Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức (Bài 3: Yêu thương và chia sẻ)

0
346

Hệ thống giáo dục HOCMAI đã tổng hợp lại nội dung kiến thức trọng tâm trong suốt nửa đầu học kỳ I của môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức để giúp học sinh nắm chắc kiến thức một cách khoa học và đầy đủ nhất. Qua nội dung kiến thức được tổng hợp dưới đây sẽ giúp các em chuẩn bị cho bài kiểm tra giữa kỳ một cách tốt nhất.

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức

Bài 3: Yêu thương và chia sẻ

  1. Hệ thống kiến thức cần nhớ
  2. Văn bản
Tác phẩm Tác giả Nội dung Nghệ thuật
Cô bé bán diêm An-đéc-xen Tác phẩm “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen kể lại câu chuyện giữa đêm giao thừa giá rét của một cô bé bán diêm tội nghiệp, cô đơn. Qua đó, truyện đã thể hiện niềm thương cảm sâu sắc của nhà văn đối với những số phận bất hạnh và là một lời nhắc nhở con người về thái độ sống. – Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn.

– Đan xen giữa hiện thực và mộng tưởng.

– Các tình tiết diễn biến hợp lí.

Gió lạnh đầu mùa Thạch Lam Truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” kể lại một hành động đẹp của hai chị em Sơn trong ngày gió lạnh đầu mùa. Qua đó, tác phẩm giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của tình yêu thương, sự sẻ chia và cách cư xử với mọi người trong cuộc sống. – Ngôi kể: ngôi thứ ba. 

– Cách kể chuyện nhẹ nhàng.

– Lối miêu tả tinh tế.

– Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, giàu chất thơ.

Con chào mào Mai Văn Phấn Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của chú chim chào mào và câu chuyện về nhân vật “tôi” muốn biến con chim thành của riêng mình nhưng rồi nhận ra chẳng cần con chim chào mào lại bay về, tiếng hót du dương vẫn vang lên trong tâm trí. Từ đó, tác giả ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp và gửi gắm một bài học về cách ứng xử với thiên nhiên: hãy trân trọng, có ý thức bảo vệ thiên nhiên. – Thể thơ tự do phù hợp với mạch tâm trạng, cảm xúc.

– Sử dụng các yếu tố miêu tả, biện pháp tu từ điệp ngữ nhấn mạnh hình ảnh, vẻ đẹp trong tiếng hót của con chim chào mào.

Lắc-ki thật sự may mắn

– trích Chuyện con mèo dạy hải âu bay

Lu-i Xe-pun-vê-da Truyện kể về việc chú mèo mun Gióc-ba nuôi dưỡng Lắc-ki, một con hải âu mồ côi. Mẹ Lắc-ki bị ngộ độc váng dầu nên đã chết ngay sau khi đẻ trứng. Tình cờ chứng kiến cái chết của hải âu mẹ đáng thương. Gióc-ba đã hứa ba điều: sẽ ấp quả trứng, sẽ bảo vệ, nuôi lớn hải âu con và dạy nó bay. Bằng tình yêu thương Lắc-ki và được sự trợ giúp của các bạn mèo, Gióc-ba đã thực hiện được tất cả những lời hứa đó. Đoạn trích “Lắc-ki thực sự may mắn” bắt đầu kể về hành trình Gióc-ba thực hiện lời hứa thứ ba: dạy Lắc-ki bay! Qua đó thể hiện tình yêu thương giữa các loài vật với nhau. – Tính chất gây tò mò của nhan đề được tạo ra từ sự mâu thuẫn, phi lí: Mèo là loài vật không biết bay lại có thể dạy chim hải âu bay.

– Xây dựng được hai nhân vật nổi bật là Gióc-ba và Lắc-ki.

 

* Nhân vật 

– Nhân vật là đối tượng có hình dáng, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, cảm xúc, suy nghĩ,… được nhà văn khắc họa trong tác phẩm. 

– Nhân vật thường là con người nhưng cũng có thể là thần tiên, ma quỷ, con vật, đồ vật,… 

* Người kể chuyện 

Người kể chuyện là nhân vật do nhà văn tạo ra để kể lại câu chuyện. Người kể chuyện có thể trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm, xưng “tôi” (người kể chuyện ngôi thứ nhất), kể về những gì mình chứng kiến hoặc tham gia. Người kể chuyện cũng có thể “giấu mình” (người kể chuyện ngôi thứ ba), không tham gia vào câu chuyện nhưng lại có khả năng “biết hết” mọi chuyện.

* Lời người kể chuyện và lời nhân vật 

– Lời người kể chuyện đảm nhận việc thuật lại các sự việc trong câu chuyện, bao gồm cả việc thuật lại mọi hoạt động của nhân vật và miêu tả bối cảnh không gian, thời gian của các sự việc, hoạt động ấy. 

– Lời nhân vật là lời nói trực tiếp của nhân vật (đối thoại, độc thoại), có thể được trình bày tách riêng hoặc xen lẫn với lời người kể chuyện. 

  1. Tiếng Việt

2.1. Mở rộng thành phần chính của câu bằng cụm từ 

Thành phần chính của câu có thể là một từ, cũng có thể là một cụm từ. Dùng cụm từ làm thành phần chính của câu có thể giúp câu cung cấp được nhiều thông tin hơn cho người đọc, người nghe. Có nhiều loại cụm từ, nhưng tiêu biểu nhất là cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ.

2.2. Cụm danh từ

– Cụm danh từ gồm danh từ và một hoặc một số từ khác bổ nghĩa cho danh từ.

– Cụm danh từ gồm ba phần: Phần trung tâm ở giữa: là danh từ; Phần phụ trước: thường thể hiện số lượng của sự vật mà danh từ trung tâm biểu hiện; Phần phụ sau: thường nêu đặc điểm của sự vật, xác định vị trí của sự vật trong không gian, thời gian.

2.3. Cụm động từ

– Cụm động từ gồm động từ và một hoặc một số từ khác bổ nghĩa cho động từ.

– Cụm động từ gồm ba phần: Phần trung tâm ở giữa: động từ; Phần phụ trước: thường bổ sung cho động từ ý nghĩa về thời gian, khẳng định/phủ định, tiếp diễn; Phần phụ sau: thường bổ sung cho động từ những ý nghĩa về đối tượng, địa điểm, thời gian.

2.4. Cụm tính từ

– Cụm tính từ gồm tính từ và một hoặc một số từ khác bổ nghĩa cho tính từ.

– Cụm tính từ gồm ba phần: Phần trung tâm ở giữa: tính từ; Phần phụ trước: thường bổ sung cho tính từ những ý nghĩa về mức độ, thời gian, sự tiếp diễn,…; Phần phụ sau: thường bổ sung cho tính từ những ý nghĩa về phạm vi, mức độ,…

  1. Tập làm văn

3.1. Yêu cầu đối với bài văn kể lại một trải nghiệm

– Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất.

– Giới thiệu được trải nghiệm đáng nhớ.

– Tập trung vào sự việc đã xảy ra.

– Sắp xếp các sự việc, chi tiết theo trình tự hợp lí.

– Sử dụng các chi tiết miêu tả cụ thể về thời gian, không gian, nhân vật và diễn biến câu chuyện.

– Thể hiện được cảm xúc của người viết trước sự việc được kể; rút ra được ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm đối với người viết.

3.2. Các bước tiến hành

  1. Trước khi viết

* Lựa chọn đề tài

Một trải nghiệm của em.

* Tìm ý

– Tự đặt một số câu hỏi và trả lời.

– Hình dung, tưởng tượng.

– Sử dụng kỉ vật.

– Phỏng vấn.

– Kể trải nghiệm của em cho các bạn trong nhóm nghe.

* Lập dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu câu chuyện. 

– Thân bài: Kể lại diễn biến của câu chuyện. 

+ Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện và những nhân vật có liên quan. 

+ Kể lại các sự việc trong câu chuyện theo trình tự hợp lí (thời gian, không gian, nguyên nhân – kết quả, mức độ quan trọng của sự việc,..). 

– Kết bài: Nêu cảm xúc của người viết và rút ra ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm đối với bản thân.

  1. Viết bài 

Bám sát dàn ý khi viết bài. 

Cần lưu ý:

– Sử dụng các chi tiết miêu tả thời gian, không gian, nhân vật và diễn biến câu chuyện. 

– Rút ra kết luận thuyết phục về ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm đối với bản thân. 

  1. Chỉnh sửa bài viết 

Rà soát, tự chỉnh sửa bài viết của mình.

  1. Hướng dẫn trả lời câu hỏi SGK
  2. Đọc

Bài học: Cô bé bán diêm

* Trả lời câu hỏi sau khi đọc

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 65)

Truyện được kể bằng lời của người kể chuyện theo ngôi thứ ba.

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 65)

– Cô bé bán diêm phải ở ngoài đường phố trong một đêm giao thừa “rét dữ dội, tuyết rơi” “giữa trời đông giá rét”.

– Cô bé không dám về nhà vì cả ngày cô bé không bán được bao diêm nào, cũng không ai bố thí cho em một đồng nào để đem về, nếu em không đem được tiền về thì em sẽ bị bố đánh. 

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 65)

– Các chi tiết miêu tả ngoại hình của cô bé bán diêm:

+ Một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất.

+ Em phải đi đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét.

+ Chiếc tạp dề cũ kĩ của em đựng đầy diêm và tay em còn cầm thêm một bao.

+ Bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xoã thành từng búp trên lưng em.

– Qua những chi tiết ấy, ta hình dung được cô bé bán diêm tội nghiệp, đáng thương, phải sống cuộc sống nghèo khổ, đói rét; thiếu tình yêu thương, không có ai quan tâm, chăm sóc,… 

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 65)

– Phân tích 5 lần quẹt diêm:

+ Lần 1: Em quẹt 1 que diêm và tưởng tượng ra mình đang “ngồi trước lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng loáng. Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng.” vì em đang rét, muốn được sưởi ấm.

+ Lần 2: Em quẹt que diêm thứ 2, em nhìn thấy một “​​bàn ăn đã dọn, khăn trải trắng tinh, trên bàn bày toàn bát đĩa bằng sứ quý giá, và có cả một con ngỗng quay. Nhưng điều kỳ diệu nhất là ngỗng ta nhảy ra khỏi dĩa và mang cả dao ăn, phóng sết, cắm trên lưng, tiến về phía em bé.” vì em đang đói bụng, em muốn được ăn.

+ Lần 3: Em quẹt que diêm thứ 3 và bỗng thấy cây thông No-en lớn và trang trí lộng lẫy, hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh. Em bé thấy những điều đó vì bấy giờ đang là đêm giao thừa, em cũng muốn chào đón năm mới. 

+ Lần 4: Em quẹt que diêm thứ 4 và thấy bà nội hiện về đang mỉm cười với em. Em hình dung ra bà vì em đang cô đơn trong đêm giao thừa giá rét. Em khao khát tổ ấm, muốn nhận được tình yêu thương và sự ôm ấp, vỗ về từ những người thân yêu mà những điều ấy chỉ có bà của em mới đem đến được.

+ Lần 5: Em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao để níu bà em lại. Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi. Đó là một mộng tưởng đẹp thể hiện khát khao cháy bỏng của cô bé về một cuộc sống mới tốt đẹp, hạnh phúc.

– Hình ảnh lò sưởi xuất hiện đầu tiên vì cô bé đang phải chịu đựng cái rét dữ dội; tiếp đó là hình ảnh bàn ăn, con ngỗng quay vì em đang rất đói. Em bé cô đơn khao khát tổ ấm, tình yêu thương, niềm vui,… nên mơ về cây thông Nô-en và người bà yêu quý. Như vậy, trình tự xuất hiện của các hình ảnh đã được nhà văn miêu tả một cách hợp lí, không thể thay đổi. 

Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 65)

– Thái độ của người kể chuyện dành cho cô bé bán diêm: xót xa, thương cảm và yêu thương, trân trọng. 

– Phân tích một vài chi tiết làm cơ sở:

+ Cách miêu tả em bé đáng thương, bụng đói rét vẫn lang thang trên đường trong đêm đông giá rét: kể chậm rãi, thể hiện sự thương cảm, xót xa của người kể chuyện đối với nhân vật.

+ Cách nhấn mạnh sự tương phản giữa những ảo ảnh hiện lên sau mỗi lần quẹt diêm và hình ảnh của hiện thực phũ phàng khi diêm tắt:

Khi diêm cháy, những ảo ảnh hiện lên thật ấm áp, tươi đẹp, khiến em cảm thấy thật hạnh phúc (Chú ý những câu cảm thán). Tác giả dường như cũng reo vui hạnh phúc khi thấy sự trong sáng, đáng yêu của cô bé: Em hơ đôi tay trên que diêm sáng rực như than hồng. Chà! Ánh sáng kì diệu làm sao! Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng. Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng. Thật là dễ chịu! Đôi bàn tay em hơ trên ngọn lửa; bên tay cầm diêm, cái ngón cái nóng bỏng lên. Chà! Khi tuyết phủ kín mặt đất, gió bấc thổi vun vút mà được ngồi hàng giờ như thế, trong đêm đông rét buốt, trước một lò sưởi, thì khoái biết bao! Khi diêm tắt, hiện thực phũ phàng hiện ra khiến em bần thần và lo sợ. Tác giả thể hiện sự đau đớn, xót xa trước hoàn cảnh tội nghiệp của cô: Em vừa duỗi chân ra sưởi thì lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất. Em ngồi đó, tay cầm que diêm đã tàn hẳn. Em bần thần cả người và chợt nghĩ ra rằng cha em đã giao cho em đi bán diêm. Đêm nay, về nhà thế nào cũng bị cha mắng.

+ Cách kể về cái chết của cô bé: nhẹ nhàng, thanh thản cho thấy sự thương cảm và yêu thương, trân trọng của người kể chuyện nhưng cũng không giấu nổi sự xót xa khi những người xung quanh thờ ơ, vô tâm, “chẳng ai biết” cô đã phải trải qua những gì. 

+ Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười. Em đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa.

+ Ngày mồng một đầu năm hiện lên tử thi em bé ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Mọi người bảo nhau:“Chắc nó muốn sưởi cho ấm!” Nhưng chẳng ai biết những cái kì diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.

🡪 Qua cách kể câu chuyện, cô bé bán diêm không chỉ hiện lên là một thân phận người đau khổ, bất hạnh mà còn thơ ngây, trong sáng, đáng yêu như một thiên thần, xứng đáng được hưởng những gì đẹp để, an lành, hạnh phúc nhất.

Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 65)

– Những câu văn miêu tả thái độ, hành động của người đi đường trước tình cảnh của cô bé bán diêm:

+ Nhưng trời rét quá, khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em.

+ Chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh. 

+ Mấy người khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm.

+ Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà.

+ Mọi người bảo nhau:“Chắc nó muốn sưởi cho ấm!” Nhưng chẳng ai biết những cái kì diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm.

– Những người đi đường đã thờ ơ, vô cảm trước hoàn cảnh tội nghiệp của cô bé bán diêm. Hoặc họ vì quá vội vào ngày cuối năm, vì giá rét, vì muốn nhanh chóng về với gia đình của mình nên đã vô tình không để ý đến hoàn cảnh tội nghiệp của em.

Câu 7. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 65)

– Sự tương phản giữa thời tiết giá lạnh, gió rét dữ dội; giữa đêm giao thừa khi bao nhiêu gia đình đang quây quần, sum họp với hình ảnh “em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối”: nhấn mạnh tình cảnh đáng thương, tội nghiệp của cô bé bán diêm. 

– Sự tương phản giữa quá khứ êm đềm, hạnh phúc khi bà còn sống và hiện tại đau khổ, bất hạnh của cô bé không còn ai chăm sóc, yêu thương: nhấn mạnh hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp ở hiện tại của cô bé bán diêm. 

– Sự tương phản giữa những ảo ảnh hiện lên khi em bé quẹt diêm với hiện thực nghiệt ngã khi diêm tắt: gợi niềm xót xa, thương cảm với em bé thơ ngây đang phải chịu cảnh đói rét, cô đơn. 

– Sự tương phản giữa khung cảnh tươi sáng “mặt trời lên trong sáng, chói chang”, không khí tươi vui của ngày đầu năm mới với cảnh tượng em bé chết rét nơi xó tường “ngôi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã hết nhẵn”: thể hiện nỗi đau đớn trước cái chết của em bé; lên án sự thờ ơ, vô cảm của con người. 

Câu 8. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 66)

– Truyện kết thúc không có hậu giống như nhiều truyện cổ tích khác vì cô bé bán diêm đã chết rét ngoài đường phố, ngay trong đêm giao thừa. 

– Truyện kết thúc có hậu vì cô bé bán diêm đã ra đi như một thiên thần; được đoàn tụ với người bà yêu quý ở nơi “chẳng còn đói rét, đau khổ nào đe doạ họ nữa”.

– Kết thúc của truyện vừa có điểm giống (em bé được nhìn thấy những điều kì diệu, bay lên trong cảnh huy hoàng) vừa có điểm khác biệt (cái chết của nhân vật chính) với nhiều truyện cổ tích khác.

* Viết kết nối với đọc

Bài tập. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 66)

Gợi ý:

– Chia sẻ với nhà văn cảm xúc của mình khi đọc tác phẩm: xót thương cô bé bán diêm, đau buồn khi chứng kiến sự thờ ơ, vô tình của người qua đường.

– Kể với nhà văn một điều tốt đẹp mà câu chuyện mang đến cho em: sau khi đọc câu chuyện, em đã giúp những bạn nhỏ có hoàn cảnh không may mắn, phải bán đồ ngoài đường,…

– Trình bày mong muốn nhà văn hãy viết một cái kết khác cho câu chuyện hoặc tự mình viết một cái kết khác cho câu chuyện: Ví dụ: Một người qua đường nhìn thấy cô bé nằm trên đường đã đưa cô bé về, chăm sóc cho cô bé,…

– Chú ý: Lựa chọn từ ngữ xưng hô phù hợp: “ông”/ “bác”/ “nhà văn” – “cháu”/ “con”.

Bài học: Thực hành tiếng Việt

Bài 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 66)

Cụm danh từ trong các cầu là: 

  1. – khách qua đường (khách: danh từ trung tâm; qua đường: phần phụ sau, bổ sung ý nghĩa về đặc điểm cho danh từ trung tâm). 

– lời chào hàng của em (lời: danh từ trung tâm; chào hàng, của em: phần phụ sau, miêu tả, hạn định danh từ trung tâm). 

  1. – tất cả các ngọn nến (ngọn nến: danh từ trung tâm; tất cả các: phần phụ trước, bổ sung ý nghĩa chỉ tổng thể sự vật (tất cả) và chỉ số lượng (các)).

– những ngôi sao trên trời (ngôi sao: danh từ trung tâm; những: phần phụ trước, chỉ số lượng; trên trời: phần phụ sau, miêu tả, hạn định danh từ trung tâm). 

Bài 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 66)

Gợi ý:

– Danh từ: que diêm.

– Cụm danh từ: một que diêm, tất cả những que diêm còn lại trong bao ấy, những que diêm của cô bé, que diêm nhỏ bé,…

Bài 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 66)

  1. – Em bé vẫn lang thang trên đường. (Chủ ngữ là danh từ em bé.) 

– Em bé đáng thương, bụng đói rét vẫn lang thang trên đường. (Chủ ngữ là cụm danh từ em bé đáng thương, bụng đói rét.) 

  1. – Em gái đang dò dẫm trong đêm tối. (Chủ ngữ là danh từ em gái.) 

– Một em gái nhỏ đầu trấn, chản đi đất, đang dò dẫm trong đêm tối. (Chủ ngữ là cụm danh từ một em gái nhỏ đầu trần, chân đi đất.) 

→ Chủ ngữ là cụm danh từ giúp câu cung cấp nhiều thông tin hơn chủ ngữ là danh từ. Trong hai câu có chủ ngữ là cụm danh từ, chủ ngữ không chỉ cung cấp thông tin về chủ thể của hành động (em bé/ em gái) mà còn cho thấy ý nghĩa về số lượng (một) và đặc điểm rất tội nghiệp, nhỏ bé, đáng thương của em (đáng thương, bụng đói rét/ nhỏ, đầu trần, chân đi đất). Từ đó, câu văn còn cho thấy thái độ thương cảm, xót xa của người kể chuyện với cảnh ngộ đáng thương, khốn khổ của cô bé bán diêm. 

Bài 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 67)

  1. Chủ ngữ là danh từ gió. 

Mở rộng chủ ngữ thành cụm danh từ: gió lạnh, từng cơn gió, từng cơn gió lạnh, những cơn gió mùa đông, gió mùa đông,… 

  1. Chủ ngữ là danh từ lửa. 

Mở rộng chủ ngữ thành cụm danh từ: ngọn lửa ấy, lửa trong lò,… 

Bài 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 67)

Gợi ý:

          Em quẹt que diêm thứ tư. Một vầng quang tỏa rạng làm chói mắt em và bà em dần dần hiện ra. Bà mặc một bộ quần áo thật đẹp và mỉm cười với em. Nụ cười hiền hậu ấy của bà vẫn ấm áp và quen thuộc như những ngày trước, khi bà còn sống cùng em. Bà dang rộng vòng tay đón em vào lòng. Chưa bao giờ em thấy bà em to lớn và đẹp lão như thế này. Bà cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa em nữa. Em cùng bà đã đến một thế giới khác tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Bài học: Gió lạnh đầu mùa

* Trả lời câu hỏi sau khi đọc

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 73)

Câu chuyện được kể bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba. 

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 73)

– Chị em Sơn có cuộc sống khá đủ đầy, sung túc còn các bạn nhỏ khác trong xóm chợ thì nghèo khổ, thiếu thốn. Tuy vậy, chị em Sơn vẫn thân mật chơi đùa với chúng chứ không coi thường: “Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.”

– Khi thấy Hiên đứng nép một chỗ không ra chơi cùng, chị Lan gọi ra chơi, quan tâm hỏi han:“Áo lành đâu không mặc?”; “Sao không bảo u mày may cho?”.

– Khi thấy Duyên nói mình không có cái áo nào khác ngoài chiếc áo đã “rách tả tơi, hở cả lưng và tay”, Sơn thấy “động lòng thương” như thương em gái Duyên đã mất của mình. 

– Sơn nảy ra ý nghĩ đem chiếc áo của Duyên cho Hiên. 

– Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lan hăm hở chạy về nhà lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.

→ Những chi tiết ấy cho thấy chị em Sơn là những đứa trẻ nhân hậu, trong sáng, sống hoà đồng, giàu tình cảm, biết yêu thương, quan tâm và sẻ chia với những số phận bất hạnh hơn mình.

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 73)

– Khi nghe mẹ và vú già nói chuyện, Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá và hiểu nỗi lòng của mẹ: Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt.

– Khi nhớ ra cảnh sống nghèo khổ của gia đình Hiên, Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhỏ thương đến em Duyên.

→ Những ý nghĩ ấy cho thấy Sơn là một cậu bé sống rất tình cảm, giàu lòng trắc ẩn, biết quan tâm và yêu thương người thân, bạn bè. 

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 73)

– Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, Sơn thấy trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.

– Khi sẻ chia, giúp đỡ người khác, biết trao tặng yêu thương, đặc biệt là những người khó khăn, thiếu thốn, chúng ta sẽ nhận lại được niềm vui, niềm hạnh phúc ngọt ngào, sự ấm áp trong trái tim mình. 

Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 73)

HS trả lời theo cảm nhận của mình. Gợi ý:

– Hành động đó không làm em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn vì nhà văn miêu tả đúng với đặc điểm của một em nhỏ thơ ngây: Sơn sợ bị mẹ mắng và có lẽ lúc đó em mới hiểu mẹ rất quý chiếc áo bông cũ ấy,…

– Hành động đó khiến em giảm bớt thiện cảm với nhân vật Sơn vì thấy Sơn “trẻ con” quá, đã cho bạn rồi còn đòi lại. 

Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 73)

– Cách cư xử của mẹ Hiên cho thấy bà dù là một người mẹ nghèo khổ nhưng biết cách cư xử đúng đắn, có lòng tự trọng.

– Cách cư xử của mẹ Sơn:

+ Với mẹ Hiên: Đó là cách cư xử nhân hậu, tế nhị của một người mẹ có điều kiện sống khá giả hơn.

+ Với các con: Cách cư xử của một người mẹ vừa nghiêm khắc vừa ấm áp, yêu thương con. 

Câu 7. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 73)

HS đọc lại một số đoạn văn ở phần đầu tác phẩm, từ đầu đến “hình như sắt lại vì rét” và nêu cảm nhận của mình. Gợi ý: 

– Em không thích các đoạn văn tả cảnh vì chúng không liên quan đến cốt truyện hoặc khiến tác phẩm trở nên dài dòng,…

– Em thích các đoạn văn này vì chúng giúp em hiểu về thiên nhiên; hình dung được bối cảnh diễn ra câu chuyện và giúp em cảm nhận về đặc điểm nhân vật Sơn,… Đồng thời đoạn văn cho thấy lối miêu tả rất tinh tế của tác giả Thạch Lam. Ông đã nắm bắt, tái hiện được sự đổi thay của thời tiết, cảnh vật lúc giao mùa; thể hiện được tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của nhân vật Sơn. 

Câu 8. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 74)

– Tên:

+ Hiên: có tên.

+ Cô bé bán diêm: không có tên.

– Độ tuổi: trạc tuổi nhau. 

– Dáng vẻ bên ngoài: đều hiện lên với dáng vẻ tội nghiệp trong cái lạnh. 

+ Hiên: co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay.

+ Cô bé bán diêm: đầu trần, chân đi đất, chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét, chiếc tạp dề cũ kĩ, bông tuyết bám đầy trên mái tóc dài xoã thành từng búp trên lưng em.

– Hoàn cảnh sống: Cả hai nhân vật đều có cuộc sống đói khổ, khốn khó. Nhưng:

+ Hiên: Sống ở xóm chợ nghèo cùng với bà mẹ rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc nhưng vẫn rất yêu thương con.

+ Cô bé bán diêm: Mồ côi mẹ, bà nội hiền hậu cũng đã mất, gia sản tiêu tán;  sống với cha trong một xó tối tăm, luôn bị mắng nhiếc chửi rủa, đánh đập.

– Kết thúc của từng nhân vật:

+ Hiên: Hiên nhận được sự quan tâm, yêu thương từ bạn bè và những người xung quanh (Sơn, Lan và mẹ Sơn). 

+ Cô bé bán diêm: Không nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người, phải chết trong cái lạnh giá vào đêm giao thừa.

* Viết kết nối với đọc

Bài tập. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 74)

Gợi ý:

– Nhân vật Sơn trong truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam hiện lên là một cậu bé giàu lòng yêu thương, biết quan tâm và sẻ chia với mọi người: 

+ Cậu yêu thương mẹ và em: Khi nghe mẹ và vú già nói chuyện về Duyên – đứa em gái bé của Sơn đã mất từ năm lên bốn tuổi, Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá và cậu cũng hiểu nỗi lòng nhớ thương, đau buồn mẹ khi nhìn thấy mắt bà hơi rơm rớm nước mắt.

+ Cậu sống hoà đồng, không coi khinh những người bạn nghèo khổ.

+ Cậu biết quan tâm và sẻ chia với người bạn nghèo khổ: Khi thấy Duyên mắt chiếc áo mỏng manh đã rách và nhớ đến hoàn cảnh sống nghèo khổ của gia đình Hiên, Sơn thấy động lòng thương như thương chính em gái mình. Đó là tình yêu thương, sự quan tâm chân thành. Lòng cảm thương đã biến thành một ý nghĩa và hành động đẹp: Đem chiếc áo bông của Duyên cho Hiên. Khi cùng chị Lan mang chiếc áo bông cũ cho Hiên, Sơn thấy trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.

– Nhưng cậu bé cũng rất ngây thơ, trong sáng: Sơn sợ bị mẹ mắng và có lẽ lúc đó em mới hiểu mẹ rất quý chiếc áo bông cũ ấy nên đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo bông. Không tìm được Hiên, cậu lo lắng không dám về nhà. 

→ Sơn là một cậu bé sống rất tình cảm, giàu lòng trắc ẩn, biết quan tâm và yêu thương người thân, bạn bè nhưng cũng rất ngây thơ, trong sáng.

Bài học: Thực hành tiếng Việt

Bài 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 74)

– Cụm động từ trong truyện “Gió lạnh đầu mùa”: xách siêu nước từ dưới nhà lên. 

– Xác định động từ trung tâm của cụm từ: xách. 

– Từ động từ trung tâm, phát triển thành ba cụm động từ: đang xách xô nước để tưới cây, xách làn đi chợ, xách đồ ra xe

Bài 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 74)

  1. – nhìn ra ngoài sân (ý nghĩa được bổ sung: hướng (ra), đích đến của hành động nhìn (ngoài sân). 

– thấy đất khô trắng (ý nghĩa được bổ sung: đối tượng của hành động thấy). 

  1. – lật cái vỉ buồm, lục đống quần áo rét (ý nghĩa được bổ sung: đối tượng của hành động lật, lục). 
  2. – hăm hở chạy về nhà lấy áo (ý nghĩa được bổ sung: cách thức của hành động (hăm hở),  hướng (về), đích đến của hành động chạy (nhà), mục đích của hành động (lấy áo)).

Bài 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 74)

– Chị Lan từ trong buồng đi ra, khệ nệ ôm cái thúng quần áo đặt lên đầu phản.

→ Tác dụng: Thông báo một chuỗi hoạt động kế tiếp nhau.

– Sơn lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy, van.

→ Tác dụng: Thông báo các hoạt động có mối quan hệ nguyên nhân – kết quả với nhau: trạng thái lo quá ở nhân vật Sơn dần đến kết quả sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy, van. 

Bài 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 74)

– Cụm tính từ trong truyện “Gió lạnh đầu mùa”: mát lạnh cả tay. 

– Xác định động từ trung tâm của cụm từ: mát. 

– Từ động từ trung tâm, phát triển thành ba cụm động từ: rất mát, còn hơi mát, mát quá. 

Bài 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 74, 75)

  1. Cụm tính từ: trong hơn mọi hôm (tính từ trung tâm: trong, phần phụ sau bổ sung ý nghĩa so sánh: hơn mọi hôm). 
  2. Cụm tính từ: rất nghèo (tính từ trung tâm: nghèo, phần phụ sau bổ sung ý nghĩa chỉ mức độ:

Xem thêm bài viết:

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức ( Bài 1: Bạn và tôi)

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức (Bài 2: Gõ cửa trái tim)

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Cánh Diều