4 Nguyên nhân chính khiến con sợ học Toán

0
11880

Toán là môn học cần tư duy logic cao và khi con đã mất gốc ngay từ đầu thì rất khó con có thể theo kịp chương trình học. Nguyên nhân chính dẫn đến việc con sợ học Toán là do: Con mất gốc; Con cảm thấy áp lực; Con thiếu tập trung và Tư duy của con còn chậm.

Do con mất gốc kiến thức

Môn Toán là môn học cần tư duy logic và có tính hệ thống cao. Vì vậy, nếu con mất gốc môn Toán sẽ cảm thấy sợ môn học này.

Có con học lớp 4 và sợ Toán từ năm lớp 3, chị Minh Luyến (Hoàng Mai – Hà Nội) chia sẻ: “Con mình ngay từ lớp 3 đã sợ học Toán. Con thường trốn tránh, không làm bài tập về nhà. Mình cảm thấy con sợ hãi mỗi khi đến lớp mà chưa hoàn thành bài tập. Ngày còn học lớp 1, lớp 2 – con tính toán những phép Toán không tồi, thậm chí là con tính khá nhanh”.

Theo cô Nguyễn Thị Huệ – Giáo viên Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI có trên 5 năm kinh nghiệm giảng dạy cả online và offline cho rằng: “Với trường hợp con lớp 1 và lớp 2 học Toán tốt, nhưng lên lớp 3 con bắt đầu thấy sợ. Có thể do con đã mất gốc Toán từ lớp 3”.

Cô Huệ cho biết thêm: “Phụ huynh nên giúp con lấy lại gốc Toán trước khi để con học cùng chương trình học với các bạn. Bởi, lượng kiến thức một năm khá nhiều, con càng học theo chương trình trên lớp thì con sẽ càng sợ hãi với lượng kiến thức mới”.

Để lấy lại gốc Toán, phụ huynh có thể tham khảo chương trình học trực tuyến cho con. Ưu điểm rất lớn của hình thức học này chính là việc con hoàn toàn có thể ôn lại những kiến thức từ đầu năm, có thể xem đi xem lại bài giảng cho đến khi hiểu. Ngoài ra, với chương trình cơ bản, con sẽ được những giáo viên giỏi nhiều năm kinh nghiệm – chuyên môn sư phạm cao giảng dạy giúp con hấp thu tối đa kiến thức.

Cũng có nhiều phụ huynh chọn cho con hình thức học gia sư để giúp con lấy lại kiến thức môn Toán. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý nên chọn  gia sư có chuyên môn sư phạm tốt, kinh nghiệm trong việc dạy con mất gốc bởi những trẻ mất gốc Toán thường ngại trao đổi trực tiếp với giáo viên khi gặp kiến thức con không hiểu.

Con mất gốc sợ học là điều đương nhiên. Tuy nhiên, cũng có một số học sinh học khá nhưng vẫn có cảm giác sợ học – có thể con đang cảm thấy áp lực!

Do áp lực khiến con sợ học

Áp lực học có thể đến từ việc con thường xuyên được giáo viên mời lên bảng làm bài; áp lực điểm số; áp lực khi con học lớp chuyên Toán nhưng lực học của con chỉ ở mức khá; áp lực khi con được phụ huynh và giáo viên đặt quá nhiều hy vọng…

Nhìn ở một khía cạnh tích cực – áp lực là tốt!  Áp lực kích thích để các con cố gắng hơn. Tuy nhiên, áp lực quá sẽ khiến con suy sụp và sợ học.

Khi được giáo viên mời lên bảng với tần suất vừa phải, con sẽ cảm thấy hứng thú với những bài tập con làm đúng. Tuy nhiên, tần suất thường xuyên sẽ khiến con cảm thấy áp lực và sợ lên bảng, sợ mỗi khi đến tiết, sợ khi giáo viên kiểm tra bài cũ.

 

Áp lực điểm số có thể cũng khiến con sợ học. Một số phụ huynh sẵn sàng nổi cáu kèm một số hình phạt nếu con bị điểm kém. Đôi khi, điều này khiến con áp lực, sợ hãi.

Nếu con của bạn học lớp chuyên Toán – phần lớn học sinh của  lớp thuộc học sinh giỏi hoặc xuất sắc và con của bạn lực học môn Toán chỉ ở mức khá. Trong trường hợp này, con của bạn cũng sẽ vấp phải những áp lực nhất định. Luôn phải cố gắng quá sức để không nằm trong top cuối cũng sẽ khiến con áp lực. Con sợ học trong khi lực học của con không đến nỗi nào.

Đôi khi, kỳ vọng của cha mẹ và giáo viên cũng khiến con cảm thấy áp lực và sợ học: Áp lực khi cha mẹ và giáo viên kỳ vọng con đạt giải khi tham gia một cuộc thi Toán nào đó; Áp lực khi con được kỳ vọng sẽ vào trường chuyên, lớp chọn…

Để giảm áp lực cho con, phụ huynh nên tâm sự và lắng nghe con nhiều hơn. Thay vì trách mắng khi con bị điểm kém. Nếu lớp chuyên con đang học khiến con cảm thấy áp lực và quá sức – cha mẹ có thể xin cho con học lớp thường với mục tiêu điểm số cao hơn một chút…

Đó là những nguyên nhân điển hình khiến con học dù khá nhưng vẫn sợ học. Nếu con bạn, từ trước tới giờ đều sợ môn Toán – rất có thể do ý thức học tập của con chưa tốt do con không tập trung và chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học đến tương lai.

Con thiếu tập trung

Con ngồi vào bàn học môn Toán nhưng thường vẽ, viết nghịch ra giấy nháp; con thường châm chọc không để yên cho các bạn học trong giờ Toán… Những điều này cho thấy, con chưa tập trung trong việc học. Những học sinh thiếu tập trung thường học không tốt và sợ học.

Con mất tập trung có thể do con có rất nhiều năng lượng và cần giải tỏa cũng có thể con không thể tập trung học khi có tiếng ồn; con không có mục tiêu học tập rõ ràng; con chưa có ý thức học tập…

Con trẻ thường sẽ dồi dào năng lượng bởi ngày nay các con được hấp thu rất nhiều chất dinh dưỡng từ thực phẩm và sữa. Để giúp con tập trung học, đặc biệt là với môn Toán – cha mẹ nên bố trí thời gian cho con chơi thể thao mỗi ngày khoảng từ 30 phút đến 1 giờ.

Để con tập trung trong việc học với những con thiếu sự tập trung, góc học tập yên tĩnh rất quan trọng. Bàn học của con không nên có nhiều đồ trang trí; sách vở; giấy nháp. Con chỉ cần một cuốn nháp và cha mẹ có thể kiểm tra và nhắc nhở con. Để đảm bảo con tập trung khi học, cha mẹ nên ngồi cùng con học trong khoảng thời gian nhất định: Có thể là 1 giờ sau đó quan sát và nhắc nhở con một cách nhẹ nhàng khi con mất tập trung. Lâu dần sẽ tạo được thói quen tập trung cho con.

Con tập trung học – có ý thức hơn khi hiểu được mục đích của việc học và có mục tiêu, vì vậy, cha mẹ nên hướng cho con mục tiêu rõ ràng và thường xuyên trò chuyện với con về mục tiêu ấy. Nếu có thể cha mẹ cũng có thể dành thời gian ngắn ngồi cùng con học bài. Có thể không hướng dẫn con làm bài, nhưng ngồi cạnh sẽ giúp con tập trung hơn. Tuy nhiên, chỉ ngồi cạnh con trong thời gian ngắn để con không cảm thấy áp lực.

Cũng có thể con thiếu tập trung do tư duy của con chưa tốt; con không thể tập trung học vì con không hiểu bài – con không biết bắt đầu từ đâu để giải một bài Toán.

Con sợ học Toán do tư duy của con còn chậm

Nếu tư duy Toán học của con chưa tốt, cha mẹ cần đặc biệt chú ý. Muốn con học tốt môn Toán, cha mẹ cần thực sự kiên nhẫn. Tư duy chậm có thể do con lười nghĩ và không chủ động trong học tập. Tư duy chậm hoàn toàn có thể rèn luyện.

Trong quá trình giảng dạy, cô Huệ đúc kết: “Mình đã dạy rất nhiều học sinh có tư duy chưa tốt và sau một thời gian các con bứt phá rất nhanh. Với một bài tập, con chưa tìm ra hướng giải – niềm khao khát ở các con rất lớn. Các con muốn học nhưng không tìm ra phương pháp học tốt; do học chưa tốt nên các con sợ học, các con tự thấy bản thân kém cỏi. Nhưng khi các con tìm được phương pháp học tốt – các con rất cố gắng, nỗ lực. Những con có tư duy chậm, có khi lại là những học sinh kiên trì trong việc học”.

Với những học sinh có tư duy chưa tốt, theo cô Huệ đặc biệt nên cho con học theo hình thức học trực tuyến. Bởi con sẽ cố gắng mày mò học tập mà không cần đến sự giám sát của cha mẹ. Do tư duy chậm, giáo viên có thể giảng 2 đến 3 lần con chưa hiểu. Chính vì vậy, con sẽ ngại hỏi. Việc học ở trung tâm hay học gia sư sẽ không hiệu quả. Con sẽ mãi giấu những kiến thức con chưa hiểu vì sợ bạn bè, thầy cô và chính cha mẹ chê cười.

Chính vì tư duy của con chưa tốt, cha mẹ cần kiên nhẫn – tránh đánh mắng hay chì chiết khi giảng mà con không hiểu. Nếu nóng tính, cha mẹ không nên dạy con mà hãy để con tự học. Trao cho con quyền quyết định cũng là phương án hay giúp con có tư duy chậm tiến bộ

Trên đây là 4 nguyên nhân chính khiến con sợ học môn Toán cha mẹ nên biết. Cho dù con gặp phải vấn đề gì khiến con sợ học – cha mẹ cũng nên cố gắng tìm hiểu nguyên nhân để từ đó đưa ra giải pháp học hiệu quả cho con.