Cần làm gì khi con vừa vào cấp 2 đã bị bắt nạt?

0
5206

Lớp 6 là giai đoạn chuyển cấp quan trọng của trẻ. Từ anh chị cả lớn nhất trường, các con trở thành những học sinh nhỏ tuổi nhất. Một vài học sinh chưa kịp bắt nhịp với trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới rất dễ trở thành mục tiêu bị bắt nạt bởi những đứa trẻ lớn hơn. 

Nếu phụ huynh không kịp thời phát hiện, con sẽ trở nên tự ti, sợ đến trường, kết quả học tập giảm sút, lâu dần có thể dẫn tới trầm cảm và rất nhiều hậu quả khôn lường. Do đó, để có thể bảo vệ con, hạn chế tình trạng bạo lực học đường đang xuất hiện tràn lan, cha mẹ hãy lưu ý:

Phát hiện sớm tình trạng của con 

Khi bị bắt nạt, học sinh thường sợ sệt, không dám nói với bố mẹ hoặc thầy cô vì lo bị tẩy chay hay trả thù. Vì thế, cha mẹ cần nắm được tình trạng của con khi bị bắt nạt thông qua những dấu hiệu như sau:

  • Xuất hiện các vết thương không rõ nguyên nhân: Khi đi học, việc con vô tình gặp phải các tai nạn nhỏ và bị thương là điều không hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu cha mẹ cảm thấy đứa trẻ có xu hướng không trung thực về nguyên nhân gây nên các vết bầm tím, cào cấu trên cơ thể mình, hãy liên hệ ngay với giáo viên để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang xuất hiên tràn lan

  • Bỗng dưng sợ đi học: Phụ huynh hãy để ý đến những lần con viện cớ muốn ở nhà, ví dụ như nhức mỏi hay đau đớn, hoặc khi phòng y tế trường thường xuyên gọi điện gọi bố mẹ tới đón con sớm. Điều này có thể cho thấy đứa trẻ đang cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi đến trường nên tìm cách trốn tránh.
  • Thay đổi thói quen ăn uống: Với nhiều học sinh học bán trú và ăn trưa ở trường, việc bỗng nhiên ăn quá nhiều vào buổi tối sau khi tan học cũng là một biểu hiện lạ. Có thể là con đã phải bỏ bữa trưa vì bị bạn bè xấu làm phiền hoặc dọa dẫm. Cha mẹ hãy để ý từng chi tiết nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày của con, điều đó không bao giờ là thừa!
  • Khó ngủ và thường xuyên gặp ác mộng: Rất nhiều học sinh thức khuya vào buổi tối do mải mê lướt mạng xã hội hoặc giải quyết bài tập về nhà. Tuy nhiên, nếu con thực sự gặp vấn đề về giấc ngủ, người hay mệt mỏi, gặp ác mộng, rất có thể là do áp lực, căng thẳng từ việc bị bắt nạt. 
  • Không muốn tiếp xúc với người khác: Trong một vài trường hợp, trẻ bị bắt nạt sẽ có triệu chứng gay gắt với anh chị em hoặc những đứa trẻ khác do ám ảnh bị bắt nạt. Trẻ trở nên tự ti, rụt rè và không muốn giao tiếp, nói chuyện với bất kỳ ai.
  • Có hành vi tự huỷ hoại bản thân: Trốn khỏi nhà, tự làm bản thân bị thương hay thậm chí là đề cập đến việc tự sát là những dấu hiệu đáng “báo động” của một đứa trẻ đang bị bắt nạt. Cha mẹ đừng nên bỏ qua vì nghĩ đó là tâm lý thất thường của tuổi mới lớn! 

Làm gì khi phát hiện ra con mình bị bắt nạt?

Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể trở thành “nạn nhân” của bạo lực học đường. Vậy nên, khi phát hiện ra con mình bị bắt nạt, cha mẹ cần:

Trước hết, phụ huynh phải tìm cách lắng nghe, nói chuyện một cách nhẹ nhàng và đầy cảm thông với con. Cha mẹ hãy giúp trẻ biết rằng chúng ta hiểu cảm giác đau khổ mà trẻ đang trải qua, giải thích cho trẻ nguyên nhân của sự việc không phải lỗi do con, không việc gì con phải tự ti và xấu hổ về bản thân mình. Phụ huynh có thể khuyến khích, động viên trẻ cảm thấy tự hào về chính mình, nghĩ đến điểm mạnh của mình thay vì những lời mỉa mai, trêu chọc đầy ác ý.

Cha mẹ hãy dành thời gian lắng nghe con…

Bên cạnh đó, cha mẹ nên dạy con thực hành những cách đối phó và phòng ngừa với căng thẳng, sợ hãi. Hãy giúp trẻ cảm thấy vững vàng hơn, không bị choáng ngợp và sốc sau khi bị bắt nạt. Thiền định, tập thể dục, tham gia những lớp nghệ thuật, nói chuyện tích cực, thư giãn cơ thể và các bài tập nhịp thở là những cách tốt nhất để giúp con quản lý căng thẳng.

Phụ huynh có thể tìm cách cho con tăng các mối quan hệ xã hội để không còn bị cô lập. Cách hoà mình vào tập thể, cách kết bạn, tự tin giao tiếp với mọi người xung quanh là những kỹ năng rất quan trọng mà cha mẹ cần trực tiếp dạy bảo con.

Cuối cùng, cha mẹ hãy cho trẻ học thêm lớp võ tự vệ để con có thể chủ động thoát thân trong những trường hợp nguy hiểm. Tuy nhiên, nên dặn con chỉ dùng võ để tự vệ chứ không được dùng để bắt nạt kẻ yếu. Đừng tiếp tục biến người khác thành nạn nhân của mình!

Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về tâm- sinh lý tuổi dậy thì cũng như cách thức đồng hành cùng con trong giai đoạn này, cha mẹ hãy theo dõi ngay Talkshow “Trò chuyện cùng chuyên gia- Tất tần tật về tuổi dậy thì” do HOCMAI tổ chức với sự tham gia của cô Nguyễn Thị Nga (Nga Sinh)- Chuyên gia giáo dục tâm lý tuổi dậy thì và cô Phạm Thị Thúy Ngọc- Phó Hiệu trưởng trường THCS Trung Tú (Hà Nội), một giáo viên nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy các em ở lứa tuổi dậy thì, đồng thời là một phụ huynh có con đang trong độ tuổi này. Chương trình được phát sóng trực tiếp vào 20h00 ngày 29/12/2020 trên hệ thống fanpage Hocmai Tiểu học, Hocmai THCS. Quý phụ huynh đừng bỏ lỡ!

>> GỬI CÂU HỎI VỀ CHƯƠNG TRÌNH TẠI

https://hocmai.link/giai-dap-ve-tuoi-day-thi <<