Ở chương trình GDPT mới, môn Toán hướng đến tính ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Học sinh không chỉ chiếm lĩnh kiến thức mà còn biết vận dụng vào cuộc sống, tự mình tìm ra đáp án cho câu hỏi “Học Toán để làm gì?”
5 năng lực đặc thù môn Toán – chương trình GDPT mới
Ở chương trình GDPT mới, Toán là một trong những môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.
Theo đó, mục tiêu chung của môn học này giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực toán học đặc thù; các kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn, giáo dục toán học tạo dựng sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa toán học với các môn học khác và giữa toán học với đời sống thực tiễn.
Do đó, để học sinh hiểu và học được, chương trình Toán ở trường phổ thông cần bảo đảm sự cân đối giữa “học” kiến thức và “vận dụng” kiến thức vào giải quyết vấn đề cụ thể.
Môn Toán góp phần hình thành và phát triển cho học sinh năng lực toán học bao gồm các thành phần cốt lõi sau:
Năng lực tư duy và lập luận toán học.
Năng lực mô hình hoá toán học.
Năng lực giải quyết vấn đề toán học.
Năng lực giao tiếp toán học.
Năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán.
Tính ứng dụng vào thực tiễn của môn Toán còn được thể hiện qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm với nhiều hình thức như: thực hiện những đề tài, dự án học tập về Toán, đặc biệt là khả năng ứng dụng trong thực tiễn; tổ chức trò chơi, câu lạc bộ toán học, diễn đàn, hội thảo, cuộc thi về Toán… tạo cơ hội giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn một cách sáng tạo.
“Học Toán để làm gì?”
Với những thay đổi ở chương trình GDPT mới, thầy Trần Đức Anh – Tổ trưởng môn Toán – Dự án phát triển chương trình GDPT 2018 (Hệ thống Giáo dục HOCMAI) cho rằng môn học này đã đổi mới rất nhiều để phù hợp với thời đại mới. Toán trở nên bổ ích và gắn với cuộc sống nhiều hơn.
“Môn Toán ở chương trình mới sẽ trang bị cho học sinh những kĩ năng đặc thù để các em có thể vận dụng vào nhiều tình huống sẽ gặp trong đời sống. Thay vì chỉ dạy những lý thuyết thuần túy, các em sẽ được học những kiến thức về kinh tế, quản lí tài chính gia đình, các bài toán về tín dụng… có tính thực tế cao hơn trước”, anh chia sẻ.
Năng lực 1: Tư duy và lập luận toán học
Học sinh thực hiện được thao tác tư duy so sánh, phân tích, tổng hợp, đặc biệt hóa, khái quát hóa, tương tự, quy nạp, diễn dịch. Như ở cấp tiểu học, các em có thể nhờ đó mà tìm kiếm được sự tương đồng và khác biệt trong những tình huống quen thuộc ở đời sống.
Kế tiếp là việc chỉ ra được chứng cứ, lý lẽ và biết lập luận hợp lý trước khi đưa ra kết luận. Từ đây các em giải thích hoặc điều chỉnh được cách thức giải quyết vấn đề về phương diện toán học nói chung và các vấn đề trong cuộc sống nói riêng.
Năng lực 2: Mô hình hóa toán học
Năng lực mô hình hóa toán học được thể hiện qua các bước như sau:
- Bước 1: Xác định được mô hình toán học.
- Bước 2: Giải quyết được vấn đề toán học trong mô hình vừa lập.
- Bước 3: Thể hiện và đánh giá được lời giải trong ngữ cảnh thực tế.
Thầy giáo phân tích: “Hãy tưởng tượng, sau mỗi dịp Tết, học sinh có thể tự lên kế hoạch cho việc sử dụng tiền lì xì của bản thân, quan trọng hơn các em thiết lập được một bản kế hoạch chi tiết và dùng chính bản kế hoạch đó để thuyết phục ba mẹ đồng ý”.
Năng lực 3: Giải quyết vấn đề toán học
Chương trình GDPT mới, khi học môn Toán, học sinh sẽ được hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề toán học từ trên sách vở đến ngoài thực tế đời sống. Các bước để phát triển năng lực này cụ thể như sau:
- Bước 1: Nhận biết, phát hiện vấn đề toán học.
- Bước 2: Lựa chọn, đề xuất cách giải quyết.
- Bước 3: Sử dụng các công cụ sẵn có để giải quyết vấn đề đó.
- Bước 4: Đánh giá được giải pháp đề ra và khái quát được vấn đề tương tự.
“Mỗi lượt đổ viên xúc xắc sẽ cho ra một con số khác nhau và các em sẽ di chuyển nhân vật của mình quanh bàn cờ tương ứng con số trên nút đó. Chẳng phải việc liên tục phải cộng kết quả của 2 viên xúc xắc chính là thực hiện phép cộng trong phạm vi 12 đó sao”, thầy Đức Anh tiếp tục lí giải.
Năng lực 4: Giao tiếp toán học
Năng lực giao tiếp toán học được thể hiện cụ thể qua các nội dung như sau:
- Học sinh chuyển được các thông tin toán học thành kiến thức văn bản hoặc lời nói cho người khác hiểu.
- Học sinh trình bày, diễn đạt được các nội dung ý tưởng, giải pháp toán học trong sự tương tác với người khác.
- Thể hiện được sự tự tin khi trình bày, giải thích, đánh giá các ý tưởng toán học (tranh luận).
Theo thầy, năng lực giao tiếp toán học có thể thấy được rõ trong các hoạt động trò chơi trong lớp học. “Ví dụ khi giáo viên đưa ra thử thách cho cả lớp như “Bạn bị trói lại trong lưới nhện, trong vòng 3 lượt cần có 4 người bạn đến cứu”. Điều này đòi hỏi các học sinh phải thảo luận, lên kế hoạch, tính toán làm sao và chọn ra 4 bạn nào có khả năng tiến vào cứu bạn đó”, anh lấy ví dụ.
Năng lực 5: Sử dụng công cụ, phương tiện học toán
Việc sử dụng những công cụ, phương tiện phục vụ cho việc học Toán ngày nay đã rất phổ biến. Từ những chiếc máy tính bỏ túi đơn giản đến các dòng máy có sự cải tiến cao hơn, thông minh hơn như: Casio FX 570VN Plus, Casio FX 570ES Plus, Vinacal 570EX Plus II…
Mỗi loại máy sẽ có những ưu nhược điểm riêng và tùy vào từng mục đích sử dụng cũng như nhu cầu, học sinh sẽ lựa chọn được loại máy phù hợp với bản thân mình.
“Học sinh đứng trước những thay đổi của môn Toán ở chương trình mới, các em sẽ có nhiều lợi thế hơn để sáng tạo và xây dựng cho mình những định hướng về sở thích, nghề nghiệp trong tương lai. Hiểu mình sẽ học gì, hiểu mình đang học gì, mình có thắc mắc gì, học xong mình ứng dụng kiến thức vào đâu”, thầy giáo trẻ cho hay.
Thấu hiểu được những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh, Hệ thống Giáo dục HOCMAI – Nền tảng giáo dục trực tuyến số 1 tại Việt Nam đã xây dựng các kênh thông tin giúp cha mẹ cập nhật, trao đổi những thông tin, tài liệu mới nhất về chương trình GDPT mới.
Phụ huynh theo dõi ngay Fanpage Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 6 và Group Đồng hành cùng con học tốt chương trình lớp 6 mới để cùng thảo luận các thông tin liên quan.