Nuôi con để nó chăm mình lúc tuổi già hay chỉ vì muốn có mấy đứa cho thêm vui nhà vui cửa. Đây là một câu hỏi không mấy dễ trả lời dành cho cha mẹ.
Hôm trước, tôi đi cafe với người bạn cũ. Tôi nhớ được duy nhất một câu của nó: “Bây giờ đầu tư cho ông ấy như vậy không biết sau này có nên cơm cháo gì không?”. Chợt thấy phải suy nghĩ.
“Ông ấy” chính là con trai nó. Thằng bé năm nay sẽ bắt đầu đi học lớp 1. Bây giờ, thằng bé đang học tiếng Anh, học tính toán, học năng khiếu bên cạnh thời gian học cả ngày trên trường. Mà đối với bạn của tôi, đã học là phải chọn nơi tốt và uy tín thì mới đưa con vào.
Riêng học phí trên trường cho cháu cũng rơi vào khoảng 10 triệu rồi. Đó là một mức giá khá cao so với mặt bằng chung thu nhập hiện tại xã hội. Nếu tính thêm các khoản khác thì có lẽ rơi vào khoảng 18 – 20 triệu/tháng. Chi phí này không nhỏ, và bạn tôi nói thế liệu có phải đang nghĩ như thế thật hay không?
Có một quan niệm rất hay ho rằng, “Đầu tư cho con chính là khoản đầu tư có lãi nhất”. Từ bao giờ, việc bỏ tiền cho con cái của mình lại được xếp chung với những kiểu tài chính khác vậy?
Theo thống kê, chi phí trung bình mà bố mẹ bỏ ra để nuôi con cho tới năm 18 tuổi là 1,9 tỷ đồng. Trong đó, có 45% là chi phí giáo dục, 40% là cho sức khỏe, 15% cho những chi phí khác. Và, 1,9 tỷ đó bố mẹ có thật lòng muốn đòi lại trong tương lai hay không?
Chúng ta bỏ tiền cho con ăn học là vì nuôi nó lớn lên hay chỉ vì chúng ta đang định tạo lên một cái quỹ tiết kiệm với kì hạn 30 năm? Tâm tư tình cảm, những sự lo lắng, chăm sóc của cha mẹ lại được đưa lên bàn cân để tính toán, đong đếm bằng tiền. Tôi thấy lạ!
Trưa nay ăn cơm, trong cuộc chuyện trò vui vẻ giữa những người đồng nghiệp thì một bạn chợt nói: “Sau này em muốn đẻ 3 đứa con bởi vì em thích trẻ con lắm”. Một người khác chêm lời, “Em thì không quan trọng việc 1 hay 2 đứa. Cái chính là cho vui cửa vui nhà mà thôi. Cũng chẳng phải nghĩ đẻ nó ra là để nó sau này nuôi mình hay như thế nào!”. Cả hai người đều nói vậy với sự vui thích, rạng rỡ trong ánh mắt. Lại thêm một lần nữa, câu nói lúc trước của bạn cũ hiện lên trong đầu tôi.
Chúng ta bỏ tiền ra cho con học, cho con chơi bởi vì ta yêu chúng! Bởi vì, đứa con chính là sự kết tinh tình cảm của cha mẹ. Ta muốn chúng trưởng thành, trở thành một người tốt, kiếm được một thu nhập kha khá và có cuộc sống hạnh phúc, mãn nguyện là tuyệt vời lắm rồi. Chỉ bởi vì, đứa con có thể mang lại được niềm vui cho cuộc sống cho cha mẹ.
Cuộc sống bên ngoài áp lực lắm. Biết bao nhiêu sự phải lo toan từ công việc cho tới các mối quan hệ gia đình nội ngoại, bạn bè, đồng nghiệp. Biết bao nhiêu thứ đôi lúc ép chúng ta tới mức phát điên, muốn nổi giận, bực bội. Thế nhưng, khi về đến nhà, chỉ vì một vài hành động rất ngây thơ, ngốc nghếch của con là lại có thể mỉm cười, nhẹ nhõm.
Hay đôi lúc, cuộc sống vợ chồng xảy ra những xô xát, những mâu thuẫn thì con thơ cũng là thành phần ở giữa, trung hòa cho đôi bên. Bằng giọng nói bập bẹ cùng đôi mắt ngân ngấn nước mắt lo sợ, “Bố mẹ đừng thế nữa. Con sợ lắm!”, con cái có thể dập tắt bất cứ cuộc chiến tranh đang bùng cháy nào.
Hoặc là, khi mẹ ốm nằm liệt giường, con đứng sát bên không ngừng đưa tay sờ vào trán hỏi: “Mẹ có đau không? Con thổi thổi cho cơn đau của mẹ bay đi nhé!” là cũng đủ để trái tim ấm áp vô cùng rồi. Tự thấy, bất cứ khó khăn nào cũng có thể vượt qua được, bất cứ trở ngại gì cũng đạp bằng chỉ để bảo vệ được cho cái tâm hồn đó khỏe mạnh trưởng thành lớn lên.
Một gian nhà sẽ trở nên thật lạnh lẽo khi mà vắng bóng tiếng nói cười của trẻ thơ. Sẽ mất đi rất nhiều phút giây quặn lòng hay là khoảnh khắc chợt nhận ra, bản thân có lẽ cần phải thay đổi trong cách sống!
Con cái chính là một liều thuốc “an thần”, một thiên thần nhỏ tuyệt vời trong cuộc sống của bố mẹ. Thật sự, không thể đưa những toan tính về tiền bạc, về sự chăm sóc cho tương lại chúng ta đánh đổi bằng những điều hiện tại ta đang làm hàng ngày, hàng giờ cho con. Như thế, nó rẻ tiền quá!
Chỉ cần cho con được lớn lên theo định hướng chính xác, tính cách của trẻ sẽ theo đó mà trở nên tốt hơn. Không cần phải quá toan tính làm gì. Nói đến tận cùng, từ sâu trong lòng của bố mẹ chưa hẳn là đã muốn về già có người nuôi. Chỉ cần con sải được đôi cánh, bay xa, vùng vẫy tốt trên đời này thì cũng đã đủ mãn nguyện lắm rồi!
Xem thêm:
Cha mẹ “muốn tốt cho con” liệu có phải vì chính con?