Để giúp học sinh lớp 9 ôn thi hiệu quả và bứt phá điểm cao trong bài thi học kì I môn Ngữ văn, cô Đỗ Khánh Phượng – giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ một số lưu ý quan trọng sau.
Nắm vững các phần kiến thức trọng tâm
Cô Đỗ Khánh Phượng cho biết, dù ôn thi học kì ở giai đoạn nước rút, học sinh vẫn cần rà soát lại toàn bộ nội dung đã học chứ tuyệt đối không được học tủ. Trong đó:
– Ở phần Tiếng Việt, cần nắm vững các kiến thức liên quan đến phương châm hội thoại, xưng hô trong hội thoại; cách dẫn trực tiếp, gián tiếp; sự phát triển của từ vựng, trau dồi vốn từ, thuật ngữ và các nội dung của phần tổng kết từ vựng.
– Ở phần Đọc – hiểu văn bản, cần nắm được nội dung chính của văn bản đó là gì, ý nghĩa và đặc sắc nghệ thuật của các văn bản đó. Các tác phẩm trọng tâm gồm có:
+ Văn bản nhật dụng: Phong cách Hồ Chí Minh, Đấu tranh cho một thế giới hòa bình, Tuyên bố Thế giới về sự sống còn và Quyền được bảo vệ phát triển của trẻ em.
+ Văn học trung đại: Chuyện người con gái Nam Xương, Chương XIV Hoàng Lê nhất thống chí, các đoạn trích Truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên.
+ Văn học hiện đại: Đồng chí, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Đoàn thuyền đánh cá, Bếp lửa, Ánh trăng, Làng, Lặng lẽ Sapa, Chiếc lược ngà.
– Đối với phần Tập làm văn, ở mỗi kiểu bài văn sẽ có phương pháp làm bài khác nhau:
+ Với kiểu bài văn thuyết minh, điều quan trọng là xác định được đối tượng, lượng tri thức cần cung cấp, vận dụng được biện pháp nghệ thuật tự thuật, kể chuyện, miêu tả vào viết bài.
+ Với kiểu bài tự sự, cần xác định được đề tài, chủ đề, xây dựng cốt truyện, tình huống truyện, nhân vật, ngôi kể. Đặc biệt chú ý các dạng đề tài như việc tốt, lỗi lầm, kỉ niệm, nếp sống văn minh, ca ngợi những tình cảm cao đẹp,…
+ Với kiểu bài văn nghị luận, thường đề bài sẽ yêu cầu viết bài văn cảm nhận về đoạn thơ hoặc nhân vật. Đây là phần khó nhưng rất quan trọng nên học sinh cần ôn luyện kỹ, rèn kỹ năng viết đoạn văn, bài văn ngắn cảm nhận về đoạn thơ, đoạn văn, các hình tượng trong thơ, các nhân vật liên quan để tự tin khi bước vào bài thi thật.
Lưu ý các dạng bài thường gặp trong đề thi học kì
Thông thường, cấu trúc đề thi học kì môn Ngữ văn sẽ bao gồm hai phần là đọc – hiểu và tạo lập văn bản. Với phần bài đọc – hiểu, đề bài có thể cho đoạn thơ, đoạn truyện, đoạn nghị luận,… ở trong hoặc ngoài SGK. Câu hỏi thường là nhận diện tác giả, tác phẩm; nêu hoàn cảnh sáng tác; nêu chủ đề, nội dung chính; hoàn thành tiếp văn bản; tìm các biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt; giải thích nghĩa của từ; nêu suy nghĩ, cảm nhận về một vấn đề trong văn bản; ý nghĩa nhan đề; mạch cảm xúc.
Trong khi đó, ở phần tạo lập văn bản, yêu cầu sẽ cao hơn và độ khó cũng tăng lên đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng viết văn tốt mới đạt được điểm cao. Phần này chia làm hai dạng:
– Dạng 1: Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu về hình thức đoạn, dung lượng đoạn, yêu cầu tiếng Việt trong đoạn văn.
– Dạng 2: Viết bài văn hoàn chỉnh, thường không có yêu cầu về hình thức và tiếng Việt mà yêu cầu định hướng rõ nét về nội dung. Cấu trúc bài viết phải đầy đủ ba phần Mở bài – Thân bài – Kết bài và có tính vận dụng cao.
Cấu trúc đề thi học kì I của Phòng GD&ĐT Nam Từ Liêm năm học 2019-2020
Chủ động rèn luyện và trau dồi kỹ năng làm bài
“Muốn đạt được kết quả tốt không chỉ trong bài kiểm tra học kì mà cả trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn nói chung thì việc rèn luyện và trau dồi kỹ năng làm bài là rất quan trọng. Cách đơn giản nhất là luyện đề các năm trước. Làm nhiều đề sẽ giúp các em cải thiện được kỹ năng phân tích đề và cả kỹ năng viết.” – cô Phượng chia sẻ.
Cô cũng nhấn mạnh khi làm đề, học sinh cần đọc kĩ để xác định xem đề bài thuộc dạng câu hỏi gì: nhận biết, thông hiểu, vận dụng hay vận dụng cao. Đồng thời xác định rõ yêu cầu trọng tâm của đề bài là gì bằng cách gạch chân các từ khóa, tránh trả lời vòng vo không đúng trọng tâm.
Mặt khác để cải thiện kỹ năng viết, hãy bắt đầu từ việc viết câu đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, khuyến khích viết câu ngắn (nếu đề không quy định số câu). “Trước khi viết hay thì phải học cách viết đúng, sau đó mới lựa chọn từ ngữ phù hợp, lồng ghép cảm xúc vào để bài viết hay hơn, lắng đọng hơn”.
Có thể thấy việc hệ thống và nắm vững kiến thức trọng tâm, luyện đề để cải thiện các kỹ năng còn yếu như kỹ năng phân tích đề và kỹ năng viết sẽ giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi học kì I. Không những thế đây còn là hành trang vững chắc để học sinh chuẩn bị cho kỳ thi vào 10 sắp tới để có thể bứt phá điểm số môn Ngữ văn.
Để có một lộ trình học tập hiệu quả, chương trình học bám sát nội dung thi, qua đó tự tin chinh phục các bài thi, bài kiểm tra, học sinh lớp 9 có thể tham khảo ngay Chương trình Học tốt 2020 – 2021 của HOCMAI. Khóa học với sự đồng hành của cô Đỗ Khánh Phượng và các thầy cô giáo giỏi, dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp học sinh lớp 9 vững kiến thức trọng tâm, nắm chắc phương pháp làm bài, giảm nhẹ áp lực học tập trong năm học cuối cấp này.
>>> Học thử MIỄN PHÍ tại: https://hocmai.link/Bi-kip-dat-diem-cao-Ngu-Van-9
Đăng ký chương trình Học Tốt 2020 – 2021
Thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy gọi ngay hotline 0936 5858 12 để được tư vấn miễn phí. |