Làm gì khi con thức trắng đêm facetime với người lạ nhưng nói dối là ôn bài?

0
965
Hướng dẫn con sử dụng điện thoại và mạng xã hội đúng cách là giải pháp quản lý con thông minh của những ông bố bà mẹ thời 4.0. (Ảnh minh họa).

“Tôi vẫn tin tưởng con đang chăm chỉ ôn bài cho ôn thi cuối kỳ, cho đến khi chính bản thân nghe thấy con nói chuyện cả đêm với người lạ mặt qua điện thoại”, chị Nguyễn Thị Thủy (Hà Nội) rầu rĩ, đôi mắt trũng sâu vì suy nghĩ suốt đêm.

Bơ phờ vì thâu đêm lướt mạng

Con không ăn đâu!” – Hoàng Thu H. đáp bằng giọng uể oải rồi dắt chiếc xe đạp điện ra khỏi cánh cổng để đến trường mặc kệ lời mời bữa sáng của mẹ. Dậy sớm chuẩn bị cơm sáng, chị Thủy vừa xót xa khi thấy gương mặt con bơ phờ vì thức khuya, vừa tức giận khi phát hiện H. đang nói dối.

“Hai tuần nay con báo đang chuẩn bị thi cuối kỳ nên muốn tập trung ôn bài, dặn bố mẹ buổi tối đừng lên phòng. Sáng nào thấy con đi học cũng uể oải, ngáp ngắn ngáp dài vì thiếu ngủ nên tôi càng xót”, vị phụ huynh này tâm sự.

Mọi chuyện sẽ cứ tiếp tục như vậy, cho đến đêm qua, chị vô tình nghe thấy con nói chuyện với người lạ qua điện thoại khi trời đã khuya. Thương con thức đêm ôn bài trong trời rét, chị pha cốc sữa nóng rồi mang lên. Nhón chân từng bậc cầu thang, vừa định gõ cửa phòng chị liền khựng lại khi nghe thấy giọng nũng nịu của con gái vốn “độc quyền” chỉ dành cho bố mẹ: “Sáng phải đi học mà giờ tớ không ngủ được vì nghĩ đến cậu này!”

Nghe đến đây, chị Thủy sững sờ, khuôn mặt tái nhợt, bấm chặt móng tay vào người để lấy lại bình tĩnh. Chị về phòng ngủ mà trằn trọc đến sáng, trong đầu văng vẳng tiếng nói chuyện của con với “ai đó” qua điện thoại.

Tôi vẫn tin tưởng con đang chăm chỉ ôn bài cho ôn thi cuối kỳ, cho đến khi chính bản thân mình nghe thấy con nói chuyện cả đêm với người lạ mặt qua điện thoại”, chị rầu rĩ, đôi mắt mệt mỏi vì suy nghĩ suốt đêm.

Con gái ở độ tuổi mới lớn, lại rất có chính kiến của bản thân, chị Thủy đắn đo không biết phải xử lý như thế nào. Nếu giờ thu điện thoại, liệu con có thực sự tập trung cho việc học hay lại tìm mọi cách để nhắn trộm, ra quán net và lại càng khó kiểm soát?  

Bị thu điện thoại, con trốn học ra quán net

Say sưa đắm chìm trong thế giới game online đầy màu sắc đến quên ăn, quên ngủ Phùng Bảo A. (học sinh lớp 10 một trường THPT tại Phú Thọ) suýt trượt ở kỳ thi vào cấp III. Thường xuyên được bạn bè trả tiền để “cày thuê”, nâng cấp nhân vật trong game càng khiến nam sinh này khó lòng dứt ra.

Hơn một năm đi làm ăn xa, chị Vũ Thanh Lan – mẹ A. ngỡ ngàng khi biết con chỉ đỗ “vé vớt” khi trường hạ điểm chuẩn vào phút chót. Bởi trước đó, năm nào A. cũng được giấy khen khá, giỏi. Bỏ dở việc, chị tức tốc khăn gói về nhà ngay. Một tuần ở nhà chị biết rằng con mình đã nghiện game.

Vị phụ huynh kể: “Thi xong, cháu chẳng còn động đến đống sách vở nữa mà suốt ngày chỉ chui trong chăn chơi game. Có hôm chơi từ đêm đến sáng rồi lại ngủ đến trưa mới dậy. Tôi nói con cũng chẳng nghe lời nên phải gọi chồng về. Anh đập vỡ điện thoại rồi cấm con không được đụng đến điện thoại hay chơi game”.

Vốn quen với việc một mình một điện thoại, có thể tùy ý sử dụng, nay đột ngột bị tịch thu điện thoại khiến A. bất mãn. Hằng ngày, em không có nhu cầu giao tiếp với với gia đình, đi học về liền chui lên gác xép rồi đến giờ ăn cơm thì gọi mới ra. Không ít lần chị phải tất tả đi tìm con vì đi học từ sáng đến tối chưa về, cuối cùng phát hiện con đang trong quán net gần trường. Dù bị bố đánh, mắng nhưng nam sinh vẫn tái diễn, thậm chí trốn học để chơi game.

Cấm con dùng điện thoại, cấm vào mạng là điều bất khả thi!

Ngày nay, điện thoại trở thành thiết bị công nghệ, được sử dụng phổ biến và mạng internet đã phủ sóng gần như khắp mọi miền của Tổ quốc. Ta biết rằng chúng vừa là công cụ hỗ trợ đắc lực cho xã hội hiện đại nhưng đồng thời cũng ẩn chứa không ít những cạm bẫy, rủi ro. Khi chính người lớn cũng bị lệ thuộc vào internet, mạng xã hội, điện thoại thì việc trẻ em bị tình trạng tương tự là điều không lạ. Thử hỏi, có biết bao người “cảm thấy thiếu thiếu” khi trên tay không cầm chiếc điện thoại?

Một đứa trẻ có thể sử dụng thành thạo, thậm chí đến mức nghiện không khi ba mẹ chưa từng sử dụng chúng trong lúc ăn cơm, lúc xem TV? Đứa trẻ đó sẽ tò mò rằng trong đó có những gì thú vị khiến bố mẹ quên đi cả việc ăn uống, nói chuyện?

Không quản được thì cấm. Nhiều gia đình cấm con dùng điện thoại, cấm lên mạng… như một cách để ngăn cản con không sa đà vào thế giới ảo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giải pháp cực đoan này lại càng thúc đẩy sự tò mò, muốn khám phá những điều mới lạ ở những đứa trẻ đang ở độ tuổi muốn tìm hiểu về mọi thứ xung quanh.

Ngày nay, việc học không chỉ bó buộc trong không gian một lớp học mà học trực tuyến qua internet đang ngày càng phổ biến và đem lại những tiện ích vô cùng lớn, đặc biệt ở thời điểm giãn cách xã hội vì dịch bệnh vừa qua.

Bởi vậy, các bậc làm cha làm mẹ thay vì cấm cản hãy chủ động, định hướng con khi tiếp cận với môi trường mạng, tạo lập cuộc sống gia đình trong thời đại 4.0. Ở đó, các thành viên có thể thoải mái chia sẻ, bộc lộ suy nghĩ, quan điểm, thảo luận về một vấn đề để tìm ra giải pháp, cùng có những quy định được thống nhất với con… Hãy biến internet và mạng xã hội trở thành công cụ để kết nối gia đình. Đó là giải pháp thông minh để quản lý con cái của những ông bố bà mẹ thời 4.0.

Nhằm giúp phụ huynh hiểu hơn về thiết lập và tổ chức cuộc sống số trong gia đình, Facebook cùng Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức hội thảo trực tuyến “Làm bạn cùng với con trên môi trường số”. Chương trình diễn ra vào 20h ngày 22/01/2021 trên hệ thống fanpage và youtube của Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Ngay bây giờ, phụ huynh có thể đặt câu hỏi cho diễn giả và khách mời trong chương trình về vấn đề trên để được giải đáp và nhận tài liệu miễn phí TẠI ĐÂY