Ôn tập học kì I môn Ngữ văn lớp 8: Chuyên đề biện pháp tu từ và câu

0
37705

Dạng bài tập về biện pháp tu từ và câu không khó trong đề thi môn Ngữ văn lớp 8 học kì I nhưng yêu cầu học sinh phải nắm thật chắc kiến thức cơ bản để đạt điểm tối đa. 

Nhằm giúp học sinh hệ thống hóa được kiến thức chuyên đề này, thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) điểm nhanh một số lý thuyết cần nhớ và 6 dạng bài tập thường gặp dưới đây. 

▶▶ Xem thêm: Dạng bài tự sự và thuyết minh môn Ngữ văn lớp 8 

Kiến thức cơ bản về biện pháp tu từ học kỳ I

Trong chương trình Ngữ văn lớp 8 học kì I, học sinh học hai biện pháp tu từ là nói giảm nói tránh và nói quá. Nói giảm nói tránh là biện pháp biểu đạt một cách tế nhị, nhẹ nhàng giảm đi cảm giác ghê sợ, đau buồn, thiếu văn hóa đối với người đọc, người nghe. Còn nói quá là biện pháp tu từ nhằm phóng đại, khoa trương sự việc. Điều này giúp tạo ra sự nổi bật, ấn tượng của vấn đề với người đọc, người nghe.

Thầy Nguyễn Phi Hùng hướng dẫn học sinh ôn tập học kì 1 phần tiếng Việt môn Ngữ văn lớp 8 chuyên đề biện pháp tu từ và câu.

2 dạng bài tập thường gặp chuyên đề biện pháp tu từ 

Dạng 1: Tìm các thành ngữ dùng phép nói quá, đồng thời đặt câu với các thành ngữ đó

Một số thành ngữ dùng phép nói quá: Ngủ say như chết, ăn như rồng cuốn, lòng đau như cắt, gan vàng dạ đá, chân cứng đá mềm…Để đặt câu đúng với các thành ngữ đó, học sinh cần phải hiểu được nội dung, ý nghĩa của nó và đưa vào ngữ cảnh nhất định. 

Dạng 2: Xác định và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ

Ví dụ 1: Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu ca dao: “Làm trai cho đáng nên trai/ Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng”. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nói quá trong câu “khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng” để nhấn mạnh, phê phán, châm chọc sự yếu đuối, sự lười biếng của chàng trai. 

Ví dụ 2: Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu. Biện pháp tu từ nói quá: “tấc đất” mà có giá trị như “tấc vàng” nhằm khẳng định sự quý giá của đất đai, kêu gọi mọi người hãy biết sử dụng đất hợp lý. 

Ví dụ 3: Bác Dương thôi đã thôi rồi/ Nước mây ngan ngát ngậm ngùi lòng ta (Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến). Tác giả sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh “thôi” nghĩa là đã chết, để giảm đi cảm giác mất mát đau thương khi người bạn thân của mình đã qua đời. 

Kiến thức cơ bản về câu

Ở phần này, học sinh cần nắm được các nội dung về câu ghép và dấu câu. 

Câu ghép có thể hiểu là câu do nhiều vế câu ghép lại. Mỗi vế câu có cấu tạo giống một câu đơn (câu có đầy đủ một cụm chủ – vị), đồng thời thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của các câu khác. Có 2 cách để nối các vế của câu ghép là dùng từ nối hoặc dấu câu. 

Về dấu câu, để làm tốt dạng bài này, học sinh cần nhớ tác dụng của từng dấu câu (dấu phẩy, dấu ngoặc đơn và ngoặc kép) và các lỗi về dấu câu như thừa, thiếu dấu câu, đặt dấu câu khi câu chưa kết thúc. 

4 dạng bài tập về câu

Dạng 1: Xác định và phân tích thành phần của các câu ghép 

Ví dụ xác định câu ghép trong đoạn văn: Tôi lắng nghe tiếng hai cây phong rì rào, tim đập rộn ràng vì thảng thốt và vui sướng, rồi trong tiếng xào xạc không ngớt ấy, tôi cố tình hình dung ra những miền xa lạ kia. Thuở ấy có một điều tôi chưa hề nghĩ đến: ai là người trồng hai cây phong trên đồi này? Người vô danh ấy có đã ước mơ gì, đã nói những gì khi vùi hai gốc cây xuống đất, người ấy đã ấp ủ những niềm hi vọng gì khi vun xới chúng nơi đây, trên đỉnh đồi cao này? 

Câu 1: Tôi lắng nghe tiếng hai cây phong rì rào, tim đập rộn ràng vì thảng thốt và vui sướng, rồi trong tiếng xào xạc không ngớt ấy, tôi cố tình hình dung ra những miền xa lạ kia. Đây là câu ghép có 3 vế câu và chúng được ngăn cách với nhau bằng dấu phẩy và quan hệ từ “rồi”. 

Câu 2: Thuở ấy có một điều tôi chưa hề nghĩ đến: ai là người trồng hai cây phong trên đồi này? Đây là câu ghép có 2 vế được nối với nhau bởi dấu hai chấm. Quan hệ giữa hai vế là quan hệ giải thích. 

Câu 3: Người vô danh ấy có đã ước mơ gì, đã nói những gì khi vùi hai gốc cây xuống đất, người ấy đã ấp ủ những niềm hi vọng gì khi vun xới chúng nơi đây, trên đỉnh đồi cao này? Đây là câu ghép với 2 vế câu và được phân cách với nhau bởi dấu phẩy. 

Dạng 2: Đặt câu ghép theo yêu cầu 

Yêu cầu 1: Các vế câu câu được nối với nhau bằng dấu phẩy. 

Trời mưa, đường lầy lội. 

Yêu cầu 2: Các vế câu câu được nối với nhau bằng quan hệ từ chỉ mối quan hệ nhân – quả (vì, nên, tại, do…)

Cây cối nghiêng đổ trận bão đổ bộ vào đêm qua. 

Yêu cầu 3: Các vế câu câu được nối với nhau bằng quan hệ từ biểu thị quan hệ đồng thời. 

Em làm Toán, còn Lan làm Văn. 

Yêu cầu 4: Các vế câu có quan hệ bổ sung 

Các em cần đi học đúng giờ, ngoài ra các em hãy nhớ mặc đồng phục ngày đầu tuần. 

Yêu cầu 5: Các vế câu câu được nối với nhau bằng quan hệ từ biểu thị quan hệ tăng tiến. 

Tuy Hải phải đi bộ đến trường nhưng cậu ấy chưa bao giờ đi học muộn. 

Yêu cầu 6: Các vế câu câu được nối với nhau bằng quan hệ từ biểu thị quan hệ giả thiết – kết quả.

Nếu chủ nhật này trời đẹp thì chúng tôi sẽ ra công viên đá bóng. 

Yêu cầu 7: Các vế câu câu được nối với nhau bằng cặp từ hô ứng

Đêm càng khuya, đường phố càng vắng người. 

Dạng 3: Điền dấu câu cho câu văn, đoạn văn đã bị lược bỏ hết dấu câu. 

Đoạn văn có thể nằm trong hoặc ngoài sách giáo khoa nên học sinh cần khái quát được tác dụng cơ bản của từng dấu câu để điền sao cho hợp lý.

Dạng 4: Chữa các lỗi về dấu câu 

Ví dụ 1: Cơ quan an ninh đang điều tra xem trước giải phóng ông làm gì? Ở đâu?

Đây là câu trần thuật nên không dùng dấu chấm hỏi. Câu sửa lại thành: Cơ quan an ninh đang điều tra xem trước giải phóng ông làm gì, ở đâu. 

Ví dụ 2: Bây giờ tôi hiểu tại sao lão không bán mảnh vườn ấy? Mặc dù lão rất cần tiền!

Đây là câu trần thuật nên không dùng dấu chấm hỏi và dấu chấm than. Ta dùng dấu chấm đơn thuần. Câu sửa lại thành: Bây giờ tôi hiểu tại sao lão không bán mảnh vườn ấy. Mặc dù lão rất cần tiền. 

Trên đây là tổng hợp các kiến thức phần Tiếng Việt chuyên đề câu và biện pháp tu từ trong chương trình Ngữ văn 8 học kì I. Thông qua những nội dung thầy Nguyễn Phi Hùng chia sẻ, hy vọng học sinh sẽ nắm chắc lý thuyết và các ví dụ minh họa để vận dụng làm bài tập dạng này một cách hiệu quả nhất. 

Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi học kì sắp tới, quý phụ huynh và học sinh có thể tham khảo CHƯƠNG TRÌNH HỌC TỐT 2021 – 2022 của HOCMAI. Các khóa học bao gồm đầy đủ các môn: Ngữ văn, Toán, Hóa học, Sinh học…và khái quát toàn bộ nội dung sách giáo khoa cùng trọng tâm kiến thức cần nhớ trong chương trình bên cạnh hệ thống bài tập tự luyện, bài kiểm tra định kỳ. 

Quý phụ huynh và học sinh quan tâm đừng quên để lại thông tin theo link dưới đây để được TƯ VẤN và HỌC THỬ MIỄN PHÍhttps://hocmai.link/Dat-diem-9-10-Nguvan-HKI