Ngữ văn lớp 6 chương trình GDPT mới: Những thay đổi về kiểm tra, đánh giá

0
5393

Ở chương trình GDPT mới, khi kiểm tra và đánh giá cuối kỳ môn Ngữ văn cơ sở giáo dục tiến hành đổi mới cấu trúc đề, câu hỏi, phân giải độ khó, tránh sử dụng các ngữ liệu đã học… để đánh giá chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm của học sinh.

Yêu cầu học sinh cần đạt trong môn Ngữ văn lớp 6 – chương trình GDPT mới

Môn Ngữ văn bậc THCS sẽ giúp học sinh phát triển những năng lực chung, năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học đã được hình thành từ bậc tiểu học theo định hướng chương trình GDPT mới.

Về năng lực ngôn ngữ, học sinh biết vận dụng tiếng Việt và trải nghiệm, khả năng suy luận để hiểu văn bản; đọc các thể loại văn bản; hiểu nội dung tường minh và hàm ẩn; bước đầu biết phân tích, đánh giá nội dung và đặc điểm nổi bật về hình thức biểu đạt của văn bản; liên hệ trải nghiệm bản thân. Từ đó các em có cách nhìn, cách nghĩ và những cảm nhận riêng về cuộc sống, làm giàu đời sống tinh thần.

Học sinh lớp 6 viết văn tự sự, miêu tả và biểu cảm, bước đầu biết viết văn nghị luận, thuyết minh, nhật dụng.

Các em được bồi dưỡng năng lực văn học thông qua việc nhận biết được đề tài, hiểu được chủ đề, ý nghĩa của văn bản đã đọc; truyện dân gian, truyện ngắn, thơ, kí; chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình và giá trị biểu cảm, giá trị nhận thức của tác phẩm văn học. 

Học sinh phân tích được tác dụng của một số yếu tố hình thức và biện pháp nghệ thuật gắn với đặc điểm của mỗi thể loại văn học (cốt truyện, lời người kể chuyện, lời nhân vật, không gian và thời gian, vần, nhịp, hình ảnh và các biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh).

Học sinh lớp 6 sẽ được học 2 mạch kiến thức về Tiếng Việt và Văn bản văn học

Học sinh lớp 6 được đánh giá môn Ngữ văn như thế nào ở chương trình GDPT mới?

Phương pháp đánh giá

Đối với môn Ngữ văn, học sinh được đánh giá bằng hai cách là thường xuyên và định kì.

Trong đó, giáo viên môn học đánh giá thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình dạy học bằng cách quan sát và ghi chép hằng ngày, việc học sinh trả lời câu hỏi hoặc thuyết trình làm bài kiểm tra, viết phân tích và phản hồi văn học, viết thu hoạch, làm dự án sưu tầm tư liệu, làm bài tập nghiên cứu…

Hình thức đánh giá thường xuyên gồm: giáo viên đánh giá học sinh, học sinh đánh giá lẫn nhau, học sinh tự đánh giá.

Đánh giá định kì được thực hiện vào cuối học kì do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện thông qua các đề kiểm tra hoặc đề thi viết. Đề kiểm tra theo hình thức viết tự luận, có thể kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận (câu hỏi mở) để đánh giá kĩ năng đọc hiểu và yêu cầu viết bài văn về một chủ đề nào đó theo kiểu văn bản đã học. Nếu có điều kiện, cơ sở giáo dục có thể sử dụng hình thức kiểm tra vấn đáp để đánh giá nói và nghe.

Khi kiểm tra cuối kỳ, cơ sở giáo dục tiến hành đổi mới cấu trúc đề, câu hỏi, phân giải độ khó, tránh sử dụng các ngữ liệu đã học… để đánh giá chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm của học sinh, tránh tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn.

Việc đánh giá phải đảm bảo nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic, những suy nghĩ và tình cảm của chính học sinh, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo.

Nội dung đánh giá

Ở môn Ngữ văn lớp 6 chương trình mới, thời lượng giáo dục dành cho kỹ năng đọc chiếm 63%, viết (22%), nói và nghe (10%), đánh giá định kì (5%). Do đó nội dung đánh giá phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù và sự tiến bộ của học sinh đều thông qua chính các hoạt động đọc, viết, nói, nghe.

Hoạt động đọc: yêu cầu học sinh hiểu nội dung, chủ đề của văn bản, quan điểm và ý định của người viết; xác định các đặc điểm thuộc về phương thức (kiểu văn bản, thể loại, ngôn ngữ); trả lời các câu hỏi theo những cấp độ tư duy khác nhau; lập luận, giải thích cho cách hiểu của mình; nhận xét, đánh giá về giá trị và sự tác động của văn bản đối với bản thân; thể hiện cảm xúc đối với những vấn đề được đặt ra trong văn bản; liên hệ, so sánh giữa các văn bản và giữa văn bản với đời sống.

Hoạt động viết: yêu cầu học sinh tạo lập các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng. Việc đánh giá kĩ năng viết cần dựa vào các tiêu chí chủ yếu như nội dung, kết cấu bài viết, khả năng biểu đạt và lập luận, hình thức ngôn ngữ và trình bày…

Hoạt động nói và nghe: yêu cầu học sinh nói đúng chủ đề và mục tiêu; sự tự tin, năng động của người nói; biết chú ý đến người nghe; biết tranh luận và thuyết phục; có kĩ thuật nói thích hợp; biết sử dụng các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ và phương tiện công nghệ hỗ trợ.

Học sinh nắm bắt, đánh giá quan điểm của người nói; biết đặt câu hỏi, nêu vấn đề, trao đổi để kiểm tra những thông tin chưa rõ; có thái độ nghe tích cực và tôn trọng người nói; biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác biệt.

Trên đây là những phương pháp và nội dung đánh giá kết quả giáo dục của môn Ngữ văn – chương trình GDPT mới với học sinh lớp 6 nói riêng và bậc THCS nói chung. Phụ huynh cần nắm bắt kịp thời để có kế hoạch học tập sớm cho con trong năm học 2021-2022 với nhiều thay đổi.

Thấu hiểu được những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh, Hệ thống Giáo dục HOCMAI – Nền tảng giáo dục trực tuyến số 1 tại Việt Nam đã xây dựng chương trình Học tốt lớp 6 

Với hệ thống hàng nghìn bài giảng đã được chứng nhận hợp chuẩn chương trình GDPT mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình Học tốt 6 sẽ giúp con có lộ trình học tập bài bản, trang bị toàn diện kiến thức, kĩ năng và đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới.

ĐĂNG KÝ HỌC THỬ MIỄN PHÍ BÀI GIẢNG HỌC TỐT 6 TẠI ĐÂY