Ôn thi giữa học kỳ I Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 7 – Kết nối tri thức

0
1443

Kì thi giữa học kì I đang đến gần, để có thành tích tốt các môn, học sinh lớp 7 cần ôn tập ngay từ bây giờ. Nhằm giúp học sinh ôn tập môn Ngữ văn 7 hiệu quả, bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hệ thống lại kiến thức bài học trong nửa đầu học kỳ I môn Ngữ văn theo bộ sách Kết nối tri thức! Chúc các em học thật tốt Ngữ văn lớp 7!

I. Hệ thống kiến thức cần nhớ

1. Văn bản

Tác phẩm Chủ đề văn bản Nghệ thuật
Bầy chim chìa vôi, Nguyễn Quang Thiều – Những vẻ đẹp ngây thơ, trong sáng và tấm lòng nhân hậu của trẻ thơ.

– Bài học sâu sắc về tình yêu thương, lòng dũng cảm và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật: hai nhân vật Mên, Mon được xây dựng vừa mang những nét tính cách điển hình ở trẻ em (thơ ngây, hồn nhiên) vừa có những nét riêng đặc biệt (nhân hậu, dũng cảm). Tính cách các nhân vật được khắc họa rõ nét thông qua những lời đối thoại, hành động, cách ứng xử, cảm xúc và suy nghĩ.
Đi lấy mật (trích Đất rừng phương Nam), Đoàn Giỏi – Khắc họa thiên nhiên vùng đất phương Nam với những vẻ đẹp phong phú, rực rỡ màu sắc và tràn đầy sức sống.

– Cuộc sống mưu sinh vất vả, lối sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, tình yêu và niềm tự hào tha thiết của người phương Nam với quê hương xứ sở cũng như tâm hồn phóng khoáng, nhân hậu, nghĩa tình của người dân Nam Bộ.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: hệ thống các nhân vật được khắc họa rõ nét thông qua ngoại hình, cử chỉ, những lời đối thoại, cách ứng xử, cảm xúc và suy nghĩ. Các nhân vật đều mang đặc điểm tiêu biểu cho tính cách của con người Nam Bộ.

– Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên tinh tế, đặc sắc. Tác giả sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, liệt kê,… cùng hệ thống các từ láy gợi hình, gợi thanh để vẽ lên bức tranh thiên nhiên rừng phương Nam vô cùng sống động, chân thực.

Ngàn sao làm việc, Võ Quảng – Khung cảnh bình dị mà đẹp đẽ của bầu trời đêm và cuộc sống lao động hăng say, rộn rã của những người nông dân nơi làng quê.

– Tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên trong sáng, yêu thiên nhiên, sống hòa mình với thiên nhiên. 

– Thể thơ năm chữ dễ nhớ dễ thuộc kết hợp với nhịp thơ đều đặn tạo nên tiết tấu rộn ràng, tươi vui cho bài thơ.

– Các biện pháp tu từ liệt kê, so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ,… được sử dụng khéo léo để tạo nên bức tranh làng quê khi chiều tối cũng như bức tranh lao động của ngàn sao vô cùng sinh động, hấp dẫn.

Ngôi nhà trên cây (trích), Cư-rô-ya-na-gi Tê-sư-cô – Những kỉ niệm hồn nhiên, thơ trẻ từ đó thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn trong sáng, tình bạn đẹp đẽ của hai bạn nhỏ.

– Những bài học sâu sắc về tình bạn, về sự cảm thông và yêu thương với những người quanh ta. Đặc biệt là với những người có hoàn cảnh thiệt thòi, bất hạnh.

– Cốt truyện đơn giản mà mạch lạc, chặt chẽ với các chi tiết sinh động, thú vị.

– Nhân vật bộc lộ tính cách qua các hành động, lời nói, cử chỉ khi đối diện với những tình huống khó khăn, thử thách.

Đồng dao mùa xuân, Nguyễn Khoa Điềm – Ca ngợi vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên cùng sự hi sinh cao cả của người lính trong kháng chiến.

– Khẳng định ý nghĩa to lớn của sự hi sinh người lính đồng thời thể hiện lòng biết ơn, sự nhớ thương của đồng đội, của nhân dân, của thế hệ mai sau với những người lính đã quên mình vì nước.

– Thể thơ bốn chữ gần gũi, giản dị, tạo điều kiện thuận lợi để tác giả vừa kể chuyện vừa bộc lộ cảm xúc, suy ngẫm.

– Giọng thơ trầm buồn, tha thiết.

– Hình ảnh thơ bình dị, chọn lọc và giàu sức gợi, giàu ý nghĩa biểu tượng.

Gặp lá cơm nếp, Thanh Thảo – Tình yêu thương và nỗi nhớ tha thiết của người chiến sĩ dành cho mẹ, cho quê hương được gợi ra từ mùi lá cơm nếp anh tình cờ gặp trên đường hành quân.

– Sự hòa quyện, thống nhất giữa tình cảm gia đình với tình yêu Tổ quốc. Tình cảm gia đình cũng chính là động lực để người lính chiến đấu dành độc lập tự do cho Tổ quốc.

– Thể thơ năm chữ, vừa bộc lộ cảm xúc, suy ngẫm vừa cho phép tác giả kể chuyện, tâm tình.

– Lời thơ bình dị; hình ảnh thơ sinh động, giàu ý nghĩa; cảm xúc thơ chân thành.

Trở gió, Nguyễn Ngọc Tư – Những hình ảnh gần gũi, thân thương của làng quê trong những kí ức tuổi thơ, gắn liền với những cơn gió chướng.

– Nỗi nhớ thương da diết, sự gắn bó của nhà văn với quê nhà, với gia đình và những kỉ niệm đẹp đẽ tuổi thơ.

– Lời văn bình dị, trong sáng tự nhiên mà tràn đầy cảm xúc, sống động, giàu sức gợi.

– Ngôn ngữ mang đậm màu sắc Nam Bộ.

– Cảm xúc chân thành, tha thiết, sâu lắng.

Chiều sông Thương, Hữu Thỉnh – Vẻ đẹp thanh bình, yên ả, trong trẻo và thơ mộng của một buổi chiều thu nơi đồng quê Kinh Bắc.

– Sự gắn bó, tình yêu thiết tha với dòng sông quê hương, với những khung cảnh bình dị của làng quê.

– Thể thơ 5 chữ, giọng thơ như tâm tình, kể mãi về sự giàu đẹp của quê hương.

– Các hình ảnh thơ bình dị nhưng được quan sát với góc nhìn tinh tế, tâm hồn nhạy cảm và yêu làng quê tha thiết, trở nên sống động vô cùng.

– Các biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ, điệp ngữ,… giúp bài thơ thêm giàu hình ảnh, giàu cảm xúc.

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (trích), Nguyễn Ngọc Thuần – Những điều đẹp đẽ, kì thú ngay trong chính cuộc sống gần gũi, bình dị quanh ta.

– Bài học về cách mở rộng, rèn luyện các giác quan để quan sát, cảm nhận thế giới một cách tinh tế và sâu sắc hơn.

– Tình yêu thương, lòng nhân ái chính là “những bông hoa” đẹp đẽ dẫn lối, chỉ đường cho con người đến với hạnh phúc trong cuộc đời.

– Lựa chọn ngôi kể, người kể chuyện với điểm nhìn phù hợp.

– Lời kể tự nhiên, sinh động, cuốn hút.

– Các chi tiết sống động mà giàu ý nghĩa.

– Nhân vật được bộc lộ tính cách qua những suy nghĩ, cảm xúc của mình và qua góc nhìn, cảm nhận của người khác về mình.

Người thầy đầu tiên (trích), Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp – Ca ngợi người thầy với tình thương bao la, sự kiên trì, lòng quả cảm đã mang ánh sáng tri thức về với trẻ em vùng núi cao.

– Lòng biết ơn sâu sắc và sự yêu kính của học trò, cũng như của những thế hệ sau dành cho người thầy đầu tiên.

– Kết cấu truyện lồng trong truyện.

– Thay đổi người kể chuyện ngôi thứ nhất.

– Xây dựng nhân vật thông qua hành động, lời nói, cảm xúc, suy nghĩ và qua cảm nhận của những nhân vật khác.

Quê hương, Tế Hanh – Khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt của làng chài ven biển.

– Nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ.

– Thể thơ tám chữ, giọng thơ như lời tâm tình chất chứa tình yêu và nỗi nhớ với quê hương.

– Hình ảnh thơ sinh động, gần gũi, chọn lọc; ngôn ngữ giản dị, trong sáng, tinh tế, giàu sức gợi.

– Các biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, liệt kê,… giúp bài thơ thêm giàu hình ảnh, giàu cảm xúc.

Trong lòng mẹ (trích), Nguyên Hồng – Nỗi đau khổ, tủi hờn của chú bé mồ côi cha, phải xa mẹ.

– Tình yêu mãnh liệt, tha thiết của Hồng dành cho mẹ.

– Thể văn hồi kí thấm đượm chất trữ tình, kết hợp nhuần nhuyễn giữa kể, tả, biểu lộ cảm xúc.

– Các hình ảnh thể hiện tâm trạng, các so sánh gây ấn tượng, đều giàu sức gợi cảm.

– Nhân vật được bộc lộ tính cách qua những suy nghĩ, cảm xúc, cử chỉ, lời nói.

Đề tài và chỉ tiết
– Đề tài là phạm vi đời sống được phản ánh, thể hiện trực tiếp trong tác phẩm văn học. Để xác định và gọi được tên đề tài, có thể dựa vào phạm vi hiện thực được miêu tả (đề tài lịch sử, đề tài chiến tranh, đề tài gia đình,…) hoặc loại nhân vật được đặt ở vị trí trung tâm của tác phẩm (đề tài trẻ em, đề tài người nông dân, đề tài người lính,…). Một tác phẩm có thể đề cập nhiều đề tài, trong đó có một đề tài chính.
– Chi tiết là yếu tố nhỏ nhất tạo nên thế giới hình tượng (thiên nhiên, con người, sự kiện,…) nhưng có tầm quan trọng đặc biệt trong việc đem lại sự sinh động, lôi cuốn cho tác phẩm văn học.
Tính cách nhân vật
Tính cách nhân vật là những đặc điểm riêng tương đối ổn định của nhân vật, được bộc lộ qua mọi hành động, cách ứng xử, cảm xúc, suy nghĩ,… Tính cách nhân vật còn được thể hiện qua các mối quan hệ, qua lời kể và suy nghĩ của nhân vật khác.
Văn bản tóm tắt
Văn bản tóm tắt là một dạng rút gọn của văn bản gốc (có thể do tác giả hay người đọc, người ghi chép thực hiện), tuy có dung lượng nhỏ nhưng vẫn phản ánh trung thành nội dung cơ bản của văn bản gốc.
Một số yếu tố hình thức của thơ bốn chữ và thơ năm chữ
– Thơ bốn chữ và thơ năm chữ là những thể thơ được gọi tên theo số chữ (tiếng) trong mỗi dòng thơ. Số lượng dòng trong mỗi bài không hạn chế. Bài thơ bốn chữ và năm chữ có thể chia khổ hoặc không.
– Cách gieo vần trong thơ bốn chữ và thơ năm chữ: vần thường được đặt ở cuối dòng, gọi là vần chân. Vần có thể gieo liên tiếp (vần liền) hoặc cách quãng (vần cách), cũng có thể phối hợp nhiều kiểu gieo vần trong một bài thơ (vần hỗn hợp),…
– Thơ bốn chữ thường ngắt nhịp 2/2; thơ năm chữ thường ngắt nhịp 2/3 hoặc 3/2. Tuy nhiên, nhịp thơ cũng có thể được ngắt linh hoạt, phù hợp với tình cảm, cảm xúc được thể hiện trong bài thơ.
– Thơ bốn chữ và thơ năm chữ gần gũi với đồng dao, vè, thích hợp với việc kể chuyện; hình ảnh thơ thường dung dị, gắn gũi.
Thay đổi kiểu người kể chuyện
– Trong một truyện kể, nhà văn có thể sử dụng nhiều ngôi kể khác nhau. Có tác phẩm sử dụng hai, ba người kể chuyện ngôi thứ nhất; có tác phẩm lại kết hợp người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba.
– Sự thay đổi kiểu người kể chuyện luôn thể hiện ý đồ nghệ thuật của tác giả. Mỗi ngôi kể thường mang đến một cách nhìn nhận, đánh giá riêng, khiến câu chuyện được soi chiếu từ nhiều chiều, trở nên phong phú, hấp dẫn, chứa đựng nhiều ý nghĩa.

2. Tiếng Việt

Mở rộng thành phần chính và trạng ngữ của câu bằng cụm từ
Mở rộng thành phần chính và trạng ngữ bằng cụm từ có thể giúp câu cung cấp được nhiều thông tin hơn cho người đọc, người nghe. Các thành phần chính và trạng ngữ của câu thường được mở rộng bằng cụm từ chính phụ như cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ.
Nói giảm nói tránh
Nói giảm nói tránh là biện pháp tu từ dùng cách nói làm giảm nhẹ mức độ, quy mô, tính chất,… của đối tượng, hoặc tránh trình bày trực tiếp điều muốn nói để khỏi gây cảm giác đau buồn, ghê sợ hay để giữ phép lịch sự.
Những cách nói giảm nói tránh thông dụng:
– Dùng các từ đồng nghĩa, đặc biệt là từ Hán Việt.
Ví dụ: Cụ ấy chết rồi. → Cụ ấy quy tiên rồi.
– Dùng cách nói vòng.
Ví dụ: Kết quả học tập của con dạo này kém lắm. → Con cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập.
– Dùng cách nói phủ định.
Ví dụ: Bông hoa này xấu lắm. → Bông hoa này không đẹp.
Số từ và phó từ
– Số từ là những từ chỉ số lượng hoặc thứ tự của sự vật.
+ Số từ chỉ số lượng gồm các số từ chỉ số lượng xác định (một, hai, ba,…) và số từ chỉ số lượng ước chừng (vài, dăm, mươi, dăm bảy, ba bốn,…). Khi biểu thị số lượng sự vật, số từ thường đứng trước danh từ.
+ Số từ chỉ thứ tự đứng sau danh từ, chỉ thứ tự của sự vật. Số từ chỉ thứ tự thường đi sau các danh từ thứ, hạng, loại, số. Cần phân biệt số từ với danh từ chỉ đơn vị gắn với ý nghĩa số lượng như: đôi, chục, tá,… Những danh từ này có thể kết hợp với số từ ở trước và các từ ấy, này,… ở sau (ba đôi ấy, hai chục này,…) còn số từ thì không.
– Phó từ là những từ chuyên đi kèm để bổ sung ý nghĩa cho danh từ, động từ, tính từ. Phó từ được phân chia thành hai nhóm:
+ Phó từ đi kèm danh từ: Phó từ làm thành tố phụ trước cho danh từ và bổ sung ý nghĩa về số lượng của sự vật. Đó là các từ: những, các, mọi, mỗi, từng,…
Ví dụ: Những bức vẽ ấy nhiều lắm. Phó từ những trước danh từ bức vẽ chỉ số lượng.
+ Phó từ đi kèm động từ, tính từ: Phó từ làm thành tố phụ trước hoặc sau cho động từ, tính từ, bổ sung ý nghĩa liên quan đến hoạt động, trạng thái, đặc điểm nêu ở động từ hoặc tính từ (quan hệ thời gian, sự tiếp diễn tương tự, sự phủ định, sự cầu khiến, mức độ, kết quả,…).
Ví dụ:
(1) Hãy nhìn tôi đây!
Phó từ hãy trước động từ nhìn chỉ sự cầu khiến, mệnh lệnh.
(2) Em thông minh lắm.
Phó từ lắm sau tính từ thông minh chỉ mức độ.

3. Tập làm văn

3.1. Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài
Để dễ ghi nhớ nội dung chính của một văn bản đã đọc, người ta thường tóm tắt văn bản đó. Ở bài học này, em sẽ học cách tóm tắt một văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài, đảm bảo trung thành với nội dung chính của văn bản gốc.
* Yêu cầu đối với văn bản tóm tắt:
– Phản ánh đúng nội dung của văn bản gốc.
– Trình bày được những ý chính, những điểm quan trọng của văn bản gốc.
– Sử dụng các từ ngữ quan trọng của văn bản gốc.
– Đáp ứng được những yêu cầu khác nhau về độ dài của văn bản tóm tắt.
a. Trước khi tóm tắt
* Đọc kĩ văn bản gốc
Muốn tóm tắt một văn bản, cần đọc kĩ để hiểu đúng nội dung, chủ đề của văn bản.
* Xác định nội dung chính cần tóm tắt
– Xác định nội dung khái quát, cốt lõi của toàn văn bản.
– Tìm ý chính của từng phần hoặc đoạn và xác định quan hệ giữa các phần hoặc các đoạn trong văn bản.
– Tìm các từ ngữ quan trọng của văn bản.
– Có thể đánh dấu vào văn bản hoặc ghi ra giấy những ý chính của văn bản.
* Xác định yêu cầu về độ dài của văn bản tóm tắt
– Xác định ý lớn và ý nhỏ của văn bản gốc.
– Tuỳ theo yêu cầu về độ dài của văn bản tóm tắt mà lựa chọn ý lớn hay ý nhỏ từ văn bản gốc. Chẳng hạn, khi tóm tắt văn bản tự sự, để có văn bản tóm tắt ngắn gọn, cần chú ý lựa chọn các sự việc chính; còn để văn bản tóm tắt có dung lượng lớn hơn, cần mở rộng các sự việc bằng những chi tiết tiêu biểu trong văn bản gốc.
b. Viết văn bản tóm tắt
– Sắp xếp các ý chính của văn bản gốc theo một trình tự hợp lí.
– Dùng lời văn của em kết hợp với những từ ngữ quan trọng trong văn bản gốc để viết văn bản tóm tắt.
– Chú ý bảo đảm yêu cầu về độ dài của văn bản tóm tắt.
c. Chỉnh sửa
Rà soát, tự chỉnh sửa văn bản tóm tắt của em theo những gợi ý trong bảng sau:
Yêu cầu
Gợi ý chỉnh sửa
Nội dung đúng với văn bản gốc.
Lược bỏ các thông tin không có trong văn bản gốc và những ý kiến bình luận của người tóm tắt (nếu có).
Trình bày được những ý chính, những điểm quan trọng của văn bản gốc.
Bổ sung những ý chính, điểm quan trọng của văn bản gốc (nếu thiếu); lược bớt các chi tiết thừa, không quan trọng (nếu có).
Sử dụng những từ ngữ quan trọng của văn bản gốc.
Bổ sung những từ ngữ quan trọng có trong văn bản gốc (nếu thiếu).
Đáp ứng được những yêu cầu khác nhau về độ dài.
Rút gọn hoặc phát triển văn bản tóm tắt để bảo đảm yêu cầu về độ dài.
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt.
Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,…). Chỉnh sửa nếu phát hiện lỗi.

3.2. Tập làm một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
a. Trước khi viết
* Xác định đề tài và cảm xúc
Em có thể chọn bất cứ đề tài nào mà em yêu thích như nhà trường, gia đình, thiên nhiên, quê hương, đất nước,… và ghi lại tình cảm, cảm xúc về đối tượng được nói đến. Đó có thể là yêu mến, xúc động, lưu luyến, bâng khuâng, nhớ nhung, biết ơn, tự hào,…
* Tìm hình ảnh để biểu đại cảm xúc
– Sau khi đã xác định được đề tài và tình cảm, cảm xúc, em hãy tìm hình ảnh để thể hiện cảm xúc đó. Ví dụ, nếu định viết về một vẻ đẹp của thiên nhiên, em có thể dùng hình ảnh bông hoa, chiếc lá, giọt sương, áng mây,… để gửi gắm cảm xúc của mình. Nếu có cảm xúc bâng khuâng, lưu luyến khi về nghỉ hè, chia tay thầy cô, bạn bè, mái trường, em có thể dùng hình ảnh hoa phượng rơi, chiếc trống trường nằm yên, sân trường vắng,… để thể hiện cảm xúc.
– Tiếp theo, em hãy liên tưởng, tưởng tượng, kết nối sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ với nhau và với con người để mạch cảm xúc, suy nghĩ được thể hiện và phát triển một cách tự nhiên. Chẳng hạn miêu tả hình ảnh áng mây, em có thể triển khai cảm xúc theo hướng tả cảnh mây bay (mây xuất hiện khi nào, ở đâu, mây màu gì, có hình thù như thế nào, bay lửng lơ chậm chạp hay bay nhanh hối hả; những sự vật, hiện tượng thiên nhiên xung quanh như mặt trời, mặt trăng, những vì sao, ánh sáng,… có đặc điểm ra sao); hoặc tưởng tượng về hành trình “du lịch” của áng mây (mây bay về đâu, gặp gỡ những ai, trò chuyện những gì, “cuộc đời” của mây kết thúc thế nào,…).
– Thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình về sự vật, hiện tượng đó, chẳng hạn niềm xúc động trước sự mong manh của áng mây trước gió, suy ngẫm về vòng tuần hoàn của các hiện tượng thiên nhiên,…
* Tập gieo vần
Chọn thể thơ bốn chữ hoặc năm chữ và tìm vần thích hợp.
b. Viết bài
– Suy nghĩ về đề tài mà em đã chọn: hình dung trong tâm trí các hình ảnh nổi bật, từng để lại cho em ấn tượng sâu đậm; xác định tình cảm, cảm xúc của em về đối tượng; lựa chọn những từ ngữ phù hợp nhất với hình ảnh và tình cảm, cảm xúc.
– Quyết định chọn thể thơ và viết một hoặc hai dòng thơ đầu tiên có bốn hoặc năm tiếng diễn tả ấn tượng, cảm xúc nổi bật của em về đối tượng. Chú ý phần vần ở những tiếng cuối để tiếp tục gieo vần chân ở những dòng sau. Có thể ngắt nhịp linh hoạt, phù hợp với tình cảm, cảm xúc được thể hiện trong bài thơ.
– Những dòng tiếp theo có thể triển khai cụ thể hơn, chẳng hạn miêu tả chỉ tiết các đặc điểm của đối tượng, kể về đối tượng; có thể diễn đạt dưới hình thức tâm tình, trò chuyện với đối tượng,…
– Sử dụng những từ ngữ biểu đạt cảm xúc; sử dụng từ láy và những biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, điệp ngữ,…
– Có thể kết thúc bài thơ theo nhiều cách khác nhau: tạo những dòng thơ có hình ảnh ấn tượng, nêu cảm nghĩ của mình về sự vật, hiện tượng,… để tạo dư âm trong người đọc.
c. Chỉnh sửa
Sau khi đã hoàn thành, em hãy đọc lại thật kĩ bài thơ. Hãy kiểm tra xem bài thơ em vừa làm đã đáp ứng được các yêu cầu chung của bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ chưa. Có thể theo gợi ý sau:
Yêu cầu đối với bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
Hình thức nghệ thuật
Số tiếng trong mỗi dòng thơ: bốn tiếng hoặc năm tiếng
Các dòng thơ bắt vần với nhau (vần liền, vần cách, vần hỗn hợp)
Nhịp thơ phù hợp với tình cảm, cảm xúc
Hình ảnh để biểu đạt cảm xúc
Biện pháp tu từ để tăng tính gợi hình, gợi cảm
Nội dung
Tình cảm, cảm xúc của em
Thông điệp mà em gửi gắm qua bài thơ

3.3. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ
* Yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ:
– Giới thiệu được bài thơ và tác giả. Nêu được ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.
– Diễn tả được cảm xúc về nội dung và nghệ thuật, đặc biệt chú ý tác dụng của thể thơ bốn chữ hoặc năm chữ trong việc tạo nên nét đặc sắc của bài thơ.
– Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
a. Trước khi viết
* Lựa chọn bài thơ
Có thể chọn bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ viết về những đề tài như tình cảm gia đình, tình yêu con người, thiên nhiên, quê hương, đất nước,… Điều quan trọng là bài thơ ấy để lại trong em nhiều ấn tượng.
* Tìm ý
Em hãy thực hiện những thao tác sau đây để tìm ý:
– Đọc bài thơ nhiều lần để có được cảm nhận chung về bài thơ.
– Nêu cảm xúc của em về những nét đặc sắc trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật (thể thơ, vần, nhịp, yếu tố tự sự, yếu tố miêu tả, hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ,…) của bài thơ.
– Ghi lại cảm xúc chung của em về bài thơ.
* Lập dàn ý
Sau khi đã tìm được các ý, em hãy lập dàn ý theo gợi ý sau:
– Mở đoạn: Giới thiệu tác giả và bài thơ; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.
– Thân đoạn: Nêu cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
– Kết đoạn: Khái quát cảm xúc về bài thơ.
b. Viết bài
Dựa vào dàn ý đã lập, em viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh. Trong quá trình viết, hãy lưu ý:
– Đoạn văn cần có đầy đủ ba phần Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn.
– Các câu trong đoạn tập trung thể hiện nội dung chính của đoạn, sử dụng các từ ngữ liên kết.
– Lựa chọn từ ngữ phù hợp để thể hiện cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ (thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,…).
– Trình bày đúng hình thức đoạn văn: viết lùi đầu dòng chữ đầu tiên của đoạn văn, chữ cái đầu phải được viết hoa, kết thúc đoạn văn bằng dấu chấm câu.
c. Chỉnh sửa bài viết
Hãy rà soát bài viết của em theo những yêu cầu ở cột trái và gợi ý chỉnh sửa ở cột phải.
Yêu cầu
Gợi ý chỉnh sửa
Giới thiệu được tác giả và bài thơ; nêu ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ.
Nếu còn thiếu, hãy bổ sung.
Diễn tả được những cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
Đối chiếu với mục tìm ý xem đoạn văn đã nêu được cảm xúc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ chưa. Nếu còn thiếu hoặc diễn đạt chưa rõ, chưa phù hợp, hãy bổ sung, điều chỉnh.
Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
Đọc lại câu văn cuối đoạn, kiểm tra xem đã khái quát được cảm xúc về bài thơ chưa. Hãy bổ sung nếu còn thiếu.
Đảm bảo yêu cầu về chính tả và diễn đạt.
Rà soát lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,… và chỉnh sửa nếu phát hiện lỗi.

3.4. Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học
* Yêu cầu
– Về hình thức:
+ Đảm bảo cấu trúc 3 phần: Mở bài – Thân bài – Kết bài.
+ Bài văn được tạo thành từ các đoạn văn, giữa các đoạn có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
+ Diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, không mắc các lỗi dùng từ, đặt câu,…
– Về nội dung:
+ Giới thiệu được nhân vật văn học cần phân tích.
+ Đưa ra được ý kiến về các đặc điểm của nhân vật dựa trên các bằng chứng trong tác phẩm.
+ Nhận xét được nghệ thuật xây dựng nhân vật.
+ Nêu được ý nghĩa của hình tượng nhân vật.
* Dàn ý
– Mở bài: Giới thiệu tác phẩm văn học và nhân vật, nêu khái quát ấn tượng về nhân vật.
– Thân bài:
+ Phân tích các đặc điểm của nhân vật kèm theo các bằng chứng từ tác phẩm.
+ Nhận xét khái quát về nghệ thuật xây dựng nhân vật.
+ Nêu ý nghĩa của nhân vật với việc thể hiện chủ đề, tư tưởng tác phẩm.
– Kết bài:
+ Nêu ấn tượng, cảm nghĩ của em về nhân vật.
+ Đánh giá chung về nhân vật.

II. Những sai lầm thường gặp

1. Nhầm lẫn giữa số từ và danh từ chỉ đơn vị

a. Ví dụ và lưu ý
* Ví dụ
Sắp tới giờ xe chạy, bà lão nhét vội chục trứng vào chiếc túi đã cũ của thằng bé.
Từ “chục” trong câu trên không phải một số từ vì nó là một danh từ đơn vị có ý nghĩa số lượng.
Nó có thể kết hợp với số từ ở phía trước và từ chỉ định ở phía sau: hai chục trứng gà này.
* Lưu ý
Các danh từ chỉ đơn vị gắn với ý nghĩa số lượng và chúng có đặc điểm ngữ pháp của một danh từ:
– Chúng có thể kết hợp với các số từ đứng trước: năm đôi tất, hai chục trứng, một tá bút màu,…
– Chúng cũng có thể kết hợp với các từ có ý nghĩa chỉ định đứng sau: đôi tất này, chục trứng ấy, tá bút màu kia,…
b. Bài tập tự luyện
Bài 1. Tìm số từ trong các câu sau:
a. Buổi chiều ra đồng về, bố thường dẫn tôi ra vườn, hai bố con thi nhau tưới.
b. Bố làm cho tôi một bình tưới nhỏ bằng cái thùng đựng sơn rất vừa tay.
c. Cách đây khoảng ba chục mét, hướng này!
Bài 2. Trong câu: “Bụng nó đầy nước, bố phải nắm ngược lại chân nó dốc xuống như làm xiếc”, có số từ “hai” kết hợp với “chân” (hai chân). Trong tiếng Việt, bên cạnh “hai chân” còn có “đôi chân”. Hãy tìm thêm những trường hợp tương tự và cho biết sự khác nhau về nghĩa giữa cụm từ có số từ “hai” và cụm từ có danh từ đơn vị “đôi” chỉ số lượng trong mỗi trường hợp.
Hướng dẫn giải bài tập tự luyện
Bài 1. a. hai bố con
b. một bình tưới
c. ba chục mét
Bài 2. Các cụm từ có sự kết hợp giống với “hai chân” – “đôi chân”: hai mắt – đôi mắt, hai tay – đôi tay, hai người bạn – đôi bạn, hai chiếc đũa – đôi đũa,…
Sự khác biệt:
– Hai chỉ là số từ chỉ số lượng, có chức năng tính đếm, thông báo số lượng của sự vật.
– Đôi là danh từ chỉ đơn vị, chỉ một tập hợp sự vật gồm hai yếu tố cùng loại, tương ứng với nhau, gắn bó với nhau thành một đơn vị thống nhất về chức năng, công dụng.

2. Lỗi sai khi tóm tắt văn bản

a. Nguyên nhân và lưu ý khi tóm tắt
* Nguyên nhân
– Không phản ánh đúng nội dung của văn bản gốc.
– Trình tự sắp xếp các ý chính không hợp lí.
– Văn bản tóm tắt không đáp ứng đúng yêu cầu về độ dài.
* Lưu ý
– Trình bày được những ý chính, những điểm quan trọng của văn bản gốc.
– Sử dụng các từ ngữ quan trọng của văn bản gốc.
– Sắp xếp các ý chính của văn bản gốc theo một trình tự hợp lí.
– Dùng lời văn của em kết hợp với những từ ngữ quan trọng trong văn bản gốc để viết văn bản tóm tắt.
– Chú ý bảo đảm yêu cầu về độ dài của văn bản tóm tắt.
b. Bài tập tự luyện
Tóm tắt văn bản Bầy chim chìa vôi theo hai yêu cầu về độ dài: từ 4-5 câu và từ 8-10 câu.
Hướng dẫn giải bài tập tự luyện
* Tóm tắt truyện Bầy chim chìa vôi bằng đoạn văn 4-5 câu:
Vào một đêm mưa to, trong ngôi nhà ven sông, hai anh em Mên và Mon trò chuyện về việc nước sông lên cao và tập tính làm tổ, nuôi con ở dải cát giữa sông của bầy chim chìa vôi. Hai anh em Mên Mon lo lắng tổ chim chìa vôi sẽ bị chìm mất. Hai đứa bé quyết định trốn bố, lấy đò chèo ra bãi sông cứu lũ chim ngay trong đêm mưa. Hai anh em không ra được bãi sông vì mưa lớn, nước chảy xiết nhưng khi bình minh ló rạng, hai anh em chứng kiến khoảnh khắc những chú chim non cất mình bay lên khỏi mặt nước, vào bờ an toàn. Cả hai cùng sung sướng, lặng lẽ khóc.
* Tóm tắt truyện Bầy chim chìa vôi bằng đoạn văn 8-10 câu:
Mên và Mon là hai anh em trong một gia đình sống trong một ngôi làng bên sông. Giữa đêm, hai anh em thức dậy, trò chuyện về lũ chim chìa vôi non ngoài bãi cát giữa sông. Bên ngoài trời “mưa vẫn to”, “nước sông dâng cao, xiên xiết chảy”, hai anh em lo lắng “những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất”. Khi thấy “mưa vẫn trút xuống mái nhà và gió vẫn thổi vào phên cửa liếp cành cạch”, hai đứa trẻ quyết định “phải mang chúng nó vào bờ” và ngay trong đêm mưa to, gió lớn, chúng “cứ lấy đò của ông Hảo mà đi”. Sáng hôm sau, khi ánh bình minh lên, nước sông đã “nuốt chửng” phần còn lại của bãi cát, hai đứa trẻ được chứng kiến “một cảnh tượng như huyền thoại”: “những cánh chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên”. Một cánh chim bị đuối sức, rơi nhào xuống mặt sông, nhưng khi vừa chạm đến mặt nước thì đã vùng sức bay lên. Cả bầy chim chìa vôi đã bay vào bờ an toàn. Chứng kiến cảnh tượng đó, hai anh em “vẫn đứng không nhúc nhích” và nhận ra chúng “đã khóc tự lúc nào”.
C. Luyện tập
Câu 1. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi dưới đây:
Có một người lính
Đi vào núi xanh
Những năm máu lửa.

Một ngày hoà bình
Anh không về nữa.

Có một người lính
Chưa một lần yêu
Cà phê chưa uống
Còn mê thả diều

Một lần bom nổ
Khói đen rừng chiều
Anh thành ngọn lửa
Bạn bè mang theo

Mười, hai mươi năm
Anh không về nữa
Anh vẫn một mình
Trường Sơn núi cũ
Ba lô con cóc
Tấm áo màu xanh
Làn da sốt rét
Cái cười hiền lành

Anh ngồi lặng lẽ
Dưới cội mai vàng
Dài bao thương nhớ
Mùa xuân nhân gian

Anh ngồi rực rỡ
Màu hoa đại ngàn
Mắt như suối biếc
Vai đầy núi non…

Tuổi xuân đang độ
Ngày xuân ngọt lành
Theo chân người lính
Về từ núi xanh…

 

(Đồng dao mùa xuân, Nguyễn Khoa Điềm, SGK Ngữ văn 7 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, tr.40-41)
a. Cách chia khổ của bài thơ có gì đặc biệt? Hãy nêu tác dụng của cách chia đó.
b. Tìm những chi tiết khắc họa hình ảnh người lính.
c. Qua câu chuyện được kể và các chi tiết miêu tả, hình ảnh người lính hiện lên với những đặc điểm gì?
d. Theo em, tên bài thơ Đồng dao mùa xuân có ý nghĩa như thế nào?
Hướng dẫn giải
Câu 1.
a. Bài thơ được chia thành chín khổ. Hầu hết các khổ đều có bốn dòng. Tuy nhiên có hai khổ khác biệt với các khổ còn lại. Khổ một kể lại sự kiện người lính lên đường ra chiến trường, gồm ba dòng thơ, tạo nên một sự lửng lơ, khiến người đọc có tâm trạng chờ đợi được đọc câu chuyện tiếp theo về anh… Khổ hai kể về sự ra đi của người lính chỉ vỏn vẹn trong hai dòng – điển tả sự hi sinh bất ngờ, đột ngột giữa lúc tuổi xanh, thể hiện tâm trạng đau thương của nhà thơ, đồng thời gợi lên trong người đọc niềm tiếc thương sâu sắc.
b. Chi tiết khắc họa hình ảnh người lính:
– Anh ngồi lặng lẽ
Dưới cội mai vàng
– Anh ngồi rực rỡ
Màu hoa đại ngàn
– Mắt như suối biếc
– Vai đầy núi non…
– Ba lô con cóc
– Tấm áo màu xanh
– Làn da sốt rét
– Cái cười hiền lành

c. Qua câu chuyện được kể và các chi tiết miêu tả, hình ảnh người lính hiện lên với những đặc điểm sau:
– Tuổi đời còn rất trẻ.
– Dũng cảm, kiên cường.
– Yêu nước.
– Giản dị, khiêm nhường, hiền hậu.
d. Tên bài thơ Đồng dao mùa xuân có những ý nghĩa sau: khúc đồng dao về tuổi thanh xuân của người lính, về sự bất tử của hình ảnh người lính trẻ. Hình ảnh các anh còn sống mãi trong trái tim nhân dân như mùa xuân trường tồn cùng vũ trụ. Qua đó, nhà thơ ca ngợi những người anh hùng trẻ tuổi, bày tỏ sự ghi nhớ, biết ơn sự hi sinh của các anh. Tác giả sử dụng hình thức của đồng dao để lưu truyền mãi trong những thế hệ sau lời ngợi ca, lòng biết ơn những người lính trẻ đã dâng hiến mùa xuân cuộc đời mình kết thành những mùa xuân vĩnh cửu cho dân tộc, đất nước.
Câu 2. Chỉ ra các biện pháp tu từ trong những câu sau và nêu tác dụng:
a. Mỗi lần gió về lại cảm giác mình mất một cái gì đó không rõ ràng, không giải thích được, như ai đó đuổi theo đằng sau, tôi gấp rãi ăn, gấp rãi nói, gấp rãi cười, gấp rãi khi ngày bắt đầu rụng xuống.
b. Thoạt đầu, âm thanh ấy sẽ sàng từng giọt tinh tang, thoảng và e dè, như ai đó đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cái, như đang ngại ngần không biết người xưa có còn nhớ ta không.
c. Trời lúc nào cũng mát liu riu, nắng thức rất trễ, tầm tám giờ sáng mới thấy mặt trời ngai ngái lơi lơi, nắng không ra vàng không ra trắng, mây cụm lại rồi rã từng chùm trên đầu.
Hướng dẫn giải
a. Biện pháp tu từ: điệp ngữ (“không”, “gấp rãi”).
Tác dụng: Từ “không” được lặp lại để nhấn mạnh cảm xúc buồn, nuối tiếc vì mất mát một cái gì đó – một thứ rất mơ hồ, khó gọi thành tên. Từ “gấp rãi” được lặp lại để nhấn mạnh hành động khẩn trương, gấp gáp của nhân vật “tôi” khi phải chứng kiến bước đi vội vã của thời gian.
b. – Biện pháp tu từ: so sánh (âm thanh ấy sẽ sàng từng giọt tinh tang, thoảng và e dè – đứng đằng xa ngoắc tay nhẹ một cái, như đang ngại ngần không biết người xưa có còn nhớ ta không).
Tác dụng: Giúp cho sự vật hiện lên sinh động, cụ thể, gợi hình, gợi cảm, làm nổi bật tính chất nhẹ nhàng, dịu êm, trong trẻo của thanh âm.
– Biện pháp tu từ: nhân hóa (dùng các từ vốn để miêu tả con người, nay chuyển sang dùng để miêu tả gió chướng như e dè, ngại ngần,…).
Tác dụng: Biện pháp tu từ nhân hóa đã biến gió chướng thành một con người có tâm lí, tính cách có phần nhút nhát, rụt rè. Qua đó, người đọc cảm nhận được tình yêu của nhà văn đối với gió chướng.
c. – Biện pháp tu từ: nhân hóa (sử dụng các từ ngữ chỉ trạng thái của con người như thức, ngai ngái lơi lơi để miêu tả thiên nhiên là nắng, mặt trời).
– Tác dụng: Làm cho sự vật hiện lên sống động, cũng có hành động, tâm trạng như con người. Qua đó, người đọc cảm nhận được tình yêu quê hương, sự gắn bó của tác giả với những cảnh sắc thiên nhiên của quê hương.
Câu 3. Lập dàn ý chi tiết cho đề văn phân tích nhân vật thầy Đuy-sen trong văn bản Người thầy đầu tiên (Ai-ma-tốp).
Hướng dẫn giải
1. Về hình thức
– Đảm bảo bố cục của một bài văn: Mở bài – Thân bài – Kết bài.
– Bài văn không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
2. Về nội dung
a. Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: truyện Người thầy đầu tiên của tác giả Ai-ma-tốp.
– Khái quát ấn tượng về nhân vật thầy Đuy-sen: hình ảnh người thầy bình dị mà cao đẹp.
b. Thân bài:
* Phân tích các đặc điểm của nhân vật
– Tình yêu thương vô vàn dành cho các em học sinh: thể hiện qua những lời nói dịu dàng, ân cần; qua những hành động yêu thương, chăm lo cho các em; qua những ước vọng, suy nghĩ mong các em trưởng thành, được tiếp tục học tập,…
– Con người mạnh mẽ, kiên cường, giàu ý chí nghị lực vượt khó: tự mình dựng trường, làm bậc đá vượt suối, không để tâm tới những lời lăng mạ của bọn nhà giàu,… tất cả thầy đều làm một mình, trong hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn của làng, trong cái khắc nghiệt của thời tiết, trong cả sự lạc hậu tăm tối về tinh thần của dân làng.
– Thầy được lớp lớp các thế hệ học sinh và người dân làng yêu mến, cảm phục: thể hiện qua tình cảm của An-tư-nai và các học trò dành cho thầy, qua suy nghĩ và tấm lòng của anh hoạ sĩ,…
* Nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật
– Nhân vật được tái hiện sống động thông qua lời kể, góc nhìn, tình cảm của nhiều nhân vật khác.
– Nhân vật được thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau (lời nói, hành động, thái độ, tình cảm, suy nghĩ),…
– Các chi tiết được chọn lọc, mang ý nghĩa sâu sắc và làm người đọc xúc động (nụ cười của thầy luôn nở trên môi, thầy bế học trò qua suối, thầy cởi áo choàng ủ ấm cho học trò, thầy ngước mắt về xa và ao ước học trò có thể được lên tỉnh học,…).
* Ý nghĩa hình tượng nhân vật thầy Đuy-sen
– Ca ngợi những người thầy tận tâm, giàu tình yêu thương, giàu ý chí vượt gian khó để mang đến tri thức cho bao học trò nghèo vùng cao.
– Thông điệp về ý chí, nghị lực của con người sẽ chiến thắng mọi hoàn cảnh khó khăn để tạo nên những điều tốt đẹp.
– Thông điệp về sự tri ân, biết ơn của học trò với thầy giáo, cô giáo – những người đã có công ơn dạy dỗ mình.
c. Kết bài:
– Đánh giá chung về nhân vật: tầm quan trọng và ý nghĩa của nhân vật đã được khẳng định ngay trong nhan đề tác phẩm – Người thầy đầu tiên.
– Ấn tượng, cảm nghĩ về thầy Đuy-sen: xúc động mãi trước hình ảnh người thầy luôn yêu thương và hết lòng vì học trò, người thầy đã gieo hi vọng, truyền cảm hứng và động lực cho bao thế hệ.

Xem thêm bài viết
Đề cương ôn thi giữa kỳ Toán 7: Bộ sách Kết nối tri thức

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức ( Bài 1: Bạn và tôi)

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức (Bài 2: Gõ cửa trái tim)

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức (Bài 3: Yêu thương và chia sẻ)