100 câu hỏi đáp giúp phụ huynh – học sinh hiểu rõ về dịch bệnh Covid-19

0
1514

Nhằm giúp người dân hiểu rõ và chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19, Học viện Quân y hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn cuốn sổ tay “100 câu hỏi – đáp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở giáo dục”. HOCMAI trân trọng giới thiệu cuốn sổ tay này tới phụ huynh, học sinh. 

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp, do đó, phụ huynh hãy trang bị cho con những kiến thức căn bản về dịch bệnh này để con nâng cao sự hiểu biết, tinh thần cảnh giác và thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe.

Dưới đây là một số câu hỏi và giải đáp trong cuốn cẩm nang để phụ huynh có thể tự trang bị kiến thức cho mình và giải thích cho con hiểu rõ hơn về dịch bệnh!

  1. Người bị bệnh Covid-19 có biểu hiện gì?

Các triệu chứng lâm sàng ban đầu hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ. Một số trường hợp có thể có đau họng, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Những trường hợp nặng xuất hiện viêm phổi; khó thở do viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); suy chức năng các cơ quan. Các triệu chứng của bệnh xuất hiện sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh từ 02 – 14 ngày.

  1. Bắt tay có làm lây Covid-19 không? 

Không. Cho đến nay chưa có bằng chứng virus Covid-19 có thể xâm nhập qua da vào cơ thể. Tuy nhiên, bắt tay là hành động có nguy cơ cao. Khi tay một người bị nhiễm Covid-19 chạm vào tay người khác có thể truyền virus sang tay người này. Từ bàn tay có virus có thể nhiễm tiếp vào đường hô hấp do các hành động khác như dụi mắt, ngoáy mũi, cho tay lên miệng hoặc kể cả chạm tay lên mặt, tạo cơ hội (dù nhỏ) để virus “bay” vào mũi. Do vậy, thực hành rửa tay/sát trùng tay và không chạm tay vào vùng mặt (đặc biệt là sau khi bắt tay) là biện pháp hiệu quả để ngăn nguy cơ lây nhiễm do bắt tay. 

  1. Nên vệ sinh cá nhân như thế nào để phòng lây nhiễm Covid-19?

Để phòng lây nhiễm Covid-19, cần vệ sinh cá nhân tốt. Đây là biện pháp dự phòng không đặc hiệu. Vệ sinh cá nhân gồm: 

– Vệ sinh bàn tay: Luôn giữ bàn tay sạch sẽ; rửa tay thường xuyên. 

– Vệ sinh thân thể: Tắm rửa hàng ngày. Dù vào mùa đông, vẫn cần tắm rửa hàng ngày để loại bỏ các tác nhân gây bệnh có thể bám trên da. 

– Vệ sinh quần áo: Quần áo là nơi tác nhân có thể bám vào (như nước bọt), vì vậy cần thay quần áo thường xuyên và giặt bằng xà phòng. 

– Vệ sinh tóc: Tóc dài, tóc rối… là nơi có thể chứa mầm bệnh (qua nước bọt người bệnh). Vì vậy, nên cắt tóc ngắn, với nữ  giới nên cuốn hoặc búi tóc gọn gàng, gội đầu hàng ngày để hạn chế tối đa mầm bệnh có thể bám trên tóc. 

– Vệ sinh móng: Không để móng tay, móng chân dài. Móng tay, móng chân là nơi có thể chứa mầm bệnh Covid-19, do đó luôn cắt ngắn móng tay, chân và vệ sinh tay sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh. 

  1. Ngoài việc rửa tay, cần thực hiện thêm thói quen gì với đôi tay để hạn chế lây nhiễm Covid-19?

Không cầm vào mặt trước cũng như mặt sau của khẩu trang đã sử dụng. Không đưa bàn tay lên mặt, nhất là dụi mắt, ngoáy mũi hay cắn móng tay. Hạn chế chạm tay vào các bề mặt có nguy cơ cao hoặc nghi ngờ ô nhiễm mầm bệnh. 

Ngoài ra trong cuốn sổ tay còn đề cập đến rất nhiều thông tin hấp dẫn và cần thiết khác liên quan đến dịch bệnh Covid-19, phụ huynh và học sinh tải ngay TẠI ĐÂY để biết thêm chi tiết!