“Tả một đồ vật mà em yêu thích” là dạng đề quen thuộc với học sinh tiểu học. Để viết một bài văn miêu tả đồ vật hay, học sinh cần biết cách viết mở bài và kết bài hấp dẫn để gây ấn tượng cho người đọc.
Là giáo viên dạy Tiểu học, cô Phan Thùy Dương – giáo viên môn Tiếng Việt tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: “Khi viết bài văn miêu tả, nhiều học sinh còn lúng túng không biết mở bài, kết bài như thế nào cho hay và hợp lý. Nguyên nhân, do các em chưa có phương pháp học phần Tập làm văn sao cho hiệu quả”. Vì vậy, bố mẹ cùng con theo dõi bài viết dưới đây để nắm được cách mở bài, kết bài hay nhất, sẵn sàng đạt điểm cao trong các bài kiểm tra.
Phần mở bài
Trong phần mở bài, học sinh cần bao quát về đồ vật mà mình muốn miêu tả.
Để mở bài trong bài văn miêu tả đồ vật, thường có hai cách sau:
+ Mở bài trực tiếp: Đồ vật, sự vật được miêu tả thường xuất hiện ngay ở câu đầu tiên và câu thứ hai làm nhiệm vụ bày tỏ tình cảm, ấn tượng của người viết đối với đồ vật, sự vật ấy.
+ Mở bài gián tiếp: Người viết sẽ kể một câu chuyện hoặc dẫn dắt từ khái quát đến cụ thể, dẫn vào đồ vật, sự vật mà mình sẽ miêu tả.
Học sinh sử dụng một trong hai cách mở bài đều đúng, tuy nhiên, việc sử dụng mở bài gián tiếp sẽ khiến cho bài văn hay và mềm mại hơn, đồng thời gây ấn tượng và cảm xúc cho người đọc.
Ví dụ miêu tả về chiếc cặp sách, ta có thể mở bài theo hai cách sau đây:
+ Mở bài 1: Đầu năm học mới, bố mua cho em một chiếc cặp sách ở quầy đồ dùng thiếu nhi. Chiếc cặp là người bạn nhỏ đáng yêu của em.
+ Mở bài 2: Ba tôi thường hay đi công tác xa. Dù bận rộn nhưng chưa lần nào ba quên mua quà cho con gái nhỏ. Khi là chú gấu bông, khi là chiếc váy đẹp đẽ,… mỗi món quà đều nhắc tôi về tình cảm ba dành cho tôi. Trong số đó, tôi thích nhất là chiếc cặp sách màu xanh dương, rất bền và nhẹ – món quà ba tặng tôi sau chuyến đi Nhật Bản dài ngày.
Phần kết bài
Trong phần kết bài, thường sẽ để viết về lợi ích, tình cảm của người viết đối với đồ vật.
Để kết bài cho bài văn miêu tả đồ vật, thường có hai dạng sau:
+ Kết bài mở rộng: Ngoài nói lên lợi ích, tình cảm, người viết còn mở rộng ý liên hệ về trách nhiệm, cách ứng xử của mình đối với đồ vật, thường được viết dài hơn những kết bài khác.
+ Kết bài không mở rộng: Thường chỉ nói lên lợi ích, tình cảm của mình đối với đồ vật được miêu tả một cách ngắn gọn, dễ hiểu
Ví dụ miêu tả về chiếc bàn học:
+ Kết bài 1: Cái bàn này đã gắn bó với em suốt hai năm qua. Em thầm cảm ơn người bạn nhỏ, đã luôn cần mẫn, miệt mài cùng em giải bao bài toán khó, viết những bài văn hay.
+ Kết bài 2: Suốt những năm tháng qua, chiếc bàn này cùng em viết lên tương lai phía trước. “Người bạn nhỏ” đã thức cùng em bao mùa thi. Ôi “người bạn nhỏ” miệt mài và cần mẫn. Em thầm tự hứa sẽ giữ gìn nó thật cẩn thận để cùng nhau đi tiếp quãng đời học sinh tươi đẹp.
Ngoài ra, cô Phan Thùy Dương cũng chia sẻ: “Trong một bài văn, khi viết mở bài và kết bài, giữa hai phần phải các con cần có sự tương đồng với nhau về độ dài cũng như chất lượng. Học sinh nhớ chọn phần mở bài, kết bài phù hợp với bài văn của mình, không nhất thiết phải viết dài, chỉ cần viết đúng và đủ ý đảm bảo yêu cầu đề bài đưa ra.”
Nếu con đang gặp khó khăn trong việc viết văn, bố mẹ có thể tham khảo khóa học trang bị kiến thức căn bản môn Tiếng Việt các lớp 2,3,4,5 của Hệ thống Giáo dục HOCMAI để giúp con cải thiện tình hình trên. Khóa học không những giúp học sinh trạng bị đầy đủ các kỹ năng phần Tập làm văn như mở rộng vốn từ, phương pháp trình bày đủ ý, mạch lạc mà còn giúp con phát huy khả năng tưởng tượng, sáng tạo để bài văn hấp dẫn hơn.