Giúp con viết văn kể chuyện hấp dẫn

0
1127

Khi viết bài văn kể chuyện, các bạn học sinh phải xác định được cốt chuyện, xem chúng gồm những sự việc gì, diễn biến và kết thúc ra sao. Các nhân vật trong chuyện có hành động, lời nói, ý nghĩ, tình cảm như thế nào,…Một bài văn kể chuyện hay phải bộc lộ được một cách rõ ràng chủ ý của người kể, có cốt chuyện rõ ràng, có nhân vật xác định với những đặc điểm tính cách rõ nét, lời kể sinh động, có cảm xúc. Bài viết dưới đây, cô Nguyễn Hải (Giáo viên Tiếng Việt tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) sẽ hướng dẫn con khắc phục những lỗi sai thường gặp nhất.

I. Tổng hợp kiến thức

1. Sự việc và cốt truyện

a. Sự việc là các sự kiện xảy ra 

b. Cốt truyện 

  • Khái niệm: là một chuỗi các sự việc làm nòng cốt cho diễn biến câu chuyện 
  • Cấu tạo:

+ Mở đầu

+ Diễn biến

+Kết thúc

  • Sơ đồ cốt truyện
  1. Nhân vật

a. Khái niệm: là người hoặc vật (được nhân hóa) 

  • Được nhắc đến trong câu chuyện
  • Thực hiện các hành động 

b. Cách xây dựng nhân vật

  • Ngoại hình
  • Hành động
  • Lời nói
  • Suy nghĩ => Tính cách

c. Phân loại

  • Nhân vật chính
  • Nhân vật phụ 
  1. Ngôi kể  

a. Khái niệm: là vị trí mà người kể sử dụng để kể chuyện 

b. Các loại ngôi kể 

  • Ngôi thứ nhất: 

+ Người kể chuyện xuất hiện trực tiếp, xưng “tôi”

+ Kể lại chuyện mình được chứng kiến, tham gia 

  • Ngôi thứ ba:

+ Người kể giấu mình đi, đứng ngoài câu chuyện 

+ Kể lại các sự việc một cách khách quan.

  1. Thứ tự kể

a. Khái niệm: là trình tự sắp xếp các sự việc trong câu chuyện

b. Các kiểu thứ tự kể 

  • Trình tự thời gian: Sự việc xảy ra trước: kể trước; sự việc xảy ra sau: kể sau
  • Không theo trình tự thời gian

+ Kể từ sự việc kết thúc

+ Kể từ một sự việc trong phần diễn biến

  1. Tình huống truyện

a. Khái niệm: là sự kiện đặc biệt mang tính thử thách đối với nhân vật

b. Ý nghĩa: 

  • Giúp bộc lộ rõ nét tính cách nhân vật 
  • Thể hiện chủ đề câu chuyện 

II. LUYỆN TẬP

Bài 1: Xác định các sự việc chính trong câu chuyện sau:

BA ĐIỀU ƯỚC

Ngày xưa, có một chàng thợ rèn tên là Rít. Chàng được một ông tiên tặng cho ba điều ước.

Nghĩ trên đời chỉ có vua là sung sướng nhất, Rít ước trở thành vua. Phút chốc, chàng đã đứng trong cung cấm tấp nập người hầu. Nhưng chỉ mấy ngày, chán cảnh ăn không ngồi rồi, Rít bỏ cung điện ra đi.

Lần kia gặp một người đi buôn, tiền bạc nhiều vô kể, Rít lại ước có thật nhiều tiền. Điều ước được thực hiện. Nhưng có của, Rít luôn bị bọn cướp rình rập. Thế là tiền bạc cũng chẳng làm chàng vui.

Chỉ còn điều ước cuối cùng. Nhìn những đám mây bồng bềnh trên trời, Rít ước bay được như mây. Chàng bay khắp nơi, ngắm cảnh trên trời dưới biển. Nhưng mãi rối cũng chán, chàng lại thèm được trở về quê.

Lò rèn của Rít đỏ lửa, ngày đêm vang tiếng búa đe. Sống giữa sự quý trọng của dân làng, Rít thấy sống có ích mới là điều đáng ước mơ

Các sự việc chính trong câu chuyện là:

Chàng thợ rèn Rít được tiên ông ban cho ba điều ước.

=> Rít ước được thành vua nhưng nhanh chóng chán cảnh ăn không ngồi rồi.

=> Rít ước có nhiều tiền nhưng rồi cũng chẳng thấy vui vì bị bọn cướp rình rập. 

=> Rít ước bay được như mây nhưng rồi cũng chán.

=> Rít trở về với nghề rèn, sống giữa sự quý trọng của dân làng và nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. 

Bài 2: Tìm các chi tiết nói về ngoại hình, hành động của nhân vật Nhà Trò trong đoạn trích sau rồi rút ra nhận xét về nhân vật.

Một hôm, qua một vùng cỏ xước xanh dài. Tôi chợt nghe tiếng khóc tỉ tê. Đi được vài bước nữa, tôi gặp chị Nhà Trò ngồi gục đầu bên tảng đá cuội.

Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn, như mới lột. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn. Hình như cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng bay được xa. Tôi đến gần, chị Nhà Trò vẫn khóc. Nức nở mãi chị mới kể:

– Năm trước, gặp khi trời làm đói kém, mẹ em phải vay lương ăn của bọn nhện. Sau đấy, không may mẹ em mất đi, còn lại thui thủi có mình em. Mà em ốm yếu, kiếm bữa cũng chẳng đủ. Bao năm nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng. Mấy bọn nhện đã đánh em. Hôm nay bọn chúng chăng tơ ngang đường đe bắt em, vặt chân, vặt cánh ăn thịt em. 

Các chi tiết nói về ngoại hình là:

  • Nhỏ bé lại gầy yếu quá
  • Người bự những phấn, như mới lột
  • Mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn
  • Cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng bay được xa

Chi tiết nói về hành động của nhân vật Trò:

  • Ngồi gục đầu bên tảng đá cuội
  • Vẫn khóc, nức nở mãi

Nhận xét về nhân vật Trò:

  • Ngoại hình: nhỏ bé, yếu ớt
  • Hành động: gợi sự yếu đuối, đáng thương
  • Số phận bất hạnh: mồ côi mẹ từ sớm, phải sống thui thủi một mình; ốm yếu nên kiếm ăn chẳng đủ, còn bị bọn Nhện bắt nạt vì khoản nợ bé tí từ đời trước

=> Đó cũng là hình ảnh của những con người nhỏ bé, bất hạnh trong xã hội; gợi lên trong mỗi chúng ta niềm thương xót, sự cảm thông.

Bài 3: Đoạn trích sau được kể theo ngôi thứ mấy? Dựa vào đâu để em xác định được điều đó? Việc lựa chọn ngôi kể như vậy có tác dụng gì?

Choắt không dậy được nữa, nằm thoi thóp. Thấy thế tôi hốt hoảng quỳ xuống, nâng đầu Choắt lên mà than rằng :

– Nào tôi đâu biết cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi hối lắm ! Tôi hối hận lắm ! Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào bây giờ ?

Tôi không ngờ Dế Choắt nói với tôi một câu như thế này :

– Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh : Ở đời mà có thói hung hăng bậỵ bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đây.

Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình. Giá tôi không trêu chị Cốc thì đâu đến nỗi Choắt việc gì. cả tôi nữa, nếu không nhanh chân chạy vào hang thì tôi cũng chết toi rồi.

Tôi đem xác Dế Choắt đến chôn vào một vùng cỏ bùm tum. Tôi đắp thành nấm mộ to. Tôi đứng lặng giờ lâu, nghĩ về bài học đường đời đầu tiên.

  • Đoạn trích trên kể theo ngôi thứ nhất, người kể chuyện là Dế Mèn (Dế Mèn bày trò trêu chị Cốc, khiến chị lầm tưởng Choắt trêu mình nên đã giáng cho Choắt mấy mỏ, quẹo cả xương sống, Choắt chết một cách thương tâm, oan uổng)
  • Tác dụng của ngôi kể thứ nhất

+ Tạo nên tính chân thực cho câu chuyện vì Dế Mèn là người trực tiếp trải qua và kể lại.

+ Tạo điều kiện cho Dế Mèn bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc về hành động dại dột của bản thân cũng như về Dế Choắt.

Bài 4: Xác định tình huống truyện trong câu chuyện sau:

Tuệ Tĩnh là nhà danh y lỗi lạc đời Trần. Ông chẳng những là người mở mang ngành Y dược dân tộc, mà còn là người hết lòng thương yêu, cứu giúp người bệnh.

Một hôm, có nhà quý tộc trong vùng cho con đến mời Tuệ Tĩnh vào tư dinh để xem bệnh đau lưng cho mình.Ông sắp đi thì bất ngờ có hai vợ chồng người nông dân khiêng đứa con bị ngã gãy đùi đến, mếu máo xin ông chạy chữa. Tuệ Tĩnh liền xem mạch cho cậu bé, rồi bảo anh con nhà quý tộc:

– Anh vào thưa với cụ rằng ta sẵn sàng đi, nhưng bây giờ thì phải chữa cho chú bé này trước, vì chú nguy hơn.

Anh con nhà quý tộc sửng sốt:

– Xin ngài đến đằng dinh tôi trước. Bọn gia nô đã đem võng đợi sẵn cả rồi.

– Không! – Tuệ Tĩnh dứt khoát trả lời – Ta phải chữa gấp cho chú bé này, để chậm tất có hại.

Tuệ Tĩnh bắt tay ngay vào việc chữa trị, không chú ý gì đến thái độ hậm hực của anh con nhà quý tộc. Qua gần trọn buổi, chú bé nhà nông đã được bó nẹp nằm yên trên giường bệnh. Tuệ Tĩnh yên tâm thở phào nhẹ nhõm. Vợ chồng người nông dân lạy tạ:

– A Di Đà Phật! Không có ngài thì tính mạng con tôi nguy rồi, chúng tôi biết lấy gì đền đáp cho xứng?

Tuệ tĩnh trả lời:

– Con người ta cứu giúp nhau lúc hoạn nạn, sao ông bà lại nói chuyện ơn huệ. Ông bà cứ yên tâm, sau một tuần trăng chú bé sẽ đi lại được!

Trời đã sập tối, chợt nhớ tới nhà quý tộc, ông vội vã ra đi không kịp nghỉ ngơi.

  • Tình huống truyện: Tuệ Tĩnh buộc phải lựa chọn giữa việc chữa trị cho nhà quý tộc bị đau lưng trước hay cậu bé con nhà nông dân bị gãy đùi trước.
  • Ý nghĩa của tình huống truyện:

+ Thể hiện tính cách của Tuệ Tĩnh: hết lòng vì người bệnh, ưu tiên chữa người bệnh nặng trước, không phân biệt sang hèn, không sợ quyền uy.

+ Làm nổi bật chủ đề câu chuyện: ca ngợi lương tâm nghề nghiệp của người thầy thuốc: tất cả vì người bệnh, đúng như câu nói “Thầy thuốc như mẹ hiền”. 

Hi vọng những kiến thức và bài tập minh họa có thể giúp con làm tốt các bài văn kể chuyện. Để con bổ sung thêm nhiều kiến thức quan trọng khác, cha mẹ tham khảo và đăng ký Giải pháp ôn thi vào 6 – HM6 tại đây.

Trải nghiệm Giải pháp, con sẽ được học tập theo lộ trình gồm 2 bước: TỔNG ÔN – LUYỆN ĐỀ. Đăng ký liền tay để con rinh ngay 9,10 cha mẹ nhé!