Chiều 26/5/2019, thí sinh làm bài thi môn Toán (đề chung) trong kỳ thi vào lớp 10 trường chuyên Khoa học tự nhiên.
Thầy Hồng Trí Quang – Giáo viên Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI
Đề thi có cấu trúc không đổi so với năm 2018 – 2019, phù hợp với kì thi tuyển sinh vào trường chuyên Khoa học tự nhiên. Cụ thể, đề gồm các dạng toán: giải phương trình, hệ phương trình, phương trình nghiệm nguyên, bất đẳng thức và hình học.
Câu 1: Giải phương trình, hệ phương trình tương đối quen thuộc với các bạn ôn thi chuyên. Thường thì đa số các bạn sẽ làm trọn vẹn 2 ý này.
Câu 2: Giải phương trình nghiệm nguyên và chứng minh bất đẳng thức. Ý đầu phương trình nghiệm nguyên là khá dễ dàng. Với ý 2 là một câu bất đẳng thức tìm giá trị nhỏ nhất thì việc xử lí khó hơn.
Câu 3. Hình học có ba ý, ý đầu tiên là rất quen thuộc khi chứng minh tứ giác nội tiếp. Ý thứ hai cũng khá ngắn gọn, tuy nhiên việc phải kẻ thêm hình sẽ khiến nhiều học sinh lúng túng. Ý còn lại là một câu khó để kiếm điểm 9-10
Câu 4. Một câu khó về bất đẳng thức, dạng câu hỏi phân loại để lấy điểm 10.
Với đề thi này, đa số học sinh có thể giành điểm ngay ở câu 1, câu 3 ý a, sau đó có thể thêm được câu 2 ý a và câu 3 ý b. Tính phân loại sẽ nằm ở câu 2b, câu 4 là 2 câu về bất đẳng thức và câu 3 ý cuối.
Với học sinh thi chuyên Toán, học sinh giỏi Toán thì đây là đề vừa sức, có thể đạt 7 – 8 điểm. Tuy nhiên, đối với học sinh chung khác thì có thể giành điểm 5-6.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng – Giáo viên Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI
“Đề thi không có cấu trúc điểm cụ thể ở các câu nên học sinh khó có thể tính được điểm ngay sau khi làm bài. Đề thi ở mức độ khó, nhưng không có sự lắt léo, không có dạng lạ, đây đều là các dạng khá quen thuộc mà học sinh xác định thi chuyên được ôn luyện hang ngày. Các bạn ôn thi chuyên ôn tập tốt luyện đề các năm trước có thể đạt 7 điểm. Yếu tố bất ngờ của đề nằm ở ý 2b tìm giá trị nhỏ nhất vừa chứng minh bất đẳng thức – một dạng bài khó có tính phân loại cao dễ khiến học sinh bị hoang mang khi gặp ngay câu khó ở đầu đề thi”.
HOCMAI