Đó là sự thay đổi về phương pháp giảng dạy, chương trình học và tâm sinh lý lứa tuổi. Để tránh tạo ra sự “khủng hoảng” khi chuyển cấp, cha mẹ nên quan tâm tới những điều dưới đây.
Đa phần, sự chú ý của cha mẹ luôn tập trung vào quyết định chọn trường cho con. Một môi trường tốt, cơ sở vật chất đầy đủ và chất lượng giáo dục đảm bảo vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, đa phần những cú sốc tâm lý khi chuyển cấp tới từ những điều xa lạ mà con chưa từng được làm quen. Hãy giúp con có một sự chuẩn bị sẵn sàng để làm quen trong học kì 2020 – 2021 sắp tới nhé.
1.Sự thay đổi về tâm sinh lý
Bước vào cấp 2, đa phần học sinh sẽ bước vào tuổi dậy thì. Đây là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển về mặt thể chất cũng như tính cách của con sau này. Con bắt đầu thể hiện quan điểm cá nhân nhiều hơn, muốn được khẳng định chính mình và được người xung quanh tôn trọng. Con luôn chứng tỏ “mình đã lớn” nên mọi sự tác động của cha mẹ với con dù trong là sinh hoạt thường ngày hay là học tập đều phải hết sức mềm mỏng khéo léo. Nếu không rất dễ “bắn ngược” vì sự phản kháng mạnh mẽ từ con. Nhiều phụ huynh sẽ thấy con “khó bảo” hơn nhiều so với tiểu học.
Cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho con, lắng nghe những suy nghĩ, tình cảm và đóng vai trò là người đồng hành, đưa ra lời khuyên. Nếu trước đây, cha mẹ cần định hướng thì bây giờ, thay vì người dẫn đường, cha mẹ có thể thử tin tưởng, trao thêm quyền cho con trong các quyết định. Không áp đặt điểm số hay tự quyết việc học thêm.
2.Sự thay đổi về phương pháp học tập
Nếu như ở tiểu học, có một cô giáo chủ nhiệm giảng dạy nhiều môn học, số lượng giáo viên không nhiều thì lên lớp 6, mỗi thầy cô sẽ dạy một đến hai môn, chỉ tập trung phụ trách kiến thức trong phạm vi môn. Chính vì vậy, giáo viên sẽ không thể bên cạnh theo dõi sát sao được quá trình học tập hay tiến bộ của từng học sinh.
Chưa kể, giáo viên không còn giảng theo phương pháp “đọc chép” nên học sinh cần phải nắm được các kỹ năng sàng lọc kiến thức, rút ra ý chính trong một bài học rất dài với nhiều chủ điểm.
Ngoài ra, những thí nghiệm, thực hành thực tiễn trong buổi học cũng nhiều hơn trước. Phương pháp học máy móc sẽ không còn phù hợp mà học sinh cần phải biết tự học, chủ động làm quen, tiếp thu kiến thức. Nếu học sinh đã có những kĩ năng này từ tiểu học thì lên cấp 2, việc học sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
3.Sự thay đổi về các môn học
Số lượng môn học của cấp 2 nhiều hơn so với tiểu học, khối lượng kiến thức cần phải tiếp thu cũng lớn hơn nhiều. Sự xuất hiện của nhiều môn học mới khiến nhiều học sinh đã rơi vào trạng thái “đuối” khi bị “ngợp” và không làm quen được.
Chương trình sách giáo khoa tiểu học là nền tảng để học sinh làm quen với những nội dung cơ bản nhất, được điều chỉnh đơn giản, dễ học, dễ tiếp thu. Nhưng sách giáo khoa trung học cơ sở là phần mở rộng, điều chỉnh nâng cao từ kiến thức tiểu học. Nên nếu không có “gốc” vững vàng, càng lắng nghe bài giảng càng không hiểu là điều rất dễ xảy ra.
Chẳng hạn như môn Vật lý với những bài học trừu tượng, hoàn toàn xa lạ. Môn toán sẽ bắt đầu với những kiến thức về tập hợp, lũy thừa,… các em dễ thấy xa lạ về kiến thức lần trình bày. Môn Tiếng Anh không còn là nghe nói với những mẫu câu đơn giản mà cần phải học những ngữ pháp, từ vựng khó hơn, đa dạng hơn. Môn Tiếng Việt đổi tên thành Ngữ Văn, áp dụng nhiều những từ Hán Việt, chú giải,… Những môn học phụ như Lịch sử, Địa lý, Sinh học,… cũng khó hơn trước.
Thay vì đến lớp bắt đầu tiếp thu kiến thức, học sinh sẽ phải chuẩn bị bài trước ở nhà. Ngoài ra, giáo viên bộ môn cũng thường cho các em tự thuyết trình, đứng trước lớp trình bày suy nghĩ, đánh giá của bản thân.
4.Sự thay đổi của nhận xét, đánh giá
Theo thông tư 22, việc đánh giá học sinh tiểu học khá “nhẹ nhàng” khi không đặt nặng áp lực điểm số. Số lượng các bài kiểm tra, đánh giá định kì cũng ít hơn. Tuy nhiên, khi lên cấp 2, không chỉ thời gian làm bài tăng,số lượng bài kiểm tra cũng tăng lên đáng kể.
Sự chuẩn bị cho mỗi đợt kiểm tra cũng khác biệt. Tiểu học, học sinh có đề cương cụ thể, giáo viên sẽ dành thời gian hướng dẫn học sinh ôn tập. Nhưng ở lớp 6, thầy cô chỉ đưa một số lượng câu hỏi nhất định để học sinh chủ động sắp xếp. Giáo viên không kiểm soát chặt chẽ tiến độ học tập của học sinh.
Mức độ khó của bài kiểm tra cũng gia tăng. Nếu như điểm 9, điểm 10 là điều dễ dàng có thể đạt được thì ở cấp 2, chỉ những học sinh thật sự xuất sắc mới có thể giành được điểm tối đa. Đặc biệt là môn Ngữ Văn, điểm 9, điểm 10 rất khó giành được.
Với những trường chất lượng cao, trường chuyên, lớp chọn thì yêu cầu đối với các học sinh sẽ cao hơn, đòi hỏi sự nghiêm túc trong học tập. Để giảm bớt những áp lực học hành, thì giúp con học được những kĩ năng tự lập, chủ động khai thác kiến thức từ cấp tiểu học là cần thiết. Cha mẹ hãy luôn đồng hành cùng con và hỗ trợ mỗi khi con cần để bước vào cấp 2 không khó khăn, bỡ ngỡ.