Lượng thông tin được chia sẻ trên không gian mạng mỗi ngày là vô cùng lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thông tin đều là sự thật. Vì vậy, để bảo vệ con tránh khỏi tin giả, bố mẹ cần trang bị kiến thức, giúp con xác thực thông tin trên không gian mạng.
“Giúp con xác thực thông tin trên không gian mạng” là số thứ hai trong chuỗi hội thảo trực tuyến “Làm bạn cùng con trên môi trường số”. Đây là hoạt động do HOCMAI phối hợp với Facebook tổ chức nhằm giúp cha mẹ đồng hành cùng con và giúp con trang bị những kỹ năng để xác thực thông tin khi hoạt động trên internet.
Số thứ hai phát sóng trực tuyến vào 20 giờ tối ngày 12 tháng 12 đã tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Đồng hành trong chương trình là các chuyên gia khách mời nổi tiếng trong việc nuôi dạy con cái, làm bạn cùng con: TS. Phạm Hải Chung – Giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chuyên gia về internet và truyền thông; Nhà báo Trương Anh Ngọc – phóng viên thời sự quốc tế, phóng viên thể thao, bình luận viên bóng đá; Cô Đỗ Khánh Phượng – Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Hermann Gmeiner.
Ở phần 1 của chương trình, Tiến sĩ Phạm Hải Chung đã chia sẻ với phụ huynh – học sinh về 3 chủ đề chính về: Xác thực thông tin, 3 bước xác thực thông tin và các mẹo phát hiện tin giả
Trên các phương tiện truyền thông có 3 dạng tồn tại của thông tin: sự thật, quan điểm và thông tin sai lệch (tin giả/ Fake news).
Xác thực thông tin nghĩa là kiểm tra thông tin để bạn có thể quyết định xem đó là sự thật, thông tin sai lệch, quan điểm cá nhân hay tin đồn. Việc này giúp giảm số người bị đánh lừa bởi thông tin không đúng sự thật và sự lan truyền thông tin không đúng về một người hay tình huống nào đó.
3 bước để xác thực thông tin
Bước 1: Tìm hiểu về nguồn thông tin xem đó có phải là thông tin nguyên bản hay không
– Hãy tiến hành kiểm tra để xác định xem nội dung nguyên bản hay không. Khi xác định nguồn, hãy phân biệt giữa người tạo ra nội dung ban đầu và người đã tải lên nội dung đó.
Bước 2: Kiểm tra tính thời điểm và địa điểm của thông tin
Bước 3: Luôn đánh giá thông tin với thái độ hoài nghi
– Tại sao và động cơ gì khiến thông tin được đăng tải
– Giữ thái độ trung lập khi đánh giá thông tin
Tin tức sai lệch thường được lan truyền rất nhanh, vậy nên phụ huynh cần chú ý, tỉnh táo trước những thông tin lan truyền nhanh đó: Kiểm tra hình ảnh, video và tin nhắn thoại một cách cẩn thận; Xem xét kỹ các liên kết trước khi nhấp chuột xem đó có phải là trang chính thống hay không; Sử dụng các nguồn tin khác nhau; Hãy suy nghĩ kỹ về những gì mình chia sẻ và đừng để bị lừa
Cách báo cáo tin tức sai lệch trên Facebook
Bước 1: Nhấp chuột vào dấu “…”
Bước 2: Chọn “Tìm hỗ trợ bài hoặc báo cáo bài viết”
Bước 3: Nhấp vào mục “Tin giả”
Các mẹo phát hiện tin giả
- Hãy hoài nghi về các tiêu đề
- Xem xét kỹ các URL
- Xem xét kỹ nguồn thông tin
- Đề phòng các định dạng bất thường
- Xem xét kỹ hình ảnh
- Kiểm tra ngày đăng bài
- Kiểm chứng và xem xét các báo cáo khác
- Câu chuyện này có phải là một trò đùa không?
- Một số câu chuyện cố tình mang tính chất sai lệch
Ở phần thứ 2 của hội thảo, các vị khách mời cùng tham gia thảo luận, chia sẻ và giải đáp thắc mắc của quý phụ huynh về việc trang bị kiến thức giúp con xác thực thông tin trên không gian mạng.
Là một nhà báo, đồng thời cũng là ông bố có con gái lớn, để giúp con xác thực thông tin trên không gian mạng, nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ: “Các bạn trẻ đang tiếp nhận quá nhiều thông tin nhưng lại chưa đủ khả năng để xác thực những thông tin đó. Các bậc cha mẹ nên biết các con đang làm gì, đặc biệt là trên mạng xã hội. Bố mẹ đừng để phó mặc con cho các mối quan hệ khác, cho nhà trường vì cầu nối giữa bố mẹ với con cái mới là tốt nhất. Hãy làm bạn với con, đừng làm thầy của con. Bố mẹ hãy là những nhà thông thái với tâm sinh lý của con”
TS. Phạm Hải Chung chia sẻ thêm về kỹ năng để bố mẹ giúp con xác thực thông tin trên không gian mạng: “Khi đọc thông tin, chúng nên dùng một thái độ hoài nghi và có một tư duy phản biện. Việc dạy con chống tin giả cũng giống việc dạy con đọc và lọc thông tin như thế nào và đánh giá hay phân tích thông tin. Để tránh được tin giả, cha mẹ và con cái đều phải trang bị những kỹ năng, kỹ thuật. Khi biết là tin giả, hãy báo cáo với nền tảng để giúp đỡ cộng đồng”
Là phó hiệu trưởng của một trường liên cấp, thường xuyên tiếp xúc với nhiều học sinh, cô Khánh Phượng chia sẻ về việc làm bạn cùng con và lắng nghe con: “Muốn kiểm soát được thông tin mà con tiếp xúc thì phụ huynh cũng phải đọc những gì mà con đã đọc trên cơ sở làm bạn cùng con”
Một phụ huynh đã chia sẻ với chương trình về những băn khoăn của mình: “Con gái tôi rất ít khi xem thông tin trên báo đài, tivi mà con thường chỉ sử dụng mạng xã hội để cập nhật mọi tức vì theo con cần lên mạng xã hội là sẽ cập nhật mọi tin tức. Tuy nhiên, chính tôi cũng nhận thấy trên mạng xã hội có rất nhiều luồng thông tin trái chiều và không biết thực hư mỗi câu chuyện như thế nào. Là một phụ huynh ở dưới quê, tôi khó để tiếp cận những thông tin về việc trang bị cho con kỹ năng xác thực thông tin. Có cách nào để những phụ huynh như tôi có thể tự trang bị những kiến thức để chia sẻ với con được không?”
Trả lời về điều này, cô Khánh Phượng cho biết phụ huynh hoàn toàn có thể tự trang bị những kiến thức để quản lý con một cách khoa học, khéo léo và giúp con có nhận thức đúng: “Phụ huynh có thể bằng nhiều cách khác nhau nhưng quan trọng nhất phải là làm bạn cùng con, đồng hành cùng con. Sau đó, chúng ta tìm hiểu những gì mà con quan sát, quan tâm để giúp con đưa ra định hướng về thông tin. Bố mẹ không được phép áp đặt con cái, mà hãy là người đưa ra những định hướng.”
Trong thời kỳ mà môi trường số phát triển như hiện nay, để bảo vệ và giúp con trưởng thành, bố mẹ cần trang bị kiến thức, là người bạn đồng hành giúp con xác thực thông tin và phòng chống lừa đảo trên không gian mạng.
Hội thảo “Làm bạn cùng con trên môi trường số” vẫn còn 1 số phát sóng cuối cùng vào ngày 19/12, quý phụ huynh theo dõi kênh Facebook và Youtube của HOCMAI để lắng nghe thêm những chia sẻ bổ ích đến từ các vị khách mời. Đồng thời, quý phụ huynh có bất kỳ câu hỏi nào cần được chuyên gia giải đáp trực tiếp thì hãy để lại câu hỏi ngay từ bây giờ.
Nhằm giúp nâng cao chất lượng chương trình ở số sau, HOCMAI kính mời quý phụ huynh, học sinh tham gia khảo sát về chương trình và nhận miễn phí khóa Tư duy thời đại số. Truy cập link: https://hocmai.link/Khao-sat-HOI-THAO-buoi-2