Trọng tâm kiến thức Ngữ văn 8 học kì 1: Ôn tập truyện Việt Nam từ năm 1930 – 1945

0
10894

Các văn bản truyện Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám là phần kiến thức quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 8 và thường gặp trong các đề thi tuyển sinh vào lớp 10. 

4 tác phẩm truyện Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945 có trong chương trình gồm: Tôi đi học, truyện ký Trong lòng mẹ, đoạn trích Tức nước vỡ bờ trong tiểu thuyết Tắt đèn và truyện ngắn Lão Hạc. Nhìn chung, các văn bản này thuộc thể loại tự sự với hai dòng nội dung chính, vừa phản ánh hiện thực tàn khốc của xã hội nhưng cũng thể hiện tính nhân đạo, lòng yêu thương giữa con người với nhau. 

Nhằm giúp học sinh nắm chắc nội dung trọng tâm nêu trên, cô Nguyễn Thị Thu Trang (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) lưu ý các bạn một số điểm cần nhớ dưới đây. 

Cô Nguyễn Thị Thu Trang hệ thống lại kiến thức nội dung các tác phẩm truyện Việt Nam từ năm 1930 – 1945. 

Nỗi bất hạnh của một kiếp người 

Trong xã hội phong kiến nửa thực dân, con người sống lay lắt cùng sự cực khổ và bế tắc. Họ là người nông dân nghèo túng nhưng giàu lòng tự trọng mà tiêu biểu là nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Đó có thể là những người phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh, đáng thương với sức mạnh phản kháng tiềm tàng như chị Dậu ở đoạn trích Tức nước vỡ bờ. 

Lão Hạc – một người nông dân chất phác, hiền lành vốn góa vợ và có một đứa con trai nhưng vì quá nghèo nên không thể lo cho con một cuộc sống hạnh phúc. Người con trai lão do quẫn trí bỏ nhà đã đi làm ở đồn điền cao su. Lão Hạc sống thui thủi một mình bằng nghề làm vườn, mảnh vườn mà vợ lão đã mất bao công sức để mua về và để lại cho cậu con trai. Thế nhưng thiên nhiên không thuận ý người. Một trận bão quét qua làng mà cả một sào hoa màu đã mất trắng. Cộng thêm một trận ốm nên bao nhiêu tiền bạc lão dành dụm đã mang ra dùng gần hết. Sống cùng lão là một con chó tên cậu Vàng – một con vật mà lão vừa coi như con, vừa coi như một người bạn trung thành. 

Nhân vật Lão Hạc chính là hiện thân của phận người trong xã hội phong kiến nửa thực dân: một người nông dân nghèo túng nhưng giàu lòng tự trọng. Ảnh minh họa.

Nhưng bởi cần tiền để lo cho con trai nên lão đã quyết định bán con chó đi. Lão đã dằn vặt bản thân mình khi mang một “tội lỗi” là đã nỡ tâm “lừa một con chó”Để rồi lão tự dành tiền cho đám ma của chính mình nhằm không làm phiền đến hàng xóm láng giềng. Lão đã chọn một cái chết bằng bả chó, một cái chết dữ dội và đau đớn để giải thoát sau bao tháng ngày cùng cực, đau khổ: Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Dân làng chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy, chỉ có ông giáo và Binh Tư là hiểu. 

Ngoài lão Hạc, người ta còn chứng kiến sự khốn cùng của những phận người qua nhân vật chị Dậu ở đoạn trích Tức nước vỡ bờ. Bằng lối khắc họa nhân vật và miêu tả hiện thực một cách chân thực và sống động, đoạn trích thể hiện lên tiếng tố cáo tội ác của chế độ phong kiến nửa thực dân, đồng thời ca ngợi tâm hồn, sức sống tiềm tàng, phản kháng mạnh mẽ của chị Dậu. 

Gia đình chị Dậu là một gia đình nghèo khó sống ở thôn Đoài. Đến ngày sưu thuế thì chị phải chạy vạy khắp nơi để đóng thuế sưu cho anh Dậu. Vì đóng sưu chậm nên anh Dậu bị điệu ra đình và bị cai lệ đánh như chết đi sống lại. Ngày sau chúng trả anh về cho chị Dậu, thấy chồng bị đánh đập chị Dậu lo kiếm bát cháo cho anh ăn đỡ đói. Chị Dậu bưng bát cháo đến bên chồng “Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột”. Anh Dậu mới để bát cháo đến miệng thì cai lệ và người nhà lí trưởng lại ập đến thúc sưu. Bọn chúng mặt hằm hè đằng đằng sát khí vào nhà chị đòi thêm tiền sưu của chú Hợi đã chết từ lâu. 

Túng quá chị Dậu không đủ tiền đóng đành năn nỉ chúng. Chúng không những không cho khất còn xông tới đòi đánh anh Dậu. Thương chồng và chịu không nổi cái tính của bọn cai lệ chị Dậu liều mạng đánh chúng một trận tả tơi với lời khẳng định đanh thép: Thà ngồi tù. Để cho chúng làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được.

Có thể nói rằng, ngoài việc nhận thấy hiện thực tồi tệ của xã hội thời bấy giờ, người đọc còn cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn cũng như phẩm chất đáng trân trọng của con người sống trong thời kỳ này. Dù cho rơi vào hoàn cảnh khó khăn nào, họ vẫn luôn giàu lòng tự trọng và tiềm ẩn một sức mạnh phản kháng mãnh liệt. 

Những xúc cảm nhẹ nhàng trong cuộc sống đời thường 

Bên cạnh phản ánh thực trạng xã hội, các tác phẩm truyện Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 còn nói lên nét đẹp về mặt tình cảm, cảm xúc của con người trong cuộc sống bình thường như tình mẫu tử, hay ký ức về tuổi thơ trong sáng, lòng nhân ái. Qua đó thấy được tấm lòng yêu thương con người của nhà văn, sự đồng cảm sẻ chia với các số phận con người. 

Mở đầu là nhân vật tôi trong tác phẩm Tôi đi học của Thanh Tịnh. Với điểm nhìn trẻ thơ, hồn nhiên, trong sáng cùng việc sử dụng nhuần nhuyễn kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm, câu chuyện nói về những những kỷ niệm buổi tựu trường ngày đầu tiên của nhân vật. Sau bao nhiêu năm, tác giả – là cậu bé ngày xưa vẫn nhớ như in: Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.

Trên con đường ấy, tâm trạng bồi hồi cùng cảm giác mới mẻ của cậu bé được tác giả miêu tả rất tinh tế: Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ… cảnh vật chung quanh đều thay đổi. Cậu bé đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của sự lạ lùng ấy: vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học. Cậu bé không chỉ thấy sự thay đổi của khung cảnh bên ngoài mà còn thấy cả sự thay đổi lớn lao trong con người mình. 

Bước tới cổng trường, trước mắt cậu là cả một thế giới mới mẻ, lạ lùng. Cậu bé bỗng cảm thấy sợ hãi khi sắp phải rời bàn tay dịu dàng của mẹ. Biết bao cảm xúc đan xen trong lòng, ngỡ ngàng nhưng cũng tràn đầy tự tin, cậu bé nghiêm trang bước vào giờ học đầu tiên của đời mình: Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần đọc: Bài viết tập: Tôi đi học.

Cũng nói về tình cảm gia đình, tác phẩm Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng – Nội dung chủ yếu: tình yêu thương mẹ sâu sắc và niềm hạnh phúc vỡ òa khi được ở trong lòng mẹ. Nguyên Hồng mở đầu tác phẩm bằng cách kể nhẹ nhàng nhưng đầy chua xót: Tôi đã bỏ đi cái khăn tang bằng vải màn ở trên đầu đi rồi. Không phải đoạn tang thầy tôi mà vì tôi mới mua được cái mũ trắng và quấn băng đen. Gần đến ngày giỗ đầu thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hóa vẫn chưa về”. Bé Hồng là kết quả của cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cha mất sớm, mẹ vì cùng túng phải đi tha phương cầu thực. Những hủ tục phong kiến đã đẩy mẹ cậu phải rơi vào bước đường cùng. Hồng sống trong sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của bà cô. Dù xa mẹ nhưng cậu luôn nhớ và yêu thương mẹ, khao khát có ngày được gặp lại mẹ. Tình yêu thương đó được thể hiện trong cuộc đối thoại với bà cô và khi bất ngờ được gặp lại mẹ. 

Chỉ một tiếng gọi “Mợ! Mợ! Mợ ơi” khi thấy một người đàn bà giống mẹ thì tình yêu trong bé chực trào ra. Yêu thương lâu nay bị kìm nén giờ đây có dịp bật ra thành tiếng. Tiếng gọi ấy khiến người đọc đứt từng khúc ruột, cay đến sống mũi. Khoảnh khắc cậu được sà vào lòng mẹ thật cảm động, để người ta hiểu rằng điều khiến trái tim con người được an ủi vỗ về chính là tình cảm những người trong gia đình dành cho nhau đáng quý biết bao. 

Trên đây là những kiến thức trọng tâm phần văn học Việt Nam giai đoạn từ năm 1930 – 1945. Để theo dõi đầy đủ bài giảng môn Ngữ văn cũng như các môn học, quý phụ huynh và học sinh nhanh tay ĐĂNG KÝ chương trình HỌC TỐT để được tư vấn và HỌC THỬ MIỄN PHÍ ngay hôm nay.