Thầy Nguyễn Phi Hùng gợi ý lời giải đề Văn vào 10 Hà Nội năm học 2017 – 2018

0
5654

Gợi ý bài giải đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 do thầy Nguyễn Phi Hùng (Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn) thực hiện.

>> Lời giải chi tiết đề thi Toán vào 10 TP Hà Nội năm học 2017 – 2018

>> Tổng hợp các đề thi vào 10 năm trước

van han
Đề Văn vào 10 TP Hà Nội

Phần I (4 điểm)

1. Ghi lại chính xác 7 dòng thơ tiếp theo những dòng thơ trên.

“Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.”

2. Cách miêu tả gợi cho ta hình ảnh một gia đình tràn đầy hạnh phúc với những “tiếng nói”, “tiếng cười”; cả ngôi nhà như rung lên trong “tiếng nói”, “tiếng cười” của cha, của mẹ. Mỗi bước con đi, mỗi tiếng con cười đều được cha mẹ đón nhận, chăm chút, mừng vui. Trong tình yêu thương, trong sự nâng niu của cha mẹ.

3.

* Hình thức: Học sinh có thể trình bày nội dung trả lời bằng một (hoặc một số) đoạn văn ngắn (khoảng 12 câu).

* Nội dung: Học sinh có thể triển khai đoạn văn theo các hướng khác nhau, song cần đảm bảo một số nội dung chính:

– Giải thích ý kiến: Tình yêu thương là một trong những tình cảm đẹp đẽ, ấm áp thể hiện qua sự quan tâm, tình yêu mến, qua từng lời nói, cử chỉ, việc làm cụ thể với những người mà ta yêu quý. Được sống trong tình yêu thương của mọi người chính là một niềm hạnh phúc của mỗi người.

– Bình luận, chứng minh:

+ Khẳng định ý kiến trên là chính xác.

Với tình yêu thương, con người tìm được mục đích sống, động lực mạnh mẽ, niềm an ủi, nguồn động viên khi gặp khó khăn thử thách, được sẻ chia niềm vui trong công việc và cuộc sống …

Không có tình yêu thương, mỗi con người sống trong sự cô đơn, lạnh lùng, vô cảm. Cuộc sống sẽ trở nên vô vị, nhạt nhẽo, dễ gục ngã trước những khó khăn, cám dỗ trong cuộc đời …

+ Bàn luận mở rộng:

Tình yêu thương chân thành phải được thể hiện qua những hành động, lời nói cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.

Tình yêu thương cần phải được thể hiện đúng cách, đúng hoàn cảnh, đúng đối tượng để mỗi con người không trở nên dựa dẫm, ỷ lại.

– Bài học rút ra cho bản thân.

Phần II: (6 điểm)

1. Đoạn văn trên được trích từ truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân.

Hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn: Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

2. Dòng cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật được thể hiện qua việc lặp lại các từ : “nghĩ”, “muốn”, “nhớ”.

– Những kỷ niệm trong dòng cảm xúc của nhân vật:

+ Kỷ niệm gắn với những con người ở làng: Những anh em cùng nhau làm việc, cùng đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá… phục vụ kháng chiến.

+ Kỷ niệm về những hoạt động, về niềm vui say trong thời kì kháng chiến.

+ Kỷ niệm gắn liền những địa danh cụ thể ở làng kháng chiến: Cái chòi gác đang dựng, những đường hầm bí mật.

3. Xét về mục đích nói, câu văn “Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa?” thuộc kiểu câu nghi vấn.

Nỗi trăn trở của ông lão trong câu văn “Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa?” lại là một biểu hiện của tình cảm công dân bởi nó không chỉ gắn với tình cảm về làng, mà đã hoà nhập với tình yêu cách mạng, yêu kháng chiến.

Nhớ về ngôi làng không chỉ nhớ về những hình ảnh quen thuộc, bình yên từ ngàn đời, mà còn nhớ về hình ảnh cái chòi gác biểu tượng cho một làng kháng chiến, biểu tượng cho ý chí, cho quyết tâm đánh giặc của dân làng.

4.

* Yêu cầu về hình thức:

– Viết đúng hình thức đoạn văn quy nạp: Câu chủ đề nằm ở cuối đoạn văn.

– Đoạn văn có sử dụng câu ghép và phép thế.

– Không mắc các lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu. Diễn đạt ngắn gọn, mạch lạc.

* Yêu cầu về nội dung:

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, nội dung chính: Khắc họa thành công hình tượng những người nông dân trong kháng chiến.

– Hình tượng người nông dân được thể hiện tập trung qua nhân vật ông Hai với những phẩm chất tiêu biểu:

+ Người nông dân chất phác, nồng hậu, chân chất được thể hiện qua tình yêu làng tha thiết.

+ Đó cũng là những con người ý thức rõ về vai trò, trách nhiệm công dân của mình với đất nước, với kháng chiến. Tình yêu làng thống nhất với tình yêu nước.

+ Nghệ thuật miêu tả nhân vật của nhà văn đạt đến độ điển hình: Từ miêu tả ngôn ngữ, hành động đến tâm lí đều rất tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân trong những ngày đầu kháng chiến.