8 dạng bài thường gặp về “Từ” trong chuyên đề tiếng Việt môn Ngữ văn lớp 8

0
14987

Tiếng Việt luôn là phần luôn xuất hiện trong cấu trúc các bài thi học kỳ. Những câu hỏi dạng này thường ở mức cơ bản, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức, vận dụng chúng vào bài là đã có thể “ẵm” điểm tối đa. 

Nhằm giúp học sinh tránh mất điểm đáng tiếc trong bài thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 8 sắp tới, thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI) điểm nhanh kiến thức trọng tâm tiếng Việt chủ điểm “Từ” và 8 dạng bài thường gặp dưới đây. 

Kiến thức trọng tâm về “nghĩa của từ” 

Một từ có thể có phạm vi nghĩa hẹp hay rộng hơn nghĩa của một từ khác. Trong trường hợp này, ta nói mối quan hệ về nghĩa của các từ ấy là mối quan hệ bao hàm. Ví dụ từ “cây cối” có nghĩa là chỉ các thực vật nói chung, nó bao hàm các từ chỉ loại cây cụ thể như “cây na”, “cây bưởi”.  

Thầy Nguyễn Phi Hùng hệ thống kiến thức tiếng Việt về “Từ” môn Ngữ văn lớp 8. 

Đây là phần kiến thức nền tảng dẫn học sinh đến nội dung quan trọng hơn, đó là trường từ vựng. Trường từ vựng là tập hợp những từ có ít nhất một nét nghĩa chung. Ví dụ “cây na”, “cây bưởi”, “cây mít” có nét nghĩa chung là chúng đều thuộc “cây cối”. Nói cách khác, trường từ vựng “cây cối” là tập hợp các từ như: cây na, cây bưởi, cây mít…

Ngoài ra, học sinh cần chú ý nắm chắc kiến thức về từ tượng thanh và từ tượng hình. Từ tượng thanh là từ ngữ mô phỏng âm thanh của sự vật, sự việc, con người (ví dụ: ầm ĩ, ồm ồm). Từ tượng hình có tác dụng gợi tả nên hình dáng, trạng thái của sự vật, con người đó (ví dụ: xanh xao, vội vã, thưa thớt). 

5 dạng bài tập thường gặp về “nghĩa của từ” 

Dạng 1: Nhận diện các từ trong cùng một trường từ vựng

Thông thường ở dạng bài tập này, đề bài cho một đoạn văn, đoạn thơ và yêu cầu học sinh xác định các từ thuộc cùng một trường từ vựng. Cụ thể: Xác định các trường từ vựng trong đoạn thơ: Nhớ từng rừng nứa bờ tre/Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy/Ta đi ta nhớ những ngày/Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi. Các trường từ vựng có trong đoạn thơ trên là: Cây thuộc họ tre gồm có tre, nứa; các dòng chảy trên mặt đất: ngòi, sông, suối và trường từ vựng các vị gồm: đắng, cay, ngọt, bùi. 

Dạng 2: Tìm các từ cùng trường từ vựng. 

Ví dụ tìm các từ thuộc trường từ vựng truyện dân gian. Ta có: truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười dân gian, thần thoại, sử thi…

Dạng 3: Nhận diện các từ tượng thanh, từ tượng hình 

Tương tự dạng 1, dạng bài này yêu cầu học sinh xác định từ tượng thanh, từ tượng hình trong một đoạn văn, đoạn thơ đã cho ở đề bài. 

Dạng 4: Tìm từ tượng thanh, tượng hình theo yêu cầu đã cho 

Yêu cầu ấy giúp học sinh định hình cụ thể hơn về từ tượng thanh, từ tượng hình cần tìm. Để làm tốt dạng bài tập này là học sinh cần làm giàu và trau dồi vốn từ ngữ thường xuyên. Ví dụ đề bài tìm các từ tượng thanh mô phỏng giọng nói con người. Ta có các từ: sang sảng, the thé, thủ thỉ, thì thầm, thỏ thẻ, khẽ khàng.

Dạng 5: Phân biệt nghĩa, đặt câu, viết đoạn với các từ tượng thanh, từ tượng hình 

Ví dụ phân biệt các từ tượng thanh mô phỏng giọng nói con người, có thể thấy từ sang sảng nghĩa là chất giọng cao, vang và rõ, khỏe, còn ồm ồm thể hiện tông giọng trầm. Khi đã biết được nghĩa của các từ thì học sinh cần lựa chọn ngữ cảnh phù hợp để đặt câu. Với viết đoạn, bên cạnh việc nắm chắc nghĩa của từ, học sinh phải biết sắp xếp các câu theo một logic để có một đoạn văn hoàn thiện. 

Kiến thức cơ bản về “từ loại” 

Trong chương trình Ngữ văn 8 học kì 1, ngoài nội dung “nghĩa của từ”, học sinh được học chuyên đề từ loại gồm: trợ từ, thán từ và tình thái từ. Để làm tốt dạng bài tập liên quan đến phần kiến thức này, trước hết học sinh phải nắm chắc định nghĩa, phân loại và một số từ thường gặp ở mỗi dạng. 

Trợ từ  Thán từ  Tình thái từ 
Định nghĩa  Là những từ chuyên đi kèm một từ ngữ trong câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ, đánh giá sự vật, sự việc được nói đến.  Là những từ dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người nói hoặc dùng để gọi đáp. Là những từ được thêm vào câu để cấu tạo câu theo mục đích nói (nghi vấn, cầu khiến, cảm thán) và để biểu thị các sắc thái tình cảm của người đó.
Phân loại  –  Trợ từ để nhấn mạnh: những, cái, thì, mà, là, …

Ví dụ: Bây giờ thì tôi quay lại phía biển.

– Trợ từ biểu thị thái độ, sự đánh giá sự việc, sự vật: có, chính, ngay, đích, …

Ví dụ:  Đích thị hôm qua bạn đi xem.

– Thán từ dùng để bộc lộ tình cảm: ôi, ối, chà, eo ơi, hỡi, hỡi ai, trời ơi, khổ quá, chao ôi…

Ví dụ: Hỡi ơi lão Hạc                (Nam Cao)

– Thán từ dùng để gọi đáp: hỡi, ơi, ê, vâng…

Ví dụ: Vâng, cháu cũng đã nghĩ như cụ.      (Ngô Tất Tố). 

– Tình thái từ nghi vấn (hoài nghi), thường có các từ ngữ như: à, chăng…

– Tình thái từ cầu khiến: đi, nào, hãy…

– Tình thái từ cảm thán: ôi, trời ơi, sao…

– Tình thái từ thể hiện các sắc thái biểu cảm: cơ, mà.

Một số từ thường gặp  Thì, làm, mà… Ôi, trời ơi, vâng…. Cơ, nào, hãy…

 

3 dạng bài thường gặp về “từ loại” 

Dạng 1: Nhận dạng từ loại 

Dạng bài tập này đơn thuần yêu cầu học sinh xác định từ nào là trợ từ, thán từ, tình thái từ. Nắm chắc định nghĩa và cách phân loại sẽ giúp học sinh dễ dàng làm được bài tập này. 

Ví dụ xác định trợ từ trong đoạn trích dưới đây: 

Chị Dậu run run:

– Nhà cháu đã túng, lại phải đóng cả xuất sưu của chú nó nữa, nên mới lôi thôi như thế. Chứ cháu có dám bỏ bê tiền sưu của nhà nước đâu! Hai ông làm phúc nói với ông Lý hãy cho cháu khất….

Học sinh dễ dàng nhận ra, trợ từ có trong đoạn trích gồm: đã, cả, nữa, mới, chứ.

Dạng 2: Giải nghĩa các từ loại đã làm được

Vẫn lấy đoạn văn trên, ta giải nghĩa một số từ sau. Khốn nạn: đây là một lời than về sự khổ của đời mình. Từ “à” thể hiện sự nghi vấn và được dùng trong câu hỏi. 

Dạng 3: Từ địa phương và biệt ngữ xã hội 

Từ địa phương là nhóm từ vựng trong kho từ vựng có sự phân cách về không gian địa lý, được cư dân ở một địa phương nhất định sử dụng. Biệt ngữ xã hội là nhóm từ được dùng cho nhóm xã hội, giai cấp, thành phần xã hội nhất định. 

Ví dụ: Cho đoạn thơ sau và xác định từ địa phương? 

– Đằng nớ vợ chưa?

– Đằng nớ?

– Tớ còn chờ độc lập

Cả lũ cười vang bên ruộng bắp,

Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.

(Nhớ – Hồng Nguyên) 

Các từ địa phương trong đoạn thơ gồm: “nớ” (nghĩa là ấy); “bắp” (nghĩa là ngô, “o” (nghĩa là chị). Việc sử dụng các từ địa phương tạo nên một đoạn đối thoại sống động, trẻ trung và gần gũi, thân thương của các anh lính những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Điều này khiến hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ không còn xa cách với mọi người mà nó rất gần gũi trong cuộc sống đời thường. 

Trên đây là tổng hợp các kiến thức phần Tiếng Việt về “từ”  trong chương trình Ngữ văn 8 học kì 1. Thông qua những nội dung thầy Nguyễn Phi Hùng chia sẻ, hy vọng học sinh sẽ nắm chắc lý thuyết và các ví dụ minh họa để vận dụng làm bài tập dạng này một cách hiệu quả nhất. 

Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi học kì sắp tới, quý phụ huynh và học sinh có thể tham khảo CHƯƠNG TRÌNH HỌC TỐT của HOCMAI. Các khóa học bao gồm đầy đủ các môn: Ngữ văn, Toán, Hóa học, Sinh học…và khái quát toàn bộ nội dung sách giáo khoa cùng trọng tâm kiến thức cần nhớ trong chương trình bên cạnh hệ thống bài tập tự luyện, bài kiểm tra định kỳ. 

Quý phụ huynh và học sinh quan tâm đừng quên để lại thông tin theo link dưới đây để được TƯ VẤN LỘ TRÌNH HỌC hiệu quả nhất: https://bit.ly/2pC28Vt