Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức ( Bài 1: Bạn và tôi)

0
436

Hệ thống giáo dục HOCMAI đã tổng hợp lại nội dung kiến thức trọng tâm trong suốt nửa đầu học kỳ I của môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức để giúp học sinh nắm chắc kiến thức một cách khoa học và đầy đủ nhất. Phụ huynh và học sinh có thể theo dõi nội dung ôn tập ở dưới.

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức

Bài 1: Bạn và tôi

I. Hệ thống kiến thức cần nhớ

1. Văn bản

Tác phẩm Tác giả Nội dung Nghệ thuật
Bài học đường đời đầu tiên – trích Dế Mèn phiêu lưu kí Tô Hoài Miêu tả vẻ đẹp của Dế Mèn cường tráng nhưng tính cách còn kiêu căng, xốc nổi. Chính tính cách này đã gây ra cái chết  của Dế Choắt. Sau khi gây ra cái chết cho Dế Choắt, Dế Mèn hối hận và rút ra bài học đường đời đầu tiên cho mình. Đó là bài học về thái độ sống khiêm tốn, lễ độ, tôn trọng người khác; về cách ứng xử, lối sống thân ái, chan hòa, yêu thương giúp đỡ bạn bè; đó còn là bài học về sự tự chủ, biết ăn năn hối lỗi khi sai lầm. – Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, theo lời của nhân vật Dế Mèn.

– Miêu tả loài vật sinh động, nghệ thuật nhân hoá đặc sắc, ngôn ngữ miêu tả chính xác, lời văn giàu hình  ảnh, cảm xúc.

– Xây dựng hình tượng nhân vật gần gũi với trẻ thơ.

Nếu cậu muốn có một người bạn – trích Hoàng tử bé Ăng-toan đơ Xanh-tơ Ê-xu-pê-ri Truyện kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hoàng tử bé đến từ một hành tinh khác và con cáo trên Trái Đất. Cuộc gặp gỡ này đã mang đến cho cả hai những món quà quý giá. Truyện gửi gắm bài học về cách kết bạn, về cách nhìn nhận, đánh giá và trách nhiệm với bạn bè. – Kể kết hợp với miêu tả, biểu cảm.

– Xây dựng hình tượng nhân vật phù hợp với tâm lí, suy nghĩ của trẻ thơ.

– Nghệ thuật nhân hoá đặc sắc.

Bắt nạt Nguyễn Thế Hoàng Linh Bài thơ nói về hiện tượng bắt nạt – một thói xấu cần phê bình và loại bỏ. Qua đó, mỗi người cần có thái độ đúng đắn trước hiện tượng bắt nạt, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn, hạnh phúc. – Thể thơ 5 chữ.

– Giọng điệu hồn nhiên, dí dỏm, thân thiện. Giọng điệu này giúp câu chuyện dễ tiếp nhận hơn, mang đến một cách nhìn thân thiện, bao dung.

Những người bạn – trích Tôi là Bê-tô Nguyễn Nhật Ánh – Câu chuyện gồm 10 chương, kể về cuộc sống của chú chó Bê-tô cùng hai bạn Bi-nô và Lai-ca. Chủ của Bê-tô và Bi-nô là chị Ni, còn Lai-ca sống ở nhà của bà cố chị Ni. Đoạn trích kể về tình cảm yêu mến, gắn bó Bê-tô dành cho lai-ca và Bi-nô.

Thông điệp của tác phẩm:

+ Mỗi người bạn trong cuộc đời sẽ đem lại những trải nghiệm khác nhau. 

+ Tình bạn không phân biệt bởi sự khác nhau về ngoại hình, hành động hay khoảng cách. 

+ Tình bạn được tạo nên từ những kỉ niệm, thời gian cạnh nhau.

– Truyện được kể theo ngôi thứ nhất bằng lời của chú chó Bê-tô xưng “tôi”.

Lời đối thoại, cử chỉ, hành động của nhân vật giúp khắc họa rõ nét tính cách nhân vật:

– Lai-ca: nhai giày của ba chị Ni, đánh cắp cụ xà phòng trong nhà tắm và hơn hở tha vào gầm tủ, bày cho “tôi” trò nhảy chồm chồm trong giờ ăn.

→ Lai-ca là một chú chó nghịch ngợm.

– Bi-nô: mở tung cửa sổ để đón nhận những cảm xúc tuyệt vời khi mưa, lặng lẽ ngắm mưa rơi. 

→ Bi-nô là một chú chó nhẹ nhàng, điềm tĩnh, thông thái và sâu sắc.

* Thể loại 

– Truyện: là loại tác phẩm văn học kể lại một câu chuyện, có cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn ra các sự việc. 

– Truyện đồng thoại: là truyện viết cho trẻ em, có nhân vật thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân cách hoá. Các nhân vật này vừa mang những đặc tính vốn có của loài vật hoặc đồ vật vừa mang đặc điểm của con người. 

* Cốt truyện 

Cốt truyện là yếu tố quan trọng của truyện kể, gồm các sự kiện chính được sắp xếp theo một trật tự nhất định; có mở đầu, diễn biến và kết thúc. 

* Nhân vật 

– Nhân vật là đối tượng có hình dáng, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, cảm xúc, suy nghĩ,… được nhà văn khắc họa trong tác phẩm. 

– Nhân vật thường là con người nhưng cũng có thể là thần tiên, ma quỷ, con vật, đồ vật,… 

* Người kể chuyện 

Người kể chuyện là nhân vật do nhà văn tạo ra để kể lại câu chuyện. Người kể chuyện có thể trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm, xưng “tôi” (người kể chuyện ngôi thứ nhất), kể về những gì mình chứng kiến hoặc tham gia. Người kể chuyện cũng có thể “giấu mình” (người kể chuyện ngôi thứ ba), không tham gia vào câu chuyện nhưng lại có khả năng “biết hết” mọi chuyện.

* Lời người kể chuyện và lời nhân vật 

– Lời người kể chuyện đảm nhận việc thuật lại các sự việc trong câu chuyện, bao gồm cả việc thuật lại mọi hoạt động của nhân vật và miêu tả bối cảnh không gian, thời gian của các sự việc, hoạt động ấy. 

– Lời nhân vật là lời nói trực tiếp của nhân vật (đối thoại, độc thoại), có thể được trình bày tách riêng hoặc xen lẫn với lời người kể chuyện. 

2. Tiếng Việt

2.1. Từ đơn và từ phức 

– Từ đơn là từ chỉ có một tiếng. 

– Từ phức là từ có hai tiếng trở lên. Những từ phức được tạo nên bằng cách ghép các tiếng, giữa các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa được gọi là từ ghép. Những từ phức mà các tiếng chỉ có quan hệ với nhau về âm (lặp lại âm đầu, vần hoặc lặp lại cả âm đầu và vần) được gọi là từ láy.

2.2. Nghĩa của từ ngữ

– Từ có thể có một nghĩa hoặc nhiều nghĩa. Muốn xác định nghĩa của từ, ta phải đặt nó trong văn cảnh.

– Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh.

– Để giải nghĩa từ, có thể dựa vào từ điển, nghĩa của từ dựa vào câu văn, đoạn văn mà từ đó xuất hiện. Với từ Hán Việt, có thể giải nghĩa từng thành tố cấu tạo nên từ.

2.3. So sánh

– So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

– Mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm:

+ Vế A (nêu tên sự vật, sự việc được so sánh).

+ Vế B (Nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc nói ở vế A).

+ Từ ngữ chỉ phương diện so sánh.

+ Từ ngữ chỉ ý so sánh.

– Có hai loại so sánh: so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng.

2.4. Điệp ngữ

– Điệp ngữ là một biện pháp lặp lại từ ngữ hay cả một câu văn để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh. 

​​- Điệp ngữ có 3 dạng:

+ Điệp ngữ nối tiếp.

+ Điệp ngữ cách quãng.

+ Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng).

2.5. Từ ghép, từ láy

– Những từ phức được tạo nên bằng cách ghép các tiếng, giữa các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa được gọi là từ ghép.

– Những từ phức mà các tiếng chỉ có quan hệ với nhau về âm (lặp âm đầu, vần hoặc lặp lại cả âm đầu và vần) được gọi là từ láy.

3. Tập làm văn

3.1. Yêu cầu với đối bài văn kể lại một trải nghiệm

– Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất.

– Giới thiệu được trải nghiệm đáng nhớ.

– Tập trung vào sự việc đã xảy ra.

– Thể hiện được cảm xúc của người viết trước sự việc được kể.

3.2. Các bước tiến hành

Bước 1: Trước khi viết

– Lựa chọn đề tài.

– Tìm ý:

+ Câu chuyện xảy ra khi nào? Ở đâu?

+ Những ai liên quan đến câu chuyện? Họ đã nói và làm gì?

+ Điều gì đã xảy ra?

+ Vì sao câu chuyện lại xảy ra như vậy?

+ Em có cảm xúc gì khi câu chuyện diễn ra và khi kể lại câu chuyện?

– Lập dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu câu chuyện.

+ Thân bài: 

Kể diễn biến câu chuyện.

Giới thiệu thời gian, không gian, những nhân vật có liên quan đến câu chuyện đó.

Kể lại các sự việc trong câu chuyện.

+ Kết bài: Kết thúc câu chuyện và cảm xúc của bản thân.

Bước 2: Viết bài

– Nhất quán về ngôi kể.

– Sử dụng những yếu tố của truyện như cốt truyện, nhân vật.

Bước 3: Chỉnh sửa bài viết

– Đọc và sửa lại bài viết.

II. Hướng dẫn trả lời câu hỏi SGK

1. Đọc

1.1 Bài học: Bài học đường đời đầu tiên

a, Trả lời câu hỏi sau khi đọc

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 19)

– Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật chính: Dế Mèn.

– Ngôi kể: Ngôi thứ nhất. 

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 19)

– Một số chi tiết miêu tả Dế Mèn khiến em liên tưởng tới tác đặc điểm của con người:

+ Ngoại hình: Dế Mèn là một chàng dế thanh niên cường tráng có đôi càng mẫm bóng, vuốt cứng, nhọn hoắt, cánh dài, răng đen nhánh, râu dài uốn cong, hùng dũng…. 

+ Hành động: đạp phanh phách, vũ lên phành phạch, nhai ngoàm ngoạp, trịnh trọng vuốt râu, cà khịa với tất cả mọi người, quát mấy chị Cào  Cào, đá ghẹo anh Gọng Vó…

+ Thái độ, tính cách ngạo mạn: Tôi tợn lắm; Tôi cho là tôi giỏi; lầm cử chỉ ngông cuồng là tài ba, càng tưởng tôi là tay ghê gớm, có thể sắp đứng đầu thiên hạ rồi.

+ Ngôn ngữ: Gọi Dế Choắt là “chú mày”, xưng “anh”. Gọi chị Cốc là “mày” xưng “tao”.

→ Dế Mèn thể hiện nhiều đặc điểm giống như con người: tự tin, biết chăm sóc bản thân, có ý thức ăn uống điều độ cho cơ thể khoẻ mạnh, cường tráng nhưng kiêu ngạo, hiếu thắng, khinh thường hay bắt nạt người khác.

– Lối miêu tả thường được sử dụng ở loại truyện đồng thoại. 

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 19)

– Em thích những chi tiết Dế Mèn tự miêu tả ngoại hình của chú. Vì đây đều là những chi tiết cho thấy Dế Mèn là một chú dế siêng tập luyện, có ý thức rèn luyện sức khoẻ và rất tự tin, ý thức được vẻ đẹp của bản thân. 

– Em không thích những chi tiết Dế Mèn tự kể lại những hành động bắt nạt người khác và đánh giá về bản thân mình. Vì những chi tiết này cho thấy chú rất kiêu căng tự phụ, xem thường mọi người, hung hăng hống hách, xốc nổi. Đây đều là những tính cách, thái độ sống không đẹp. 

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 19)

– Dế Mèn sang thăm nhà Dế Choắt và khi Dế Choắt nhờ sự giúp đỡ đã nói:

+ Khi sang thăm nhà Dế Choắt: Chê bai nhà cửa và lối sống của Dế Choắt.

+ Khi Dế Choắt nhờ sự giúp đỡ: Từ chối lời đề nghị cần giúp đỡ của Choắt.

– ​​Những lời nói đó thể hiện thái độ chê bai, coi thường Dế Choắt, thái độ sống không chan hòa; ích kỉ, hẹp hòi; vô tình, thờ ơ, không rung động, lạnh lùng trước hoàn cảnh khốn khó của đồng loại của Dế Mèn.

Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 19)

– Chứng kiến cái chết ở Dế Choắt, Dế Mèn đã rất nhiều những cảm xúc, suy nghĩ.

+ Khi Dế choắt bị Cốc mổ thì nằm im thin thít, khi Cốc bay đi rồi mới dám mon men bò ra khỏi hang. Từ một kẻ hung hăng, hống hách, tự coi mình là “tài ba”, tự cho mình là “hùng dũng”, Dế Mèn trở thành một kẻ hèn nhát tham sống sợ chết, bỏ mặc bạn bè.

+ Khi thấy Dế Choắt nằm thoi thóp: Dế Mèn “hốt hoảng quỳ xuống, nâng đầu Choắt lên” và hối hận về những hành động ngông cuồng dại dột của mình. 

+ Khi Dế Choắt tắt thở: Dế Mèn “vừa thương vừa ăn năn tội lỗi” rồi đem xác Dế Choắt chôn vào bụi cỏ um tùm và đứng lặng giờ lâu. 

– Sự thay đổi ở nhân vật Dế Mèn: Từ một kẻ kiêu ngạo, hống hách, coi thường người khác, khi chứng kiến cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã biết ăn năn, hối hận về hành động về hành động của mình. Từ một kẻ sống thờ ơ, vô tâm, Dế Mèn đã có tình cảm đồng loại, biết “thương”, biết hối hận, biết hướng thiện.

Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 19)

– Bài học về thái độ sống, về cách ứng xử trong cuộc sống:

+ Không được kiêu căng, coi thường người khác, phải sống khiêm tốn, biết tôn trọng người khác.

+ Phải biết suy nghĩ trước khi hành động để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.

– Bài học về tình thân ái, chan hòa: Phải sống chan hoà, yêu thương mọi người, biết giúp đỡ mọi người xung quanh, đặc biệt là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Câu 7. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 19)

– Nhân vật Dế Choắt qua sự giới thiệu của người kể chuyện (nhân vật Dế Mèn):

+ Tuổi: Chạc tuổi Dế Mèn.

+ Ngoại hình: người gầy gò, dài lêu nghêu như gã nghiện thuốc phiện, cánh ngắn ngủn, râu một mẩu, mặt mũi ngẩn ngơ.

+ Cách sinh hoạt: luộm thuộm, hôi như cú mèo. 

+ Tính cách: có lớn mà không có khôn.

+ Ngôn ngữ: Cách xưng hô với Dế Mèn: Lúc đầu: gọi “anh” xưng “em”.

→ Dế Choắt qua cái nhìn của Dế Mèn là một thanh niên yếu ớt, xấu xí, lười nhác, đáng khinh.

– Nhân vật Dế Choắt qua hình dung của em: sức khoẻ yếu, hình thể có khiếm khuyết, tính cách nhút nhát, yếu đuối, đáng thương. 

– Nếu em có một người bạn có đặc điểm giống với Dế Choắt, em sẽ đối xử với bạn bình thường như những bạn khác, quan tâm bạn hơn, giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn,…

 b, Viết kết nối với đọc

Bài tập. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 166)

Học sinh lựa chọn một sự việc trong câu chuyện Bài học đường đời đầu tiên và kể lại bằng lời của một nhân vật (có thể là nhân vật Dế Mèn, Dế Choắt hoặc chị Cốc).

Ngôi kể: ngôi thứ nhất. Ngôi kể phải phù hợp với sự việc và nhân vật được lựa chọn, thể hiện đúng cách nhìn và giọng kể của người kể chuyện, đảm bảo tính chính xác của các sự kiện. 

Gợi ý: HS có thể lựa chọn một trong các sự việc sau: Dế Mèn sang thăm nhà Dế Choắt; Dế Choắt sang nhờ Dế Mèn giúp đỡ; Dế Mèn trêu chị Cốc; Dế Choắt bị chị Cốc mổ; Dế Choắt chết.

          Một hôm, khi nhìn thấy chị Cốc bỗng tôi nghĩ ra một trò nghịch dại và rủ Choắt chơi  cùng. Nhưng nghe nhắc đến chị Cốc thì Choắt lại hoảng sợ xin thôi, đã thế còn khuyên  tôi đừng trêu vào, phải biết sợ. Nghe thật tức cái tai. Tôi nào đâu biết sợ ai. Tức mình,  tôi quay lại cất tiếng trêu chị Cốc, chứng minh cho Choắt thấy sự dũng cảm của mình.  Nhưng chị Cốc không phải hiền lành. Nghe tiếng trêu, chị ta trợn tròn mắt, giương cánh lên, như sắp đánh nhau. Lúc đó tôi cảm thấy sợ hãi nên vội chui tọt vào hang, lên giường nằm khểnh. Lúc bấy giờ, tôi không hề nghĩ đến anh bạn Dế Choắt tội nghiệp và cũng không thể tưởng tượng được chuyện sắp xảy ra. Lúc chị Cốc đi rồi, tôi bò ra khỏi hang và thấy anh bạn Dế Choắt đã bị chị Cốc mổ bị thương rất nặng, chỉ còn nằm thoi thóp.

 c, Bài học: Thực hành tiếng Việt

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 20)

Từ đơn Từ phức
Từ ghép Từ láy
tôi, nghe, người bóng mỡ, ưa nhìn hủn hoẳn, phành phạch, giòn giã, rung rinh

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 20)

Từ láy mô phỏng âm thanh: phanh phách, phành phạch, ngoàm ngoạp, văng vẳng.

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 20)

– Các từ láy:

+ phanh phách: âm thanh phát ra do một vật sắc tác động liên tiếp vào một vật khác.

+ ngoàm ngoạp: (nhai) nhiều, liên tục, nhanh.

+ dún dẩy: điệu đi nhịp nhàng, ra vẻ kiểu cách.

– Tác dụng: 

+ Dùng để miêu tả nhấn mạnh vẻ đẹp cường tráng, mạnh mẽ của Dế Mèn.

+ Khiến cho hình ảnh Dế Mèn hiện lên một cách sinh động. Nhân vật hiện lên tràn đầy sức sống của tuổi trẻ.

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 20)

– Nghèo: ở vào tình trạng không có hoặc có rất ít về vật chất (Ví dụ: Nhà nó rất nghèo.)

– Nghèo sức: khả năng hoạt động, làm việc hạn chế, sức khoẻ kém hơn người bình thường.

– Mưa dầm sùi sụt: mưa nhỏ, rả rích, kéo dài không dứt.

– Điệu hát mưa dầm sùi sụt: điệu hát nhỏ, kéo dài, buồn, ngậm ngùi, thê lương.

Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 20)

– Anh phải kiếm một công việc ổn định đi, chứ cứ ăn xổi ở thì mãi thế à?

– Hai nhà chúng mình hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau nên chị đừng ngại.

– Phòng nó đồ đạc, quần áo vứt khắp nơi, hôi như cú mèo.

Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 20)

– Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.

+ Câu văn trên so sánh hai cái răng của Dế Mèn khi nhai thức ăn với hai lưỡi liềm máy đang làm việc.

+ Tác dụng: Nhấn mạnh Dế Mèn đang ở tuổi ăn, tuổi lớn, tràn đầy sức sống, khoẻ mạnh.

– Mỏ Cốc như cái dùi sắt, chọc xuyên cả đất.

+ Câu văn trên so sánh mỏ chị Cốc với cái dùi sắt.

+ Tác dụng: Cho thấy sự tức giận, sức mạnh đáng sợ của chị Cốc khi mổ Dế Choắt.

1.2 Bài học: Nếu cậu muốn có một người bạn

a, Trả lời câu hỏi sau khi đọc

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

– Hoàng tử bé từ một hành tinh khác, không phải Trái Đất.

– Hoàn cảnh gặp gỡ:

+ Hoàng tử bé vừa đặt chân tới Trái Đất đã phải thất vọng, đau khổ khi ngỡ rằng bông hồng của mình không phải duy nhất.

+ Con cáo thì đang bị săn đuổi, sợ hãi, chạy trốn con người…

→ Hai nhân vật đều đang cô đơn, buồn bã thì tình cờ gặp gỡ nhau.

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

– Từ “cảm hóa” xuất hiện 15 lần, gắn với nhiều chi tiết, sự kiện, ý nghĩa quan trọng.

– “Cảm hoá” chính là kết bạn, là tạo dựng mối liên hệ gần gũi, gắn kết tình cảm để biết quan tâm, gắn kết và cần đến nhau. “Cảm hoá” còn có ý nghĩa là đón nhận, trân trọng, đánh thức những điều đẹp đẽ, thiện lành; xoá bỏ mọi khoảng cách, định kiến để con người, vạn vật có thể trở thành bạn bè, thấu hiểu và yêu thương nhau. 

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

Hoàng tử bé cư xử với cáo rất lịch sự, thân thiện, khác với nhiều người trên Trái Đất vẫn coi cáo là tinh ranh, xảo quyệt, xấu tính nên cáo thiết tha mong được kết bạn với hoàng tử bé. 

– Hoàng tử bé lịch sự đáp lại lời chào của con cáo, khen con cáo “Bạn dễ thương quá…” và đề nghị cáo lại đây chơi với mình. 

– Khi con cáo trả lời mình không thể chơi với hoàng tử bé được vì “mình chưa được cảm hoá”, hoàng tử bé đã thốt lên: “Xin lỗi”. …

→ Hoàng tử bé có cái nhìn ngây thơ, trong sáng, luôn tin cậy và hướng tới phần đẹp đẽ, tốt lành, không bị giới hạn bởi định kiến, hoài nghi… câu nhìn cáo bằng đôi mắt hồn nhiên, đầy thiện cảm nên cáo đã mong cậu sẽ cảm hoá mình.

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

– Nếu được hoàng tử bé “cảm hoá”, cuộc sống của cáo sẽ thay đổi:

Cuộc sống của cáo trước khi cảm hóa Cuộc sống của cáo sau khi cảm hóa
Cảm nhận của cáo về tiếng bước chân “Những bước chân khách chỉ khiến mình trốn vào lòng đất.”

→ Cáo sợ hãi và chạy trốn.

“Bước chân của bạn khác hẳn mọi bước chân khác, sẽ gọi mình ra khỏi hang như tiếng nhạc.”

→ Cáo vui thích, chủ động tìm đến.

Cảm nhận của cáo về đồng lúa mì “Đồng lúa mì chẳng gợi nhớ gì cho mình cả.”

→ Cáo buồn chán, thấy cánh đồng lúa mì chẳng có gì cả.

“Lúa mì vàng óng sẽ làm mình nhớ đến bạn. Và mình sẽ thích gió trên đồng lúa mì.”

→ Cáo thấy cánh đồng lúa mì trở nên thân thương, ấm áp.

Nhận định của cáo về cuộc sống “Mình săn gà, con người thì săn mình. Mọi con gà đều giống nhau, mọi con người đều giống nhau.”

→ Cuộc sống của cáo buồn tẻ, đơn điệu, quẩn quanh và đầy sự sợ hãi.

“Nếu bạn cảm hoá mình, xem như đời mình đã được chiếu sáng.”

→ Tình bạn giúp cho cuộc đời cáo trở nên tươi sáng, đẹp đẽ, tràn đầy hạnh phúc như thể được chiếu sáng.

– Ý nghĩa của tình bạn: Tình bạn sẽ giúp cuộc sống trở nên tươi đẹp, hạnh phúc hơn, mọi người sẽ sống gắn bó và chan hoà trong tình yêu thương. Không có tình bạn thì mọi người, mọi vật trong thế giới này sẽ hoá thành nhạt nhẽo, vô nghĩa, tầm thường.

Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

– Khi chia tay hoàng tử bé, cáo rất buồn. Cảm xúc ấy được thể hiện qua câu nói: “Mình sẽ khóc mất”.

– Cáo buồn nhưng không hối tiếc vì “còn có màu lúa mì” sẽ giúp cáo nhớ hoàng tử bé. Nhờ có tình bạn với hoàng tử bé mà cáo sẽ không còn thấy cô đơn, buồn tẻ và sợ hãi. Thế giới xung quanh cáo trở nên gần gũi, ấm áp, rực rỡ và rộng mở, đáng yêu.

Câu 6. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

– Hoàng tử bé đã 3 lần lặp lại lời của cáo “để cho nhớ”:

+ Người ta chỉ thấy rõ với trái tim. Điều cốt lõi vô hình trong mắt trần.

+ Chính thời gian mà bạn bỏ ra cho bông hoa hồng của bạn đã khiến bông hồng của bạn trở nên quan trọng đến thế.

+ Bạn có trách nhiệm mãi mãi với những gì bạn cảm hóa. Bạn có trách nhiệm với bông hồng của bạn.

– Ý nghĩa của những lời nói: Con người cần biết nhìn nhận, đánh giá mọi thứ bằng tình yêu và sự tin tưởng, thấu hiểu, cần dành thời gian và trách nhiệm, chăm chút cho những người mình yêu quý. Chỉ khi nhìn bằng trái tim, con người mới nhận ra và biết trân trọng, gìn giữ những điều đẹp đẽ, quý giá.

Câu 7. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

– Bài học về cách kết bạn: cần thân thiện, kiên nhẫn, dành  thời gian để cảm hoá nhau.

– Bài học về ý nghĩa của tình bạn: mang đến cho con người niềm vui, hạnh phúc, khiến cho cuộc sống trở nên phong phú, đẹp đẽ hơn.

– Bài học về cách ứng xử đối với bạn bè: biết lắng nghe, quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ, bảo vệ.

Câu 7. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

Nhân vật cáo là nhân vật của truyện đồng thoại vì là con vật được nhân hóa, biết nói chuyện. Nó vẫn mang đặc tính của loài cáo: săn gà và bị người săn bắt, nhưng bên cạnh đó, nó mang đặc điểm của con người: có khát khao được kết bạn, được trân trọng và đón nhận những điều tốt đẹp của bản thân.

b, Viết kết nối với đọc

Bài tập. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

Đoạn văn tham khảo:

​​Sau khi hoàng tử bé rời đi, cáo buồn bã quay trở lại hang của mình. Khi đi qua những cánh đồng lúa mì vàng óng, cáo như thấy hoàng tử bé với mái tóc vàng óng đang hiện ra, cười thật tươi với mình. Cáo mỉm cười đáp lại. Hình như đâu đây, trong không gian oi ả này, tiếng cười giòn giã của cậu bé vẫn lẫn trong tiếng gió: “Một ngày nào đó tớ sẽ quay lại thăm cậu”. Cáo chợt nhận ra rằng, thì ra cậu bé ấy không rời xa mình, cậu bé vẫn ở đây, ngay bên cạnh cậu. Tình bạn thật là một thứ diệu kì và ấm áp.

c, Bài học: Thực hành tiếng Việt

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

Một số từ có mô hình cấu tạo như từ cảm hoá: tha hoá, nhân cách hoá, đồng hoá, trẻ hoá, công nghiệp hoá….

– Tha hoá: biến thành cái khác, mang đặc điểm trái ngược với bản chất vốn có.

– Nhân cách hoá: gán cho loài vật hoặc vật vô tri hình dáng, tính cách hoặc ngôn ngữ của con người.

– Công nghiệp hoá: là quá trình phát triển, nâng cao tỉ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu công nghiệp của một vùng hay một quốc gia.

– Đồng hoá: làm thay đổi bản chất của một vật, một người nào đó để khiến người đó, vật đó cho giống vật khác, người khác.

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

– Cuộc sống của bạn đơn điệu quá.

– Muốn thành công, chúng ta cần phải kiên nhẫn.

– Các em cần phải hiểu được vấn đề cốt lõi.

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

– Câu văn sử dụng biện pháp tu từ so sánh: Còn bước chân của bạn sẽ gọi mình ra khỏi hang, như là tiếng nhạc.

→ Tác dụng: Tiếng nhạc là một thứ âm thanh du dương, mang cảm xúc. Việc so sánh bước chân của hoàng tử bé với tiếng nhạc nhằm diễn tả tiếng chân của hoàng tử bé là một gần gũi, quen thuộc, ấm áp với cáo. Chính nhờ tình bạn diệu kì mà những âm thanh, những điều tưởng như nhạt nhẽo lại trở nên sống động, đặc biệt và đầy ý nghĩa.

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

– Những lời thoại được lặp lại: vĩnh biệt, điều cốt lõi trong mắt trần, chính thời gian mà bạn bỏ ra cho bông hồng của bạn, bạn có trách nhiệm với bông hồng của bạn… 

– Tác dụng: nhấn mạnh nội dung câu nói, vừa tạo nhạc tính và chất thơ cho văn bản.

Câu 5. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 26)

– Hình thức: đoạn văn khoảng 5 – 7 câu.

– Nội dung của đoạn văn: cảm nhận của em về nhân vật hoàng tử bé hoặc nhân vật cáo. 

– Trong đoạn văn có sử dụng ít nhất 2 từ ghép và 2 từ láy.

1.3 Bài học: Bắt nạt

a, Trả lời câu hỏi sau khi đọc

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 28)

– Thái độ của nhân vật “tớ” với các bạn bắt nạt: Bắt nạt là xấu lắm; Bất cứ ai trên đời/ Đều không cần bắt nạt; Vẫn không thích bắt nạt/Vì bắt nạt rất hôi…; Đừng bắt nạt bạn ơi;…

→ Nhân vật “tớ” thể hiện thái độ phê bình thẳng thắn, phủ định một cách mạnh mẽ chuyện bắt nạt nhưng vẫn cởi mở, thân thiện, trò chuyện tâm tình và dí dỏm, hài hước với các bạn bắt nạt.

+ Thái độ của nhân vật “tớ” với các bạn bị bắt nạt: Những bạn nào nhút nhát/ Thì là giống thỏ non/Trông đáng yêu đấy chứ; Bạn nào bắt nạt bạn/Cứ đưa bài thơ này/Bảo nếu thích bắt nạt/Thì đến gặp tớ ngay.

→ Với các bạn bị bắt nạt, nhân vật thể hiện sự gần gũi, tôn trọng, yêu mến, sẵn sàng bênh vực.

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 28)

– Cụm từ “đừng bắt nạt” xuất hiện 7 lần trong bài thơ.

– Tác dụng: Nhằm nhấn mạnh thái độ phê bình thẳng thắn, lên án, không đồng tình, phủ định hoàn toàn với hành động bắt nạt.

Câu 3. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 28)

– Trong bài thơ này, tác giả nói về chuyện bắt nạt – một thói xấu có thể gây những hậu quả nặng nề bằng giọng điệu hồn nhiên, dí dỏm, thân thiện.

– Biểu hiện của ý vị hài hước: Tác giả có cách nói hài hước và sử dụng nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh: Sao không ăn mù tạt/ Đối diện thử thách đi?; Sao không trêu mù tạt? Tại sao không học hát/Nhảy híp-hóp cho hay? Vẫn không thích bắt nạt/Vì bắt nạt rất hôi; Đừng bắt nạt mèo chó/ Đừng bắt nạt trái cây;…

Câu 4. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 28)

Gợi ý:

– Tình huống mình bị bắt nạt: Em im lặng chịu đựng; Em chống lại kẻ bắt nạt; Em nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và người lớn;…

– Tình huống chứng kiến người khác bị bắt nạt: Em thờ ơ, không quan tâm vì cho rằng đó là chuyện không liên quan đến mình hoặc có thể gây nguy hiểm cho mình nếu mình lên tiếng; Em lên tiếng bênh vực người bị bắt nạt; Em nhờ người lớn can thiệp….

– Tình huống mình là kẻ bắt nạt: Em coi đó là chuyện thường, thậm chí nghĩ đó là một cách để khẳng định bản thân; Em coi đó là hành vi xấu, em cảm thấy ân hận và rất muốn xin lỗi người mình đã bắt nạt

b, Viết

Dàn bài tham khảo:

* Mở bài: Giới thiệu câu chuyện.

Vào năm em 10 tuổi, em được bố mẹ cho đi nghỉ mát ở Nha Trang. Đó là lần đầu tiên em được đi máy bay. Đến giờ em vẫn nhớ trải nghiệm đó. 

* Thân bài: Kể diễn biến câu chuyện theo trình tự thời gian.

–  Sáng hôm ấy, em háo hức dậy thật sớm để chuẩn bị cùng cả nhà ra sân bay. 

– Khi ra đến sân bay:

+ Em ngạc nhiên vì thấy sân bay quá rộng, người ra người vào tấp nập. Em thích thú khi được đi qua một chiếc cửa cảm biến, có thể tự đóng vào mở ra khi có người.

+ Bố mẹ dẫn em đến quầy làm thủ tục. Sau đó, cả nhà đi qua một cửa hải quan để kiểm tra an ninh và vào phòng chờ để chuẩn bị lên máy bay.

– Khi ngồi ở phòng chờ: Em chạy ùa ra gần cửa kính để ngắm nhìn những chiếc máy bay như những chú chim khổng lồ đang cất cánh, hạ cánh. Có những chiếc máy bay đang đỗ tại sân và có những chiếc ra để lấy hàng, chuyển hàng lên xuống máy bay.

– Khi lên máy bay: 

+ Đến giờ lên máy bay, em cùng bố mẹ xếp hàng tại cửa lên máy bay, theo đoàn người qua một chiếc ống khổng lồ và lên thẳng máy bay. Ở cửa có các cô tiếp viên trong trang phục áo dài truyền thống cười tươi chào đón và tận tình hướng dẫn hành khách tìm đúng ghế ngồi của mình. Em ngồi ở một chiếc ghế gần cửa sổ, mẹ giúp em thắt chặt dây an toàn.

+ Máy bay bắt đầu di chuyển ra đường băng. Chú phi công thông báo qua loa rằng máy bay chuẩn bị cất cánh. Mọi người nhanh chóng ổn định chỗ ngồi và thắt chặt dây an toàn. Các cô chú tiếp viên hướng dẫn và lưu ý hành khách một số điều trước khi bay. 

– Khi máy bay cất cánh: Khi máy bay đã ra đến một đường băng dài, nó lao nhanh về phía trước và từ từ bay lên không trung. Em đột nhiên thấy sợ hãi và bám chặt lấy mẹ. Mẹ nhắc em tựa lưng vào ghế và đưa một tay giữ chặt em. Em cảm thấy an tâm hơn. Chiếc máy bay chao liệng, em nhìn qua cửa sổ và được ngắm nhìn thành phố từ trên cao. Những ngôi nhà, con đường, cánh đồng, dòng sông… nhỏ dần và biến mất. Em chỉ còn nhìn thấy mây trắng xoá.

– Khi máy bay trên không trung: Khi lên đến độ cao an toàn, đèn tín hiệu thắt dây an toàn đã tắt nhưng em vẫn thắt dây. Em mải mê ngắm mây đang ngoài cửa sổ. Tai em bị ù và cô tiếp viên nhắc em thỉnh thoảng hãy uống một ngụm nước. Trong suốt chuyến bay, mọi người cố gắng giữ yên lặng: có người ngủ, có người đọc sách, có người khe khẽ trò chuyện với người bên cạnh,… Mẹ cho em mượn điện thoại để chơi game.

– Khi máy bay hạ cánh: Chiếc máy bay chao liệng vài vòng trên không trung, em có thể nhìn thấy biển xanh, những hòn đảo nhỏ và thành phố Nha Trang dần dần hiện ra. Chú phi công thông báo máy bay sắp hạ cánh. Mọi người phải ngồi vào ghế và thắt dây an toàn. Chiếc máy bay giảm dần độ cao rồi nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất. Chiếc máy bay đi chậm lại rồi dừng hẳn tại gần nhà ga.

– Khi rời máy bay: Hành khách trên máy bay lần lượt lấy đồ đạc và rời khỏi máy bay. Em và bố mẹ là những hành khách cuối cùng. Khi ra đến cửa, em cảm ơn các cô chú tiếp viên. Em cố ngoái đầu lại để nhìn ngắm chiếc máy bay.

* Kết bài: Kết thúc câu chuyện và cảm xúc của bản thân.

Em đã có trải nghiệm thật đẹp về lần đầu tiên được đi máy bay. Đến giờ, dù đã được đi máy bay thêm nhiều lần nữa nhưng đó vẫn là trải nghiệm để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí em. 

c, Nói và nghe

HS tham khảo dàn bài ở phần luyện viết và thực hành nói, nghe.

Các bước tiến hành:

Bước 1: Trước khi nói

– Chuẩn bị nội dung nói.

– Tập luyện.

Bước 2: Trình bày bài nói

– Tự tin, thoải mái. Chú ý chào hỏi khi bắt đầu và cảm ơn khi kết thúc.

– Dùng từ ngữ xưng hô cho phù hợp (Ví dụ: em, mình, tôi, tớ).

– Điều chỉnh tốc độ nói và sử dụng cử chỉ, điệu bộ phù hợp.

Bước 3: Sau khi nói

– Trao đổi với người nghe, lắng nghe những nhận xét để rút ra kinh nghiệm cho mình.

d, Củng cố, mở rộng

Câu 1. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 33, 34)

Chú Nhện đu bay

          “Nhện con ẩn mình dưới chiếc lá mập mạp của một khóm hồng. Dưới tán lá cây này, chú thấy thật bình yên. Chiếc lá chỉ nhỉnh hơn cái tai mèo một chút nhưng là chỗ để Nhện tránh nắng trú mưa. Từ đây, chú tha hồ ngắm trời ngó đất. Bấy lâu, chú chàng chẳng mấy quan tâm đến công việc mà họ nhà Nhện vẫn thường làm, ấy là việc đặt bẫy để săn bắt lũ ruồi muỗi làm thức ăn qua ngày. Hôm nay thì khác, Nhện con quyết định đặt mẻ lưới đầu tiên trong đời.

          Chờ cho chiều nhạt nắng, Nhện con mới bắt đầu vào việc. Nhớ lời mẹ dặn, nó cố sức thót bụng nhả tơ, ghim chặt một đầu vào mép lá. Được biết những sợi tơ trong bụng đủ sức bảo hiểm cho những cú treo mình nhưng nhìn xuống chiếc lá phía dưới cách cả mấy gang tay, Nhện con vẫn thấy sờ sợ. Nhắm nghiền mắt lại, chú dứt mình lao xuống. Chỉ tiếng gió vi vút bên tai. Khi chú hé mắt nhìn thì chiếc lá đã hiện ra trước mắt. Không kịp, cú hãm đà quá muộn màng khiến Nhện con bị rơi thẳng xuống mặt lá. Thật may, chiếc lá dày mượt ấy chỉ làm nó bị nảy lên một chút. Bám được vào mặt lá, Nhện con loay hoay tìm chỗ móc tơ. Đoạn chỉ tơ mỏng mảnh được kéo thẳng băng giữa hai chiếc lá. Ngẫm nghĩ một lát, chú lẳng lặng bò ngược lên theo chiếc cầu tơ. Lại một cú nhảy nhằm vào chiếc lá ở thấp hơn về phía bên trái. Ghìm chặt tốc độ nhả tơ, nhiều lúc Nhện con bị treo lơ lửng giữa không trung. Phải nhả tơ thêm từng đoạn ngắn nữa, chú mới bám được vào mặt lá. Chú nối một góc nhọn, rồi một hình tam giác. Trong lòng cái tam giác được làm bằng chỉ tơ ấy, bằng những cú nhảy ngắn, Nhện con đã làm xong bộ khung khá chắc chắn cho tấm lưới của mình. Từ đó, chú chỉ việc bò qua bò lại, móc tơ thành từng ô, từng vòng đều đặn. Trông Nhện con chả khác gì một ng­ười thợ dệt sành sỏi. Từng tí một, chiếc lưới tơ tròn trịa dần hiện ra những vòng tròn đồng tâm trông thật đẹp mắt.

          Chập choạng tối, chiếc lưới tơ đã dệt xong. Nhện con bò về nằm nghỉ dưới cuống lá sực nức mùi hương của hoa hồng. Chú khoái chí tưởng tượng sáng ra sẽ được thấy lũ ruồi muỗi vo ve đáng ghét nằm phơi cánh chờ chết trên tấm lưới. Mỏi mệt vì quá gắng sức, Nhện con thiếp đi lúc nào không hay biết. Đêm xuống, khí trời ẩm lạnh vón lại thành những hạt nhỏ li ti tà tà bay xuống lùm cây bãi cỏ. Nhác thấy tấm lưới của Nhện, chúng nghĩ đấy là chiếc võng tơ nên rủ nhau đậu xuống nghỉ ngơi. Một hạt, mười hạt, rồi cả trăm ngàn hạt. Không đủ chỗ, chúng nằm gối xếp lên nhau, thành giọt…

          Bảnh mắt, Nhện con mới choàng tỉnh dậy. Mặt trời đã le lói đằng đông. Rời chỗ ẩn, chú háo hức bò ra ngoài mép lá nhìn trân trân vào chiếc lưới của mình. Nhện con sững sờ trước những hạt sương mai trong suốt đính thành vòng, thành chuỗi trên chiếc lưới tơ. Lũ ong bướm trên đường đi kiếm ăn cũng dừng cánh trầm trồ:“Đẹp quá! Như là những hạt ngọc của trời!”. Chẳng có một chú muỗi nhép nào dính bẫy nhưng mẻ lưới đêm của Nhện con đã bắt được vô số những hạt ngọc rơi xuống từ trời cao. Chú tung tẩy bò ra nằm giữa tấm lưới, nhấm nháp vị tinh khiết mát lạnh của những hạt sương. Tự dưng, Nhện con cảm thấy mình no đủ, giàu có nữa với bữa tiệc của muôn ngàn hạt ngọc đang óng ánh rực lên những màu sắc diệu kì.”

(Phan Trung Hiếu)

  • Người kể chuyện: Người kể chuyện “giấu mình” (người kể chuyện ngôi thứ ba).
  • Một số đặc điểm của truyện “Chú Nhện đu bay” giúp em biết được đây là truyện đồng thoại: 

– Là thể loại truyện viết cho trẻ em, với nhân vật chính là loài vật (chú Nhện).

– Nhân vật chú Nhện vừa được miêu tả với những đặc tính riêng, vốn có của loài vật (nhả tơ), vừa mang những đặc điểm tính cách của con người (làm việc, thấy sờ sợ, cảm thấy mình no đủ, giàu có…).

– Sử dụng thủ pháp nhân hoá (Nhện con, lũ bướm) được sử dụng.

– Có sự kết hợp giữa hiện thực và tưởng tượng, ngôn ngữ và hình ảnh sinh động.

  • Nhân vật nhện con

– Hành động và suy nghĩ:

+ Dưới tán lá cây này, chú thấy thật bình yên. Từ đây, chú tha hồ ngắm trời ngó đất. 

+ Bấy lâu, chú chàng chẳng mấy quan tâm đến công việc mà họ nhà Nhện vẫn thường làm, ấy là việc đặt bẫy để săn bắt lũ ruồi muỗi làm thức ăn qua ngày. Hôm nay thì khác, Nhện con quyết định đặt mẻ lưới đầu tiên trong đời.

+ Nhớ lời mẹ dặn, nó cố sức thót bụng nhả tơ, ghim chặt một đầu vào mép lá. 

+ Nhìn xuống chiếc lá phía dưới cách cả mấy gang tay, Nhện con vẫn thấy sờ sợ. 

+ Nhắm nghiền mắt lại, chú dứt mình lao xuống. 

+ Bám được vào mặt lá, Nhện con loay hoay tìm chỗ móc tơ. 

+ Ngẫm nghĩ một lát, chú lẳng lặng bò ngược lên theo chiếc cầu tơ. Lại một cú nhảy nhằm vào chiếc lá ở thấp hơn về phía bên trái. Ghìm chặt tốc độ nhả tơ, nhiều lúc Nhện con bị treo lơ lửng giữa không trung. Phải nhả tơ thêm từng đoạn ngắn nữa, chú mới bám được vào mặt lá. 

+ Chú nối một góc nhọn, rồi một hình tam giác… Từ đó, chú chỉ việc bò qua bò lại, móc tơ thành từng ô, từng vòng đều đặn. Trông Nhện con chả khác gì một người thợ dệt sành sỏi. Từng tí một, chiếc lưới tơ tròn trịa dần hiện ra những vòng tròn đồng tâm trông thật đẹp mắt.

+ Chập choạng tối, Nhện con bò về nằm nghỉ dưới cuống lá sực nức mùi hương của hoa hồng. Chú khoái chí tưởng tượng sáng ra sẽ được thấy lũ ruồi muỗi vo ve đáng ghét nằm phơi cánh chờ chết trên tấm lưới. Mỏi mệt vì quá gắng sức, Nhện con thiếp đi lúc nào không hay biết. 

+ Bảnh mắt, Nhện con mới choàng tỉnh dậy… Rời chỗ ẩn, chú háo hức bò ra ngoài mép lá nhìn trân trân vào chiếc lưới của mình. Nhện con sững sờ trước những hạt sương mai trong suốt đính thành vòng, thành chuỗi trên chiếc lưới tơ. 

+ Chú tung tẩy bò ra nằm giữa tấm lưới, nhấm nháp vị tinh khiết mát lạnh của những hạt sương. Tự dưng, Nhện con cảm thấy mình no đủ, giàu có nữa với bữa tiệc của muôn ngàn hạt ngọc đang óng ánh rực lên những màu sắc diệu kì.

  • Cảm nhận về nhân vật Nhện con.

Gợi ý:

– Là một chú nhện dũng cảm (Khi “nhìn xuống chiếc lá phía dưới cách cả mấy gang tay, Nhện con thấy sờ sợ” nhưng rồi vẫn quyết định “nhắm nghiền mắt lại, chú dứt mình lao xuống” để bắt đầu chăng tơ.)

– Là một chú nhện thông minh (Chú tính toán nhảy qua nhảy lại những chiếc lá để làm thành bộ khung chắc chắn:“Ngẫm nghĩ một lát, chú lẳng lặng bò ngược lên theo chiếc cầu tơ. Lại một cú nhảy nhằm vào chiếc lá ở thấp hơn về phía bên trái. Ghìm chặt tốc độ nhả tơ, nhiều lúc Nhện con bị treo lơ lửng giữa không trung. Phải nhả tơ thêm từng đoạn ngắn nữa, chú mới bám được vào mặt lá. Chú nối một góc nhọn, rồi một hình tam giác. Trong lòng cái tam giác được làm bằng chỉ tơ ấy, bằng những cú nhảy ngắn, Nhện con đã làm xong bộ khung khá chắc chắn cho tấm lưới của mình.”)

– Là một chú nhện khéo léo (“Trông Nhện con chả khác gì một người thợ dệt sành sỏi.”)

– Là một chú nhện đáng yêu, vô tư (Sau khi dệt xong tấm lưới, “Chú khoái chí tưởng tượng sáng ra sẽ được thấy lũ ruồi muỗi vo ve đáng ghét nằm phơi cánh chờ chết trên tấm lưới.”. Sáng hôm sau, khi nhìn thấy những giọt sương trên tấm lưới, “Chú tung tẩy bò ra nằm giữa tấm lưới, nhấm nháp vị tinh khiết mát lạnh của những hạt sương. Tự dưng, Nhện con cảm thấy mình no đủ, giàu có nữa với bữa tiệc của muôn ngàn hạt ngọc đang óng ánh rực lên những màu sắc diệu kì.”)

Câu 2. (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – Trang 34)

Gợi ý:

HS kể một câu chuyện về tình bạn của chính bản thân mình. Qua đó, rút ra được bài học cho bản thân. Bài học đó có thể là:

– Tình bạn giúp em biết sẻ chia, biết quan tâm tới mọi người.

– Tình bạn giúp em biết giúp đỡ mọi người khi họ gặp khó khăn, thử thách. 

– Tình bạn giúp em biết phải sống chân thành, cho người khác những lời khuyên, nhận xét thật lòng và chính bản thân em cũng phải sẵn sàng đón nhận mọi lời khen – chê của người khác để tự hoàn thiện bản thân mình.

e, Thực hành đọc

1.4 Bài học: Những người bạn

Hướng dẫn tìm hiểu bài

  • Giới thiệu đoạn trích

– Đoạn trích “Những người bạn” được trích từ chương 4 và chương 5 của truyện “Tôi là Bê-tô”. Đây là câu chuyện gồm 10 chương, kể về cuộc sống của chú chó Bê-tô cùng hai bạn Bi-nô và Lai-ca. Chủ của Bê-tô và Bi-nô là chị Ni, còn Lai-ca sống ở nhà của bà cố chị Ni. Đoạn trích kể về tình cảm yêu mến, gắn bó Bê-tô dành cho lai-ca và Bi-nô. 

  • Người kể chuyện, ngôi kể và nhân vật trong truyện đồng thoại

– Truyện được kể theo ngôi thứ nhất bằng lời của chú chó Bê-tô xưng “tôi”.

– Các nhân vật: Bê-tô, Bi-nô và Lai-ca.

  • Lời đối thoại, cử chỉ, hành động của hai nhân vật Lai-ca và Bi-nô

– Lai-ca: nhai giày của ba chị Ni, đánh cắp cụ xà phòng trong nhà tắm và hơn hở tha vào gầm tủ, bày cho “tôi” trò nhảy chồm chồm trong giờ ăn.

→ ​​Lai-ca là một chú chó nghịch ngợm.

– Bi-nô: mở tung cửa sổ để đón nhận những cảm xúc tuyệt vời khi mưa, lặng lẽ ngắm mưa rơi. 

→ Bi-nô là một chú chó nhẹ nhàng, điềm tĩnh, thông thái và sâu sắc.

  • Cảm nhận, suy nghĩ của nhân vật “tôi” (Bê-tô) về hai người bạn. 

– Lai-ca: là “một đứa bạn hấp dẫn”, dành cho hắn những thiện cảm.

– Bi-nô: là một người bạn thông thái đã mở cho tôi những kích thước mới của cuộc sống, bổ sung cho tôi một cách nhìn khác về bạn bè.

  • Thông điệp về tình bạn mà em nhận được từ văn bản

– Mỗi người bạn trong cuộc đời sẽ đem lại những trải nghiệm khác nhau. 

– Tình bạn không phân biệt bởi sự khác nhau về ngoại hình, hành động hay khoảng cách. Tình bạn được tạo nên từ những kỉ niệm, thời gian cạnh nhau.

Xem thêm bài viết liên quan:

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Cánh Diều

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Cánh Diều( Bài 2: Thơ)

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Cánh Diều ( Bài 3: Ký)