Ôn thi giữa học kỳ I Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 7 – Bộ sách Chân trời sáng tạo

0
317

Kì thi giữa học kì I đang đến gần, để có thành tích tốt các môn, học sinh lớp 7 cần ôn tập ngay từ bây giờ. Nhằm giúp học sinh ôn tập môn Ngữ văn 7 hiệu quả, bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hệ thống lại kiến thức bài học trong nửa đầu học kỳ I môn Ngữ văn theo bộ sách Chân trời sáng tạo do đội ngũ giáo viên của Hệ thống giáo dục HOCMAI biên soạn! Chúc các em học thật tốt Ngữ văn lớp 7!

I. Hệ thống kiến thức trọng tâm cần nhớ

1. Văn bản

Tác phẩm Chủ đề văn bản Nghệ thuật
Lời của cây (Trần Hữu Thung) Bài thơ thể hiện tình yêu thương, trân trọng những mầm xanh thiên nhiên. – Lời thơ linh hoạt, mang đến nhiều góc nhìn thú vị, thể hiện được tình cảm tác giả dành cho cây xanh và khiến cho thế giới tự nhiên trở nên sinh động và gần gũi hơn.

– Các từ ngữ, hình ảnh về quá trình phát triển của cây được miêu tả tỉ mỉ, giàu sức gợi hình gợi cảm, trong sự liên tưởng thú vị gợi nhắc quá trình trưởng thành của con người.

Sang thu (Hữu Thỉnh) Qua việc miêu tả sự chuyển mình của đất trời từ cuối mùa hạ sang thu, bài thơ thể hiện cảm nhận tinh tế của tác giả thiên nhiên, những suy ngẫm về bước đi thời gian. – Thể hiện sự quan sát tinh tế, bao quát và cảm nhận sâu sắc của người viết qua các giác quan thính giác, xúc giác, thị giác,…

– Lựa chọn từ ngữ và sắp xếp các hình ảnh để tăng sức biểu đạt. 

Ông Một (Vũ Hùng) Câu chuyện kể về mối quan hệ giữa thiên nhiên (con voi – ông Một) với con người (Đề đốc, người quản tượng, dân làng). Câu chuyện cho thấy nghĩa tình sâu sắc giữa con voi với Đề đốc Lê Trực, người quản tượng và dân làng. Từ đó thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa con người và thiên nhiên. – Lựa chọn ngôi kể phù hợp: kể lại câu chuyện một cách khách quan, người kể “toàn tri” nên câu chuyện được kể không bị giới hạn, có thể kể rõ diễn biến hành động, tâm lí của mọi nhân vật ở mọi thời điểm, mọi không gian.

– Các sự kiện diễn ra theo trình tự tuyến tính giúp người đọc dễ nắm bắt, xâu chuỗi các sự việc.

Con chim chiền chiện (Huy Cận) – Niềm vui hân hoan của con người trước cảnh vật tươi đẹp, thanh bình, tràn đầy sự sống của thiên nhiên.

– Tạo vật với sức sống mãnh liệt cũng như đang mời gọi con người cùng chung vui, xao xuyến.

– Thể hiện sự yêu mến tác giả dành cho thiên nhiên, cuộc đời.

– Tác giả ngợi ca sự tự do và yêu đời qua hình ảnh con chim chiền chiện và từ đó tăng thêm sức gợi hình, gợi cảm cho bài thơ.

– Chuyển hóa độc đáo từ thính giác sang thị giác… trong âm thanh.

Những cái nhìn hạn hẹp Ếch ngồi đáy giếng: Qua hành động và suy nghĩ, ếch hiện lên đầy kiêu ngạo, hung hăng, không chịu thay đổi suy nghĩ và thói quen để thích nghi với môi trường mới. Chính vì sự hạn chế trong cách nhìn nhận, thái độ chủ quan nên đã nhận một kết cục đau đớn.

Thầy bói xem voi:  Qua hành động và lời nói, năm thầy bói có một cái nhìn đầy phiến diện, hạn chế về một sự việc, hiện tượng mới lạ đối với bản thân mình. 

– Tình huống truyện độc đáo.

– Cách sắp xếp các sự kiện hợp lí.

– Ngôn ngữ ngắn gọn, hàm súc, giàu hình ảnh.

Những tình huống hiểm nghèo Bài học về cách nhìn sự việc, cách ứng xử của con người trong cuộc sống:

Hai người bạn đồng hành  và con gấu: Cách ứng xử với bạn bè khi cùng gặp hoạn nạn.

Chó sói và chiên con: Cách xử lí tình huống khi đối diện với kẻ mạnh.

– Tình huống truyện độc đáo.

– Cách sắp xếp các sự kiện hợp lí.

– Ngôn ngữ ngắn gọn, hàm súc, giàu hình ảnh.

Biết người, biết ta Các bài ca dao đã đưa ra bài học về cách nhìn sự việc, cách ứng xử của con người trong cuộc sống. – Tạo ra các hình ảnh đối ngược nhau.

– Cách thể hiện của ca dao nhấn mạnh vào những từ ngữ, hình ảnh mang tính biểu trưng và các biện pháp tu từ nhiều sức gợi, biểu cảm.

Chân, tay, tai, mắt, miệng Truyện đề cao tính cộng đồng, tập thể. Mỗi chúng ta không thể sống và làm việc đơn lẻ một mình mà cần có sự cùng hợp tác với tất cả mọi người. Chúng ta cần đoàn kết, thấu hiểu lẫn nhau và cảm thông cho nhau. – Tình huống khiến nhân vật bộc lộ tính cách, đặc điểm của bản thân.

– Ngôn ngữ ngắn gọn, hàm súc, giàu hình ảnh.

Em bé thông minh – nhân vật kết tinh trí tuệ dân gian (Theo Trần Thị An) Thuyết phục người nghe đồng ý với quan điểm em bé thông minh là  nhân vật kết tinh trí tuệ dân gian. – Các ý kiến nhỏ bao quát toàn bộ câu chuyện, sắp xếp theo mạch truyện vừa góp phần làm sáng tỏ ý kiến lớn vừa giúp người đọc dễ theo dõi và nắm bắt vấn đề.

– Các lí lẽ, bằng chứng được lấy từ truyện “Em bé thông minh” có sức thuyết phục cao, hợp lí. 

Hình ảnh hoa sen trong bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” (Theo Hoàng Tiến Tựu) Thuyết phục người nghe đồng ý rằng bài ca dao đã khẳng định vẻ đẹp và bộc lộ cách sống thanh cao, giữ vững phẩm giá của hình ảnh hoa sen trong bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen”. – Cách sắp xếp ý kiến lớn đi từ tả thực đến tượng trưng là phù hợp với quá trình đọc, giải nghĩa hình ảnh. 

– Các ý kiến nhỏ được sắp xếp theo trình tự bố cục bài ca dao giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận, nắm bắt lập luận của văn bản.

– Các lí lẽ, bằng chứng được chọn lọc từ văn bản, chúng rất xác đáng, chứng minh được ý kiến mà người viết đưa ra.

Bức thư gửi chú lính chì dũng cảm (Li-xơ bớt Đao-mon-tơ) Bày tỏ những cảm xúc của tác giả về chú lính chì dũng cảm – nhân vật mà tác giả yêu thích nhất trong truyện cổ tích của An-đéc-xen. – Ngôn ngữ giàu cảm xúc.

– Lối viết hấp dẫn, thuyết phục.

Sức hấp dẫn của truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” (Theo Minh Khuê) Phân tích sức hấp dẫn và sự đặc sắc của truyện ngắn thể hiện qua bức tranh vẽ chiếc lá cuối cùng trên tường do người họa sĩ già sáng tạo vào cái đêm định mệnh với sự kết thúc câu chuyện đầy yếu tố bất ngờ. – Cách sắp xếp theo trình tự diễn biến truyện ngắn giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận, nắm bắt lập luận của văn bản.

– Các lí lẽ, bằng chứng được chọn lọc từ văn bản rất xác đáng, chứng minh được ý kiến mà người viết đưa ra.

 

  • Thơ bốn chữ, năm chữ

Thơ bốn chữ là thể thơ mỗi dòng có bốn chữ, thường có nhịp 2/2.

Thơ năm chữ là thể thơ mỗi dòng có năm chữ, thường có nhịp 3/2 hoặc 2/3.

Thơ bốn chữ, năm chữ không hạn chế về số lượng dòng thơ trong một khổ thơ, số khổ thơ trong một bài thơ và thường sử dụng đan xen vần chân với vần lưng.

  • Hình ảnh trong thơ

Hình ảnh trong thơ là những chi tiết, cảnh tượng từ thực tế đời sống, được tái hiện bằng ngôn ngữ thơ ca, góp phần diễn tả cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ về thế giới và con người. 

  • Vần, nhịp trong thơ

Vần trong thơ Việt Nam gồm vần chân và vần lưng. Vần chân (hay cước vận) là vần được gieo vào cuối dòng thơ, nghĩa là các tiếng ở cuối dòng vần với nhau. Vần chân là hình thức gieo vần phổ biến nhất trong thơ. Vần lưng (hay yêu vận): là vần được gieo ở giữa dòng thơ, nghĩa là tiếng cuối của dòng trên vần với một tiếng nằm ở giữa dòng dưới hoặc các tiếng trong cùng một dòng thơ hiệp vần với nhau. Vần có vai trò liên kết các dòng và câu thơ, đánh dấu nhịp thơ, tạo nhạc điệu, sự hài hòa, sức âm vang cho thơ, đồng thời làm cho dòng thơ, câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc.

Nhịp thơ và vai trò của nhịp trong thơ: nhịp thơ được biểu hiện ở chỗ ngắt chia dòng và câu thơ thành từng vế hoặc ở cách xuống dòng (ngắt dòng) đều đặn cuối mỗi dòng thơ. Nhịp có tác dụng tạo tiết tấu, làm nên nhạc điệu của bài thơ, đồng thời cũng góp phần biểu đạt nội dung thơ. 

  • Thông điệp

Thông điệp (của văn bản) là ý tưởng quan trọng nhất, là bài học, cách ứng xử mà văn bản muốn truyền đến người đọc.

  • Truyện ngụ ngôn

Truyện ngụ ngôn là những truyện kể ngắn gọn, hàm súc, bằng văn xuôi hoặc văn vần. Truyện thường đưa ra bài học về cách nhìn sự việc, cách ứng xử của con người trong cuộc sống. 

Đề tài trong truyện ngụ ngôn: thường là những vấn đề đạo đức hay những cách ứng xử trong cuộc sống.

Nhân vật trong truyện ngụ ngôn có thể là loài vật, đồ vật hoặc con người. Các nhân vật hầu như không có tên riêng, thường được người kể chuyện gọi bằng danh từ chung như: rùa, thỏ, sói, cừu, cây sậy, thầy bói, bác nông dân,… Từ suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật ngụ ngôn, người nghe, người đọc có thể rút ra những bài học sâu sắc.

Sự kiện (hay sự việc) là yếu tố quan trọng góp phần làm nên câu chuyện. Trong truyện ngụ ngôn, một câu chuyện thường xoay quanh một sự kiện chính. Chẳng hạn, ở truyện Thỏ và rùa, sự kiện chính là cuộc chạy thi giữa hai nhân vật thỏ và rùa.

Cốt truyện của truyện ngụ ngôn thường xoay quanh một sự kiện (một hành vi ứng xử, một quan niệm, một nhận thức phiến diện, sai lầm,…) nhằm đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.

Tình huống truyện là tình thế làm nảy sinh câu chuyện khiến nhân vật bộc lộ đặc điểm, tính cách của mình. Qua đó, ý nghĩa của câu chuyện được khơi sâu. Chẳng hạn, tình huống truyện trong Thỏ và rùa là cuộc chạy đua giữa hai con vật và kết quả có tính bất ngờ, làm lộ rõ đặc điểm của mỗi nhân vật và bài học từ câu chuyện.

Không gian trong truyện ngụ ngôn là khung cảnh, môi trường hoạt động của nhân vật ngụ ngôn, nơi xảy ra sự kiện, câu chuyện (một khu chợ, một giếng nước, một khu rừng,…).

Thời gian trong truyện ngụ ngôn là một thời điểm, khoảnh khắc nào đó mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường không xác định cụ thể.

  • Tóm tắt văn bản 

Văn bản có thể được tóm tắt bằng lời hoặc bằng sơ đồ, bằng đoạn văn hoàn chỉnh hay bằng một dàn ý. Nhưng dù theo cách nào thì văn bản tóm tắt phải ngắn gọn, cô đúc. Khi tóm tắt văn bản, ta phải lược bỏ các yếu tố phụ, ý phụ, giữ lại những yếu tố chính, ý chính của văn bản.

  • Văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học

Văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học thuộc thể nghị luận văn học, được viết ra để bàn về một tác phẩm văn học, có đặc điểm như sau:

– Thể hiện rõ ý kiến của người viết về tác phẩm cần bàn luận, có thể là nhân vật, chi tiết, ngôn từ, đề tài, chủ đề,…

– Trình bày những lí lẽ, bằng chứng để thuyết phục người đọc, người nghe. Các lí lẽ, bằng chứng cần căn cứ vào tác phẩm đang bàn luận. Lí lẽ là những lí giải, phân tích về tác phẩm. Bằng chứng là những sự việc, chi tiết, từ ngữ, trích dẫn,… từ tác phẩm để làm sáng tỏ lí lẽ.

– Các ý kiến, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

  • Mục đích và nội dung chính của văn bản nghị luận

Mỗi văn bản viết ra đều nhằm mục đích nhất định. Mục đích của văn bản nghị luận là để thuyết phục người đọc, người nghe về ý kiến, quan điểm của người viết trước một vấn đề đời sống hoặc văn học. 

Mục đích viết được thể hiện qua nội dung chính của văn bản. Nội dung chính của văn bản nghị luận là ý kiến, quan điểm mà người viết muốn thuyết phục người đọc. Để xác định nội dung chính của văn bản nghị luận, ta có thể căn cứ vào nhan đề văn bản; ý kiến, lí lẽ, bằng chứng được nêu trong văn bản. 

  • Ý kiến lớn và ý kiến nhỏ trong văn bản nghị luận

Trong văn bản nghị luận, bên cạnh ý kiến lớn (quan điểm chính mà người viết muốn thuyết phục người đọc), còn có những ý kiến nhỏ nêu ra để bổ trợ cho ý kiến lớn.

Với văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học, ý kiến lớn thể hiện quan điểm về tác phẩm cần phân tích, ý kiến nhỏ thể hiện quan điểm về các yếu tố trong tác phẩm, góp phần làm sáng tỏ ý kiến lớn.

2. Tiếng Việt

 

2.1  Phó từ

 

Phó từ là những từ chuyên đi kèm với danh từ, động từ, tính từ. Có thể chia phó từ thành hai nhóm sau:

– Nhóm phó từ chuyên đi kèm trước danh từ, bổ sung ý nghĩa về số lượng cho danh từ, chẳng hạn: những, các, mọi, mỗi, từng,…

Ví dụ: Vào những ngày ấy, nhà ông tưng bừng và chật ních người.

(Vũ Hùng, Ông Một)

– Nhóm phó từ chuyên đi kèm trước hoặc sau động từ, tính từ, chẳng hạn: đã, đang, sẽ, vẫn, còn, cứ, không, chưa, chẳng, rất, quá, lắm,…

Khi đứng trước động từ, tính từ, phó từ thường bổ sung cho hành động, trạng thái, đặc điểm, tính chất được nêu ở động từ, tính từ một số ý nghĩa như: quan hệ thời gian, mức độ, sự tiếp diễn tương tự, sự phủ định, sự cầu khiến,…

Ví dụ: Chưa nghe hết câu, tôi đã hếch răng lên, xì một hơi rõ dài.

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)

Trong câu văn trên, phó từ đã đứng trước động từ hếch để bổ sung ý nghĩa thời gian cho hành động.

Khi đứng sau động từ, tính từ, phó từ thường bổ sung cho động từ, tính từ đó một số ý nghĩa như: mức độ, khả năng, kết quả và phương hướng,…

Ví dụ: Tôi tợn lắm.

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)

Phó từ lắm trong câu văn trên đứng sau tính từ tợn để bổ sung ý nghĩa về mức độ cho tính từ.

 

2.2 Dấu chấm lửng

 

Dấu chấm lửng được kí hiệu bởi ba dấu chấm (…), còn gọi là dấu ba chấm, là một trong những loại dấu câu thường gặp trong văn viết.

Dấu chấm lửng có các công dụng:

– Biểu đạt ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết khi kết hợp với dấu phẩy đứng trước nó.

Ví dụ: Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội thoăn thoắt leo lên thân cây chuối rất trơn vì đã bôi mỡ. Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên,…

(Minh Nhương, Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân)

– Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.

Ví dụ: 

Bởi vì… bởi vì… (San cúi mặt và bỏ tiếng Nam, dùng tiếng Pháp) người ta lừa dối anh.

(Nam Cao, Sống mòn)

– Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm. 

Ví dụ:

Thầy Lí cũng xòe năm ngón tay trái úp lên trên ngón tay mặt nói:

Tao biết mày phải… nhưng nó lại phải… bằng hai mày.

(Trương Chính – Phong Châu, Nhưng nó phải bằng hai mày)

– Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt. 

Ví dụ: 

Nước từ núi Tiên giội như thác, trắng xóa, qua suối Cộc xóm Đông tràn sang suối xóm Tây rồi dồn về suối xóm Trại chúng tôi. […] Trẻ con chúng tôi la ó, té nhau, reo hò.

(Duy Khán, Tuổi thơ im lặng)

– Mô phỏng âm thanh kéo dài, ngắt quãng.

Ví dụ:

Ò… ó… o…

(Trần Đăng Khoa, Ò… ó… o…)

 

 2.3 Nghĩa của một số yếu tố Hán Việt thông dụng và nghĩa của những từ có yếu tố Hán Việt 

 

Quốc: nước.

Gia1: nhà; Gia2: tăng thêm.

Biến: (1) thay đổi; (2) biến cố, tai họa.

Hội: họp lại, tụ lại, hợp lại.

Hữu: có.

Hóa: biến đổi.

Các yếu tố Hán Việt thông dụng này có thể kết hợp với nhau, hoặc kết hợp với các yếu tố khác để tạo thành từ Hán Việt. Ví dụ:

Quốc biến (quốc: nước; biến: biến cố, tai họa): tai họa, biến cố xảy ra trong nước.

Gia biến (gia: nhà; biến: biến cố, tai họa): tai họa, biến cố xảy ra trong gia đình.

Biến hóa (biến: thay đổi; hóa: biến đổi): biến đổi thành thứ khác.

Quốc gia (quốc: nước; gia: nhà): nước, nước nhà.

Quốc hội (quốc: nước; hội: họp lại): cơ quan lập pháp tối đa của một nước, do nhân dân trong nước bầu ra.

Bên cạnh các từ Hán Việt có một nghĩa duy nhất như quốc gia, quốc biến, gia biến, còn có các từ Hán Việt có hai hay nhiều nghĩa khác nhau. Chẳng hạn từ biến sắc (biến: thay đổi; sắc: màu) có hai nghĩa là: (1) thay đổi màu sắc (ví dụ: Con tắc kè hoa có khả năng biến sắc theo cảnh vật), (2) đổi sắc mặt đột ngột (ví dụ: Mặt nó biến sắc).

3. Tập làm văn

3.1. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ

a, Yêu cầu

– Trình bày cảm xúc về bài thơ theo một trình tự hợp lí.

– Dẫn chứng bằng một số từ ngữ, hình ảnh gợi cảm xúc trong bài thơ.

– Bám sát dàn ý đã lập để viết đoạn.

– Đảm bảo dung lượng đoạn văn.

– Trình bày đúng hình thức của đoạn văn: 

+ Viết lùi đầu dòng từ đầu tiên của đoạn văn và chữ cái đầu của từ đó phải viết hoa.

+ Kết thúc đoạn văn bằng một dấu chấm câu.

– Các câu trong đoạn cần tập trung làm rõ chủ đề.

– Giữa các câu có dùng từ ngữ liên kết.

– Lựa chọn từ ngữ để diễn đạt cảm xúc của em về: 

+ Nội dung của bài thơ.

+ Từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ độc đáo.

b, Dàn ý

– Mở đoạn: 

+ Giới thiệu nhan đề bài thơ và tên tác giả.

+ Nêu khái quát cảm xúc của người viết về bài thơ: yêu thích (câu chủ đề).

– Thân đoạn: Chia sẻ cụ thể về những ấn tượng, cảm xúc được gợi lên từ những chi tiết, hình ảnh trong bài thơ.

– Kết đoạn: Khẳng định sự yêu thích của người viết đối với bài thơ và ý nghĩa của bài thơ đối với người viết.

3.2. Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử

a, Yêu cầu

* Về hình thức, bố cục:

Cần đảm bảo:

– Bài văn được tạo thành từ các đoạn, các đoạn có liên kết chặt chẽ với nhau.

– Bố cục gồm 3 phần:

+ Mở bài: Giới thiệu sự việc có thật liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử.

+ Thân bài: 

++ Thuật lại quá trình diễn biến của sự việc theo một trình tự hợp lí, chỉ ra mối liên quan giữa sự việc với nhân vật/ sự kiện lịch sử. 

++ Kết hợp kể chuyện với miêu tả một cách tự nhiên.

+ Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của sự việc, nêu cảm nhận của người viết.

* Về nội dung: 

Cần đảm bảo:

– Sự việc được kể lại là có thật và liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử.

– Sử dụng người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng “tôi”).

– Sử dụng chi tiết, thông tin chọn lọc, tin cậy về sự việc, nhân vật/ sự kiện.

– Sử dụng yếu tố miêu tả và kết hợp tự nhiên với kể chuyện.

– Nêu được ý nghĩa sự việc và cảm nhận của người viết.

b, Dàn ý

– Mở bài:

+ Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử mà văn bản sẽ thuật lại.

+ Nêu lí do hay hoàn cảnh mà người viết thu thập các tư liệu liên quan.

– Thân bài:

+ Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật, sự kiện.

++ Câu chuyện, huyền thoại liên quan.

++ Dấu tích liên quan.

+ Thuật lại nội dung/diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử.

++ Bắt đầu diễn biến kết thúc.

++ Sử dụng được một số bằng chứng (tư liệu, trích dẫn,…); kết hợp kể chuyện với miêu tả.

+ Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật/sự kiện lịch sử.

– Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc.

3.3. Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học

a, Yêu cầu

* Về hình thức, bố cục:

Cần đảm bảo:

– Bài văn được tạo thành từ các đoạn, các đoạn có liên kết chặt chẽ với nhau.

+ Bố cục gồm 3 phần:

– Mở bài: giới thiệu nhân vật cần bàn luận và thể hiện ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật.

– Thân bài: 

+ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm để giúp người đọc hiểu thêm về nhân vật cần phân tích. 

+ Khẳng định ý kiến về các đặc điểm của nhân vật, đưa ra lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ ý kiến; các lí lẽ và bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

– Kết bài: khẳng định lại ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật, nêu cảm nghĩ của người viết về nhân vật.

* Về nội dung:

Cần đảm bảo:

– Giới thiệu được nhân vật cần phân tích.

– Trình bày được ý kiến của người viết về các đặc điểm của nhân vật.

– Đưa ra lí lẽ rõ ràng, thuyết phục để làm sáng tỏ ý kiến.

– Đưa ra bằng chứng là các chi tiết, sự việc, lời nói, trích dẫn từ văn bản để làm sáng tỏ lí lẽ.

b, Dàn ý

– Mở bài: 

+ Giới thiệu nhân vật cần phân tích.

+ Nêu ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật.

– Thân bài: 

+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

+ Phân tích đặc điểm thứ nhất của nhân vật:

++ Ý kiến về đặc điểm thứ nhất.

++ Lí lẽ và bằng chứng.

+ Phân tích đặc điểm thứ hai của nhân vật:

++ Ý kiến về đặc điểm thứ hai.

++ Lí lẽ và bằng chứng.

– Kết bài: 

+ Khẳng định lại ý kiến của người viết.

+ Nêu cảm nghĩ về nhân vật.

II. Những sai lầm thường gặp

1. Lỗi dùng từ Hán Việt

1.1 Nguyên nhân và ví dụ

a,  Nguyên nhân

– Dùng từ sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt.

– Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt.

– Lạm dụng từ Hán Việt. 

b, Ví dụ

– Lạm dụng và dùng sai từ Hán Việt: kết hợp từ “tặc” (ăn cướp) với các từ khác như: tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, đinh tặc,… để chỉ những tên ăn trộm. Cách dùng này sai cả về ngữ pháp (từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép) và sai cả về nghĩa (từ “đinh tặc” đang được dùng với tần suất lớn với nghĩa chỉ bọn rải đinh trên đường, trong khi “đinh tặc” chỉ có nghĩa là bọn ăn cướp đinh)…

– Nhiều từ Hán Việt hiểu sai nên viết sai: “tham quan” thành “thăm quan”; “chấp bút” thành “chắp bút”, “lặp lại” thành “lập lại”,…

1.2 Bài tập tự luyện

Bài 1. Giải thích nghĩa của từ Hán Việt được in đậm trong các câu sau:

  1. Và ở đây, bằng kinh nghiệm về việc quan sát thiên nhiên và kinh nghiệm của việc thực hành các trò chơi dân gian ở làng quê, em bé nhanh chóng tìm ra đáp án.

(Theo Trần Thị An, Em bé thông minh – nhân vật kết tinh trí tuệ dân gian)

  1. Bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” đạt đến độ hoàn mĩ hiếm có trong loại ca dao vịnh tả cảnh vật mang tính triết lí.

(Theo Hoàng Tiến Tựu, Hình ảnh hoa sen trong bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen”)

Bài 2. Trong câu sau, nếu thay từ “tôn vinh” bằng từ “khen ngợi” thì ý nghĩa của câu có thay đổi không? Theo em, cách dùng từ nào hay hơn? Vì sao?

Để tôn vinh trí tuệ dân gian, người kể chuyện đã xếp đặt tình huống để cho người ra đồ ở vị trí sứ giả nước ngoài, thậm chí là một nước lớn hơn đang “lăm le muốn chiếm bờ cõi nước ta”, mà nếu không trả lời được thì quốc gia sẽ phải “tỏ ra thua kém và thừa nhận sự thần phục của mình đối với nước láng giềng”.

(Theo Trần Thị An, Em bé thông minh – nhân vật kết tinh trí tuệ dân gian)

Hướng dẫn giải bài tập tự luyện

Bài 1. 

  1. – Thiên nhiên: tổng thể nói chung những gì tồn tại xung quanh con người mà không phải do con người tạo ra.

– Thực hành: làm để áp dụng lí thuyết vào thực tế.

  1. – Hoàn mĩ: đẹp đến mức độ hoàn toàn.

– Triết lí: quan niệm chung của con người về những vấn đề nhân sinh và xã hội.

Bài 2. 

– “Khen ngợi”: nói lên sự đánh giá tốt về ai, về cái gì, việc gì với ý vừa lòng.

– “Tôn vinh”: đưa lên vị trí, danh hiệu cao quý vì ngưỡng mộ hoặc vì có năng lực, phẩm chất đặc biệt.

Hai từ đều có chung nét nghĩa là tán thưởng một điều gì đó tốt đẹp. Tuy nhiên “tôn vinh” mang sắc thái nghĩa trang trọng hơn, thể hiện sự ngợi ca.

2. Lỗi sai về phó từ

– Một số lỗi sai thường gặp: 

+ Không nhận biết được phó từ trong câu. 

+ Chưa xác định được từ loại mà phó từ đi kèm, ý nghĩa bổ sung của phó từ cho từ trung tâm.

+ Nhầm lẫn giữa phó từ và các từ loại khác.

– Phó từ là những từ chuyên đi kèm để bổ sung ý nghĩa cho danh từ, động từ, tính từ. Phó từ được phân chia thành hai nhóm:

+ Phó từ đi kèm danh từ: Phó từ làm thành tố phụ trước cho danh từ và bổ sung ý nghĩa về số lượng của sự vật. Đó là các từ: những, các, mọi, mỗi, từng,… 

Ví dụ: Những bức vẽ ấy nhiều lắm. Phó từ những trước danh từ bức vẽ chỉ số lượng. 

+ Phó từ đi kèm động từ, tính từ: Phó từ làm thành tố phụ trước hoặc sau cho động từ, tính từ, bổ sung ý nghĩa liên quan đến hoạt động, trạng thái, đặc điểm nêu ở động từ hoặc tính từ (quan hệ thời gian, sự tiếp diễn tương tự, sự phủ định, sự cầu khiến, mức độ, kết quả,…). 

Ví dụ: 

(1) Hãy nhìn tôi đây!

Phó từ hãy trước động từ nhìn chỉ sự cầu khiến, mệnh lệnh.

(2) Em thông minh lắm.

Phó từ lắm sau tính từ thông minh chỉ mức độ.

*Bài tập tự luyện

Bài 1. Tìm phó từ trong những trường hợp sau, cho biết các phó từ ấy bổ sung ý nghĩa cho danh từ, động từ, tính từ nào:

  1. Chưa gieo xuống đất

    Hạt nằm lặng thinh.

(Trần Hữu Thung, Lời của cây)

  1. Vẫn còn bao nhiêu nắng

   Đã vơi dần cơn mưa

   Sấm cũng bớt bất ngờ

   Trên hàng cây đứng tuổi.

(Hữu Thỉnh, Sang thu)

  1. Những buổi chiều tôi hay nhắm mắt sờ những bông hoa rồi tập đoán. Tôi đoán được hai loại hoa: hoa mồng gà và hoa hướng dương. Bố cười khà khà khen tiến bộ lắm! Một hôm khác, tôi đoán được ba loại hoa. 

(Nguyễn Ngọc Thuần, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)

Bài 2. Trong những trường hợp sau, phó từ được in đậm bổ sung ý nghĩa cho động từ hoặc tính từ nào? Xác định ý nghĩa bổ sung trong từng trường hợp:

  1. Sương chùng chình qua ngõ

   Hình như thu đã về.

(Hữu Thỉnh, Sang thu)

  1. Ngày nào ông cũng cho nó ăn thêm hai vác mía to, hai thùng cháo.

(Vũ Hùng, Ông Một)

  1. Ông quen nó quá, khó xa rời nó được.

(Vũ Hùng, Ông Một)

Hướng dẫn giải bài tập tự luyện

Bài 1. 

Câu Phó từ Ý nghĩa bổ sung
a chưa Bổ sung cho động từ gieo, ý nghĩa: phủ định.
b vẫn Vẫn bổ sung cho động từ còn, ý nghĩa: biểu thị sự tiếp tục, tiếp diễn như trước, không có gì thay đổi vào thời điểm được nói đến của trạng thái.
đã Đã bổ sung cho động từ vơi, ý nghĩa: thời gian.
cũng Cũng bổ sung cho động từ bớt, ý nghĩa: biểu thị ý khẳng định về một sự giống nhau của hiện tượng, trạng thái.
c hay Hay bổ sung cho động từ nhắm, ý nghĩa: thường xuyên.
được Được bổ sung cho động từ đoán, ý nghĩa: biểu thị việc vừa nói đến đã đạt kết quả.
lắm Lắm bổ sung cho tính từ tiến bộ, ý nghĩa: mức độ.
những Những bổ sung cho danh từ buổi chiều, bông hoa, ý nghĩa: số lượng.
một Một bổ sung cho danh từ hôm, ý nghĩa: số lượng.

 

Bài 2. 

Câu Phó từ Ý nghĩa bổ sung cho động từ/ tính từ
a đã Bổ sung cho động từ về, ý nghĩa: thời gian (biểu thị sự việc, hiện tượng được nói đến xảy ra trước hiện tại hoặc trước một thời điểm nào đó được xem là mốc).
b cũng Bổ sung cho động từ cho, ý nghĩa: biểu thị ý khẳng định về một sự giống nhau của hoạt động.
c quá Quá bổ sung cho động từ quen, ý nghĩa: đến mức độ được đánh giá là cao hơn hẳn mức bình thường.
được Được bổ sung cho động từ xa rời, ý nghĩa: biểu thị việc vừa nói đến đã đạt kết quả.


*Luyện tập

Câu 1. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi dưới đây:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.

 

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

 

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

(Hữu Thỉnh, Sang Thu, SGK Ngữ văn 7 bộ Chân trời sáng tạo, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, tr.15)

  1. Bài thơ tả cảnh thiên nhiên vào thời điểm nào? 
  2. Tìm các từ ngữ, hình ảnh miêu tả những chuyển động của thiên nhiên trong bài thơ.
  3. Cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài thơ có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện nội dung văn bản?
  4. Theo em, chủ đề của bài thơ là gì? Qua bài thơ này, tác giả muốn gửi thông điệp gì đến người đọc?

* Hướng dẫn giải

Câu 1. 

  1. Bài thơ miêu tả bước chuyển của thiên nhiên vào thời điểm cuối hạ đầu thu (sương chùng chình qua ngõ, chim bắt đầu vội vã, vẫn còn bao nhiêu nắng, đã vơi dần cơn mưa).
  2. Từ ngữ, hình ảnh miêu tả sự chuyển mình của thiên nhiên khi đất trời “sang thu”: hương ổi phả vào trong gió se, sương chùng chình, chim vội vã, đám mây vắt nửa mình, cơn mưa vơi dần.
  3. – Nhịp thơ và tác dụng của nhịp: nhịp thơ phổ biến của thơ năm chữ thường là 2/3 hoặc 3/2. Tuy nhiên ở bài thơ này, ngoài khổ thơ thứ hai có nhịp thơ đều đặn (3/2) thì hai khổ còn lại có sự luân chuyển trong cách ngắt nhịp. Ví dụ ở khổ thơ thứ nhất, câu 1 và 3 ngắt nhịp 3/2, câu 2 và 4 lại ngắt nhịp 2/3. Sự luân chuyển trong cách ngắt nhịp như vậy góp phần thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ. Trong trường hợp khổ 1, sự thay đổi về nhịp thơ góp phần thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ. Trong trường hợp khổ 1, sự thay đổi về nhịp thơ góp phần thể hiện chút xao xuyến, bâng khuâng của nhà thơ khi bỗng/ bất chợt nhận ra sự chuyển động mơ hồ của thiên nhiên từ hạ sang thu.

– Vần và tác dụng của cách gieo vần: cách gieo vần của bài thơ này chủ yếu là vần chân (se – về, vã – hạ). Tác dụng: tạo sự liên kết giữa các dòng thơ, câu thơ và tạo nhạc điệu cho bài thơ.

  1. – Chủ đề của bài thơ: qua việc miêu tả sự chuyển mình của đất trời từ cuối mùa hạ sang thu, bài thơ thể hiện cảm nhận tinh tế của tác giả về thiên nhiên, những suy ngẫm về bước đi của thời gian.

– Thông điệp của bài thơ: cần biết lắng nghe, cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả các giác quan để đón nhận những món quà vô giá từ thiên nhiên.

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ.

Khi hạt nảy mầm

Nhú lên giọt sữa

Mầm đã thì thầm

Ghé tai nghe rõ.

(Trần Hữu Thung, Lời của cây)

Hướng dẫn giải

– Biện pháp nhân hóa (thì thầm). Tác dụng: làm cho hình ảnh hạt mầm hiện lên sống động, đồng thời cho ta thấy, trong cảm nhận của tác giả, hạt mầm được xem như con người.

– Biện pháp ẩn dụ (giọt sữa). Tác dụng: góp phần khắc họa sinh động, gợi tả hình ảnh hạt mầm mới nhú có hình dáng và màu trắng đục như giọt sữa đồng thời thể hiện cái nhìn thương yêu, trìu mến của tác giả dành cho hạt mầm.

Câu 3. Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu.

Hướng dẫn giải

  1. Về hình thức

– Đảm bảo bố cục của một bài văn: Mở bài – Thân bài – Kết bài.

– Bài văn không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp.

  1. Về nội dung

Gợi ý:

  1. Mở bài

– Sự việc văn bản thuật lại: Lễ hội gò Đống Đa (Hà Nội) gắn với chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789.

– Thời gian: Về thăm quê ngoại vào dịp Tết, mồng bốn tháng Giêng.

– Không gian: Thành phố Hà Nội.

  1. Thân bài:
  2. Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử

– Hơn 200 năm trước (1789), vào đêm mùng 4, rạng mùng 5 tết Kỷ Dậu đồn trại giặc ở Khương Thượng bị phá huỷ khiến tên Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử tại đây. 

– Gò Đống Đa đã trở thành một di tích lịch sử vẻ vang của nhân dân ta và là một chứng tích về sự thất bại nhục nhã của kẻ thù phương Bắc xâm lược.

  1. Thuật lại nội dung/diễn biến của sự việc

– Vào buổi sáng ngày hội, người ta tiến hành đám rước dài, rực rỡ sắc màu trông rất đẹp mắt,…

– Một tốp thanh niên đi sau cùng với “Con Rồng lửa” được bện rơm thành hình những con rồng lớn và trang trí bằng mo cau và giấy bồi. 

– Họ biểu diễn côn quyền nhằm tái hiện lại hình ảnh của chiến trận năm xưa, biểu dương khí thế của nghĩa quân Tây Sơn. 

– Với chiến thuật thần tốc, chớp nhoáng, chỉ trong 5 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, trận Ngọc Hồi và Đống Đa chính là mồ chôn quân Thanh.

– Trong lúc đó, nhân dân cũng tới dâng hoa và tưởng niệm rất đông tại chùa Đồng Quang và trước tượng đài Quang Trung.

– Sau những nghi thức trang trọng là đến các trò chơi và biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, múa rồng, đấu vật, cờ người,…

  1. Ý nghĩa, tác động của sự việc

– Lễ hội gợi nhớ đến chiến thắng lịch sử hào hùng năm xưa.

– Lễ hội gò Đống Đa đối với người khách tham dự đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong những ngày đầu xuân.

  1. Kết bài:

– Ý nghĩa của sự việc: Nghĩa quân Tây Sơn dũng mãnh, dưới sự chỉ huy của Quang Trung đã tiến công thần tốc, đánh tan hàng vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. 

– Cảm nhận của người viết: Tham dự lễ hội khiến tôi cảm nhận được không khí hào hùng của dân tộc năm xưa.

Xem thêm bài viết:

Ôn thi giữa học kỳ I Kiến thức trọng tâm cần nhớ môn ngữ văn lớp 7 – Kết nối tri thức

Đề cương ôn thi giữa kỳ Toán 7: Bộ sách Kết nối tri thức