11 – 16 tuổi cha mẹ làm gì khi con hay nói dối và trộm tiền?

0
19570

Nói dối cha mẹ để trốn học đi chơi, lấy trộm tiền của cha mẹ để được bạn bè “nể trọng”… là những vấn đề đang xảy ra với nhiều gia đình có con trẻ trong độ tuổi dậy thì từ 11 – 16 tuổi khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu. Liệu có cách nào để giải quyết trường hợp này không?

 Với giai đoạn dậy thì sớm từ 11 – 16 tuổi của con trẻ, thì dạng hành vi lấy trộm tài sản của gia đình để thoả mãn nhu cầu cá nhân đang là vấn đề “đau đầu” xảy ra với nhiều gia đình.

Nói dối và trộm tiền là những vấn đề đang xảy ra với nhiều gia đình có con trẻ trong độ tuổi dậy thì từ 11 – 16 tuổi

Tuy nhiên, những hành vi này thực chất không hoàn toàn xuất phát từ tâm ý xấu của con. Tâm lý này có thể hình thành khi con xem những bộ phim, những trò chơi điện tử không phù hợp với lứa tuổi của chúng.Và phần nhiều, cũng là do con  đang trong độ tuổi muốn thử nghiệm cảm giác liều lĩnh hay nói đúng hơn là cảm giác của một người từng làm việc xấu. Đây cũng chính là nhu cầu muốn khẳng định mình và được thừa nhận của “tuổi dậy thì” mới lớn.

Bên cạnh đó, còn có các tác nhân khác làm nảy sinh tật xấu của trẻ như: trẻ sống trong môi trường người lớn hay nói dối, ăn cắp, gia đình quản lý đồng tiền lỏng lẻo…Từ đó chúng học theo và nghĩ ra những “chiêu trò” hòng thoát khỏi sự quản lý, kiểm soát của cha mẹ. Chẳng hạn như: Nói dối cha mẹ là đi học để trốn đi chơi với nhóm bạn, lấy trộm tiền của cha mẹ cho bạn bè để được chơi cùng nhóm và để được bạn bè “nể trọng”. Trong những trường hợp trên, phụ huynh cần làm 5 điều sau

  1. “Khoán” cho con những việc chúng có thể làm để tiếm tiền từ sức lao động của mình

Hãy bình tĩnh tìm hiểu động cơ nào mà con có những tật xấu đó. Có thể ở tuổi này trẻ thường lấy tiền, nói dối cha mẹ để có nhiều “chiến hữu” theo mình. Đây là biểu hiện sâu xa của tâm lý muốn khẳng định mình trong nhóm bạn, muốn được thừa nhận và tôn trọng của bạn bè cùng trang lứa và tự do làm những việc mình thích mà không chịu sự kiểm soát của cha mẹ, người thân.

Thay vì đưa tiền cho trẻ phụ vụ những nhu cầu đó, thì cha mẹ nên “khoán” những việc trẻ có khả năng làm để chúng dần hiểu rằng: để có đồng tiền thì phải chính từ mồ hôi, sức lao động mới có. Lúc này, cha mẹ có thể giao việc cho con làm rồi và thưởng bằng một số tiền nào đó không quá nhiều. Từ đó, khi lớn lên, con sẽ tự hiểu được giá trị của sức lao động.

  1. Không làm bẽ mặt con ở nơi công cộng

Khi phát hiện con trẻ trộm tiền hoặc nói dối, thay vì trách mắng, làm ầm ĩ hoặc làm bẽn mặt con ở nơi có nhiều người thì cha mẹ nên đưa con vào chỗ riêng, để phân tích cho con hiểu rằng, đây là hành động không tốt và rất đáng xấu hổ nếu để mọi người biết.

Đồng thời, không quên để cho con thấy hậu quả nếu cha mẹ phát hiện chuyện này một lần nữa, cũng cần nhấn mạnh rằng – cha mẹ không mong muốn điều ấy sẽ xảy ra nữa và tin rằng con sẽ làm được. Sau đó hãy khen, động viên con khi chúng thực hiện được những yêu cầu của mình.

  1.     Chủ động đề phòng

Cha mẹ phải tự đề phòng, tránh trường hợp “mỡ dâng miệng mèo”.

Cha mẹ hãy xem lại nơi mình cất giữ tiền bạc. Nếu thấy quá lỏng lẻo thì nên tìm cách khác làm sao để bảo đảm con bạn không thể “lấy trộm” kinh mình không có ở đó. Tránh trường hợp “mỡ dâng miệng mèo”.

  1.     Cho con được đi chơi vào những ngày nghỉ hay cuối tuần

Thường thì con trẻ nói dối vì cha mẹ quá khắt khe, luôn muốn kiểm soát nên chúng không làm sao được, đành nghĩ ra chuyện nói dối để thỏa mãn nhu cầu của mình. Tuy nhiên, điều phụ huynh có con ở độ tuổi này nên nhớ là con bạn đã lớn. Chúng cũng có nhu cầu giao tiếp, tâm sự với bạn bè ngoài gia đình. Thay vì cấm cản, khắt khe với con thì nên cho con được đi chơi vào những ngày nghỉ hay cuối tuần với một thời gian cố định do cha mẹ đặt ra.

  1.     Kích thích đam mê học tập của con

Cha mẹ nhiều khi quên rằng mình đang ứng xử và giáo dục một đứa trẻ “lớn” nên thường vẫn giữ tâm lý áp đặt con phải theo ý mình. Đơn giản nhất như việc học – là việc của con, nhưng nhiều phụ huynh lại can thiệp, sắp xếp từ việc học ở trường đến việc chọn các lớp học thêm.

Trong khi thực thế, tâm lý của những đứa trẻ cảm thấy chán nản với việc học đã sinh ra nhiều thói hư, tật xấu như: ăn trộm, nói dối…là vì phụ huynh có thường “sắp đặt” cho con học tràn lan, môn nào cũng học mà không hề biết con đang mạnh ở đâu – yếu ở điểm nào, lâu dần làm “thui chột” niềm đam mê của con với sự học. Để đến việc khi ra ngoài xã hội – con cảm thấy bị lôi cuốn bởi những điều mới lạ hơn cách học kiểu truyền thống, gò bó, mất kiểm soát.

Với tính cách “hiếu thắng” của một đứa trẻ mới lớn các con sẽ chỉ chủ động khám phá kiến thức trên một tầm cao mới, khi chúng thấy mình được khen ngợi và phát triển trong một lĩnh vực nhất định nào đó. Vì thế, phụ huynh hãy để con tự biết mình có sở trường về khối học nào, bản thân chúng cũng muốn phát triển về những môn học nào? (khối tự nhiên hay khối xã hội). Từ đó, cùng con xây dựng kế hoạch và lựa chọn phương pháp học phù hợp với năng lực hiện tại, điều đó sẽ kích thích được sự tò mò, đam mê học trong con.

Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về tâm- sinh lý tuổi dậy thì cũng như cách thức đồng hành cùng con trong giai đoạn này, cha mẹ hãy theo dõi ngay Talkshow “Trò chuyện cùng chuyên gia- Tất tần tật về tuổi dậy thì” do HOCMAI tổ chức với sự tham gia của cô Nguyễn Thị Nga (Nga Sinh)- Chuyên gia giáo dục tâm lý tuổi dậy thì và cô Phạm Thị Thúy Ngọc- Phó Hiệu trưởng trường THCS Trung Tú (Hà Nội), một giáo viên nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy các em ở lứa tuổi dậy thì, đồng thời là một phụ huynh có con đang trong độ tuổi này. Chương trình được phát sóng trực tiếp vào 20h00 ngày 29/12/2020 trên hệ thống fanpage Hocmai Tiểu học, Hocmai THCS. Quý phụ huynh đừng bỏ lỡ!

>> GỬI CÂU HỎI VỀ CHƯƠNG TRÌNH TẠI

https://hocmai.link/giai-dap-ve-tuoi-day-thi <<