HM6 Toàn Diện: Khái quát về văn miêu tả – Tiếng Việt – HOCMAI

0
2829

Phân loại các dạng bài của văn miêu tả, hướng dẫn cách lập dàn ý bài văn và đoạn văn miêu tả là những nội dung chính của bài học.

Toán | Tìm hai số khi biết tổng và ẩn hiệu | HM6 | HOCMAI  

Trong thời gian qua, học sinh đã ôn luyện những chuyên đề kiến thức về từ, câu, biện pháp tu từ và cảm thụ văn học. Đó là những nội dung nền tảng quan trọng của văn miêu tả. Văn miêu tả là chủ đề có tính ứng dụng cao ở trong cuộc sống thường ngày. Cùng tìm hiểu khái quát về văn miêu tả với cô Bùi Thị Tú trong bải giảng dưới đây:

Cô Bùi Thị Tú (HOCMAI) giới thiệu về dàn ý của bài văn miêu tả.

I – Kiến thức

1. Miêu tả là gì?

-Miêu tả là đưa ra những đặc điểm tiêu biểu, nổi bật của người, cảnh hoặc vật để giúp người khác hình dung được cụ thể, sinh động về đối tượng miêu tả.

VD: Tả cảnh đẹp Hồ Gươm.

Cần nêu ra đặc điểm tiêu biểu của Hồ Gươm: Nước xanh, có cụ Rùa, có tháp Rùa, có đền Ngọc Sơn,…

Vị trí: Trung tâm Thủ đô Hà Nội.

2. Các dạng bài của văn miêu tả.

a)Tả vật

-Tả con vật

-Tả đồ vật

-Tả cây cối

b)Tả cảnh

-Tả cảnh thiên nhiên

-Tả cảnh sinh hoạt (Thiên về hoạt động của con người ở trong cảnh)

c)Tả người

-Tả chân dung

-Tả người trong một hoạt động cụ thể

Kết luận:

-Xác định đúng đối tượng được miêu tả

(*)Chú ý: Dạng văn miêu tả sáng tạo

3.Dàn ý văn miêu tả (bố cục bài văn)

a)Mở bài

-Giới thiệu đối tượng được miêu tả

-Nêu ấn tượng cảm xúc chung (yêu mến, thích thú, trân trọng, biết ơn,…)

b)Thân bài: Miêu tả để làm nổi bật đặc điểm của đối tượng miêu tả (cảnh/ người/ vật)

-Tả bao quát đến cụ thể

-Tả từng mặt, từng khía cạnh

-Tả theo trình tự thời gian

c)Kết bài

-Nhận xét, đánh giá chung về đối tượng miêu tả

-Thể hiện cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, …

-Liên hệ thực tế.

4.Dàn ý của đoạn văn miêu tả (Bố cục đoạn văn)

a)Mở đoạn (1 câu văn)

Giới thiệu đối tượng miêu tả + ấn tượng, cảm xúc

b)Thân đoạn

-Miêu tả để làm nổi bật đặc điểm của đối tượng

-Chọn đặc điểm tiêu biểu

c)Kết đoạn (1 câu văn)

Cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ với đối tượng miêu tả

(*)Chú ý: Viết thành một đoạn văn với cấu trúc

1 câu mở đoạn – Phần thân đoạn – 1 câu kết đoạn

II – Bài tập

Đọc bài văn sau và thực hiện yêu cầu:

Một trong những điều thú vị nhất của em vào kì nghỉ là được ngắm vẻ đẹp của biển vào buổi bình minh. Khung cảnh thật đẹp và để lại cho em rất nhiều cảm xúc, ấn tượng.

Trời còn sớm, không khí vẫn còn vương cái se se lạnh, gió khẽ lay động hàng phi lao, những giọt sương đêm vẫn còn đọng trên lá. Trước mặt em là cả một vùng trời nước mênh mông xanh thẳm của biển cả. Phóng tầm mắt ra xa, mặt biển mang trọng một màu lam biếc. Những tiếng sóng biển rì rào nghe như bài ca bất tận ca ngợi sự bao la, giàu có của lòng đại dương. Từng đợt sóng bạc đầu gối nhau đùa giỡn như những dải lụa mềm mại, sự va chạm ấy tạo nên những âm thanh, những khúc hát du dương.

Lúc này vẫn còn khá sớm. Hừng đông xuất hiện những vệt sáng như nan quạt, rồi dần chuyển màu ửng hồng. Lát sau, mặt trời như một quả cầu lửa vĩ đại từ từ đội biển nhô dần lên thoát ra khỏi chân trời nở một nụ cười rạng rỡ, tươi tắn, chào đón một ngày mới. Những tia nắng vàng được ban phát đi khắp nơi làm tan chảy cái lạnh, bờ cát trắng được tô hồng, những khuôn mặt rạng ngời của mọi người đi tập thể dục và ngắm ánh bình minh tạo nên bức tranh sinh động dần chuyển mình theo ánh nắng. Nắng vỡ òa trong gió nâng cả bầu trời lên cao. Nắng nhảy nhót trên sóng nước hòa cùng bài ca bất tận của thiên nhiên. Bãi cát sau một đêm uống sương bây giờ trở nên ướt át nâu sẫm.

Những hạt cát ngái ngủ bị sóng đánh thức nó giật mình chuyển động nhẹ rồi vươn vai thức dậy. Những hạt cát nhỏ li ti vàng óng như kim sa được xây thành một lâu đài lung linh, lộng lẫy. Vừng đông đã thực sự hiện ra rực rỡ giữa màu mây trắng, chiếu ánh sáng kì diệu xuống vạn vật thì mặt biển lóe sáng một màu trắng bạc. Ánh sáng ấy phủ lên mặt biển, lan tỏa rất đẹp. Màu xanh của trời, màu xanh lam của nước hòa lẫn với màu sắc của mặt trời tạo nên một màu sắc kì ảo trên biển. Trên mặt biển, những cánh hải âu chao liệng báo hiệu một ngày thời tiết đẹp và gợi cảm giác yên bình đến lạ. Cảnh biển lúc này chẳng khác gì một bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ!

Những ngày nghỉ trôi qua thật nhanh chóng nhưng cảnh bình minh trên biển luôn mãi mãi in sâu vào tâm trí em, vẻ đẹp tự nhiên của biển, vẻ đẹp kiêu kì muôn màu, muôn sắc ấy nhờ mây, trời, ánh sáng tạo nên. Trong mắt em, buổi bình minh trên biển trở nên thật hài hòa, lung linh như một thiên thần xinh đẹp và sẽ đọng mãi trong tâm trí em. Em mong kỳ nghỉ hè năm sau sẽ lại được về thăm quê và đắm mình vào trong cảnh bình minh tươi đẹp này.

(Nguồn: sưu tầm)

a)Bài văn trên tả cảnh gì?

Trả lời: Bài văn tả cảnh biển vào lúc bình minh (cảnh bình minh trên biển)

b)Xác định các phần mở bài, thân bài, kết bài của bài văn trên. Sau đó nêu ý chính của từng phần.

Trả lời: 

(*)Các phần trong bài văn:

-Mở bài: Đoạn văn thứ nhất

(Từ đầu đến “…nhiều cảm xúc, ấn tượng.”)

-Thân bài: Các đoạn văn thứ hai, ba, tư

(Từ “Trời còn sớm…” đến “…để đón ánh bình minh.”)

-Kết bài: Đoạn văn thứ năm

(Từ “Những ngày nghỉ…” đến “…cảnh bình minh tươi đẹp này.”)

(*)Ý chính của từng phần:

-Mở bài: Giới thiệu cảnh biển và ấn tượng chung

-Thân bài:Miêu tả cảnh bình minh trên biển

+/ Tả bao quát cảnh biển

+/ Tả cảnh hừng đông xuất hiện và vẻ đẹp của biển

+/ Tả sự xuất hiện và hoạt động của con người

-Kết bài: Nhận xét, đánh giá chung về cảnh; Nêu cảm xúc, suy nghĩ,…

Với phong cách nhẹ nhàng nhưng chi tiết, đầy đủ cô Bùi Thị Tú đã mang đến cho các em học sinh một khung kiến thức trọn vẹn về văn miêu tả. Trong những bài kế tiếp, học sinh sẽ được đi sâu hơn vào từng loại văn miêu tả, từ tả người tới tả vật, tả thiên nhiên. 

Ngoài ra, phụ huynh học sinh có thể tham khảo giải pháp luyện thi – HM6 toàn diện môn Tiếng Việt. Ngoài việc hệ thống hóa kiến thức, cô Tú sẽ giúp học sinh biết cách vận dụng vào những đề thi, câu hỏi cụ thể. Tham khảo ngay HM6 tại: https://bit.ly/2UtVNbt