Kinh nghiệm từ những người đã trải qua sẽ mang lại cái nhìn đa chiều hơn cho cha mẹ, để chuẩn bị cho con trong kì thi năm 2020 – 2021.
Năm nay là một năm “khác thường” khi đến thời điểm hiện tại, cuối tháng 4 nhưng vẫn chưa có nhiều trường công bố phương án tuyển sinh vào 6. Chính vì vậy, không ít phụ huynh hoang mang. Không biết chuẩn bị kiến thức như thế nào cho đủ để con đủ điểm vào trường trung học cơ sở mục tiêu, trong tình hình con phải ở nhà hơn 2 tháng. Dưới đây là một vài chia sẻ của chị Lương Ngọc Anh (Tây Hồ, Hà Nội) về những điều chị đã trải qua cho kì thi vào 6 năm ngoái.
Chọn trường
Nếu như ở cấp 1, mình định hướng cho con một môi trường với cô giáo tốt, có thể giúp đỡ và quan tâm mọi mặt cho con thì cấp 2, gia đình muốn tìm cho con một lớp học tốt, để có sự chuẩn bị nghiêm túc trước khi vào cấp 3. Từ năm lớp 3, mình đã đánh giá được thái độ và khả năng tiếp thu kiến thức của con, từ đó lựa chọn ra được trường phù hợp nhất. Mình không đặt nặng nó là trường công hay tư, chất lượng cao hay không nhưng mà, những trường được đầu tư cơ sở vật chất hơn, không khí và phong cách giảng dạy phù hợp hơn sẽ là lựa chọn đúng đắn cho con.
Và những trường có bề dày lịch sử, thành tích thì tỉ lệ đỗ vào trường cấp 3 hàng đầu như Ams, Chu Văn An, Chuyên Ngoại Ngữ,… cũng sẽ cao hơn. Quá trình học tập của con cần phải có những cái nhìn lâu dài, đánh giá xuyên suốt để có sự đầu tư đúng đắn. Không thể chỉ dựa vào mong muốn hay sở thích của cha mẹ. Mình thấy nhiều bạn bè cấp 1 thì cho học trường tư, học phí hàng trăm triệu, môi trường nước ngoài nhưng cấp 2 lại cho học trường công đúng tuyến vì lý do kinh tế. Thế là bao nhiêu thói quen học tập, giao tiếp đã thành lập đều đổ hết xuống biển vì con phải thay đổi sao cho phù hợp với ngôi trường mới, hoàn toàn khác biệt.
Nhưng những ngôi trường cấp 2 dạng chuẩn thì tỉ lệ chọi thật sự rất cao. Như Chuyên Ngoại Ngữ năm ngoái, có cả ngàn hồ sơ đăng kí nhưng lại chỉ tuyển có 100 học sinh, tính ra là 1 chọi 30. Áp lực là rất lớn cho con. Chính vì vậy, sự chuẩn bị sớm rất quan trọng. Mình sẽ nói rõ trong phần kế tiếp.
Một kinh nghiệm của mình là nên đưa ra 2 – 3 phương án lựa chọn. Ngôi trường phù hợp nhất sẽ là lựa chọn tối ưu. Mình nhấn mạnh từ “phù hợp nhất” chứ không phải là trường hàng đầu trong đầu cha mẹ. Phù hợp năng lực con, môi trường tốt, đáp ứng khả năng của gia đình. Tâm lý chung của mọi người là cứ để con thi hết, “may mắn” đỗ vào trường nào thì học trường đó. Nhưng nên nhớ, dù vẫn là những kiến thức tổng quát đó nhưng mỗi trường sẽ có mức độ khó, dễ khác nhau. Ngoài ra, dạng bài khác, dạng đề khác vô tình khiến con thay vì ôn tập trung một trường thì tự dưng phải học thêm trường thứ hai, thứ ba.
Học như thế nào?
Cũng như phụ huynh khác, mình tìm kiếm rất nhiều nguồn và phương pháp học tập. Bổ dọc và bổ ngang. (Giải thích cho cha mẹ nào chưa rõ. Bổ dọc là đi theo chương trình học trên lớp của con. Học tuần tự từ kiến thức đến làm bài tập luyện tập và kiểm tra. Bổ ngang là gộp những phần kiến thức có liên quan thành những chuyên đề. Và tập trung rèn cho chắc các dạng bài liên quan rồi mới sang những chuyên đề khác). Chương trình tiểu học nói khó thì không khó nếu cha mẹ định để con đi lên trường đúng tuyến, cứ tốt nghiệp và nhập học. Nhưng với học sinh như con mình, muốn thi vào trường Hà Nội – Amsterdam thì rất nhiều kiến thức phải mở rộng, đào sâu nhiều. Đôi lúc, còn sử dụng những kiến thức cấp đầu 2. Học thì phải học tất, tuy nhiên nên phân chia mức độ thời gian dành cho từng phần ôn tập, đánh giá độ quan trọng.
Với những kiến thức chủ chốt thì phải bỏ công sức để ôn, dành cả tháng cũng được. Với những phần nhẹ hơn thì hoàn toàn có thể lướt qua nhanh, rút gọn tầm 1 đến 2 buổi, con nắm kiến thức cơ bản, giải được bài tập mức độ vận dụng là ổn. Để đánh giá cái nào quan trọng, cái nào không cha mẹ cần phải tham khảo ý kiến của những thầy cô giáo chủ nhiệm hoặc người có kinh nghiệm ôn thi vào trường mục tiêu. Hoặc dựa vào cấu trúc đề thi những năm trước để đưa ra các khoanh vùng cụ thể.
Ngoài ra, học nhiều không bằng học sâu. Thay vì học lớp nọ lớp kia thì chỉ nên tìm một phương pháp chuyên nhất dành cho con. Phải biết, mỗi thầy cô sẽ có một phương pháp khác nhau, cách tiếp cận vấn đề, truyền tải kiến thức cũng khác nhau. Học sinh lớp 5 dù gì cũng chỉ mới 10 tuổi. Nhồi quá nhiều dễ khiến con loạn, không biết với bài này nên làm theo cách nào, của thầy A hay cô B. Từ đó, kể cả các bài đơn giản nhất cũng dễ trở thành hòn đá cản đường. Chưa kể, việc này tạo áp lực không nhỏ cho con khi ngoài chương trình chính khóa trên trường còn phải nhồi đầy các khung rảnh rỗi khác cho việc di chuyển, học tập.
Bởi vì quá nhiều thứ phải ôn, mà có đến 3 môn phải học là Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh nên mình chia toàn bộ quá trình ôn tập thành 3 giai đoạn: Học kì I để hệ thống và ôn lại toàn bộ kiến thức tiểu học. Học kì II, bắt đầu “cày đề”. Mức độ khó của đề thường tương đương hoặc cao hơn khoảng 20% với đề thi năm trước. Trung bình một tuần 1 – 2 đề/môn. Để con làm quen với cấu trúc đề, cách làm đề đồng thời nhuần nhuyễn được cách vận dụng kiến thức vào các dạng bài tập. Bởi vì khi thi thì có thời gian giới hạn nên mình tạo cho con thói quen là, mỗi câu đều chỉ có 2 – 3 phút tùy đề nên phải xử lý thật nhanh, không được rề rà. Khoảng 1 tháng cuối cùng là giai đoạn thứ ba. Lúc này, mình chỉ tập trung ổn định tâm lý cho con. Thỉnh thoảng làm một vài đề nghiêm túc để giãn áp lực cho con. Nhiều người càng đến sát kì thi càng ôn tập nhiều nhưng theo mình như vậy không nên. Nhồi vịt liên tục, con sẽ không có thời gian dành cho hấp thu kiến thức vào đầu. Con chỉ đuổi theo kiến thức mà không ghi nhớ tốt thì hiệu quả đạt được sẽ khó như cha mẹ mong muốn.
Thầy cô, lớp học thêm
Với mình, xin review đánh giá là thêm một sự lựa chọn trong nhiều lựa chọn chứ không phải bắt buộc phải theo. Phải biết, học sinh có người này người khác, nên không phải cứ con người khác học hiệu quả là con mình cũng như thế. Lại một lần nữa, mình nhắc lại, tốt nhất chính là phù hợp nhất chứ không phải người khác nói tốt nhất.
Tất nhiên, mình cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thế nhưng, càng những lúc như vậy càng phải tỉnh táo và nhớ lại mục tiêu ban đầu của mình.
- Thầy cô giáo không phải là bà tiên ông bụt, chỉ cần học của họ là con chắc chắn đỗ. Thầy cô chỉ là người dẫn đường, tạo điều kiện để quá trình ôn thi của con hiệu quả hơn. Họ có kinh nghiệm thì quá trình này càng đơn giản. Những thứ còn lại phụ thuộc vào con.
- Thầy cô giỏi hay không, không quan trọng. Phải phù hợp. Có người học thêm thấy tiến bộ nhưng có bạn học trực tuyến qua youtube cũng tiến bộ. Phải xem con thích cái gì. Mình hay gọi thầy cô giáo như dòng nước chảy, còn con giống như chiếc thuyền phía trên. Nếu con thích thì chẳng khác gì đi xuôi dòng, học nhẹ nhàng nhưng hiệu quả lại tăng. Mà đi ngược dòng thì chẳng khác nào tạo thêm lực cản, ngăn con tiến lên. Điều này đặc biệt đúng với học sinh tiểu học khi học tập vẫn còn phụ thuộc nhiều vào cảm xúc. Nhiều người không coi điều này là quan trọng nhưng cái gì cũng vậy, người lớn chúng ta làm những gì mình thích thì thời gian trôi rất nhanh, làm lâu cũng không thấy mệt mỏi.
- Môi trường học tập cũng nên cân nhắc. Con thích học 1 mình hay con muốn học với bạn bè, học ở nhà hay tới lớp học thêm.
- Sự tương tác giáo viên – học sinh – phụ huynh vô cùng quan trọng. Như mình nói ở trên, không phải cứ tìm cho con một lớp học tốt là nghĩ con tự học được rồi và không để ý tới nữa hoặc tuần hỏi thăm con một hai câu xem học thế nào. Điều này rất sai với học sinh tiểu học ôn thi. Cha mẹ phải, thật sự là phải luôn theo sát quá trình học ôn của con. Bất cứ vấn đề nào cũng phải phản ứng nhanh, liên hệ với giáo viên để xử lý càng sớm càng tốt. Không chỉ con chủ động học, cha mẹ phải chủ động quan tâm.
- Con học môn gì kém thì cái đó phải ưu tiên trước.
Sinh hoạt, học chơi cân bằng
Ôn thi không được chơi, thì việc học sẽ áp lực lắm. Mình nghĩ vậy. Thử nghĩ tới chính mình, đi làm cả ngày mệt mỏi tối về lại tiếp tục làm việc thì rất dễ nổi cáu, năng suất công việc giảm sút.
Nên mình biết, thi vào trường top như Hà Nội – Amsterdam áp lực của con rất nặng chính vì vậy mình luôn bố trí khoảng 30 phút/ngày gọi là “Giờ thoải mái”. Lúc đó, con sẽ được làm những thứ mình thích như đọc truyện tranh, nghe nhạc, xem giải trí. Con hoàn toàn được tự do xả trí óc.
Ngoài ra, nếu con quá chậm học gì đó thì cũng không cần tạo áp lực. Cha mẹ đồng hành ở bên cạnh là để đảm bảo con học đúng hướng, đúng lỗ. Sự động viên, cổ vũ sẽ tốt hơn là la hét, quát mắng. Đứa trẻ nào cũng vậy cả thôi. Thúc con tiến lên thì đừng bắt buộc.
Tóm lại, hãy để con được ôn thi theo cách của con. Nhưng thả con ra cũng phải có giới hạn, thả quá thì sau này kéo lại, chỉnh lại cũng rất vất vả. Điều này, cha mẹ cần phải dựa vào đặc điểm của từng con, rồi cân bằng chứ không ai giúp được.
Sắp tới thời gian con quay trở lại trường sau đợt nghỉ dài. Tháng 5 sẽ là một tháng vất vả dành cho các con, khi vừa song song chương trình trên trường, vừa phải tập trung ôn thi. Tuy nhiên, đừng quên trở thành hậu phương vững chắc của con nhé, bởi vì những lúc áp lực như này mọi sự quan tâm, cổ vũ của cha mẹ đều trở thành nguồn động lực to lớn để con vượt qua vất vả.
(Lương Ngọc Anh)
Giải pháp luyện thi vào 6 – HM6 Toàn Diện là phương pháp hỗ trợ học sinh luyện thi trực tuyến tại nhà từ Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến, với hơn 13 năm kinh nghiệm và 4 triệu học sinh đăng ký, HOCMAI là thương hiệu chất lượng với các giải pháp học tập tối ưu từ những giáo viên hàng đầu. Với quy trình Tổng Ôn – Luyện Đề, học sinh sẽ được cày sâu kiến thức một cách nhuần nhuyễn để sẵn sàng chinh phục mọi nội dung bài học, bài thi và cán đích với số điểm mong muốn. Đăng ký ngay giải phải luyện thi HM6 để con tự tin chạm vào cánh cổng trường THCS mơ ước nhé.