Chữa đề số 8 môn Tiếng việt – Ôn thi vào 6 Chất lượng cao

0
1618

Đến với khóa luyện đề môn Tiếng việt trong Giải pháp Toàn diện HM6, hôm nay cô Bùi Thị Tú sẽ chữa đề số 8, học sinh đọc bài viết dưới đây để biết cách giải dạng đề: TRẮC NGHIỆM VÀ TỰ LUẬN.

A. GIỚI THIỆU

I. Cấu trúc đề 

Phần I – Trắc nghiệm (5 điểm)

Gồm 5 câu hỏi nhiều lựa chọn (từ câu 1 đến câu 5)

Phần II – Tự luận (10 điểm)

Gồm 2 câu hỏi (câu 1, câu 2)

II. Kiến thức trọng tâm

– Từ: Từ xét theo cấu tạo, xét loại, từ xét theo quan hệ âm và nghĩa

– Câu: các thành phần câu, đặt câu theo yêu cầu

– Biện pháp nghệ thuật (tu từ)

– Cảm thụ văn học

– Tập làm văn: viết đoạn văn miêu tả

B. HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

I. Trắc nghiệm (5 điểm)

Trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng nhất

Câu 1: Trong câu “hạnh phúc là những điều giản dị”, từ “hạnh phúc” thuộc từ loại nào?

  1. Danh từ
  2. Động từ
  3. Tính từ
  4. Đại từ 

Đáp án đúng là A. danh từ

Giải thích: Đây là dạng câu Cái gì… là gì => Cái gì ở đây chính là “Hạnh phúc”

Câu 2: Từ “bay” trong trường hợp nào dưới đây được dùng với nghĩa gốc?

  1. Sơn bay màu
  2. Đạn bay vèo vèo
  3. Đàn cò bay
  4. Nốt thủy đậu đang bay dần

Đáp án đúng là C. Đàn cò bay

Giải thích: Từ “bay” theo nghĩa gốc thể hiện sự vận động, di chuyển của người hay vật 

Câu 3: Nhóm từ nào dưới đây không gồm các từ đồng nghĩa 

  1. Bao la, mênh mông, bát ngát, thênh thang
  2. Vắng vẻ, hiu quạnh, hiu hắt, tiêu điều
  3. Lung linh, long lanh, lấp lánh, lóng lánh
  4. Chăm chỉ, cần cù, hăng say, siêng năng

Đáp án đúng là D. Chăm chỉ, cần cù, hăng say, siêng năng

Giải thích: Các từ nhóm A đều chỉ khoảng không gian rộng

Các từ nhóm B đều chỉ sự vắng vẻ

Các từ nhóm C đều chỉ vẻ lung linh, đầy ánh sáng

Các từ nhóm D: chăm chỉ, cần cù, siêng năng có thể thay thế cho nhau; từ hăng say mang nghĩa khác là tinh thần học hỏi, làm việc. 

Câu 4: Câu văn sau có mấy trạng ngữ: 

“Hình như con sông Hương rất nhạy cảm với ánh sáng nên đến lúc tối hẳn, từ trên cầu nhìn xuống, người ta vẫn còn thấy những mảng sắc mơ hồng ửng lên như một ảo giác trên mặt nước tối thẳm”

  1. Một trạng ngữ
  2. Hai trạng ngữ
  3. Ba trạng ngữ
  4. Bốn trạng ngữ

Đáp án đúng là B. Hai trạng ngữ

Giải thích: Hai trạng ngữ đó là “đến lúc tối hẳn” chỉ thời gian, “từ trên cầu nhìn xuống” chỉ nơi chốn

Câu 5: Các bộ phận chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ cho câu “Cái hình ảnh trong tôi về cô, đến bây giờ, vẫn còn rõ nét”, được sắp xếp theo thứ tự nào sau đây?

  1. Trạng ngữ, vị ngữ, chủ ngữ
  2. Chủ ngữ, trạng ngữ, vị ngữ
  3. Trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ
  4. Chủ ngữ, vị ngữ ,trạng ngữ

Đáp án đúng là B. Chủ ngữ, trạng ngữ, vị ngữ

Giải thích: Chủ ngữ đó là “Cái hình ảnh trong tôi về cô”, trạng ngữ đó là “đến bây giờ”, vị ngữ đó là “vẫn còn rõ nét”.

PHẦN II: Tự luận (10 điểm)

Câu 1 (5 điểm): Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

[1] Cà Mau đất xốp. Mùa nắng, đất nẻ chân chim, nền nhà cũng rạn nứt. Trên cái đất phập phều và lắm gió, dông như thế, cây đứng lẻ khó mà chống nổi với những cơn thịnh nộ của trời. Cây bình bát, cây bần cũng phải quây quần thành chòm, thành rặng; rễ phải dài, phải cắm sâu vào trong lòng đất. Nhiều nhất là đước. Đước mọc san sát đến tận mũi đất cuối cùng, thẳng đuột như hằng hà sa số cây dù xanh cắm trên bãi. Nhà cửa dựng dọc theo những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước…

[2] Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông “sấu cản mũi thuyền”, trên cạn “hổ rình xem hát” này, con người phải thông minhgiàu nghị lực. Họ thích kể, thích nghe những huyền thoại về người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây. Tinh thần thượng võ của cha ông được nung đúc và lưu truyền để khai phá gìn giữ mũi đất tận cùng này của Tổ quốc.

(Đất Cà Mau – theo Mai Văn Tạc)

a. Các từ in đậm trong đoạn trích trên thuộc từ loại nào?

Đáp án: Các từ được in đậm là: rạn nứt, san sát, thẳng đuột, xanh rì, thông minh, nghị lực là từ loại tính từ

b. Tìm các từ láy có trong đoạn trích

Đáp án: Các từ láy là: phập phều, san sát

c. Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn “Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông “sấu cản mũi thuyền”, trên cạn “hổ rình xem hát” này, con người phải thông minh và giàu nghị lực.” và nêu tác dụng.

Đáp án: Biện pháp nghệ thuật nhân hóa qua hình ảnh “sấu cản mũi thuyền”, “hổ rình xem hát”

Tác dụng: khiến cho câu văn thêm hay và sinh động. Gợi tả thiên nhiên nơi đây rất khắc nghiệt, dữ dội, nguy hiểm, rình rập và đe dọa cuộc sống con người => Ca ngợi nghị lực của con người.

d. Đặt một câu có từ đồng âm với từ được in đậm trong câu văn “Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước…”

Đáp án: Đời người, ai cũng mong có nhà đẹp, xe sang và một cuộc sống bình an, hạnh phúc. 

e. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 câu) trình bày cảm nhận của em về con người Cà Mau trong đoạn trích

Đáp án:

  • Hình thức: Đoạn văn ngắn (khoảng 5 câu), dùng từ, viết câu đúng, diễn đạt rõ ý
  • Nội dung:
  • Người Cà Mau thông minh, giàu nghị lực, có tinh thần thượng võ
  • Họ thích kể và nghe những chuyện về sức mạnh và trí thông minh của con người như: người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây
  • Con người sống và gắn bó với thiên nhiên, gìn giữ và lưu truyền những giá trị tinh thần của vùng đất, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

=> Khiến ta khâm phục, yêu mến, trân trọng…

Câu 2 (5 điểm):

William Arthur Ward có viết: “Bạn là người ta cảm thấy thoải mái khi ở cùng, ta sẵn lòng trung thành, đem lại cho ta lời chúc phúc và ta cảm thấy biết ơn vì có họ trong đời”. Hãy viết đoạn văn từ 10-12 câu tả một người bạn thân của em.

Đáp án: 

– Hình thức: Đoạn văn từ 10-12 câu (đủ bố cục: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn), trình bày sạch đẹp, dùng từ, đặt câu và diễn đạt tốt

– Nội dung: Giới thiệu người bạn thân sẽ tả kèm ấn tượng của em sẽ tả về bạn 

  • Tả ngoại hình: vóc dáng, trang phục, mái tóc, khuôn mặt, đôi mắt, chiếc mũi, nụ cười, giọng nói,… 
  • Tả vài nét về hoạt động, tính cách, phẩm chất, cách cư xử của bạn; mối quan hệ thân thiết giữa em và bạn
  • Bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, liên hệ… của mình với người bạn thân

Bài giảng chữa đề số 8 là một trong 15 đề có trong khóa Luyện đề vào 6. Để con được luyện tập nhiều dạng đề khác nhau, bám sát với kỳ thi vào 6 các trường Chất Lượng Cao, phụ huynh – học sinh có thể tham khảo khóa Luyện đề vào 6 có trong giải pháp. Ngoài ra, song song với khóa Luyện đề, còn có khóa Tổng Ôn – giúp con rèn phương pháp, luyện kỹ năng và tâm lý phòng thi với các đề thi.

Để tìm hiểu thêm về Giải pháp Toàn Diện HM6 – cha mẹ và con tìm hiểu TẠI ĐÂY. Khi gặp bất cứ thắc mắc nào, cha mẹ gọi đến hotline để được tư vấn miễn phí.