Ở chương trình học môn Ngữ văn lớp 6, bộ sách Chân trời sáng tạo, văn bản Về bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng” của nhà nghiên cứu Bùi Mạnh Nhị là bài học nằm trong chủ đề “Quê hương ta”. Cô Nguyễn Hồng Thanh Thương – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ giúp các bạn học sinh gián tiếp tìm hiểu, mượn văn bản nghị luận này để hiểu rõ hơn về vẻ đẹp của quê hương, vẻ đẹp của những câu ca dao, vẻ đẹp trong câu hát của người lao động. Phụ huynh, học sinh cùng theo dõi bài viết dưới đây để “sẵn sàng” cho năm học mới nhé.
I/ Mục tiêu bài học:
Dưới đây là những yêu cầu về năng lực và phẩm chất mà cô Thương hy vọng các bạn học sinh sẽ đạt được sau khi kết thúc bài học:
* Biết cách đọc kết nối chủ điểm:
– Vận dụng kĩ năng đọc để hiểu nội dung bài ca dao
– Nhận biết được những suy nghĩ và cảm xúc của tác giả
– Nhận ra được ý nghĩa của vấn đề đặt ra trong văn bản đối với suy nghĩ, tình cảm của bản thân
– Liên hệ, kết nối được với các văn bản cùng chủ điểm đã học
* Biết tự học, tự chủ
– Nhận ra và điều chỉnh những sai sót của bản thân sau khi thực hành đọc văn bản
* Yêu quê hương
– Yêu vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam
II/ Khám phá kiến thức
1. Đọc sao cho đúng?
Trước khi khám phá những đơn vị kiến thức quan trọng của bài học, cô Thương lưu ý về cách đọc văn bản sao cho chính xác, dễ tiếp thu bài, các em ghi nhớ kỹ để áp dụng khi thực hành đọc nhé:
– Đọc rõ ràng
– Tốc độ chậm rãi, vừa phải
– Ngắt, nghỉ đúng chỗ
– Chú ý đến các từ ngữ khó
2. Tóm tắt văn bản
Với một văn bản văn xuôi, người đọc không thể nào chỉ phân tích theo mặt cảm xúc được mà sẽ cần phải nghiên cứu kỹ cả bố cục văn bản, để từ đó tiếp thu bài dễ dàng hơn. Cô Thương đặt ra thử thách đầu tiên cho các bạn học sinh, đó là: “Sau khi đọc kỹ, các em hãy thử suy nghĩ xem có thể chia văn bản này thành mấy phần? Nội dung chính mỗi phần là gì?”
Dưới đây là kết quả “thử thách” đầu tiên của cô Thương, học sinh tham khảo và đối chiếu với câu trả lời của mình xem đúng chưa nhé. Theo đó, Về bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng” được chia thành 5 phần như sau:
Phần 1: Bài ca dao bình dị
- Từ đầu đến “nắng hồng ban mai”
Phần 2: Những ấn tượng ban đầu
- Từ “Bài ca dao gây ấn tượng” đến “trù phú, đầy sức sống”
Phần 3: Vẻ đẹp quê hương Việt Nam
- Hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, trong đó con người là trung tâm
- Từ “trên cái nền mênh mông” đến “tạo nên cánh đồng kia?”
Phần 4: Nghĩa của bài ca dao
- Tùy thuộc vào hoàn cảnh ra đời và giao tiếp
- Từ “bài ca dao có thể là lời của cô gái” đến “kín đáo, tế nhị”
Phần 5: Suy nghĩ và cảm xúc của tác giả
- Đoạn cuối
3. Đọc sao cho hay?
Đọc sao cho đúng thì cô Thương đã đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh ở phần trên rồi. Nhưng bên cạnh đọc đúng, thì chúng ta cũng cần đọc sao cho hay để có thể hiểu hết cái hay, cái đẹp của bài ca dao. Dưới đây là một vài gợi ý của cô Thương, các em tham khảo để luyện tập trong bài học nhé:
– Đọc diễn cảm
– Giọng tâm tình, ngợi ca ở hai dòng đầu
– Giọng tự hào, vui tươi ở hai dòng cuối
– Ngắt, nghỉ đúng nhịp
Bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng”:
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông.
Thân em như chẽn lúa đòng đòng,
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai
Sau khi luyện tập để đọc sao cho đúng, đọc sao cho hay, học sinh cùng suy nghĩ và làm thử phiếu học tập số 1 dưới đây của cô Thương nhé:
Cô dặn dò học sinh trong quá trình hoàn thành phiếu học tập số 1 rằng: “Đừng bị chi phối bởi những phân tích hay cảm nhận của nhà nghiên cứu Bùi Mạnh Nhị, thay vào đó hãy ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân”.
Thêm một điều nữa, vì đây chính là những cảm nhận ban đầu của các em về bài ca dao, nên cô Thương sẽ không đưa ra đáp án nào để đối chiếu. Sau khi làm xong, học sinh hãy theo dõi tiếp những kiến thức mà cô chia sẻ về văn bản của Bùi Mạnh Nhị để xem bản thân có “gặp gỡ” với tác giả ở điểm nào, hay có những phát hiện gì đặc biệt hơn không?
4. Suy ngẫm và phản hồi
4.1. Tìm hiểu từ ngữ khó
Muốn đọc cho đúng văn bản thì cần phải lưu ý đến những từ ngữ khó, bởi “giải mã” được từ ngữ thì chúng ta mới có thể hiểu rõ hết điều mà văn bản muốn truyền đạt thông qua con chữ.
Học sinh hoàn thành phiếu học tập số 2 và đối chiếu với hướng dẫn dưới đây của cô Thương để xem mình đã làm đúng và còn chưa đúng ở những phần nào nhé:
Phiếu học tập số 2: Bảng giải nghĩa từ ngữ khó
Từ ngữ | Giải nghĩa |
Ni | Này (tiếng địa phương miền Trung) |
Ngó | Nhìn |
Tê | Kia (tiếng địa phương miền Trung) |
Chẽn | Nhành của bông lúa |
Phép đối xứng | Trong trường hợp hai dòng thơ đầu của bài ca dao này là cách sử dụng từ ngữ tạo nên sự cân xứng về cấu trúc, hài hòa về âm thanh và nhịp điệu, tương đồng về ý nghĩa |
Từ chỉ vị trí, địa điểm | Trong bài ca dao này là các từ ngữ như “bên ni đồng”, “bên tê đồng” |
Phơi phới | Gợi tả vẻ vui tươi, đầy sức sống của cái gì đó đang phát triển, đang dâng lên mạnh mẽ |
4.2. Bức tranh đồng quê Việt Nam
Ở phần này, để biết bức tranh đồng quê Việt Nam hiện lên trong bài ca dao như thế nào, học sinh cùng làm Phiếu học tập số 3: Bức tranh quê hương Việt Nam và sau đó theo dõi đáp án để đối chiếu nhé.
Sau khi hoàn thành, các em theo dõi đáp án dưới đây của cô Thương nhé:
Đối tượng | Hình ảnh đặc sắc trong bài ca dao |
Đồng quê | Đồng lúa mênh mông, bát ngát |
Con người | Cô gái trẻ trung, duyên dáng, đầy sức sống trong ánh nắng ban mai |
4.3. Nét đặc sắc của bài ca dao
Ở “nhiệm vụ” tiếp theo, cô Thương sẽ cùng các con phân tích kỹ hơn về những nét đặc sắc của bài ca dao, cụ thể là những đặc sắc về nghệ thuật và nội dung. Dưới đây là Phiếu học tập số 4: Nét đặc sắc về bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng”.
Dưới đây là đáp án gợi ý của cô Thương, các em tham khảo, đối chiếu nhé:
Phần | Nét đặc sắc về bài ca dao | |
Nghệ thuật | Nội dung | |
1 | Hình thức đơn giản | Tình yêu quê hương, đất nước, con người thật bình dị mà sâu sắc không ngờ |
2 | Sự kéo dài câu thơ: câu thơ đầu có 12 tiếng, câu thứ hai có 13 tiếng
Phép đối xứng Phép điệp từ, điệp ngữ Những từ chỉ vị trí, địa điểm hồn nhiên, mộc mạc, đầy màu sắc địa phương |
Nhấn mạnh sự rộng lớn, mênh mông của cánh đồng. Người ngắm nhìn như muốn ôm trọn cánh đồng vào đôi mắt.
Cánh đồng không chỉ rộng lớn, mênh mông mà còn rất đẹp, trù phú, đầy sức sống. |
3 | Phép so sánh
Những dòng thơ dài không che lấp dòng thơ ngắn. Mỗi dòng thơ có vẻ đẹp riêng và có sự kết hợp hài hòa với nhau |
Hình ảnh cô gái trẻ trung phơi phới, duyên dáng, tự nhiên và đầy sức sống
Con người là linh hồn của cảnh vật, linh hồn của cả bức tranh mà bài thơ khắc họa lên |
4 | Nghĩa tùy thuộc vào hoàn cảnh ra đời và giao tiếp | Hình ảnh cánh đồng – cô gái hợp thành bức tranh đồng quê, con người; cả hai đều tươi sáng, sinh động.
Bài ca dao mang nhiều tình ý, có thể cảm nhận theo nhiều cách, cách nào cũng bày tỏ những tình cảm tinh tế, thiết tha: tự ý thức về vẻ đẹp/ bày tỏ tình cảm lứa đôi |
5 | Chỉ với 4 dòng ngắn ngủi nhưng sức khơi gợi mạnh mẽ
Cho ta thấy lời ăn tiếng nói vốn dân dã, mộc mạc của mỗi miền quê khi đã thành lời ca điệu hát sẽ trở nên ngọt ngào |
Mở ra không gian bao la của đồng quê và thế giới cảm xúc thiết tha, sâu sắc của người dân quê
Khiến người đọc bâng khuâng, xao xuyến mãi |
4.4. Cảm xúc của tác giả
Cảm xúc của tác giả chính là phần kiến thức quan trọng giúp học sinh có thể “giải mã” toàn bộ bài học. Thông qua văn bản Về bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng”, nhà nghiên cứu Bùi Mạnh Nhị đã cho người đọc thấy được những cảm xúc hết sức mộc mạc và chân thành:
– Bâng khuâng, xao xuyến trước vẻ đẹp đất nước con người Việt Nam
– Cảm xúc yêu mến dành cho bài ca dao nói riêng, ca dao dân ca Việt Nam nói chung
Cô Thương giảng giải: “Chỉ với hình thức ngắn gọn, đơn giản mà bình dị, những bài ca dao đã có thể gửi gắm được rất nhiều tâm tư, tình cảm và hình ảnh đẹp đẽ tới chúng ta”.
Ở phần luyện tập cuối bài học, cô Thương không quên đúc kết lại toàn bộ kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy để giúp học sinh dễ nhớ, lâu quên. Các em cùng tham khảo và lưu lại để học tốt nhé.
III/ Vận dụng, mở rộng
Ở phần vận dụng và mở rộng, học sinh sẽ được cô Thương giới thiệu kỹ hơn về thể loại nghị luận văn học. “Mặc dù tại thời điểm này, các bạn sẽ chưa học ngay và cũng chưa nhất thiết phải biết cách để viết một văn bản hoàn chỉnh theo thể loại nghị luận, thế nhưng đây sẽ là những kiến thức rất hữu ích cho sau này” – Cô Thương chia sẻ.
Dưới đây là Phiếu học tập số 5: Trình tự triển khai văn bản nghị luận văn học, học sinh cùng làm thử và tham khảo những gợi ý cô Thương đưa ra nhé.
Những gợi ý mà cô Thương đưa ra là như sau, các em đối chiếu với bài làm của bản thân để so sánh nhé:
Trình tự | Nội dung chính |
Phần 1 | Giới thiệu bài ca dao |
Phần 2 | Phân tích đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của 2 câu đầu |
Phần 3 | Phân tích đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của 2 câu sau
Đặt vấn đề về mối quan hệ giữa hình ảnh cánh đồng và cô gái |
Phần 4 | Nhận xét về sự kết hợp hình ảnh cánh đồng và cô gái
Mở rộng thêm một số cách hiểu bài ca dao |
Phần 5 | Khẳng định ý nghĩa của bài ca dao và cảm xúc bài ca dao gợi lên trong lòng người đọc |
Trên đây là những kiến thức trong bài giảng Về bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng” (tác giả Bùi Mạnh Nhị), môn Ngữ văn 6, bộ sách Chân trời sáng tạo của cô Nguyễn Hồng Thanh Thương.
Phụ huynh có con sắp vào cấp hai còn đang băn khoăn, lo lắng về những đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm học 2021 – 2022 tới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có thể tham khảo Chương trình Học tốt lớp 6 mới của HOCMAI. Chương trình sẽ là giải pháp học tập toàn diện giúp teen 2k10 chuẩn bị kiến thức từ hè để sẵn sàng trước những đổi mới của sách giáo khoa và chương trình học khi bước vào năm học mới.
Để biết thêm thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy liên hệ Hotline 093 658 5812 hoặc ĐĂNG KÝ NGAY TẠI ĐÂY để được TƯ VẤN MIỄN PHÍ!