • Tính chất giao hoán: a + b = b + a
  • Tính chất kết hợp: a + (b + c) = (a + b) + c
  • Tính chất phân phối: a * (b + c – d) = a*b + a*c – a*d
  • Quy tắc dấu ngoặc: a – (b + c – d) = a – b – c + d

Khi đã nắm chắc các tính chất, học sinh có thể làm tốt các bài toán. Một số dạng cơ bản thường gặp như sau: 

Dạng 1: Thực hiện phép tính  cộng, trừ số hữu tỉ

Khi gặp dạng toán này, học sinh có thể làm theo 3 bước 

Bước 1: Viết hai số hữu tỉ dưới dạng hai phân số có cùng một mẫu dương (bằng cách quy đồng mẫu của chúng);

Bước 2: Cộng, trừ hai tử số, mẫu chung giữ nguyên;

Bước 3: Rút gọn kết quả (nếu có thể)

Ví dụ:  1/21 + 1/28 = 4/84 + 3/84 = 7/84 = 1/12 

Dạng 2: Tìm x

Phương pháp làm dạng toán này được thầy Thắng hướng dẫn áp dụng quy tắc “chuyển vế”: Khi chuyển một số hạng từ vế này sang vế kia của một đẳng thức, ta phải đổi dấu số hạng đó. a + b = c → a = c – b

Ví dụ: x + 1/3 = ¾ 

⇔ x = ¾ -⅓

⇔ x = 9/12 – 4/12

⇔ x = 5/12

Các dạng bài nhân – chia số hữu tỉ

Tương tự như bài toán cộng, trừ số hữu tỉ, các dạng toán nhân, chia số hữu tỉ cũng chính là nhân, chia các phân số. Vì mọi số hữu tỉ đều viết được dưới dạng phân số nên ta có thể nhân hai số hữu tỉ bằng cách áp dụng quy tắc nhân hai phân số: nhân các tử số với nhau và nhân các mẫu số với nhau.

Để giải quyết bài toán này, học sinh cần nắm chắc những tính chất sau:

  • Tính chất giao hoán: a * b = b* a
  • Tính chất kết hợp: a * b * c = a * (b * c)
  • Tính chất phân phối: a * b + a * c = a * (b + c)

Thầy Nguyễn Quyết Thắng hướng dẫn phần nhân chia số hữu tỉ

Thầy Thắng lưu ý, dạng bài chia hai số hữu tỉ cũng áp dụng quy tắc chia hai phân số: Chia phân số thứ nhất cho phân số thứ 2 bằng cách nhân phân số thứ nhất với nghịch đảo của phân số thứ hai.

Với x = a/b; y = c/d ta có: x : y = a/b : c/d = (a * d) / (b * c)

Áp dụng các tính chất trên học sinh sẽ nhanh chóng giải tốt các bài tập số hữu tỉ.

Trên đây là những hướng dẫn của thầy Nguyễn Quyết Thắng về bài tập số hữu tỉ chương trình Toán lớp 7. Hy vọng bài giảng của thầy sẽ giúp học sinh làm tốt và đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi.

Ngoài ra, để chuẩn bị sớm cho năm học 2021 – 2022, quý phụ huynh và học sinh hãy tham khảo Chương trình Học tốt của HOCMAI. Khóa học được thiết kế bám sát nội dung sách giáo khoa, hệ thống bài tập tự luyện, bài kiểm tra định kì và phương pháp học tập phù hợp cho mỗi môn học.

>> Phụ huynh, học sinh để lại thông tin để nhận tư vấn MIỄN PHÍ và nhận nhiều ƯU ĐÃI của chương trình tại: 

Mọi thắc mắc liên quan đến khóa học, phụ huynh và học sinh vui lòng liên hệ cho HOCMAI qua hotline 0936 58 58 12 để được tư vấn nhanh chóng và miễn phí!