Đa phần các bậc làm cha mẹ đều khẳng định họ sẵn sàng dành mọi điều tốt đẹp cho con cái nhân danh tình yêu. Nhưng những điều tốt đẹp ấy rất nhiều khi không xuất phát từ mong muốn của trẻ và cũng không vô điều kiện như câu nói đầu môi.
Tôi – nhân danh một người mẹ rất hay nói với con rằng: “Điều đó tốt cho con!” mỗi khi bé thể hiện sự phản kháng hay chống lại một quyết định gì đó mà tôi nói ra. Con tôi không còn nhỏ, trong mắt tôi là như thế, khi thấy cháu chuẩn bị bước vào lớp 1. Mới chỉ 6 tuổi thôi, vẫn còn bé, còn bé lắm! Tôi nghĩ vậy!
Tôi sống hơn con hai mươi mấy năm, chẳng lẽ một bà mẹ đã bước qua tuổi ba mươi lại có suy nghĩ không chín chắn và thấu đáo bằng một đứa nhóc? Tôi gạt phắt nét mặt phụng phịu, đôi mắt ướt sũng nước mắt của con rồi thông báo xanh rời, “Tối mai không ở nhà xem Elsa nữa, đi học luyện chữ đẹp”. Bỏ lại sau lưng đứa bé ngây thơ đã quá ấm ức mà khóc rống tức tưởi tôi phi vào bếp và bận bịu bên cạnh chiếc smartphone để lướt lướt new feeds!
Bạn bè tôi đều như thế mà! Đứa nào mà chẳng cho con đi học từ trước! Không chỉ các lớp luyện chữ như tôi, bọn họ còn đưa bé vào các lớp luyện tiếng Anh với người nước ngoài hay thậm chí đã học cả bảng cửu chương nữa kia! Còn chưa kể tới các lớp học năng khiếu nhạc họa vẽ vời đủ thứ. Tự nghĩ lại thì tôi chỉ cho con theo đúng một lớp cũng là quá nhẹ nhàng rồi đó chứ!
Cả xã hội đều cho con đi học trước, sẽ làm sao nếu con của tôi vừa mới vào lớp 1 vẫn còn ê a như tờ giấy trắng khi các bạn học đều đã biết đọc biết viết rồi?. Bé sẽ thấy thiếu hẳn tự tin trong cả một lớp, sẽ bị bạn bè cười chê. Thậm chí sẽ dẫn tới ghét học, không muốn đi học nữa. Chưa kể, những phụ huynh khác sẽ nhìn qua con tôi và đánh giá bố mẹ của chúng! Nghĩ tới việc người khác nghĩ xấu về chính mình tôi đã thấy bực mình rồi!
Thực ra, so sánh với những người khác, tôi thấy bản thân đã nhẹ tay với con lắm rồi đó chứ! Tất cả chỉ vì con, vì cháu có thể hòa nhập một cách bình thường với tất cả mọi người được. Chứ thực sự, tôi là phụ huynh, tôi được lợi ích gì! Vì “tốt cho con” thôi!
Hôm trước, tôi thấy con bé chúi mắt vào trong cái smartphone của bố vừa xem vừa cười. Tôi bực bội vô cùng. Tại sao lại cứ cho con xem điện thoại thế nhỉ? Có biết điều đó hại cho mắt lắm không? Chưa kể trên mạng có vô số những clip độc hại có thể tiêm nhiễm vào trong trí óc non nớt của con. Tôi phi ngay vào giật phắt điện thoại ra khỏi tay con bé, quát lớn: “Ai cho con xem! Đã làm bài tập chưa? Đứng dậy đi làm ngay. Cứ ngồi đó suốt đờ người ra!”.
Con bé tức tối hét lên: “Sao lúc nào mẹ cũng cấm con làm cái này, cấm con làm cái kia vậy?. Bố đã cho con chơi rồi mà!”.
Tôi giận dữ: “Con thì biết cái gì! Mẹ làm thế chỉ là vì tốt cho con! Bây giờ còn bé cứ suốt ngày nhìn điện thoại, lớn lên mắt bị cận thì sao bây giờ!”. Nói xong tôi tắt luôn điện thoại, quay mặt đi luôn để lại đằng sau tiếng khóc òa của nó.
Nó mếu máo: “Con có phải là đang chơi đâu!”
Thực ra thì, tôi cũng biết bản thân vô lý. Lúc nãy con đang chơi một game luyện toán trên mạng chứ chẳng phải làm gì khác thường. Thế giới bây giờ nó khác với tôi ngày xưa nhiều lắm. Không thể bởi vì mong muốn cá nhân mà cấm con hoàn toàn được. Bởi vì công nghệ thông tin nó thấm nhuần vào cuộc sống hiện tại rồi. Chỉ cần định hướng cho con tốt thì cháu sẽ phát triển theo phương hướng tốt. Không thể vì một vài con sâu làm rầu nồi canh mà phủ nhận hoàn toàn tác dụng của điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Cháu cũng hay gọi điện video call cho ông bà qua chúng. Vấn đề học online trên mạng bây giờ cũng chẳng phải là hiếm nữa. Đôi khi, giáo viên của cháu có gì cần trao đổi với cả hai mẹ con thì cũng thông qua smartphone. Nhưng, tôi cấm bởi vì cháu còn bé, bởi vì tối thấy cháu chưa trưởng thành, bởi vì “muốn tốt cho con!”. Liệu có phải, tôi đã sai?
Tôi đang vì chính tôi chứ chẳng phải vì con? Đang áp đặt tâm tư tình cảm của bản thân lên một đứa bé sống hồn nhiên và bản năng như một tờ giấy trắng?
“Đừng giới hạn đứa trẻ trong hiểu biết của bản thân bạn, bởi nó được sinh ra vào thời gian khác bạn”.
Ai đó đã nói như thế! Nhưng mà, bao bọc con thực lòng có phải “tốt cho con”?