Môn Toán 6 chương trình GDPT mới: Học trò được kiểm tra, đánh giá như thế nào?

0
4136
Từ năm học 2021-2022, học sinh sẽ được kiểm tra,đánh môn Toán với nhiều phương pháp khác nhau. (Ảnh minh họa).

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Toán lớp 6 – chương trình GDPT mới của học sinh sẽ dựa trên những yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù của môn học.

Mục tiêu giáo dục môn Toán – chương trình GDPT mới

Theo nội dung chương trình GDPT mới, ở bậc THCS môn Toán giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực toán học với một số yêu cầu như: lập luận, giải quyết vấn đề, chứng minh được mệnh đề toán học không quá phức tạp; dùng công thức toán học, phương trình đại số, hình biểu diễn… để mô tả tình huống ở một số bài toán thực tiễn. Học sinh sử dụng được ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường để thể hiện chứng cứ, cách thức và kết quả lập luận…

Xuyên suốt bậc THCS, học sinh được trang bị kiến thức và kĩ năng toán học cơ bản về Số và Đại số; Hình học và Đo lường (bao gồm Hình học trực quan và Hình học phẳng); Thống kê và Xác suất theo vòng tròn đồng tâm.

Trong đó, ở chương trình lớp 6, thời lượng nội dung về Số, Đại số (49%), Hình học và Đo lường (30%), Thống kê và Xác suất (14%), Hoạt động thực hành và trải nghiệm (7%).

Bên cạnh đó, môn Toán góp phần giúp học sinh có những hiểu biết tương đối tổng quát về các ngành nghề gắn với môn học, làm cơ sở cho định hướng nghề nghiệp sau này; có đủ năng lực tối thiểu tìm hiểu về toán học trong suốt cuộc đời.

Phương pháp đánh giá kết quả học tập môn Toán lớp 6 mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, việc đánh giá kết quả giáo dục môn Toán cần chính xác, kịp thời, có giá trị đối với sự phát triển năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

Vận dụng kết hợp nhiều hình thức (đánh giá quá trình, đánh giá định kì), nhiều phương pháp (quan sát, ghi lại quá trình thực hiện, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, tự luận, kiểm tra viết, bài tập thực hành, các dự án/sản phẩm học tập, thực hiện nhiệm vụ thực tiễn…) vào những thời điểm thích hợp.

Hoạt động trải nghiệm là một trong những nội dung có ở môn Toán lớp 6 – chương trình GDPT mới.

Trong đó, cần chú trọng vào các phương pháp giúp đánh giá từng thành tố năng lực toán học khác nhau. Cụ thể như sau:

– Đánh giá năng lực tư duy và lập luận toán học: sử dụng một số công cụ đánh giá như các câu hỏi, bài tập… đòi hỏi học sinh phải trình bày, so sánh, phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá kiến thức; phải vận dụng kiến thức toán học để giải thích, lập luận.

– Đánh giá năng lực mô hình hoá toán học: đưa ra tình huống thực tiễn làm xuất hiện bài toán, từ đó đòi hỏi học sinh phải xác định được mô hình toán học (gồm công thức, phương trình, bảng biểu, đồ thị…) cho tình huống xuất hiện trong bài toán thực tiễn và giải quyết bài toán đó.

– Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề toán học: yêu cầu người học nhận dạng tình huống, phát hiện và trình bày vấn đề cần giải quyết; mô tả, giải thích các thông tin ban đầu của vấn đề đang xem xét; thu thập, lựa chọn, sắp xếp thông tin và kết nối với kiến thức đã có; sử dụng các câu hỏi đòi hỏi phải vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề; quan sát người học trong quá trình đó; đánh giá qua các sản phẩm thực hành.

 – Đánh giá năng lực giao tiếp toán học: yêu cầu học sinh nghe hiểu, đọc hiểu, tóm tắt, phân tích, lựa chọn, trích xuất được được các thông tin toán học cơ bản, trọng tâm trong văn bản nói hoặc viết; sử dụng được ngôn ngữ toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường trong việc trình bày, diễn đạt, nêu câu hỏi, thảo luận, tranh luận các nội dung, ý tưởng, giải pháp toán học trong sự tương tác với người khác.

– Đánh giá năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán: yêu cầu người học nhận biết được tên gọi, tác dụng, quy cách sử dụng, cách thức bảo quản, ưu điểm, hạn chế của các công cụ, phương tiện học toán; trình bày được cách sử dụng (hợp lí) công cụ học toán để thực hiện nhiệm vụ học tập.

Đặc biệt, khi lên kế hoạch bài học, giáo viên cần đặt ra các tiêu chí và cách thức đánh giá, đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản đó.

Trên đây là những nội dung đánh giá kết quả giáo dục đối với môn Toán theo chương trình GDPT mới. Những đổi mới về phương pháp, hình thức đánh giá sẽ giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù của môn học.

Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 sẽ chính thức học chương trình SGK mới. Thấu hiểu được những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh, Hệ thống Giáo dục HOCMAI – Nền tảng giáo dục trực tuyến số 1 tại Việt Nam đã xây dựng các kênh thông tin giúp cha mẹ cập nhật mới nhất những thông tin, tài liệu về chương trình GDPT mới.

Phụ huynh theo dõi ngay Fanpage Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 6 và Group Đồng hành cùng con học tốt chương trình lớp 6 mới để cùng thảo luận các thông tin liên quan.