Những điều chưa kể về nghề…giáo viên online

0
10299

Dạy học kiểu công nghệ đòi hỏi sự công phu và nó khiến giáo viên online chịu không ít áp lực bởi mỗi video khi xuất bản lên mạng có thể nhận hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem. Mỗi video như vậy giống như một tập phim, trong đó người giáo viên phải đảm nhiệm tất cả các công việc của đạo diễn, biên kịch, diễn viên. Tập phim ấy phải thật lôi cuốn và chính xác về nội dung chuyên môn. Đằng sau đó còn là sự hỗ trợ của cả một tập thể từ người quay phim, biên tập đến kỹ thuật dựng…

Hơn 10 năm gắn bó với nghề dạy học và đi theo con đường “gõ đầu trẻ qua mạng” từ năm 2007, thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên online tại Hà Nội) có những chia sẻ về nghề nghiệp thú vị nhưng cũng không ít gian nan này. 

Thầy Nguyễn Phi Hùng (bên trái) thời còn là học sinh đã ngưỡng mộ các thầy cô giáo và cũng muốn một lần được đứng trên bục giảng. 

Quyết định bất ngờ khi bén duyên với nghề giáo viên online 

Trước ngưỡng cửa đại học với muôn vàn nghề nghiệp để lựa chọn, thầy Nguyễn Phi Hùng khi đó còn là cậu học sinh lớp 12 đã chọn nghề giáo thay vì trở thành luật sư như dự định ban đầu. Ngay từ khi ngồi ghế trường phổ thông, thầy Hùng đã ngưỡng mộ các thầy cô giáo và cũng muốn một lần được được đứng trên bục giảng để truyền đạt những kiến thức bổ ích tới học sinh. Ước mơ ấy đã tiếp thêm sức mạnh để cậu học trò chinh phục cánh cửa khoa Sư phạm Ngữ văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cầm tấm bằng loại giỏi trên tay sau khi tốt nghiệp, giữa nhiều nơi công tác khác nhau, thầy giáo trẻ Nguyễn Phi Hùng đã đưa ra một quyết định khá bất ngờ khi lựa chọn làm việc tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI – một đơn vị giáo dục trực tuyến vừa mới thành lập ở thời điểm đó. Đây cũng là bước ngoặt quyết định khoảng thời gian gắn bó hơn 10 năm với nghề gõ đầu trẻ online với nhiều kỷ niệm. Thầy Hùng chia sẻ: Thời điểm đó, mình nhận thấy sự phát triển của công nghệ thông tin ứng dụng vào việc dạy và học khá hiệu quả. Hơn nữa, khi dạy học online, mình có thể truyền tải kiến thức đến hàng nghìn, thậm chí hàng triệu học sinh ở mọi miền tổ quốc. Đó cũng là lý do khiến mình hiện giờ vẫn gắn bó với “nghiệp” dạy học online bên cạnh việc đi dạy trên trường”

Dạy học online là cả một nghệ thuật 

Theo thầy Hùng, dạy học offline đã khó, dạy online còn khó hơn rất nhiều. Người giáo viên khi ấy không chỉ đóng vai trò một người thầy mà còn là một nghệ sĩ thực thụ. Họ phải “diễn” với chiếc máy quay trong phòng ghi hình, tưởng tượng trước mắt là học sinh. Chưa kể những lần đầu tiếp xúc với ống kính thì tâm lý căng thẳng trước khi “lên lớp” là điều khó tránh khỏi, thậm chí giáo viên còn bị “vấp” khi giảng bài dẫn đến việc phải ghi bài giảng nhiều lần. Tuy nhiên là một giáo viên dạy Văn, thầy Hùng lại có những lợi thế riêng. Thầy giáo trẻ cười tâm sự: “Chắc là do mình dạy môn Văn nên mình dễ tưởng tượng. Chính vì vậy mà mình thoải mái với máy quay. Trước khi làm giáo viên, mình có 3 năm đứng sau ống kính và làm nhiệm vụ…xóa bảng hỗ trợ giáo viên nữa rồi”. 

Trong quá trình dạy học online, thầy Hùng cảm thấy vui vì không chỉ mang kiến thức, kinh nghiệm tích lũy của mình đến một cộng đồng học sinh nhỏ hẹp mà nó còn đến được với rất nhiều học sinh trên cả nước, kể cả những vùng xa xôi – điều mà phương pháp dạy truyền thống không có được. Nhiều tin nhắn cảm ơn, báo tin vui về kết quả học tập từ cả các bậc cha mẹ và học sinh khiến thầy có thêm động lực, làm việc tập trung không ngừng nghỉ để có những bài giảng chất lượng hơn nữa.

Với thầy Hùng, nhiều tin nhắn cảm ơn, báo tin vui về kết quả học tập từ cả các bậc cha mẹ và học sinh khiến thầy có thêm động lực, làm việc tập trung không ngừng nghỉ để có những bài giảng chất lượng hơn nữa. 

Ngoài ra, khi làm thầy giáo online, thầy gặp nhiều bạn học sinh với những cá tính khác nhau, có những bạn rất hiếu học. “Điều này càng làm cho mình suy nghĩ phải cố gắng nhiều hơn để có các bài giảng hay và sinh động hơn nhằm giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức” – thầy Hùng cho biết thêm. 

Không chỉ vậy, thầy còn nhận được những chia sẻ từ các thầy cô giáo khác. Đó là điều quý giá thầy Hùng đã nhận được khi dạy online bởi khi ấy thầy được trao đổi với đồng nghiệp những điều mà trước đó thầy chỉ dạy theo quan điểm, góc nhìn của mình. “Dạy học online là một nghệ thuật, nó không chỉ đơn giản để truyền đạt kiến thức mà mình còn phải đáp ứng thông tin phù hợp cho hầu hết các đối tượng học sinh. Đó lại là một áp lực” – thầy Nguyễn Phi Hùng bày tỏ quan điểm. 

Luôn trăn trở về việc tự học của học sinh 

Làm thế nào để học sinh học tập hiệu quả hơn trong xu hướng công nghệ thông tin phát triển đi liền với yêu cầu đổi mới dạy học của nền giáo dục là điều thầy giáo 8x luôn canh cánh. Thầy cho rằng tự học là một trong những phương pháp học tập nòng cốt để học sinh đạt kết quả cao bên cạnh việc kèm cặp của thầy cô ở trên lớp. 

Với học sinh cấp bậc THCS, các em đã có khả năng tự học nhưng vẫn bị lệ thuộc vào phương pháp học tập truyền thống. Thực tế việc học của một số em diễn ra dưới tác động từ bên ngoài chứ không phải nhu cầu tự thân. Nhiều em học không phải vì niềm đam mê hứng thú để khám phá những kiến thức mới mà là học để ứng phó với các bài kiểm tra, các câu hỏi của thầy cô. Hơn nữa, quỹ thời gian cho các em tự học hiện nay ngày càng hạn hẹp: việc học tập đang phải cạnh tranh với thời gian vận động vui chơi, đi học thêm hay học kỹ năng sống…

Thầy Hùng cho rằng, nguyên nhân một phần của việc con không “mặn mà” với tự học là do sự giáo dục, hướng dẫn từ phía gia đình. Nhiều bố mẹ ý thức được tầm quan trọng con phải tự học, tuy nhiên lại bất lực vì không có cách giám sát và khuyến khích con. Ngoài ra, để đồng hành cùng con tự học rất khó vì bố mẹ còn bận rộn với công việc và không nắm chắc được đơn vị kiến thức sách giáo khoa để hướng dẫn con. Nhiều khi con tự học mà bố mẹ không biết con học ở tài liệu nào hay con tự học mà cho con lên mạng sẽ khó kiểm soát. Vậy nên, cha mẹ cần có công cụ hỗ trợ con trong việc học chứ không chỉ ở bên động viên, nhắc nhở trẻ. 

Để giải quyết vấn đề trên, thầy Hùng đưa ra lời khuyên, rằng các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho các con, cố gắng tìm các lời khuyên từ chuyên gia, mà gần gũi nhất là các thầy cô giáo, phối hợp chặt chẽ với các thầy cô giáo để nắm được tình hình của con mình, biết được chương trình học tập của con như thế nào và nhờ thầy cô tư vấn thêm. 

Bên cạnh đó, cha mẹ nên tìm các kênh hỗ trợ và phương pháp giáo dục trực tuyến là một trong số những lựa chọn đó. Nó hướng đến việc học chủ động và tích cực bên cạnh các cuốn sách tham khảo. Điều này giúp con được tiếp cận thêm nguồn kiến thức phong phú, những phong cách giảng dạy mới, cũng như có kênh hỗ trợ để con ôn tập kiến thức cũng như chủ động tìm hiểu kiến thức trước khi lên lớp. 

“Làm nhiều nghề khác nhau, nhưng đến giờ theo sư phạm vẫn là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời mình, vì mình thấy đi dạy học là giỏi nhất và mang lại cho mình nhiều niềm vui. Đó là điều níu giữ chân mình theo nghề lâu đến vậy”. Có lẽ bởi sống theo quan điểm đó mà đến giờ thầy Nguyễn Phi Hùng vẫn luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết để tìm tòi những điều hay, mới lạ giúp học sinh học tập ngày càng hiệu quả hơn nữa.