Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức (Bài 2: Gõ cửa trái tim)

0
323

Hệ thống giáo dục HOCMAI đã tổng hợp lại nội dung kiến thức trọng tâm trong suốt nửa đầu học kỳ I của môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức để giúp học sinh nắm chắc kiến thức một cách khoa học và đầy đủ nhất. Qua nội dung kiến thức được tổng hợp dưới đây sẽ giúp các em chuẩn bị cho bài kiểm tra giữa kỳ một cách tốt nhất.

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức

Bài 2: Gõ cửa trái tim

Hệ thống kiến thức cần nhớ

1. Văn bản

Tác phẩm Tác giả Nội dung Nghệ thuật
Chuyện cổ tích về loài người Xuân Quỳnh “Chuyện cổ tích về loài người” là một bài thơ với sự tưởng tượng hư cấu về nguồn gốc của loài người hướng con người chú ý đến trẻ em. Bài thơ tràn đầy tình yêu thương, trìu mến đối với con người, trẻ em. Trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ. Tất cả những gì tốt đẹp nhất đều được dành cho trẻ em. Mọi vật, mọi người sinh ra đều dành cho trẻ em, để yêu mến và giúp đỡ trẻ em. – Thơ 5 chữ.

– Gieo vần chân.

– Cách ngắt nhịp: 3/2 hoặc 2/3.

Mây và sóng Ra-bin-đơ-ra-nát Ta-go Bài thơ thể hiện tình yêu thiết tha của em bé đối với mẹ, qua đó, bài thơ ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt. Thông qua bài thơ, ta cũng thấy được tình cảm yêu mến thiết tha với trẻ em của nhà thơ, với thiên nhiên, cuộc đời bình dị. – Thơ văn xuôi, có lời kể xen đối thoại.

– Xây dựng hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng.

– Sự lặp lại có biến đổi trong cấu trúc của bài thơ. 

– Giọng điệu tâm tình trò chuyện.

– Các biện pháp tu từ: nhân hoá, ẩn dụ,…

Bức tranh của em gái tôi Tạ Duy Anh Qua câu chuyện của người anh và cô em gái có tài năng hội hoạ, truyện cho thấy: Tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế của chính bản thân mình. Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” còn đề cao tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Đó chính là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình. – Truyện được kể theo ngôi thứ nhất.

– Nghệ thuật miêu tả tâm lí tinh tế.

Những cánh buồm Hoàng Trung Thông Trong bài thơ, hình ảnh những cánh buồm mang nhiều ý nghĩa:

– Hình ảnh cánh buồm trên biển buổi sớm mai sau trận mưa đêm gợi một con thuyền đã mạnh mẽ vượt qua những thử thách, giông tố của cuộc đời và trở nên vững chãi. 

– Đó cũng là cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ, khát vọng, hoài bão,… của con người trong hành trình khám phá và chinh phục cuộc sống. 

– Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: “ánh nắng chảy đầy vai”.

– Điệp cấu trúc tăng tiến.

– Điệp cấu trúc, phép tiểu đối và từ láy giàu sức gợi.

– Hình ảnh sóng đôi độc đáo.

 

1.1 Thể loại

a, Thơ
– Thơ là một hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống với những cảm xúc chất chứa, cô đọng, những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ, trong ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh, và nhất là có nhịp điệu.
Một số đặc điểm của thơ
– Mỗi bài thơ thường được sáng tác theo một thể thơ nhất định với những đặc điểm riêng về số tiếng trong mỗi dòng, số dòng trong mỗi bài,…
– Ngôn ngữ thơ cô đọng, giàu nhạc điệu và hình ảnh, sử dụng nhiều biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,…).
– Khi phân tích thơ, phải gắn nội dung với hình thức nghệ thuật, chú ý đến các đặc điểm như: vần, nhịp, thanh điệu, âm điệu,…
– Nội dung chủ yếu của thơ là tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc sống. Thơ có thể có yếu tố tự sự (kể lại một sự kiện, câu chuyện) và miêu tả (tái hiện những đặc điểm nổi bật của đối tượng) nhưng những yếu tố ấy chỉ là phương tiện để nhà thơ bộc lộ tình cảm, cảm xúc.
b, Bài thơ văn xuôi
– Một bài thơ văn xuôi không quy định số lượng tiếng trong một dòng thơ, số dòng trong bài, cũng như không yêu cầu có vần, nhịp.
– Một bài thơ văn xuôi vẫn mang đặc trưng của thơ là phản ánh cuộc sống với những cảm xúc chất chứa, cô đọng, những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ, ngôn từ giàu hình ảnh.

>>>>>Chinh phục lớp 6 cùng HOCMAI – Học là đứng TOP<<<<<<<

1.2 Người kể chuyện

Người kể chuyện là nhân vật do nhà văn tạo ra để kể lại câu chuyện. Người kể chuyện có thể trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm, xưng “tôi” (người kể chuyện ngôi thứ nhất), kể về những gì mình chứng kiến hoặc tham gia. Người kể chuyện cũng có thể “giấu mình” (người kể chuyện ngôi thứ ba), không tham gia vào câu chuyện nhưng lại có khả năng “biết hết” mọi chuyện.

2. Tiếng Việt

2.1. Từ đồng nghĩa

– Khái niệm: Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống, hoặc gần giống nhau.
– Phân loại:
+ Từ đồng nghĩa hoàn toàn (đồng nghĩa tuyệt đối): Là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau, được dùng như nhau và có thể thay đổi cho nhau trong lời nói.
Ví dụ: mẹ – má, bố – ba – cha,…
+ Từ đồng nghĩa không hoàn toàn: Là các từ tuy cùng nghĩa nhưng vẫn khác nhau phần nào sắc thái biểu cảm (biểu thị cảm xúc, thái độ) hoặc cách thức hành động. Khi dùng những từ ngữ này, ta phải cân nhắc lựa chọn cho phù hợp.
Ví dụ: chết – hi sinh (hi sinh mang sắc thái trang trọng, thiêng liêng hơn).

2.2. So sánh

– Khái niệm: So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
– Mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm:
+ Vế A (nêu tên sự vật, sự việc được so sánh).
+ Vế B (Nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc nói ở vế A).
+ Từ ngữ chỉ phương diện so sánh.
+ Từ ngữ chỉ ý so sánh.
– Có hai loại so sánh: so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng.

2.3. Nhân hoá

– Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật,… trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người.
– Có ba kiểu nhân hóa thường gặp:
+ Dùng những từ vốn gọi người để gọi vật.
+ Dùng những từ vốn chỉ hoạt động , tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật.
+ Trò chuyện, xưng hô với vật như với người.

2.4. Điệp ngữ

– Điệp ngữ là một biện pháp lặp lại từ ngữ hay cả một câu văn để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh.
– Điệp ngữ có 3 dạng:
+ Điệp ngữ nối tiếp.
+ Điệp ngữ cách quãng.
+ Điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng).

2.5. Ẩn dụ

Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó, nhằm tăng khả năng gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

2.6. Dấu ngoặc kép

– Dấu ngoặc kép dùng để:
+ Đánh dấu từ ngữ, câu, đoạn dẫn trực tiếp.
+ Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt hay có hàm ý mỉa mai.
+ Đánh dấu tên tác phẩm, tờ báo, tập san,… được dẫn.

2.7. Đại từ

– Đại từ dùng để trỏ người, sự vật, hoạt động, tính chất,… được nói đến trong một ngữ cảnh nhất định của lời nói hoặc dùng để hỏi.
– Đại từ có thể đảm nhiệm các vai trò ngữ pháp như chủ ngữ, vị ngữ hay phụ ngữ trong câu.
– Phân loại:
+ Đại từ để trỏ dùng để: trỏ người, sự vật; trỏ số lượng; trỏ hoạt động, tính chất.
+ Đại từ để hỏi dùng để: hỏi người, sự vật; hỏi số lượng; hỏi hoạt động, tính chất.

3. Tập làm văn

3.1. Yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả

– Giới thiệu nhan đề bài thơ và tên tác giả.
– Thể hiện được cảm xúc chung về bài thơ.
– Nêu các chi tiết mang tính tự sự và miêu tả trong bài thơ; đánh giá ý nghĩa của chúng trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.
– Chỉ ra được nét độc đáo trong cách tự sự và miêu tả của nhà thơ.

3.2. Các bước tiến hành viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả

a. Trước khi viết
* Lựa chọn đề tài
Chọn một bài thơ có yếu tố tự sự (xuất hiện câu chuyện, nhân vật) và miêu tả (có các chi tiết miêu tả không gian, thời gian, con người).
* Tìm ý
– Bài thơ đó có tên là gì? Tác giả là ai?
– Nội dung của bài thơ là gì? Cảm xúc chung của em với bài thơ.
– Các chi tiết tự sự trong bài thơ và ý nghĩa của nó trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.
– Các chi tiết miêu tả trong bài thơ và ý nghĩa của nó trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.
– Nét độc đáo trong cách tự sự và miêu tả của nhà thơ.
* Lập dàn ý
– Mở đoạn: Giới thiệu tác giả và bài thơ; nêu khái quát ấn tượng, cảm xúc về bài thơ.
– Thân đoạn:
+ Nếu ấn tượng, cảm xúc của em về câu chuyện được kế hoặc các chi tiết miêu tả có trong bài thơ.
+ Làm rõ nghệ thuật kể chuyện và miêu tả của tác giả.
+ Đánh giá tác dụng của việc kể lại câu chuyện kết hợp với các chi tiết miêu tả trong bài thơ.
– Kết đoạn: Nêu khái quát điều em tâm đắc về bài thơ (trong đó có nói tới đặc điểm nghệ thuật riêng của bài thơ đã được phân tích ở trên).
b. Viết bài
– Bám sát dàn ý để viết đoạn.
– Thể hiện được cảm xúc chân thành của em về nội dung và hình thức trữ tình độc đáo của bài thơ.
– Trình bày đúng hình thức của đoạn văn: viết lùi đầu dòng từ đầu tiên của đoạn văn và chữ cái đầu của từ đó phải viết hoa; kết thúc đoạn văn bằng một dấu chấm câu.
– Đoạn văn khoảng 7 – 10 câu. Các câu trong đoạn cân tập trung vào chủ đề chung, giữa các câu có sự liên kết.
c. Chỉnh sửa
Rà soát, chỉnh sửa lại bài viết.

Xem thêm bài viết liên quan:

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Kết nối tri thức ( Bài 1: Bạn và tôi)

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Cánh Diều

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Cánh Diều( Bài 2: Thơ)

Ôn thi giữa học kỳ I: Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 6 sách Cánh Diều ( Bài 3: Ký)