Giáo viên nói gì về đề thi Ngữ văn vào 10 trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2020?

0
5054

Đây là năm đầu tiên trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên. Theo nhận định của các giáo viên HOCMAI về đề thi môn Ngữ văn, đề thi năm nay khá nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo kiểm tra kiến thức toàn diện cho học sinh. 

Sáng 12/7/2020, thí sinh dự thi vào lớp 10 trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội) đã hoàn thành bài thi đầu tiên – môn Ngữ văn (vòng 1) với thời gian làm bài 120 phút.

Phụ huynh, học sinh xem chi tiết đề thi và nhận định đề thi của các thầy cô HOCMAI dưới đây!

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2020.

Nhận định về đề thi Ngữ văn vào lớp 10 chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2020, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, đây là năm đầu tiên trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10. Đề thi Ngữ văn chung có cấu trúc quen thuộc với hai phần: Đọc hiểu văn bản và Làm văn.

Phần Đọc hiểu văn bản (3 điểm) kiểm tra các kiến thức đọc hiểu văn bản trích trong truyện ngắn Chiếc lược ngà. Các câu hỏi tập trung kiểm tra kiến thức về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, kiến thức tiếng Việt và ý nghĩa một chi tiết trong văn bản. Các câu hỏi đề khá cơ bản, nắm chắc thông tin và nội dung tác phẩm các thí sinh sẽ làm tốt và giành điểm ở các câu hỏi này.

Phần Làm văn có hai câu hỏi, yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội và đoạn nghị luận văn học.

Đoạn nghị luận xã hội hỏi về ý nghĩa của tình cảm gia đình. Vấn đề cần nghị luận gần gũi, quen thuộc với học sinh nên sẽ không gây khó khăn cho các thí sinh, nhất là khi đây là học sinh dự thi vào trường chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn.

Đoạn nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận về khổ thơ thứ tư và thứ năm của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, nói về ước vọng hoà nhập và cống hiến của tác giả. Đoạn thơ hay, vừa giàu ý nghĩa vừa có nhiều hình ảnh ấn tượng, cảm xúc chân thành, tha thiết. Đây cũng là phần kiến thức nằm trong trọng tâm ôn luyện mà học sinh đã được ôn tập kĩ càng.

“Nhìn chung, đề nhẹ nhàng, các câu hỏi không quá khó, đều nằm trong phạm vi chương trình Ngữ văn 9. Các thí sinh ôn tập chu đáo, có kiến thức chắc chắn và kĩ năng làm bài tốt sẽ không gặp khó khăn với đề thi này. Mặt bằng chung điểm số đề Văn chung có thể sẽ cao”, Thầy Hùng nhận định.

Cùng quan điểm với thầy Hùng, cô Nguyễn Thị Thu Trang, Giáo viên Ngữ văn (trường Phổ thông liên cấp Wellspring ) cho biết: Đề thi có trọng tâm kiến thức vào chương trình Ngữ văn lớp 9, kiểm tra toàn diện kiến thức và kĩ năng của học sinh về đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Phần I, ngữ liệu là văn bản “Chiếc lược ngà” quen thuộc với các câu hỏi về tác giả, tác phẩm, kiến thức Tiếng Việt liên quan đến lời dẫn trực tiếp, riêng câu hỏi cảm thụ chi tiết khá hay để học sinh lí giải liên quan đến tâm trạng cảm xúc của nhân vật.

Phần II, Làm văn, câu hỏi cơ bản và học sinh có thể triển khai ý tương đối dễ dàng về chủ đề tình cảm gia đình, câu hỏi nghị luân văn học cảm nhận về khổ 4-5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” vừa sức với học sinh. Nhìn chung đề thi không có câu hỏi quá khó lắt léo nhưng có thể đánh giá toàn diện kĩ năng.