[KIẾN THỨC TOÁN 3]-Nhân số có 2 chữ số với số có 1 chữ số (không nhớ và có nhớ)

0
20661

Nhân số có 2 chữ số với số có 1 chữ số (không nhớ và có nhớ) là kiến thức trọng tâm buộc các con phải nắm chắc trước khi bước vào kiểm tra giữa học kì I. Trong bài viết này, HOCMAI sẽ tổng hợp lý thuyết, các dạng bài thường gặp để giúp các con ôn tập, tự luyện và nâng cao kiến thức.

Càng lên cao, kiến thức con học sẽ càng khó và phức tạp. Vậy nên, để giúp các con nhanh chóng hiểu bài và ghi nhớ kiến thức lâu dài; HOCMAI xin giới thiệu bài giảng Toán 3 trong Chương trình Học Tốt do cô Cao Thị Dung giảng dạy. Mời cha mẹ và các con tham khảo nhé!

I, LÝ THUYẾT CẦN NHỚ 

1. Nhân số có 2 chữ số với số có 1 chữ số (không nhớ)

Ví dụ: 24×2=?

Ta thấy: 24 là số có 2 chữ số

             2 là số có một chữ số 

Thông thường ý nghĩa phép tính nhân chính là tổng của các số hạng giống nhau. Như vậy, 24×2 sẽ bằng 24+24 là tìm ra được kết quả. Tuy nhiên, với những số lớn hơn; ví dụ như 24×4, 24×9,… thì các con không thể áp dụng theo phương pháp như vậy. Do đó, các con sẽ phải áp dụng theo phương pháp dưới đây.

Bước 1: Đặt tính. Các con sẽ đặt tính theo cột dọc. Số 24 một dòng, số 2 một dòng, sao cho chúng thẳng hàng nhau. Ta thấy số 2 chỉ có một chữ số nên nó thuộc hàng đơn vị . Vậy nên, số 2 sẽ được đặt thẳng hàng với số 4 của số 24.

Bước 2: Dùng thước kẻ bút chì kẻ vạch ngang ngay ngắn, cẩn thận. 

Bước 3: Tính. Các con sẽ vận dụng bảng tính nhân, áp dụng quy tắc nhân từ phải sang trái để tính ra kết quả. Ta lấy thừa số thứ hai nhân lần lượt với từng số ở thừa số thứ 1. Ví dụ lấy 2×4=8 (viết 8); sau đó lấy 2×2=4 (viết 4). Như vậy, kết quả phép tính bằng 48. Rất đơn giản và nhanh chóng phải không nào.

2. Nhân số có hai chữ số với số có 1 chữ số (có nhớ)

Ở dạng toán này, bước 1 và bước 2 con thực hiện y chang như trên. Tuy nhiên, với bước 3 thì sẽ phức tạp hơn một chút.

Ta có ví dụ: 47×2=?

– Ta lấy số 2 nhân với chữ số hàng đơn vị của số thứ 1 được một số lớn hơn 10 thì ta chỉ viết chữ số hàng đơn vị của kết quả và nhớ chữ số hàng chục của nó. Xét trong ví dụ 7×2=14. Ta viết 4 và nhớ 1. 

– Thực hiện nhân tiếp số 2 với chữ số hàng chục của số thứ 1; được kết quả bao nhiêu ta sẽ cộng với số vừa nhớ. Từ đó, ta tìm ra kết quả của phép nhân. Cụ thể, ta lấy 2×4=8 nhớ 1 là 9 (8+1=9).

Như vậy kết quả của phép nhân 47×2=94.

II, CÁC DẠNG BÀI TẬP 

Để xem đầy đủ bài giảng cha mẹ có thể truy cập vào đường link sau: Nhân số có hai chữ số với số có 1 chữ số không nhớ và có nhớ 

Dạng 1, Tính 

Dạng bài này yêu cầu các con phải đặt tính rồi tính. Cách làm rất đơn giản, áp dụng theo 3 bước ở phần lý thuyết.

Ví dụ: Đặt tính rồi tính: 22×4, 11×6, 16×6,….

Dạng 2: Dạng toán đố

Ví dụ: Có 5 túi gạo, mỗi túi có 13 kg gạo. Hỏi có tất cả bao nhiêu kg gạo?

Với dạng bài này con cần thực hiện theo những bước sau:

Bước 1: Đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu, giá trị đã có trong bài. 

Xét ví dụ trên, người ta yêu cầu đi tìm tổng số kg gạo và giá trị đã cho là 5 túi gạomỗi túi có chứa 13kg.

Bước 2: Muốn tìm ra kết quả ta sẽ lấy giá trị của mỗi nhóm nhân với số nhóm đã cho

Cụ thể 13×5

Bước 3: Trình bày cẩn thận lời giải, phép tính, đáp số vào vở

Có tất cả số ki-lô-gam gạo là

13×5=65 (ki-lo-gam)

Đáp số: 65 ki-lo-gam gạo 

Bước 4: Kiểm tra lại phần trình bày và kết quả vừa tìm được

Dạng 3: Tìm x

Xét ví dụ: x:6=13 

Ta có x là số bị chia, 6 là số chia và 13 là thương. Như vậy, muốn tìm số bị chia ta lấy thương nhân với số chia.

Áp dụng vào trong ví dụ ta được: x=13×6

                                                 x= 78

Như vậy, cô Cao Thị Dung đã hướng dẫn xong bài “Nhân số có 2 chữ số với 1 chữ số (không nhớ và có nhớ) đến các con. Đây là dạng bài cơ bản, con bắt buộc phải nắm chắc nếu muốn đạt điểm cao trong kì thi giữa kì sắp tới. Để biết thêm nhiều kiến thức cần nhớ, cha mẹ hãy theo dõi các bài tin tiếp theo HOCMAI.vn Tiểu học nhé!