Học sinh lớp 6 trên cả nước sẽ bắt đầu được học theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm học 2021 – 2022 sắp tới đây. Ở môn Ngữ văn – bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo, với mỗi bài học, teen 2k10 không chỉ trang bị kiến thức mà còn có cơ hội rèn luyện để phát triển đầy đủ những năng lực cần thiết.
Để bài giảng thêm phần hấp dẫn và tạo sự hào hứng hơn cho học sinh, ngay phần mở đầu bài học cô Thương đã đưa ra 3 bức ảnh của các diễn giải nổi tiếng trên thế giới lẫn Việt Nam, họ là Jack Canfield, Nick Vujicic và Lê Thẩm Dương.
Cô Thương chia sẻ: “Thành công của họ đến từ khả năng ăn nói, khả năng thuyết phục mọi người. Họ đã sử dụng lời nói để truyền cảm hứng và lan tỏa những thông điệp ý nghĩa tới mọi người”.
Qua đó, cô khéo léo đặt ra câu hỏi mở cho học sinh vận dụng kinh nghiệm thực tiễn của bản thân mà “động não” suy nghĩ: “Vậy theo các em, điều gì dẫn đến thành công của họ? Với một bài diễn thuyết hay thì hình thức hay nội dung là yếu tố quyết định?”.
Sau cùng, cô Thương giải đáp: “Thật ra thì hình thức và nội dung đều là những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một phần trình bày hay một bài nói. Phải đảm bảo cả hình thức lẫn nội dung thì bài diễn thuyết mới thuyết phục và hấp dẫn người nghe”.
I/ Mục tiêu bài học
Cô Thương hy vọng rằng sau bài học “Trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát”, các bạn học sinh sẽ đáp ứng được những yêu cầu sau:
– Về nâng cao năng lực nói & nghe – Biết trình bày cảm xúc về bài thơ lục bát:
Nhận biết được yêu cầu, quy trình của phần trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát
Trình bày được cảm xúc về một bài thơ lục bát
Hiểu và đánh giá được nội dung trình bày của người khác
– Về năng lực chung và phẩm chất:
Biết tự chủ và tự học: nhận ra và điều chỉnh những hạn chế của bản thân khi nói.
Chăm chỉ, ham học, có tinh thần tự học.
II/ Khám phá kiến thức
1. Yêu cầu của phần trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát
Ở phần này, cô Thương khuyến khích học sinh hãy thử cầm bút lên và vận dụng những kiến thức nền, những trải nghiệm trong quá khứ để ghi lại những yêu cầu mà các em cho rằng không thể thiếu trong một bài trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát.
Dưới đây là phiếu học tập số 1, thể hiện những yêu cầu về nội dung cho một phần trình bày hoàn chỉnh mà cô Thương đưa ra để gợi ý cho các bạn học sinh:
Bên cạnh những yêu cầu về mặt nội dung thì cô Thương lưu ý học sinh cũng cần lưu ý các yêu cầu về mặt hình thức nữa. Bởi hình thức cũng là một trong hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một phần trình bày cảm xúc về bài thơ lục bát.
Dưới đây là những yêu cầu về hình thức mà cô Thương đã đưa ra:
Ở yêu cầu Từ ngữ xưng hô phù hợp với đối tượng lắng nghe, cô Thương đặc biệt dặn dò, khuyến khích học sinh: “Tùy vào đối tượng đang lắng nghe mà các em có thể sử dụng từ ngữ xưng hô phù hợp, vừa đảm bảo sự thuyết phục, vừa đảm bảo cá tính riêng của bản thân lẫn phép lịch sự… Một số từ ngữ phổ biến mà các em thường sử dụng có thể kể đến như: “em”; “tôi”. Cô khuyến khích các em hãy sử dụng từ “tôi” khi trình bày trên lớp với các bạn đồng trang lứa để vừa thể hiện được chất riêng cá nhân lại vừa tự tin hơn khi nói”.
2. Quy trình trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát
Để tìm hiểu quy trình tạo lập nên một bài nói hấp dẫn, thuyết phục khi muốn chia sẻ cảm xúc về một bài thơ lục bát, cô Thương đã đưa ra phiếu học tập số 2 và hướng dẫn học sinh dựa vào những thông tin trong sách giáo khoa để tự nghiên cứu, hoàn thành.
Ở bước 4, khi học sinh trao đổi, đánh giá, cô Thương đưa ra gợi ý rằng các em hoàn toàn có thể sử dụng bảng kiểm để kiểm tra lại. Ở đây, bảng kiểm chính là phiếu học tập số 1, là một yếu tố rất quan trọng để học sinh có thể thực hiện việc đánh giá hoặc là tự đánh giá sau phần trình bày của bản thân.
III/ Luyện tập
Đến phần này, đề bài mà cô Thương đưa ra cho học sinh chính là: “Trình bày cảm xúc của em về bài thơ lục bát “Việt Nam quê hương ta” của tác giả Nguyễn Đình Thi với thầy cô và bạn bè ở lớp”.
Đối diện với thử thách này, các em cần lên ý tưởng cho bài nói của mình và thực hiện theo quy trình đã tìm hiểu ở phần “Khám phá kiến thức” trước đó.
Dưới đây là phiếu học tập số 3 mà cô Thương đưa ra để giúp các bạn học sinh cụ thể hóa quy trình chuẩn bị cũng như lập dàn ý để thực hiện bài nói của mình.
Bước 1: Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
Ở bước này, cô Thương lưu ý: “Chào hỏi là một bước rất quan trọng trong quá trình các em trình bày bài nói của mình. Lời chào cao hơn mâm cỗ. Lời chào sẽ tạo thiện cảm cho người nghe và một cách chào hay sẽ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, khiến người nghe tò mò và chú ý hơn đó”.
Đây là phần quan trọng nhất trong bài trình bày cảm xúc về bài thơ lục bát nên học sinh cần có sự chuẩn bị kỹ càng. Cô Thương khuyến khích các bạn sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ hỗ trợ cho bài nói như dùng một số động tác tay hay thể hiện biểu cảm qua ánh mắt. Miễn sao các em cảm thấy tự nhiên, thoải mái, nhưng cũng đừng lúng túng quá dẫn đến bị rối.
Sự lắng nghe là cực kỳ quan trọng. Khi người nghe lắng nghe bài nói với một thái độ tôn trọng, chăm chú thì bản thân người nói cũng được truyền động lực nhiều hơn để tự tin thể hiện phần trình bày.
Qua đây cô Thương cũng nhắc nhở các bạn học sinh: “Đến khi em nghe các bạn trình bày thì nhớ rằng hãy cũng thật tập trung, chú ý, thậm chí có thể dùng ánh mắt của mình để cổ vũ cho phần trình bày của bạn nữa đó”.
IV/ Vận dụng & mở rộng
Ở phần này, cô Thương đã đưa ra một số gợi ý, định hướng để giúp các bạn học sinh có thêm cho mình những kinh nghiệm và bài học, từ đó giúp cải thiện kỹ năng nói thuyết phục hơn.
Đó là có thể thông qua những bài giảng trên lớp của thầy cô, cũng có thể thông qua những kinh nghiệm khi trò chuyện với ba mẹ, bạn bè. Bên cạnh đó, bản thân học sinh cũng hoàn toàn có thể tự tìm hiểu kiến thức mới này thông qua các chương trình hoặc những quyển sách thú vị.
Cô Thương đã giới thiệu đến các em học sinh một chương trình vô cùng bổ ích – chương trình “TED Talk”. Ở đây có rất nhiều diễn giả trên thế giới chia sẻ về kinh nghiệm của họ để có thể có một bài nói thuyết phục, hoặc nhiều chủ đề hay ho và thú vị có thể truyền động lực và cảm hứng tới mọi người. Những video của chương trình đều có phụ đề tiếng Việt, học sinh hoàn toàn có thể dễ dàng xem và học được cho mình rất nhiều điều mới.
Ngoài ra, một quyển sách nữa mà cô Thương giới thiệu đến các bạn học sinh, đó là quyển “Ai cũng giao tiếp nhưng mấy người kết nối”. Trong quyển sách này, tác giả đã đưa ra 5 nguyên tắc để giao tiếp hiệu quả. Qua đó giúp mọi người thông qua việc giao tiếp có thể kết nối và gắn kết với nhau nhiều hơn.
V/ Tổng kết
Cuối bài học, cô Thương không quên tổng hợp lại kiến thức của cả bài học dưới dạng sơ đồ cây để giúp các bạn học sinh dễ nhớ và lâu quên những gì vừa được học. Các em cùng tham khảo để có thể sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện để kết nối với mọi người cũng như chia sẻ cảm xúc bản thân nhé.
Trên đây là những hướng dẫn trong video bài giảng “Trình bày cảm xúc về một bài thơ lục bát”, môn Ngữ văn 6, bộ Chân trời sáng tạo của cô giáo Nguyễn Hồng Thanh Thương. Phụ huynh có con sắp vào cấp hai còn đang băn khoăn, lo lắng về những đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm học 2021 – 2022 tới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có thể tham khảo Chương trình Học tốt lớp 6 mới của HOCMAI. Chương trình chính là giải pháp học tập toàn diện giúp teen 2k10 chuẩn bị kiến thức từ hè và sẵn sàng trước những đổi mới của sách giáo khoa và chương trình học khi bước vào năm học mới.