Cô Nguyễn Thị Thu Trang hệ thống lại kiến thức cơ bản phần từ tượng thanh, từ tượng hình 

0
13073

“Từ tượng thanh, từ tượng hình” là một trong những kiến thức phần Tiếng Việt lớp 8 có tính chất nền tảng, quan trọng, xuyên suốt năm học. Đồng thời, nó có liên quan mật thiết đến chương trình Ngữ văn lớp 9 và thường xuất hiện trong đề thi tuyển sinh vào 10.

Do vậy, để ghi điểm ở dạng bài tập này, cô Nguyễn Thị Thu Trang (Giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) hướng dẫn nhanh các lý thuyết cần nhớ giúp học sinh vận dụng chúng một cách tốt nhất vào bài tập. 

Với mỗi hình thức của từ, học sinh cần nắm chắc khái niệm và một số lưu ý dưới đây. 

Thế nào là từ tượng thanh, từ tượng hình? 

– Từ tượng thanh là những từ mô phỏng âm thanh (âm thanh ở đây có thể của tự nhiên, con người và từ động vật)

Ví dụ 1: 

+ Tiếng mưa rơi: lộp bộp, ào ào, rào rào, tí tách;  tiếng gió: xào xạc, lao xao 

+ Tiếng nước chảy: ồng ộc, róc rách, ồ ồ, rào rào. 

+ Tiếng gió thổi: ào ào, xào xạc, vi vu, rì rào.

+Tiếng chân người đi: thình thịch, bành bạch, lạch bạch, loẹt quẹt.

+ Tiếng chim kêu: chiêm chiếp, líu lo, ríu rít, quang quác.

– Từ tượng hình: là những từ gợi tả hình dáng, ngoại hình của người, của vật…

Ví dụ 2: 

+ Từ gợi tả dáng vẻ của người: lom khom, thướt tha, bệ vệ, đủng đỉnh, lòng khòng, thất thểu, tập tễnh.

+ Từ gợi tả dáng dấp của sự vật: lè tè, chót vót, ngoằn ngoèo, thăm thẳm, mênh mông, nhấp nhô, khấp khểnh.

+ Từ gợi tả màu sắc: chon chót, bềnh bệch, sặc sỡ, chói chang.

Sử dụng từ tượng thanh, từ tượng hình giúp cho việc miêu tả sống động 

Việc sử dụng từ tượng thanh, từ tượng hình sẽ làm tăng tính biểu cảm của ngôn ngữ, làm cho việc miêu tả trở nên cụ thể và sinh động hơn. Khi  sử dụng chúng trong văn miêu tả và tự sự, từ tượng hình và từ tượng thanh góp phần làm cho cảnh vật, con người hiện ra tự nhiên với nhiều dáng vẻ, cử chỉ, âm thanh, màu sắc và tâm trạng khác nhau. 

Ví dụ 3: Tìm từ tượng thanh và tượng hình trong bài thơ “Qua đèo ngang” của Bà Huyện Thanh Quan và nêu ý nghĩa của chúng: 

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông rợ mấy nhà.

Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia.

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Câu trả lời tham khảo: 

– Trong bài thơ trên, từ tượng thanh gồm: quốc quốc, gia gia. 

– Từ tượng hình gồm: lom khom, lác đác. 

Việc tác giả sử dụng từ tượng hình gợi cho người đọc hình dung ra trong ánh hoàng hôn lạnh lẽo, mấy người tiều phu đang đốn củi, mấy quán chợ liêu xiêu trong gió. Đảo ngữ đưa hai từ láy cũng chính là từ tượng hình “lom khom”“lác đác” lên đầu câu nhằm nhấn mạnh thêm sự u hoài ở đây. Nhà thơ vốn đi tìm một sự sống nhưng cái mà tác giả nhìn thấy lại là cảnh vật héo hắt, buồn bã hơn, xa vắng hơn. Trong sự hiu quạnh đó, bỗng nhiên văng vẳng lên tiếng kêu đều đều, man mác của loài chim quốc quốc, chim gia gia trong bóng hoàng hôn đang buông xuống. Âm thanh quen thuộc của tiếng chim kêu khiến nỗi nhớ nước, thương nhà của nhân vật trữ tình ngày một da diết.

Một số lưu ý quan trọng học sinh cần chú ý 

Đa số những từ tượng thanh và từ tượng hình đều là từ láy. Tuy nhiên, không phải từ láy nào cũng là từ tượng thanh và từ tượng hình. Thêm vào đó, sẽ có những từ không phải từ láy nhưng có giá trị miêu tả và biểu cảm như từ tượng thanh và từ tượng hình. 

Ví dụ:

Đoạn văn miêu tả tâm trạng đau khổ, sự tuyệt vọng của Lão Hạc khi bán cậu Vàng (trích trong tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao) : “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”. 

Tìm hiểu chi tiết tác phẩm xem tại: Soạn bài Lão Hạc

Có thể thấy từ “co rúm lại” có ý nghĩa về mặt hình ảnh. Nó gợi lên cho người đọc gương mặt người đàn ông khắc khổ nhàu nhĩ. Mặc dù đó không phải là từ láy nhưng vẫn làm cho việc miêu tả tâm trạng lão Hạc trở nên cụ thể hơn. 

Một điểm cần lưu tâm nữa là khi học sinh vận dụng từ tượng thanh, từ tượng hình trong đặt câu và viết văn thì tránh lạm dụng chúng mà phải sử dụng sao cho phù hợp với ngữ cảnh. 

Trên đây là hệ thống lý thuyết và ví dụ tóm tắt về kiến thức “Từ tượng thanh, từ tượng hình”. Để chuẩn bị tốt nhất cho chương trình Ngữ văn cũng như các môn học lớp 8, quý phụ huynh và học sinh quan tâm đừng quên đăng ký Chương trình Học tốt 2020 – 2021 ngay hôm nay để được nhận tư vấn HỌC THỬ MIỄN PHÍ nhé.

Chương trình Học tốt 2020 – 2021 của HOCMAI gồm 2 khóa học là Trang bị kiến thứcÔn luyện với sự giảng dạy của các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm và luôn biết cách truyền cảm hứng học tập cho các con. Các bài giảng được thiết kế phần lý thuyết đan xen bài tập tự luyện giúp các con vừa nắm vững lý thuyết vừa biết cách làm bài tốt nhất. Các con sẽ có nền tảng kiến thức vững chắc của năm sau để tự tin chinh phục mọi bài kiểm tra và cải thiện điểm số trong năm học mới.