Lịch sử và địa lý 6: Khám phá “Văn minh Ấn Độ” cùng cô Trần Mai

0
2944

Trong bài học về “Các quốc gia cổ đại phương Đông”, môn Lịch sử và địa lý 6, học sinh sẽ được “chu du” khắp thế giới để khám phá tri thức về các nền văn minh rực rỡ ở thời kì cổ đại. Bài giảng dưới đây của cô Trần Mai được giảng dạy theo phương thức mới lạ, hiện đại, kết hợp lồng ghép thêm nhiều hình ảnh minh họa sinh động, hấp dẫn. Phụ huynh và các con cùng theo dõi để ngược dòng thời gian, quay về khám phá nền “Văn minh Ấn Độ” nhé. 

Về tự nhiên, bán đảo Ấn Độ nằm ở khu vực Nam Á, ba mặt giáp biển, nằm trên trục đường từ Tây sang Đông. Sông Hằng gắn liền với tín ngưỡng, văn hóa và sản xuất của người Ấn Độ.

Trong tâm thức tín đồ Ấn giáo, nước sông Hằng là một ân huệ linh thiêng của thần linh, được tôn thờ trong truyền thống Ấn Độ cách đây 4000 năm và kéo dài tới tận ngày nay.

1. Xã hội

Đặc điểm nổi bật của Ấn Độ cổ đại là sự hình thành chế độ đẳng cấp. Khoảng 2500 năm TCN, người bản địa Dravida đã xây dựng thành thị dọc hai bên bờ sông Ấn. Đến khoảng 1500 năm TCN, người Aria từ vùng Trung Á di cư vào Bắc Ấn, thống trị người Dravida và thiết lập nên chế độ đẳng cấp dựa trên sự phân biệt chủng tộc, gọi là chế độ chủng tính Varna.

Đẳng cấp thứ nhất là Brahman: gồm những người da trắng đều là tăng lữ, quý tộc, chủ trì việc tế lễ đạo Bà-la-môn, họ là chúa tể, có địa vị cao nhất.

Đẳng cấp thứ hai là Kshatriya: tầng lớp quý tộc, vương công và vũ sĩ, có thể làm vua và quan lại.

Đẳng cấp thứ ba là Vaisya: gồm đại đa số nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Họ phải nộp thuế cho nhà nước, cung phụng cho hai đẳng cấp trên.

Đẳng cấp thứ tư là Sudra: phần lớn là cư dân bản địa bị chinh phục, nô lệ, kẻ tôi tớ đi làm thuê.

Việc phân biệt sang hèn giữa các đẳng cấp rất rõ ràng, ranh giới rất khắt khe. Những người không cùng đẳng cấp thì không được phép lấy nhau. Nếu cố tình kết hôn, những đứa trẻ sinh ra và cha mẹ của chúng đều bị gọi là “tiện dân” Paria.

Tiện dân chỉ có thể trú ngụ ở ngoài làng, đi trên đường phải luôn gõ vào chiếc lọ sành để báo cho người ở đẳng cấp trên không được tiếp xúc với họ.

Nếu chẳng may một người có đẳng cấp Brahman, do sơ ý mà chạm tay phải thân thể của kẻ tiện dân thì sẽ coi như gặp phải “uế khí”. Khi về tới nhà phải lập tức tắm rửa, tẩy uế. Chế độ đẳng cấp này là nỗi đau khôn dứt trong lòng xã hội Ấn Độ. 

Năm 1922, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã dùng từ Paria để đặt tên cho tờ báo của Người là Le Paria, tức Người cùng khổ để nói về đời sống của những dân tộc bị áp bức.

2. Tôn giáo

Ấn Độ là quê hương của các tôn giáo lớn trên thế giới. Bà-la-môn là tôn giáo cổ xưa nhất, sau đó được cải biến thành đạo Hin-đu (Ấn Độ giáo). Đây là tôn giáo đa thân, có hàng vạn các vị thần khác nhau. Trong đó, ba vị thần lớn nhất là thần Sáng tạo, thần Hủy diệt và thần Bảo tồn.

Vậy tại sao chế độ nghiệt ngã như vậy lại ăn sâu bám rễ trong tư tưởng của người Ấn và họ chẳng thể nào xóa bỏ? Câu trả lời được cô Mai lý giải: “Ấn Độ là một đất nước rất sùng tín. Phần lớn cư dân theo đạo Hin-đu và họ có niềm tin bất diệt vào thần linh. Họ tin thần linh đã tạo ra chế độ đẳng cấp. Vì vậy con người phải tuân theo sự sắp đặt của thần và không được chống lại chế độ này”.

Chứng kiến nỗi đau, sự bất hạnh nghiệt ngã của con người do chế độ đẳng cấp gây nên, thế kỉ thứ VI TCN, hoàng tử Siddhartha Gautama đã sáng tạo ra một tôn giáo mới là Đạo Phật. Nội dung căn bản của Phật Giáo là thừa nhận luật nhân quả, và đặc biệt Phật Giáo có lẽ là tôn giáo đầu tiên trên thế giới khẳng định sự bình đẳng. 

Ngược dòng lịch sử nhân loại hơn 25 thế kỷ, Phật đã kêu gọi: “Xóa bỏ giai cấp, đem lại sự Tự do – Bình đẳng cho loài người”.

Cô Mai nhận định: “Có lẽ chính vì thế mà tôn giáo này không thể hưng thịnh tại quê hương Ấn Độ nhưng lại có sức lan tỏa mạnh mẽ ở khắp mọi nơi. Hiện nay, Phật Giáo đã trở thành một trong ba tôn giáo lớn nhất của nhân loại cùng với Hồi Giáo và Ki-tô Giáo”.

3. Chữ viết

Người Ấn Độ có chữ viết từ rất sớm, đó là chữ Phạn. Chữ Phạn dùng để viết các tác phẩm tôn giáo như Kinh Vê-đa và các tác phẩm văn học tiêu biểu là hai bộ sử thi Ramayana và Mahabharata.

4. Khoa học tự nhiên

Toán học là thành tựu nổi bật của cư dân nơi đây. Các số từ 0 đến 9 được người Ấn phát minh và sử dụng từ sớm. Sau này, người Ả-rập tiếp thu và truyền vào châu Âu.

Về Y học, cư dân ở đây đã biết dùng thuốc tê, thuốc mê khi phẫu thuật, biết sử dụng thảo mộc trong chữa bệnh.

5. Kiến trúc và điêu khắc

Ngay từ thời cổ đại, Ấn Độ đã có những công trình kiến trúc kì vĩ, chủ yếu là kiến trúc tôn giáo. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến chùa hang Ajanta vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Thế kỷ thứ VII, nhà sư Huyền Trang từ Trung Quốc tới đây đã phải thốt lên: “Vô cùng kỳ vĩ, vô cùng tinh tế”.

Từ một dải núi đá khổng lồ, người Ấn đã đục đẽo, chạm khắc tạo nên công trình với tầm vóc vô cùng kỳ vĩ nhưng không kém phần tỉ mỉ, chi tiết.
Tác phẩm “Cột đá Sư Tử” của vua Ashoka thế kỉ III TCN đã trở thành biểu tượng của đất nước Ấn Độ ngày nay.

Với bộ môn Lịch sử và địa lý 6, cô Trần Mai đã đưa các em học sinh chu du tới vùng đất xa xôi để khám phá nềnVăn minh Ấn Độ” cùng những sáng tạo vĩ đại của cư dân thời kì này. Năm học mới đã bắt đầu, phụ huynh có con mới vào cấp hai còn đang băn khoăn, lo lắng về những đổi mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có thể tham khảo Chương trình Học tốt lớp 6 mới của HOCMAI. 

Đây là chương trình học qua video bài giảng ghi hình sẵn với đội ngũ thầy cô giáo tâm huyết, giàu kinh nghiệm, phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm cho con tự chủ trong học tập. Bên cạnh đó, nội dung chương trình được xây dựng bám sát theo kiến thức trong từng bộ sách giáo khoa và có kèm theo hệ thống bài tập tự luyện cùng các bài kiểm tra đánh giá định kỳ, từ đó giúp các em được rèn luyện thường xuyên, “làm chủ” kiến thức, sẵn sàng “bứt phá” trong năm học 2021 – 2022.

Để biết thêm thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy ĐĂNG KÝ NGAY TẠI ĐÂY để được TƯ VẤN MIỄN PHÍ!