Tích hợp nội môn và liên môn trong SGK Lịch sử và Địa lí 6 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

0
3934

Tích hợp các kiến thức nội môn và liên môn; học sinh không phải thuộc con số, sự kiện lịch sử mà sẽ có hệ thống kênh chữ, kênh hình, bài tập, giúp các em trình bày vấn đề lịch sử, vận dụng linh hoạt trong cuộc sống. Đây là những điểm mới trong sách giáo khoa (SGK) môn Lịch sử và Địa lí 6 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Để biên soạn SGK theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, PGS.TS Đinh Ngọc Bảo – Chủ biên phần Lịch sử cho rằng: “Phải đổi mới một cách toàn diện, từ cách tiếp cận, phương pháp biên soạn, cấu trúc, nội dung đến cách trình bày, thiết kế và in ấn.” Đây cũng chính là những đổi mới được đưa ra trong cuốn SGK Lịch sử và Địa Lí 6 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Đội ngũ tác giả

SGK Lịch sử Địa lí 6 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được tổ chức biên soạn bởi đội ngũ tác giả bao gồm:

Phần Lịch sử:

Tổng Chủ biên xuyên suốt phần Lịch sử: GS.TSKH.NGƯT Vũ Minh Giang

Tổng Chủ biên cấp THCS phần Lịch sử: PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ.

Chủ biên phần Lịch sử: PGS.TS Đinh Ngọc Bảo. 

Các tác giả: PGS.TS Phan Ngọc Huyền, TS. Phạm Thị Thanh Huyền, GS.TS Hoàng Anh Tuấn.

Phần Địa lí:

Tổng chủ biên kiêm chủ biên phần Địa lí: PGS.TS Đào Ngọc Hùng.

Các tác giả: PGS.TS Lê Huỳnh, ThS. Trần Thị Hồng Mai, ThS. Vũ Thị Hằng, CN. Phí Công Việt.

Quan điểm biên soạn

Để biên soạn cuốn SGK Lịch sử và Địa lí 6, nhóm tác giả đã thống nhất một số quan điểm sau:

Tuân thủ những định hướng GDPT và tiêu chuẩn SGK mới, đó là chuyển đổi nền giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp cho học sinh hình thành và phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất. Quan điểm này được tuân thủ trong suốt quá trình biên soạn sách.

Kế thừa tối đa những ưu điểm của chương trình SGK hiện hành, đồng thời tham khảo, tiếp thu điểm mới SGK của các nước tiên tiến trên thế giới.

Đưa SGK trở thành công cụ hỗ trợ giáo viên đổi mới các phương pháp tổ chức các hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục. Do đó, SGK không được trình bày theo một mạch kiến thức mà được chia ra thành các hoạt động học tập. Đồng thời nêu nhiều câu hỏi và gợi ý để giúp giáo viên hướng dẫn, khai thác tư liệu từ các kênh hình, kênh phụ để làm phong phú bài giảng. 

Tuân thủ theo định hướng chung của NXB Giáo dục Việt Nam: Chuẩn mực – Khoa học – Hiện đại, phù hợp với phương châm biên soạn của cả bộ SGK là “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Việc gắn các tri thức học tập với thực tiễn cuộc sống được đặc biệt chú trọng và ngược lại, có những tình huống, bài tập, yêu cầu học sinh phải tìm tòi và giải quyết vấn đề, hiện tượng trong cuộc sống liên quan tới các kiến thức đã được học. Điều này giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ bài học, đồng thời rèn luyện những năng lực cần thiết.

Hình thức sách

SGK Lịch sử và Địa lí 6 gồm 216 trang, khổ sách 19×26.5cm, sách được trình bày 4 màu, trang đôi màu sắc tươi sáng phù hợp với tâm lí, thị giác của học sinh lớp 6. với sự kết hợp hài hòa kênh chữ và kênh hình. Sách nhìn tổng thể rất thoáng đãng và hấp dẫn, nhưng vẫn đảm bảo những yêu cầu cần đạt của chương trình.

Các đơn vị kiến thức không được trình bày một cách trọn vẹn trong các bài khóa như ở SGK hiện hành mà được cung cấp qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Sách có cách thiết kế logic, thống nhất, đa dạng giữa các bài học. Các hình ảnh được sử dụng đều phù hợp với nội dung bài học, có nguồn dẫn chính xác và đã được mua bản quyền. SGK sử dụng nhiều bản đồ, sơ đồ , bảng biểu, trục thời gian,… để đơn giản hóa, phổ thông khóa kiến thức. 

Nội dung sách

Để biên soạn SGK theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học, PGS.TS Đinh Ngọc Bảo – chủ biên phần Lịch sử cho rằng: “Phải đổi mới một cách toàn diện, từ cách tiếp cận, phương pháp biên soạn, cấu trúc, nội dung đến cách trình bày, thiết kế và in ấn.”

Cấu trúc sách 

SGK Lịch sử và Địa lí 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống gồm 2 phần: Lịch sử và Địa lý

Phần Lịch sử có 5 chương (20 bài). Mạch nội dung được sắp xếp theo logic thời gian lịch sử thế giới, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam từ thời nguyên thủy đến thế kỉ X.

Phần Địa lý có bài mở đầu, 7 chương (30 bài), nội dung gồm các kiến thức cơ bản về địa lí tự nhiên đại cương và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

Phần mục lục được đặt ở đầu sách để học sinh dễ theo dõi. Cuối cuốn sách là các bảng tra cứu thuật ngữ, phiên âm tên riêng, ghi rõ số trang để giáo viên và học sinh có thể dễ dàng tra cứu.

Cấu trúc bài học

Cấu trúc chương và bài học được xây dựng dựa trên các hoạt động học tập khác nhau.

Mở đầu mỗi chương là các nội dung giới thiệu khái quát, cốt lõi học sinh sẽ được tìm hiểu. Đó là hình ảnh minh họa tiêu biểu, hấp dẫn được kết nối với những câu hỏi lớn, mục tiêu học tập nhằm thu hút chú ý, khơi gợi sự tò mò, đam mê tìm hiểu khoa học của học sinh.

Mỗi bài học gồm 4 hoạt động chính:

Mở đầu: Những gợi mở, tình huống, câu hỏi, hình ảnh tạo hứng thú và dẫn dắt các em tiếp cận nội dung mới. 

Hình thành kiến thức: Giúp học sinh hình thành kiến thức, nhận định khoa học về Lịch sử và Địa lí, gồm tuyết chính và tuyến phụ. 

Tuyến chính là nội dung chính của bài học, bao gồm kênh chữ (thông tin, tư liệu) kênh hình (tranh ảnh, lược đồ) và hệ thống câu hỏi, bài tập – cũng chính là những chất liệu để giáo viên tổ chức các hoạt động học tập. 

Tuyến phụ bao gồm các phần Em có biết?, Kết nối Địa lí, Kết nối Văn học, Kết nối ngày nay,… Đây là những nội mở rộng, nâng cao hoặc có tính tích hợp liên môn với các môn học khác nhằm làm rõ hơn các nội dung trong đã được học trong tuyến chính.

Tuyến chính và tuyến phụ có liên quan đến nhau và cùng phục vụ cho mục đích phát triển năng lực của người học. Ví dụ, khi khai thác các kênh hình, các tư liệu được trích dẫn trong sách, học sinh có thể tiếp cận những tri thức này một cách chủ động

Luyện tập: Gồm các câu hỏi, các hoạt động được tiến hành ngay tại lớp nhằm củng cố kiến thức vừa học.

Vận dụng: Gồm các câu hỏi, hoạt động được tiến hành sau giờ học, nhằm gắn kết kiến thức vừa học với thực tiễn, giúp học sinh giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Nhóm tác giả luôn đặt ra yêu cầu là phải biên soạn để cuốn SGK trở nên dễ học, dễ dạy. Kiến thức được chọn lọc và tinh giản hợp lý, dễ hiểu, dễ nhớ. Văn phong phải dễ dàng, khúc triết và sinh động, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. 

Những điểm nổi bật

Thuận lợi cho hoạt động dạy – học.

Tổ chuyên môn thuận lợi trong xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, giáo viên đơn giản trong xây dựng kế hoạch bài học và học sinh dễ dàng thực hiện kế hoạch học tập với việc sắp xếp, phân phối bố cục và nội dung hợp lý.

Phù hợp với mọi điều kiện cơ sở vật chất và đối tượng giáo viên, học sinh trên cả nước. Mỗi bài học có thể triển khai với tư liệu mở, sẵn có, dễ tìm, đa dạng ở địa phương. Hoạt động dạy – học có thể linh hoạt theo hình thức tổ chức mà giáo viên lựa chọn và mong muốn của học sinh.

Dễ dàng tích hợp nội dung giáo dục địa phương về kinh tế – chính trị, văn hóa – xã hội, môi trường, nghề nghiệp trong các bài học.

Thuận lợi cho công tác đánh giá, hỗ trợ, tập huấn.

Mỗi hoạt động học tập trong sách được thiết kế theo các yêu cầu về năng lực, phẩm chất và thang đánh giá theo quy định của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, giáo viên có thể sử dụng các yêu cầu học tập trong SGK để đánh giá thường xuyên và làm cơ sở để xây dựng câu hỏi, bài tập đánh giá định kì trong quá trình học tập của học sinh.

Sách được NXB Giáo dục Việt Nam hỗ trợ học liệu điện tử một cách tối đa trên website hanhtrangso.nxbgd.vn, qua đó hỗ trợ tích cực việc học tập và giảng dạy của học sinh và giáo viên.

Các tác giả luôn đồng hành cùng giáo viên, học sinh,.. Trong quá trình tập huấn và sử dụng sách để đạt mục tiêu giáo dục.

Với những điểm nổi bật nêu trên, các tác giả hy vọng SGK Lịch sử Địa lí 6 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” sẽ là người bạn đồng hành tin cậy của giáo viên và học sinh trên khắp mọi miền đất nước.

Để đáp ứng nhu cầu dạy và học môn Lịch sử và Địa lí theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng đã xây dựng Chương trình Học tốt 6 dựa trên 3 bộ SGK đã được bộ GD&ĐT phê duyệt, trong đó có khóa học Lịch sử và Địa lí 6 được biên soạn theo nội dung bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Các bài giảng trong Chương trình Học tốt 6 được biên soạn bám sát nội dung các bộ SGK được sử dụng trên lớp và được thể hiện đa dạng, linh hoạt với các phương pháp tiếp cận độc đáo hơn. Học sinh sẽ sớm được tiếp cận với các đơn vị kiến thức và cách học trong chương trình mới để không còn bỡ ngỡ khi bước vào năm học chính thức với rất nhiều thay đổi. Ngoài ra, đây cũng là nguồn tài liệu hữu ích cho giáo viên có nhu cầu tìm hiểu về phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức hoạt động dạy và học cho học sinh lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

>>> Để cập nhật thêm tin tức về chương trình GDPT cũng như cách dạy, cách học trong chương trình mới, phụ huynh theo dõi ngay Fanpage Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 6 và Group Đồng hành cùng con học tốt chương trình lớp 6 mới.