Teen 2k5 xem ngay nhận định đề thi Ngữ văn (vòng 2) vào lớp 10 chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2020

0
2326

Theo nhận định của các giáo viên HOCMAI, đề thi môn Ngữ văn dành cho học sinh thi vào lớp 10 chuyên Văn nặng về lý luận nhưng đảm bảo được tính phân hóa để tuyển chọn vào các lớp chuyên. Điểm 5-6 là phổ biến.

Sáng 13/7/2020, thí sinh dự thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội) đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn (vòng 2) – môn chuyên dành cho thí sinh dự định thi vào các lớp chuyên Văn của trường. Dưới đây là đề thi và nhận định chi tiết về đề thi này!

Đề thi môn Ngữ văn (vòng 2) dành cho học sinh thi vào lớp 10 chuyên Văn trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2020.

Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn – Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định đề thi chuyên Văn trường THPT Chuyên KHXH&NV có hình thức đề thi quen thuộc so với cấu trúc thi chuyên, gồm 2 phần, một phần Nghị luận xã hội, một phần Nghị luận văn học.

Phần nghị luận xã hội (4 điểm): Đề hướng về một vấn đề rất thực tế: cơ hội thể hiện bản thân, tuy nhiên lại chủ yếu yêu cầu bàn luận về tác động của người khác trong việc thể hiện cái tôi cá nhân. Tất nhiên có tác động tiêu cực, có tác động tích cực, vấn đề là chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng của tác động đó như thế nào, có biết phân tích để lựa chọn đúng sai hay không mới không đánh mất cơ hội thể hiện bản thân.

Câu hỏi yêu cầu học sinh có chính kiến, phải biết phản đề và bảo vệ quan điểm của mình. Thao tác lập luận bác bỏ sẽ rất hữu ích với đề này. Học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc lấy dẫn chứng. Học sinh bên cạnh việc biết lập luận, cần có hiểu biết thực tế, cần sự già dặn trong tư duy của thí sinh mới có thể đáp ứng được yêu cầu đề.

Phần nghị luận văn học (6 điểm): Đề đưa ra một nhận định trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 9/1973. Nội dung hướng đến hai vấn đề là giá trị hình thức và vai trò của tác phẩm nghệ thuật thơ. Trong đó hướng đến yếu tố: giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mỹ. Tuy nhiên thơ khác với văn xuôi ở sự tác động tinh tế, nhẹ nhàng và phải cảm nhận một cách dài lâu để từ từ thấm, hiểu và tiếp nhận để “tự bước đi trên con đường của chính mình” (Nguyễn Đình Thi). Đề hơi yêu cầu cao về vấn đề lý luận: giá trị văn học và tiếp nhận văn học; đây cũng là một yêu cầu khó đối với học sinh lớp 9. Nội dung bao quát, kiến thức cần sự sâu rộng, học sinh phải học kĩ bài “Tiếng nói của văn nghệ” và có vốn thơ phong phú mới có đủ lực để thực hiện đề NLVH.

Nhìn chung, đề Văn Chuyên KHXH & NV năm nay kiểm tra khá sâu kiến thức lí luận và vốn văn học của học sinh. Các câu hỏi không lắt léo hay đánh đố nhưng đều có độ khó cao. Muốn hoàn thành tốt bài làm, các em không chỉ cần nắm chắc những kiến thức trong chương trình học, mà cần có kiến thức thực tế, đồng thời kĩ năng làm bài phải thành thạo, nhuần nhuyễn, nhất là nghệ thuật lập luận. Với đề thi này, nhiều bạn sẽ cảm thấy “khó thở” vì mình khó có thể hoàn thành tốt đa các yêu cầu của đề thi, điểm 5-6 sẽ phổ biến.

Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn tại HOCMAI cũng chia sẻ: Đề Văn chuyên  của THPT chuyên KHXH&NV có cấu trúc giống với các đề thi vào trường Chuyên của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng như Chuyên Sư phạm. Câu nghị luận xã hội với vấn đề nghị luận không mới nhưng cách đặt vấn đề dưới dạng câu nghi vấn cùng với mối quan hệ đối sánh lắng nghe – thể hiện, sẽ cho phép thí sinh được tự do thể hiện quan điểm cá nhân với những góc nhìn riêng, sâu sắc, toàn diện.

Với câu nghị luận văn học, để làm tốt thí sinh trước hết phải giải thích được vấn đề, hiểu được vai trò, mối quan hệ giữa hai mặt hình thức và nội dung của tác phẩm thơ ca. Để rồi từ đó, chứng minh lời nhận định thông qua một (một số) bài thơ đã học, đã đọc.

Để làm được điều đó, học sinh không chỉ có kiến thức chắc chắn về các tác phẩm trong chương trình học trên lớp, còn phải nắm được những khái niệm cơ bản về lí luận văn học, có kĩ năng tổng hợp, so sánh. Nhìn chung lại, đề thi văn chuyên của Chuyên KHXH và NV có khả năng phân hoá tốt, giúp chọn được những thí sinh vừa chắc kiến thức, thạo kĩ năng, đồng thời lại có năng lực cảm thụ văn chương, làm tiền đề cho quá trình học chuyên sau này.