Nội dung ôn tập từ loại không thể bỏ qua trong ôn luyện vào 6: Bài tập về danh từ

0
11722

Bài tập về từ loại là một nội dung thường xuất hiện trong đề thi vào 6, nắm vững kiến thức về danh từ và những vấn đề dễ gây nhầm lẫn sẽ giúp học sinh tránh khỏi sai sót khi làm bài và giành trọn điểm.

Phần từ loại là một phần quan trọng trong chương trình Tiếng Việt lớp 5, đồng thời cũng thường xuyên xuất hiện trong các đề kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6. Cô Trần Thị Vân Anh, Giáo viên Tiếng Việt tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ hướng dẫn học sinh các kiến thức trọng tâm trong phần danh từ thuộc chuyên đề Từ loại.

         Đề thi minh họa vào 6 môn Tiếng Việt  trường THCS&THPT Lômônôxốp 2019-2020

Kiến thức tổng quan về danh từ

Đặc điểm của danh từ:

        Danh từ là những từ chỉ sự vật, đơn vị hoặc khái niệm,…

        Chức năng: Thường đóng vai trò làm chủ ngữ trong câu.

        Dấu hiệu: Danh từ thường đi kèm với những từ chỉ số lượng ở trước nó, tạo thành cụm danh từ. Những từ chỉ số lượng này được gọi là từ kiểm chứng, vì qua nó ta có thể nhận ra được danh từ.

                                 Ví dụ về danh từ khi đi kèm các từ kiểm chứng

                          Danh từ là gì? – Tiếng Việt 5 – Cô Trần Thị Vân Anh

Phân loại danh từ:

Thông qua sơ đồ, ta dễ dàng thấy được: Từ loại danh từ được chia làm hai dạng cơ bản: Danh từ chỉ sự vật (người – vật, hiện tượng, khái niệm) và danh từ chỉ đơn vị (đơn vị tự nhiên và đơn vị đo lường).

Các lưu ý cần nhớ khi làm bài tập về danh từ

Để làm tốt bài tập về phần danh từ, học sinh cần lưu ý:

Thứ nhất, nếu động từ, tính từ đi liền trước chúng là các từ kiểm chứng (từ chỉ số lượng) thì động từ, tính từ đó trở thành danh từ. Ví dụ: buồn – nỗi buồn, trò chuyện – cuộc trò chuyện

Thứ hai, phân biệt danh từ chỉ đơn vị với từ chỉ số lượng (số từ và lượng từ)

Để dễ hình dung hơn, ta có thể điểm lại khái niệm về số từ và lượng từ để phân biệt với danh từ chỉ đơn vị như sau:

Số từ là những từ chỉ số lượng và thứ tự của sự vật (một, hai, thứ nhất, thứ hai,…).

Lượng từ thường nói về số lượng ít hay nhiều của một sự vật (toàn bộ, tất cả, các, từng, mỗi,…).

Cả số từ và lượng từ đều đi trước danh từ để bổ nghĩa cho nó và tạo thành cụm danh từ (một con gà, ngày thứ nhất, toàn bộ học sinh, từng bầy chim, mỗi ngày,…).

Ví dụ: “Mỗi chiếc lá rơi chở tinh hoa của trời về với đất”. “Mỗi” là lượng từ, “chiếc” là danh từ chỉ đơn vị.

Phụ huynh và học sinh có thể xem chi tiết bài giảng của cô ở link video này: https://www.youtube.com/watch?v=QUHZZmCkSHo