“Điểm mặt” một số lỗi diễn đạt học sinh thường gặp trong cách xây dựng đoạn văn thuyết minh 

0
3110

Thiếu câu chủ đề, trình bày nội dung lộn xộn là các lỗi diễn đạt học sinh lớp 8 hay mắc phải khi viết đoạn văn thuyết minh. 

Biết cách viết đoạn văn thuyết minh đúng và hay là một trong những yêu cầu quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 8 học kì II. Tuy nhiên, có nhiều học sinh luôn mắc các lỗi diễn đạt dẫn đến bài viết lủng củng, không thoát ý. Nhằm giúp học sinh có những bài học kinh nghiệm thiết thực ngay khi mới bước vào học kì mới, thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) “điểm mặt” những sai lầm học sinh cần tránh dưới đây. 

Thiếu câu chủ đề, trình bày nội dung lộn xộn là các lỗi diễn đạt học sinh lớp 8 hay mắc phải khi viết đoạn văn thuyết minh. 

Theo thầy Hùng, cấu trúc một đoạn văn thuyết minh tiêu biểu thường gồm 2 câu trở lên, trong đó câu chủ đề thường đứng ở đầu hoặc cuối đoạn văn. Nó có nhiệm vụ khái quát ý của cả cả đoạn văn, giúp người đọc dễ hình dung về điều mà học sinh muốn viết. Tuy nhiên, học sinh thường bỏ qua việc nêu câu chủ đề mà đi thẳng vào giới thiệu đặc điểm của đối tượng. Do đó mà cách sắp xếp, triển khai các câu tiếp theo rơi vào tình trạng lộn xộn, tùy hứng. 

Thông qua một số ví dụ dưới đây, các bạn hãy rút ra cho mình một số kinh nghiệm để không mất điểm đáng tiếc khi viết đoạn văn thuyết minh. 

Ví dụ 1: Bút bi khác bút mực là do nó có hòn bi nhọn ở đầu ngòi bút, khi viết hòn bi lăn làm mực trong ống nhựa chảy ra ghi thành chữ. Ngoài ống nhựa có vỏ bút bi. Đầu bút bi có nắp đậy có thể móc vào túi áo. Loại bút bi không có nắp đậy thì có lò xo và nút bấm. Khi viết thì ấn đầu cán bút cho ngòi bút trồi ra, khi thôi viết thì lại ấn nút bấm cho ngòi bút thụt vào.

Chủ đề đoạn văn là cấu tạo của chiếc bút bi. Các lỗi trong đoạn gồm có: thiếu câu chủ đề thông báo với người đọc, trình bày các bộ phận còn lộn xộn, không có trật tự.

Học sinh tham khảo đoạn văn đã sửa bằng cách bổ sung câu chủ đề, tiếp đó trình bày cấu tạo của chiếc bút bi với các bộ phận cụ thể theo trình tự từ ngoài vào trong, từ khái quát đến chi tiết, từ chính đến phụ, như sau:

Cây bút bi có 3 bộ phận chủ yếu: vỏ bút, ống nhựa và ngòi bút. Ở bên ngoài cây bút bi là vỏ bút, thường làm bằng nhựa, có nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau. Bên trong vỏ bút là ống nhựa, trong đó có chứa mực. Ở đầu ống nhựa có ngòi bút. Ở đầu ngòi bút là một viên bi nhỏ. Ngoài các bộ phận chính này, bút bi còn có một số bộ phận khác để nó được bảo quản tốt hơn như đầu bút, nắp bút, nút bấm…

Ví dụ 2: Nhà em có chiếc đèn bàn. Đèn bàn có một ống thép không gỉ thẳng đứng gắn một đui đèn. Trên đó lắp một bóng đèn 25W. Dưới ống thép là đế đèn được làm bằng một khối thủy tinh vững chãi. Trên bóng đèn có chao đèn làm bằng vải lụa có khung sắt ở trong và có vòng thép gắn vào bóng đèn. Ống thép rỗng, dây điện luồn ở trong đó. Trên đế đèn có công tắc để bật đèn hoặc tắt đèn rất tiện lợi.

Chủ đề của đoạn văn là cấu tạo của chiếc đèn bàn. Các lỗi mắc phải trong đoạn là không có câu chủ đề, các nội dung triển khai chủ đề được trình bày lộn xộn, nhiều khi tùy hứng.

Học sinh tham khảo cách sửa lỗi bằng việc bổ sung câu chủ đề và thêm các ý bổ sung ý nghĩa, làm sáng tỏ đặc điểm của chiếc đèn bàn, như sau:

Đèn bàn là một vật dụng quen thuộc với cấu tạo gồm 3 bộ phận chính: đế đèn, thân đèn và bóng đèn. Đế đèn được làm bằng một khối thủy tinh vững chãi nối với thân đèn. Ở trong đó còn có dây dẫn và nút bấm để điều khiển bật, tắt đèn. Thân đèn là một ống thép không gỉ, ở trong rỗng và có dây điện dẫn luồn qua. Còn với bóng đèn, người ta thường lắp bóng 25W, được gắn vào một đui đèn. Để đèn sáng hơn, người ta gắn bóng đèn vào một cái khung vải gọi là chao đèn. 

Thầy Nguyễn Phi Hùng chia sẻ thêm, để học tốt chương trình Ngữ văn lớp 8, ngoài nội dung về văn thuyết minh, học sinh cần quan tâm đến cách làm bài văn nghị luận thuộc phần tập làm văn, các tác phẩm đọc – hiểu và phần tiếng Việt. 

Với khối lượng kiến thức nhiều như vậy, học sinh cần có một lộ trình học và ôn tập phù hợp. Quý phụ huynh và học sinh có thể tham khảo nhanh CHƯƠNG TRÌNH HỌC TỐT 2019 – 2020 của HOCMAI. Các khóa học bao gồm đầy đủ các môn: Ngữ văn, Toán, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh…và khái quát toàn bộ nội dung sách giáo khoa cùng trọng tâm kiến thức cần nhớ trong chương trình bên cạnh hệ thống bài tập tự luyện, bài kiểm tra định kỳ. 

▶ Quý phụ huynh và học sinh quan tâm, tìm hiểu ngay TẠI ĐÂY.