Chữa đề số 9 môn Tiếng việt – Ôn thi vào 6 Chất lượng cao

0
1982

Đến với khóa luyện đề môn Tiếng việt trong Giải pháp Toàn diện HM6, hôm nay cô Bùi Thị Tú sẽ chữa đề số 9, học sinh đọc bài viết dưới đây để biết cách giải dạng đề: TRẮC NGHIỆM VÀ TỰ LUẬN.

A. GIỚI THIỆU

I. Cấu trúc đề 

Phần I – Trắc nghiệm (5 điểm)

Gồm 5 câu hỏi nhiều lựa chọn (từ câu 1 đến câu 5)

Phần II – Tự luận (10 điểm)

Gồm 2 câu hỏi (câu 1, câu 2)

II. Kiến thức trọng tâm

– Từ: từ xét theo cấu tạo, từ loại, từ xét theo quan hệ âm và nghĩa, nghĩa của từ

– Câu: các thành phần câu, câu xét theo cấu tạo

– Cảm thụ văn học

– Tập làm văn: viết bài văn kể chuyện tưởng tượng

B. HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

I. Trắc nghiệm (5 điểm)

Đọc đoạn văn dưới đây và khoanh vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng cho mỗi câu hỏi: 

Trước nhà, mấy cây bông giấy nở hoa tưng bừng. Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bồng lên rực rỡ. Màu đỏ thắm, màu tím nhạt, màu da cam, màu trắng muốt tinh khiết. Cả vòm cây lá chen hoa bao trùm lấy ngôi nhà lẫn mảnh sân nhỏ phía trước. Tất cả như nhẹ bỗng, tưởng chừng chỉ cần một trận gió ào qua, cây bông giấy trĩu trịt hoa sẽ bốc bay lên, mang theo cả ngôi nhà lang thang giữa bầu trời. Hoa giấy đẹp một cách giản dị. Mỗi cánh hoa giống hệt một chiếc lá, chỉ có điều mỏng manh hơn và có màu sắc rực rỡ. Lớp lớp hoa giấy rải kín mặt sân, nhưng chỉ cần một làn gió thoảng, chúng tản mát bay đi mất.

(Trích Hoa Giấy – Theo Trần Hoài Dương)

Câu 1: Dòng nào dưới đây chỉ gồm các từ láy?

  1. Rực rỡ, lang thang, mỏng manh, lớp lớp
  2. Rực rỡ, lang thang, tưng bừng, tản mát
  3. Rực rỡ, lang thang, tưng bừng, mỏng manh
  4. Rực rỡ, lang thang, mỏng manh, giản dị

Đáp án: C

Câu 2: Từ nào dưới đây không đồng nghĩa với từ “rải” trong câu văn “Lớp lớp hoa giấy rải kín mặt sân”?

  1. Phủ
  2. Trải
  3. Rắc
  4. Bưng

Đáp án: D

Câu 3: Tổ hợp nào dưới đây là trạng ngữ được tác giả sử dụng ở đoạn văn trên?

  1. Trước nhà
  2. Ngôi nhà lẫn mảnh sân nhỏ phía trước
  3. Giữa bầu trời
  4. Mặt sân

Đáp án: A

Câu 4: Câu nào dưới đây không phải câu ghép?

  1. “Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bồng lên rực rỡ.”
  2. “Mỗi cánh hoa giống hệt một chiếc lá, chỉ có điều mỏng manh hơn và có màu sắc rực rỡ.” 
  3. “Lớp lớp hoa giấy rải kín mặt sân, nhưng chỉ cần một làn gió thoảng, chúng liền tản mát bay đi mất.”
  4. “Hoa giấy đẹp một cách giản dị và mỗi cánh hoa giống hệt một chiếc lá.” 

Đáp án: B

Câu 5: Xác định đại từ trong câu văn sau: “Lớp lớp hoa giấy rải kín mặt sân, nhưng chỉ cần một làn gió thoảng, chúng liền tản mát bay đi mất.”

  1. Nhưng
  2. Chỉ
  3. Chúng
  4. Liền

Đáp án: C

II. Tự luận – Cảm thụ văn học, tập làm văn (7.5 điểm)

Câu 1(2.5 điểm): Trình bày cảm nhận của em về đoạn văn sau:

“Mầm non mắt lim dim

Cố nhìn qua kẽ lá

Thấy mây bay hối hả

Thấy lất phất mưa phùn

Rào rào trận lá tuôn

Rải vàng đầy mặt đất

Rừng cây trông thưa thớt

Như chỉ cội với cành…”

Trích Mầm non – Võ Quảng

Gợi ý về nội dung: 

  • Giới thiệu vấn đề cần cảm nhận
  • Nội dung của đoạn thơ: Gợi tả sinh động hình ảnh mầm non và khung cảnh thiên nhiên qua cái nhìn của mầm non

+ Hình ảnh mầm non: là chồi cây non mới mọc ra từ thân hoặc cành cây rất tươi non, ngộ nghĩnh, đáng yêu với cái nhìn đầy mới lạ về cảnh vật bên ngoài (mắt lim dim, cố nhìn qua kẽ lá)

+ Thiên nhiên: được gợi tả trong những trạng thái và sự vận động, biến đổi (mây bay hối hả, lất phất mưa phùn, trận lá vàng rụng xuống,…)

=> Bức tranh thiên nhiên đẹp và sinh động, có hồn và gần gũi với con người.

  • Nghệ thuật của đoạn thơ: sử dụng biện pháp nhân hóa, so sánh, điệp ngữ, đảo ngữ; các từ láy giàu sức gợi hình ảnh và âm thanh, các động từ.

=> Đoạn thơ thêm hay, sự vật (mầm non) được miêu tả sinh động hơn.

  • Tác giả: quan sát và cảm nhận tinh tế, tâm hồn trong trẻo, sử dụng từ ngữ và các biện pháp nghệ thuật tài tình. 
  • Bộc lộ cảm xúc: thích thú khi đọc đoạn thơ, yêu mến và chan hòa với thiên nhiên hơn.

Câu 2 (5 điểm): Có nhà thơ từng viết:

“Chim én bận đi đâu 

Hôm nay về mở hội 

Lượn bay như dẫn lối

Rủ mùa xuân cùng về.”

Em hãy tưởng tượng là chú chim én trong đoạn thơ trên và kể lại hành trình của mình trở về dự lễ hội mùa xuân cùng những thay đổi của thiên nhiên, cuộc sống khi xuân về.

Dạng bài và vấn đề: 

  • Bài văn kể chuyện tưởng tượng (kết hợp miêu tả)
  • Ngôi kể: ngôi thứ nhất (đóng vai chim én) => Xưng “tôi” khi kể

Vấn đề: 

+ Kể về hành trình trở về dự hội xuân

+ Kể kết hợp tả về cảnh vật mùa xuân

Hình thức: 

+ Viết bài văn, đủ bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài)

+ Đảm bảo các yêu cầu về chính tả, dùng từ, viết câu diễn đạt đúng và hay

Trình bày sạch đẹp

Nội dung:

a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề

  • Giới thiệu nhân vật kể chuyện
  • Vấn đề được kể, kết hợp ấn tượng chung

b. Thân bài: 

  • Kể hành trình trở về dự lễ hội mùa xuân

+ Chim én thường bay về phương Nam tránh rét mùa đông, khi thời tiết ấm áp hơn sẽ trở về. Chim én là sứ giả báo hiệu mùa xuân về.

+ Kể lại hành trình trở về: bắt đầu khi nào, chuẩn bị gì, trở về như thế nào, bay qua những đâu, tâm trạng và cảm xúc ra sao, có dự định gì,…?

  • Kể kết hợp tả về cảnh vật mùa xuân

+ Thiên nhiên: nói về những thay đổi của thiên nhiên khi mùa xuân về (thời tiết, cây cối, hoa lá, chim muông…)

+ Cuộc sống: không khí mùa xuân, một số hoạt động nổi bật của con người và tâm trạng, cảm xúc, nét mặt … của con người khi xuân về.

c. Kết bài: Bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, liên hệ… (trong vai chú chim én)

  • Niềm vui, phấn khởi, hân hoan hòa mình vào không khí mùa xuân
  • Tình cảm, mong ước,…