Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Cánh Diều( Bài 2: Thơ)

0
61

Bài 1: Thơ

I. Hệ thống kiến thức cần nhớ

1. Văn bản

Tác phẩm Tác giả Nội dung Nghệ thuật
À ơi tay mẹ Bình Nguyên “À ơi tay mẹ” là bài thơ bày tỏ tình cảm của người mẹ với đứa con nhỏ bé của mình. Qua hình ảnh đôi bàn tay và những lời ru, bài thơ đã khắc họa thành công một người mẹ Việt Nam điển hình: vất vả, chắt chiu, yêu thương, hi sinh… đến quên mình. – Thể thơ lục bát nhịp nhàng như lối hát ru con.

– Phối hợp hài hòa các biện pháp tu từ: ẩn dụ, điệp từ, điệp cấu trúc.

Về thăm mẹ Đinh Nam Khương “Về thăm mẹ” là bài thơ thể hiện tình cảm của người con xa nhà trong một lần về thăm mẹ mình. Mặc dù mẹ không ở nhà nhưng hình ảnh mẹ hiễn hữu trong từng sự vật thân thuộc xung quanh. Mỗi cảnh, mỗi vật đều biểu hiện sự vất vả, sự tần tảo, hi sinh và đặc biệt là tình thương yêu của mẹ dành cho con. – Thể thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm.

– Kết hợp thành công các biện pháp tu từ: ẩn dụ, liệt kê.

 

* Thơ lục bát

– Lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mỗi bài thơ ít nhất gồm hai dòng với số tiếng cố định: dòng sáu tiếng (dòng lục) và dòng tám tiếng (dòng bát). Thơ lục bát gieo vần chân và vần lưng. Tiếng thứ sáu của dòng lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng bát, tiếng thứ tám của dòng bát gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng lục tiếp theo. 

– Thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn (mỗi nhịp hai tiếng). Lục bát là thể thơ có sức sống mãnh liệt, mang đậm vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam.

2. Tiếng Việt

– Biện pháp tu từ là việc sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt (về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, văn bản) làm cho lời văn hay hơn, đẹp hơn, làm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt và tạo ấn tượng với người đọc.

– Biện pháp tu từ ẩn dụ là biện pháp tu từ, theo đó, sự vật, hiện tượng này được gọi bằng tên của sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

3. Tập làm văn

3.1. Tập làm thơ lục bát

* Yêu cầu đối với một bài tập làm thơ lục bát

– Đúng luật của thơ lục bát.

– Nội dung gần gũi, phù hợp với lứa tuổi, bộc lộ những tình cảm đẹp đẽ, chân thành.

– Ngôn ngữ thích hợp, sinh động, gợi cảm.

* Các bước tiến hành

– Khởi động viết:

+ Tập gieo vần.

+ Xác định đề tài.

– Thực hành viết.

– Chỉnh sửa.

3.2. Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ

* Yêu cầu với đối bài văn kể lại một trải nghiệm

– Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất.

– Giới thiệu được trải nghiệm đáng nhớ.

– Tập trung vào sự việc đã xảy ra.

– Thể hiện được cảm xúc của người viết trước sự việc được kể.

* Các bước tiến hành

Bước 1: Trước khi viết:

– Lựa chọn đề tài.

– Tìm ý:

+ Câu chuyện xảy ra khi nào? Ở đâu?

+ Những ai liên quan đến câu chuyện? Họ đã nói và làm gì?

+ Điều gì đã xảy ra?

+ Vì sao câu chuyện lại xảy ra như vậy?

+ Em có cảm xúc gì khi câu chuyện diễn ra và khi kể lại câu chuyện?

– Lập dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu câu chuyện.

+ Thân bài: 

Kể diễn biến câu chuyện.

Giới thiệu thời gian, không gian, những nhân vật có liên quan đến câu chuyện đó.

Kể lại các sự việc trong câu chuyện.

+ Kết bài: Kết thúc câu chuyện và cảm xúc của bản thân.

Bước 2: Viết bài

– Nhất quán về ngôi kể.

– Sử dụng những yếu tố của truyện như cốt truyện, nhân vật.

Bước 3: Chỉnh sửa bài viết

– Đọc và sửa lại bài viết.

II. Hướng dẫn trả lời câu hỏi SGK

1. Đọc hiểu văn bản

1.1 Bài học: À ơi tay mẹ

Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 39)

– Những hình ảnh, chi tiết thể hiện “phép nhiệm màu” của bàn tay mẹ: chắn mưa sa, chặn bão qua mùa màng, hát ru (bài hát ru từ tay mẹ có thể làm được những điều kì diệu: mềm ngọn gió thu, tan đám sương mù lá cây, cái khuyết tròn đầy, cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau, sóng lặng bãi bồi, mưa không chỗ dột ngoại ngồi vá khâu), thức một đời

– Cả bài thơ đều cho thấy tình yêu thương, đức hi sinh của mẹ. Dòng thơ thể hiện sâu sắc nhất điều này: À ơi … Mẹ chẳng một câu ru mình.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 39)

– Em nhỏ trong bài thơ được gọi bằng những từ ngữ: cái trăng vàng, cái trăng tròn, cái Mặt trời bé con, cái khuyết.

– Cách sử dụng các từ ngữ, hình ảnh trên cho thấy sự yêu thương vô bờ của người mẹ dành cho đứa con. Với mẹ, con là cả vũ trụ mẹ muốn nâng niu, vỗ về trong vòng tay. 

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 39)

– Trong bài thơ, cụm từ “à ơi” được lặp lại nhiều lần tạo nên âm hưởng lời ru nhịp nhàng, êm đềm. Điệp ngữ cũng gợi ra hình ảnh đôi bàn tay mẹ cần mẫn, nâng giấc cho con. Phía sau nhịp điệu, từ ngữ mà phép điệp ngữ gợi lên là tình yêu thương vô bờ mà mẹ dành cho con.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 39)

– Đồng tình với tác giả: “Bàn tay mang phép nhiệm mầu – Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi” vì đôi bàn tay mẹ đã phải trải qua bao vất vả, lam lũ, nhọc nhằn “chắn mưa sa, chặn bão qua mùa màng” nhưng cũng chính đôi bàn tay ấy đã mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con (“Bàn tay mẹ thức một đời – À ơi này cái Mặt Trời bé con”…), cho cuộc đời (“Ru cho sóng lặng bãi bồi – Mưa không chỗ dột ngoại ngồi vá khâu”…). 

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 39)

          Khổ thơ cuối trong bài thơ “À ơi tay mẹ” của tác giả Bình Nguyên đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Nổi bật trong khổ thơ là mong ước bình dị của người mẹ: “Ru cho sóng lặng bãi bồi – Mưa không chỗ dột mẹ ngồi vá khâu”. Mẹ mong “sóng lặng bãi bồi” để nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, mẹ mong mưa không chỗ dột để ngoại được bình yên làm sau bao giông bão cả cuộc đời. Lời ru của mẹ ấm áp, yêu thương hướng đến mọi người:“Ru cho đời nín cái đau”. Cái đau của đời được sự bao bọc, chở che của mẹ bỗng trở nên nhỏ bé. Để kết thúc bài thơ, vẫn vang vọng lời ru thiết tha, ngọt ngào “à ơi” nhưng chất chứa yêu thương của người con dành cho sự tảo tần, hi sinh thầm lặng của mẹ:“Mẹ chẳng một câu ru mình”. 

1.2 Bài học: Về thăm mẹ

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 41)

– Bài thơ là lời của người con, thể hiện cảm xúc về người mẹ.

– Bài thơ thể hiện tình cảm “nghẹn ngào”, “rưng rưng”, nhớ thương, trân trọng mẹ của người con. 

Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 41)

– Cảnh vật quanh ngôi nhà hiện lên qua các hình ảnh: chum tương, nón mê, áo tơi đã cũ, bù nhìn rơm ngoài vườn, một đàn gà mới nở vàng ươm quấn quýt, vào ra quanh cái nơm cũ đã hỏng vành, cây na ngoài vườn vẫn còn trái cuối vụ mẹ để dành phần con.

– Những hình ảnh ấy đã giúp tác giả thể hiện tình cảm ấm áp của mẹ, thấy thân thương, xúc động trước cuộc sống giản dị đời thường và tình yêu thương mà mẹ dành cho mình. 

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 41)

Biện pháp tu từ nhân hóa trong câu thơ: “Nón mê nay đứng xưa ngồi dầm mưa” làm cho cách diễn đạt trở nên sinh động; gợi ra những vất vả, lam lũ trong cuộc đời mẹ; đồng thời thể hiện sự thấu hiểu, yêu thương của con với mẹ và mái nhà của mẹ. 

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 41)

Điều làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…”:

– Người con xúc động trước tình yêu thương bao la của mẹ; trước sự giản dị trong cuộc sống thường ngày; trước sự tảo tần, lam lũ, giàu đức hi sinh của người mẹ.

– Người con thương mẹ nhiều hơn cũng là bởi con đã khôn lớn, trưởng thành, đã thấu hiểu những nỗi vất vả, nhọc nhằn trong cuộc đời mẹ. 

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 41)

Vần trong hai câu thơ gieo chưa thật chuẩn xác: bừa – hờ. Song đó cũng chính là dụng ý của tác giả, tạo nên một hình ảnh thơ sinh động.

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 41)

          Có ai đó đã từng nói:“Nhà là nơi bão giông dừng sau cánh cửa”. Đúng vậy, được trở về với ngôi nhà, mỗi người luôn cảm nhận được sự bình yên trong tâm hồn, cảm nhận được hơi ấm yêu thương của cha mẹ. Về thăm nhà để thấy những vật bình dị, thân thuộc thuở ấu thơ: hum tương, nón mê, áo tơi đã cũ, bù nhìn rơm ngoài vườn, một đàn gà mới nở vàng ươm quấn quýt, vào ra quanh cái nơm cũ đã hỏng vành, cây na ngoài vườn vẫn còn trái cuối vụ mẹ để dành phần con; để hiểu được những lam lũ, những vất vả nhọc nhằn của cuộc đời mẹ. Về thăm nhà để thêm trân trọng cuộc sống giản dị đời thường; trân trọng tình yêu thương vô bờ của mẹ. Bởi dẫu con ở chân trời nào, mẹ vẫn luôn nhớ đến con, luôn mong chờ con trở về sum họp. Mẹ luôn chắt chiu hạnh phúc đời thường, dành cho con những điều tuyệt vời nhất:“Bất ngờ rụng ở trên cành – Trái na cuối vợ mẹ dành phần con”. Về thăm mẹ để được sống với những cảm xúc của chính mình: nghẹn ngào, xúc động, rưng rưng trước những điều giản dị trong cuộc sống; để thêm yêu, thêm biết ơn người mẹ tảo tần, lam lũ, cả đời hi sinh cho con.

2. Thực hành tiếng Việt

Bài học: Từ láy và ẩn dụ

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 41)

Câu  Từ láy  Nghĩa của từ  Tác dụng 
a. chắt chiu dành dụm cẩn thận từng ít một vì coi là quý. – Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

– Thể hiện tình yêu thương bao la của người mẹ dành cho con.

– Gợi những vất vả, gian khổ trong cuộc đời người mẹ. 

dãi dầu chịu đựng, trải qua nhiều mưa nắng, vất vả, gian truân.
b. rưng rưng (nước mắt) ứa ra đọng đầy tròng nhưng chưa chảy xuống thành giọt. Thể hiện sự xúc động, nghẹn ngào, không nói lên lời của người con khi về thăm mẹ. 
nghẹn ngào nghẹn lời, không nói được vì quá xúc động.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 41)

– Các hình ảnh ẩn dụ có trong đoạn thơ: “cái trăng vàng”, “cái trăng tròn”, “cái trăng còn nằm nôi”, “cái Mặt trời bé con”.

– Những hình ảnh ẩn dụ trên đều dùng để chỉ người con còn bé nhỏ, đáng yêu. Đó cũng là cách gọi thân thương, trìu mến, thể hiện tình yêu thương con vô bờ của người mẹ. 

 Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 42)

  1. cái khuyết tròn đầy”: tương đồng với hình ảnh của đứa con còn nhỏ bé, đáng yêu.
  2. Hình ảnh ẩn dụ:

– Ăn quả: tương đồng về cách thức với sự hưởng thụ thành quả lao động.

– Kẻ trồng cây: tương đồng về phẩm chất với những người làm ra thành quả lao động.

  1. Hình ảnh ẩn dụ:

– Mực – đen: có nét tương đồng về phẩm chất với cái xấu.

– Đèn – sáng: có nét tương đồng về phẩm chất với cái tốt, cái hay, cái tiến bộ.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 42)

          Chị em tôi mất cha từ sớm, bởi vậy với hai chị em tôi, mẹ vừa là mẹ – một người dịu dàng, tràn đầy tình yêu thương nhưng mẹ cũng là một người cha. Người Cha ấy đã một mình gánh vác gia đình, nuôi hai chị em tôi ăn học với mong muốn hai chị em tôi không thua bạn kém bè. Người Cha ấy thao thức đêm khuya quạt cho chị em tôi ngủ ngon giấc những ngày trời oi bức, mất điện. Người Cha ấy đi ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng và chỉ trở về vào lúc tối muộn để chuẩn bị bữa ăn ngon, để trò chuyện, tâm sự và dạy hai chị em tôi học. Với chúng tôi, mẹ chính là người Cha tuyệt vời nhất, mẹ chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất mà chúng tôi có được.

3. Thực hành đọc hiểu

Bài học: Ca dao Việt Nam

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 43)

– Bài ca dao thứ nhất nói về tình cảm của cha mẹ dành cho con cái.

– Bài ca dao thứ hai nói về tình cảm của con cháu với ông bà, tổ tiên.

– Bài ca dao thứ ba nói về tình cảm của anh em trong gia đình.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 43)

Ở bài ca dao thứ nhất, tác giả dân gian đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh vô cùng độc đáo – lấy cái trừu tượng so sánh với cái cụ thể: “công cha” được ví với “núi ngất trời”, “nghĩa mẹ” được ví với “nước ở ngoài biển Đông” tạo nên cách nói cụ thể, gần gũi hơn với sự tiếp nhận của đứa con. Qua đó, các tác giả dân gian muốn nhấn mạnh, khắc sâu trong con công lao to lớn, vĩ đại của cha mẹ. Công lao ấy sánh ngang với thiên nhiên, vũ trụ vĩnh hằng. 

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 43)

Em thích bài ca dao thứ nhất vì:

– Bài ca dao mang âm hưởng của những lời hát ru, gợi liên tưởng tới những lời ru con ngọt ngào, tha thiết của mẹ.

– Bài ca dao giúp mỗi người hiểu hơn về công lao trời bể của cha mẹ dành cho con cái. 

– Từ bài ca dao, em thấy mình cần phải quan tâm, yêu thương cha mẹ để đền đáp công lao trời bể của cha mẹ.

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 43)

          Bài ca dao thứ nhất để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Bởi tác giả dân gian đã sử dụng âm điệu của lời hát ru ngọt ngào, tha thiết; sử dụng lối nói ví von độc đáo – lấy cái trừu tượng so sánh với cái cụ thể: “công cha” được ví với “núi ngất trời”, “nghĩa mẹ” được ví với “nước ở ngoài biển Đông”. Người cha được so sánh với “núi ngất trời” bởi cha là trụ cột gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho con vững bước trên đường đời. Mẹ được so sánh với “nước ngoài biển Đông” bởi tình yêu thương của mẹ dành cho con cái luôn dạt dào, tha thiết. Mẹ như suối nguồn yêu thương, bao bọc, chở che con cái. Như vậy, với những hình ảnh so sánh quen thuộc với tâm thức của người Việt, bài ca dao đã thực sự lay động đến tâm hồn con người, nhắc nhở mỗi người phải biết ơn, hiếu thảo với những đấng sinh thành của mình. 

4. Viết

Bài học: Tập làm thơ lục bát

* Định hướng

“Sáng ra trời rộng đến đâu

Trời xanh như mới lần đầu biết xanh

Tiếng chim lay động lá cành

Tiếng chim đánh thức chồi xanh dậy cùng.”

(Định Hải)

Em chọn như vậy để các tiếng có sự bắt vần với dòng thơ trên, theo đúng đặc điểm của thể thơ lục bát (tiếng thứ 6 của câu 6 bắt vần với tiếng thứ 6 của câu 8); đồng thời tạo nên sự liên kết về mặt chủ đề trong đoạn thơ. 

Con về thăm mẹ chiều đông

B   B    B     T       B      B

Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà

T       B     B     T      T     B     T     B

Mình con thơ thẩn vào ra

B       B     B    T     B   B

Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi.

B     B    B    T     T      B    B     B

c.

Tiếng 

1 2 3 4 5 6 7 8

Dòng lục 

B T BV
Dòng bát  B T BV

B

* Thực hành 

a.

– Con đường rợp bóng cây xanh – Tiếng chim lảnh lót trên cành cây cao.

– Tre xanh tự những thuở nào – Giữ làng, giữ nước, chặn bao kẻ thù. 

– Phượng đang thắp lửa sân trường – Màu hoa đỏ thắm nhớ thương học trò.

– Bàn tay mẹ dịu dàng sao – Đưa nôi con ngủ biết bao tháng ngày.

  1. Tham khảo một số bài thơ đã học như “À ơi tay mẹ” (Bình Nguyên), “Về thăm mẹ” (Đinh Nam Khương) để viết bài thơ lục bát của mình. 

Con ơi mẹ đã già rồi,

Mắt mờ, chân chậm, đồi mồi chấm da.

Không còn như thuở mười ba,

Cùng ba đánh trận, hát ca suốt ngày. 

Không còn như những tháng ngày,

Cầm gầu tát nước, loay hoay dưới đồng. 

Không còn cái tuổi lông bông, 

Trốn cha, trốn mẹ, hái hồng ép hoa.

5. Nói và nghe

Bài học: Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ

Bài tập: Hãy kể lại cho các bạn nghe câu chuyện mà em đã trải nghiệm và có ấn tượng sâu sắc về một người thân trong gia đình. 

Gợi ý:

          Tôi là một đứa trẻ may mắn. Vì tôi luôn được sống trong tình yêu thương của gia đình, đặc biệt là bà tôi.

          Với tôi, bà chính là một bà tiên giữa đời thường. Bà luôn mang đến cho tôi những món quà mà bất cứ đứa trẻ nào cũng “thèm thuồng”. Đó là mấy cái kẹo dừa thơm ngọt; là gói bỏng ngô to đùng khiến cô chị gái của tôi lúc nào cũng ghen tị, phải năn nỉ, chạy theo tôi xin mãi; đó là cái bánh đậu xanh người ta cho bà, bà cũng nhớ và mang về cho tôi. Chính vì thế mà tôi đã vô cùng cô đơn, lạc lõng, lúc nào cũng cảm thấy trống trải khi bà mất. Một năm, tôi phải tập dần quen với cuộc sống tự lập, phải tự động viên bản thân mình vượt qua nỗi đau mất bà. Nhưng rồi mỗi đêm mưa, tôi lại nhớ bà.

          Tôi vẫn nhớ khi bà còn sống, một lần, trời mưa bão lớn. Gió thổi mạnh, rít lên từng tiếng như đang gào thét. Những giọt mưa to, không ngớt ngoài hiên, hắt cả vào nhà. Cây bưởi trước hiên rụng quả, rơi độp xuống mái nhà, làm ngói vỡ, căn nhà vì thế bị dột. Trong khi tôi vẫn yên giấc, được bà bế nằm vào góc giường không bị dột, được bà đắp cho chiếc chăn mỏng để khỏi lạnh, thì bà đã một mình lấy xô, chậu đựng nước. Rồi cũng một mình bà thao thức cả đêm ngồi tụng kinh, mong cho cơn bão qua đi, mong cho mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi. Trong lời cầu nguyện ấy, tôi biết bà mong cho đứa cháu của bà khôn lớn, hạnh phúc; để đỡ “đành hanh”, đỡ “ăn vạ” bà. Chỉ khi sấm đánh đùng đoàng, tôi tỉnh giấc, mới hiểu được tình cảm của bà. Tôi đã tự trách mình vô tâm, tự thấy mình làm khổ bà. Bà lúc nào cũng chỉ lo nghĩ cho tôi, chẳng lúc nào trách cứ đứa cháu nghịch ngợm, suốt ngày giận dỗi bà. Kể từ lúc ấy, với tôi, bà chính là bà tiên, là chỗ dựa vững chắc nhất. Thấy tôi tỉnh ngủ, bà lại đến bên cạnh vỗ về, lại xoa lưng cho tôi rồi lại kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích với chất giọng ấm áp, truyền cảm. Cứ thế, đứa cháu vô tâm lại chìm vào giấc ngủ. Còn bà, thao thức cả đêm cho đến sáng. 

          Bây giờ, trời mưa to, bố mẹ ở bên chị em tôi; song tôi vẫn ao ước có bà ở bên. Bởi nếu có bà, tôi sẽ thức cùng bà, sẽ lấy nước mời bà uống… và sẽ nói điều tôi chưa từng nói:“Tôi yêu bà nhất trên đời”.

6. Tự đánh giá

Đọc văn bản “Những điều bố yêu” (Nguyễn Chí Thuật) và trả lời câu hỏi:

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 48)

  1. Thể thơ lục bát.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 48)

  1. Người bố.

Câu 3 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 48)

  1. Ngày con khóc tiếng chào đời/

Bố thành vụng dại/ trước lời hát ru

Cứ “À ơi,/ gió mùa thu”

“Con ong làm mật”/, “Mù u bướm vàng”…

Câu 4 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 48)

  1. Yêu.

Câu 5 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 48)

  1. Ẩn dụ.

Câu 6 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 48)

  1. Con ơi có biết bao điều – Sinh cùng con để bố yêu một đời.

Câu 7 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 48)

  1. Đời – lời, ru – thu – u.

Câu 8 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 48)

  1. Diễn tả tâm trạng của người cha.

Câu 9 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 48)

  1. Đều là thể thơ lục bát.

Câu 10 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 48)

          Bài thơ “Những điều bố yêu” của Nguyễn Chí Thuật đã để lại nhiều ấn tượng cho người đọc về tình cảm chân thành, xúc động của người cha đối với đứa con. Chính sự ra đời của con đã mang đến nhiều đổi thay cho cuộc sống của người bố. Người bố thêm yêu thương gia đình, yêu những gì thân thuộc với con:“Sau yêu cái chỗ con nằm…xếp hàng đợi chơi”. Chính sự ra đời của con đã mang đến niềm hạnh phúc vô bờ cho bố, từng tiếng nói, tiếng cười của con luôn được bố đón nhận trong tình yêu thương:“Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”…Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con”. Để rồi, bố “ngẩn ngơ”, thương nhớ, mong ngóng con trở về mà quên cả “bữa cơm chiều”. Chính sự xuất hiện của con đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của bố – để bố thêm yêu, thêm trân trọng cuộc đời:“Sinh cùng con để bố yêu một đời”. 

  1. Hướng dẫn tự học

Câu 1 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 49)

HS tự làm thêm các bài thơ lục bát theo đề tài tự chọn.

Câu 2 (Sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1 – trang 49)

* Một số bài ca dao, bài thơ hay viết về tình cảm gia đình theo thể thơ lục bát:

  1. Bài thơ “Mẹ” (Trần Quốc Minh):

“Lặng rồi cả tiếng con ve,

Con ve cũng mệt vì hè nắng oi.

Nhà em vẫn tiếng ạ ời,

Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru.

Lời ru có gió mùa thu,

Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.

Những ngôi sao thức ngoài kia,

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.

Đêm nay con ngủ giấc tròn,

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.”

  1. Ca dao:

Ơn cha nặng lắm ai ơi – Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

Cây khô chưa dễ mọc chồi – Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta – Non xanh bao tuổi mà già – Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu.