2 lưu ý khi đưa yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận môn Ngữ văn 8

0
7340

“Học sinh chỉ sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả trong bài văn nghị luận với mục đích làm sáng tỏ luận điểm và khi kể, tả cần có sự chọn lọc các chi tiết” – Đó là những lưu ý mà thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) nhấn mạnh để bài nghị luận vừa sinh động, lại thuyết phục được người đọc, người nghe. 

Theo thầy Hùng, về bản chất văn nghị luận đòi hỏi người viết dùng các luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng cụ thể để thuyết phục người đọc, người nghe. Do đó, văn nghị luận vẫn là “đất diễn” của lý trí. Tuy nhiên, muốn bài văn thêm sinh động và thuyết phục, học sinh có thể thêm vào đó các yếu tố tự sự và miêu tả. Dưới đây là một số lưu ý thầy Hùng đưa ra giúp học sinh khéo léo đưa các yếu tố trên vào bài để không phá vỡ ý nghĩa của bài văn nghị luận. 

Lưu ý 1: Sử dụng yếu tố miêu tả, tự sự để làm sáng tỏ luận điểm 

Trong đoạn văn nghị luận trích từ “Một số bài giảng thơ văn Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Lê Trí Viễn), tác giả có sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả để giúp người đọc hiểu được khung cảnh của đêm trăng và tình cảm của Bác dành cho thiên nhiên. 

Sử dụng yếu tố tự sự, miêu tả trong văn nghị luận cần đúng mục đích làm sáng tỏ luận điểm. Ảnh minh họa. 

Tác giả sử dụng các yếu tố tự sự qua các câu văn như: Sắp trung thu…Mười mấy ngày qua… của bộ mặt nhà giam. Bên cạnh đó, các yếu tố miêu tả (tả cảnh đêm trăng đẹp và cảm xúc của người trong tù) cũng được đưa vào để làm sáng tỏ luận điểm: Bỗng đêm nay trăng sáng quá chừng. Trong suốt, bao la, huyền ảo, vỗ về. Ngay bên cửa sổ, lồng trong bóng cây. Nó ăm ắp, tình tứ, nó rạo rực, nó muốn yêu, muốn thưởng thức, muốn chan hòa, muốn giãi bày, muốn bộc lộ…

Có thể thấy, việc sử dụng yếu tố tự sự góp phần làm nổi bật hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, đồng thời thể hiện dòng tâm trạng của nhà thơ. Yếu tố miêu tả giúp người đọc hình dung sống động khung cảnh đêm trăng đẹp, từ đó có thể thấy tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên của Bác Hồ. Cả hai yếu tố tự sự và miêu tả đều cùng làm sáng tỏ nên luận điểm chung của bài văn nghị luận, bên cạnh đó làm nổi bật đặc điểm hoàn cảnh sáng tác ra bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh. 

Lưu ý 2: Kể, tả có chọn lọc 

Học sinh cần lựa chọn các yếu tố tự sự, miêu tả phù hợp, có chọn lọc bởi lẽ kể và tả sự vật, sự việc không phải là mục đích của văn bản nghị luận. Hãy cùng theo dõi ví dụ trong sách giáo khoa trích trong tác phẩm “Người anh hùng làng Dóng” (Cao Huy Đỉnh). Luận điểm bao trùm đoạn trích là các dân tộc anh em có những truyện rất giống với truyện Thánh Gióng của người Kinh. Theo đó, để làm rõ luận điểm, tác giả đã sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả trong bài viết. 

Cụ thể, tác giả kể lại (tóm tắt) chuyện chàng Trăng của người M’nông và huyện Nàng Han của dân tộc Thái. Trong quá trình kể chuyện, tác giả cũng sử dụng yếu tố miêu tả đan xen như mơ thấy thỏ trắng nhảy qua ngực; chàng không nói, không cười, chỉ thích chơi khiên đao; cờ lệnh bằng chăn dệt ngũ sắc…

Thông qua việc sử dụng các yếu tố trên, tác giả giúp người đọc hình dung rõ nội dung của các câu truyện của các dân tộc anh em. Tác giả không kể đầy đủ mà chỉ vắn tắt hai câu chuyện nêu trên bởi luận điểm chỉ cần những chi tiết trong hai truyện có nét giống với truyện Thánh Gióng của người Kinh là đã có thêm dẫn chứng để làm sáng tỏ luận điểm. Do vậy, nếu kể, tả tỉ mỉ các chi tiết trong hai câu chuyện khiến đoạn văn thêm rườm rà, thừa thãi. 

Sử dụng yếu tố kể, tả trong bài văn nghị luận cần có sự chọn lọc để tránh bài viết thêm rườm rà, thừa thãi. Ảnh minh họa. 

Trong quá trình làm văn, ngoài thường xuyên luyện tập viết bài để “quen tay” thì việc nắm những lưu ý, “bí kíp” để viết bài cuốn hút là điều học sinh không nên bỏ qua. Theo đó, học sinh có thể tham khảo khóa học online môn Ngữ văn thuộc chương trình Học Tốt 2019 – 2020 của HOCMAI do thầy Nguyễn Phi Hùng trực tiếp giảng dạy. Bên cạnh giúp học sinh “quét” toàn bộ kiến thức có trong học kì II, ở mỗi bài học, thầy cũng đưa ra các lưu ý nhỏ giúp học sinh khắc sâu kiến thức, từ đó vận dụng để làm bài một cách tốt nhất. 

▶ Mọi thông tin về chương trình, phụ huynh, học sinh tìm hiểu ngay TẠI ĐÂY.

▶ Liên hệ ngay hotline 0936 585 812 để được tư vấn cụ thể, miễn phí!