Học tốt Khoa học tự nhiên 6: Bài giảng thú vị về “Huyền phù và nhũ tương” của thầy Nguyễn Thành Nam.

0
4270

Bắt đầu từ năm học 2021-2022 tới đây, học sinh lớp 6 trên cả nước sẽ lần đầu tiên được tiếp xúc với một môn học mới mang tên: Khoa học tự nhiên. Đây là môn học “lạ mà quen” nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung môn học được tích hợp kiến thức ở nhiều lĩnh vực như Vật lí, Hóa học, Sinh học, Khoa học về Trái đất & bầu trời,… Học sinh sẽ có cơ hội được trải nghiệm các bài giảng sống động, hiện đại của thầy cô thông qua những video mô phỏng thực tế và các thí nghiệm thực hành nghiên cứu, chế tạo. 

Dưới đây là video bài giảng “Huyền phù và nhũ tương” – môn Khoa học tự nhiên của thầy Nguyễn Thành Nam. Phụ huynh và học sinh quan tâm cùng theo dõi và tham khảo bài viết dưới đây nhé.

Chi tiết video bài giảng của thầy Nam:

“Huyền phù và nhũ tương” là bài giảng nằm trong chủ đề học “Chất tinh khiết, hỗn hợp, dung dịch” của môn Khoa học tự nhiên lớp 6.

I/ HUYỀN PHÙ

1. Thí nghiệm thực tế: 

Đề giúp các bạn học sinh hiểu rõ nhất khái niệm của huyền phù, thầy Nam đã đưa ra ví dụ về một trường hợp khá đặc biệt của dung dịch mà lại không phải dung dịch. Cụ thể, thầy Nam sử dụng bột sắn dây để pha vào nước.

Thầy Nam phân tích thí nghiệm:

Bột sắn dây là chất rắn. Sau khi cho bột sắn dây vào nước lọc và khuấy đều lên cho đến khi bột sắn tan hết thì sẽ thấy một chất lỏng khá đặc, sánh và có màu trắng đục.

Kết thúc thí nghiệm, thầy đặt câu hỏi mở để cùng các bạn học sinh tìm hiểu và khám phá:
“Theo các em, đây có phải là dung dịch hay không?”

Để trả lời được cho câu hỏi trên thì thầy Nam đã gợi nhắc lại khái niệm về dung dịch. Theo đó, dung dịch là một hỗn hợp có độ đồng nhất tuyệt đối. Tuy nhiên, khi nghiên cứu bột sắn dây sau khi pha vào nước thì cho thấy hỗn hợp này chưa đạt được đến độ đồng nhất tuyệt đối như vậy. Bởi khi phóng đại lên để quan sát, sẽ thấy được trong cốc nước pha bột sắn dây có rất nhiều hạt nhỏ li ti, những hạt nhỏ li ti đó tuy đã tan vào nước nhưng lại không hề tan ở cấp độ phân tử. Do đó, hỗn hợp trên không phải là dung dịch.

Ngoài ra còn một cách nữa để nhận biết hỗn hợp nước pha bột sắn dây không phải là một hệ đồng nhất tuyệt đối giống như dung dịch. Đó là sau khi khuấy đều thì ta sẽ để yên cốc nước ở đó và rời đi. Sau khoảng 30 phút quay lại, ta sẽ thấy phần bột sắn dây (dù trước đó đã khuấy rất kĩ và tưởng chừng như tan hết vào nước) lắng xuống dưới đáy cốc. 

Do vậy, hỗn hợp bột sắn dây sau khi pha vào nước và khuấy đều thì trông có vẻ như là dung dịch, nhưng nó lại không phải dung dịch.

Hỗn hợp nước pha bột sắn dây ngay sau khi khuấy đều.
Sau khi khuấy khoảng 30 phút và để yên, ta sẽ thấy phần bột sắn dây lắng dần xuống đáy cốc.

2. Khái niệm:

Từ phần thực hành với bột sắn dây nêu trên, thầy Nam rút ra khái niệm như sau:

“Huyền phù” là hỗn hợp giữa chất lỏng và chất rắn không đồng nhất. Các hạt chất rắn nhỏ phân tán trong chất lỏng.

Khái niệm về “huyền phù” mà thầy Nam đưa ra.

II/ NHŨ TƯƠNG

Bên cạnh huyền phù thì nhũ tương cũng là một hỗn hợp khá đặc biệt. Nhũ tương không phải là dung dịch. Cũng giống như huyền phù, nhũ tương là hỗn hợp nhưng không đồng nhất đến cấp độ phân tử. Nhũ tương cũng không phải là huyền phù, bởi nó không phải là hỗn hợp giữa chất lỏng và chất rắn.

1. Thí nghiệm thực tế: 

Thầy Nam tiếp tục đưa ra một thí nghiệm nữa để học sinh dễ hình dung. Cụ thể, thí nghiệm sẽ sử dụng 2 chất lỏng vô cùng quen thuộc là nước tinh khiết và dầu ăn. 

Ta sẽ rót nước tinh khiết ra cốc trước và sau đó đổ một lượng vừa đủ dầu ăn vào cốc nước đó. Sau đó chờ một lúc, ta sẽ thấy hiện tượng dầu ăn nổi hết lên trên bề mặt nước, hỗn hợp trong chiếc cốc lúc này chia thành 2 phần rõ rệt phân chia ranh giới trên – dưới.

Nước & dầu ăn “phân chia ranh giới” ngay trong chiếc cốc.

Khi đó ta nói:

Dầu ăn không phải là chất tan của nước (hoặc nước không phải chất ta của dầu ăn).
Nước không phải là dung môi của dầu ăn (hoặc dầu ăn không phải là dung môi của nước).

Tóm lại, nước và dầu ăn không thể tan được vào nhau.

2. Mở rộng:

Lúc này, thầy Nam gợi thêm một câu hỏi mở:

“Vậy nếu ta khuấy hỗn hợp này thì sẽ xảy ra chuyện gì?”

Quan sát hiện tượng sau khi khuấy đều hỗn hợp nước – dầu ăn lên, ta sẽ thấy một thứ chất lỏng màu trắng đục, không còn nhìn thấy rõ đầu là dầu ăn, đầu là nước như trước khi khuấy nữa. Đây chính là trạng thái khi các hạt phân tử nhỏ li ti của dầu ăn đã phân phối trong môi trường nước. Hỗn hợp lúc này vẫn không thể gọi là dung dịch được, bởi nó không phải là hệ đồng nhất ở cấp độ phân tử. Cho nên, trạng thái hỗn hợp nước với dầu ăn lúc này sẽ được gọi là trạng thái “nhũ tương”.

Hỗn hợp nước và dầu ăn sau khi được thầy Nam khuấy đều.

3. Khái niệm:

Từ thí nghiệm, thầy Nam rút ra khái niệm như sau:

“Nhũ tương” là hỗn hợp giữa các chất lỏng không đồng nhất. Các hạt chất lỏng nhỏ trộn lẫn với nhau.

Khái niệm về “nhũ tương”.

Thầy Nam đưa ra một số ví dụ điển hình về nhũ tương trong đời sống để các bạn học sinh dễ nhớ và liên tưởng đến bài học như: sốt Mayonnaise, sữa,…

Sốt Mayonnaise …
… và sữa đều là những “nhũ tương” quen thuộc trong đời sống hằng ngày.

Trên đây là những nội dung kiến thức trọng tâm về “Huyền phù và nhũ tương” trong bộ môn Khoa học tự nhiên lớp 6 mà thầy Nguyễn Thành Nam đã chia sẻ.

Phụ huynh có con sắp vào cấp hai còn đang băn khoăn, lo lắng về những đổi mới của Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng từ năm học 2021 – 2022 tới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có thể tham khảo Chương trình Học tốt lớp 6 mới của HOCMAI. Chương trình sẽ là giải pháp học tập toàn diện giúp teen 2k10 chuẩn bị kiến thức từ hè và sẵn sàng trước những đổi mới của sách giáo khoa và chương trình học khi bước vào năm học mới. 

Để biết thêm thông tin chi tiết về khóa học, phụ huynh và học sinh hãy liên hệ Hotline 093 658 5812 hoặc ĐĂNG KÝ NGAY TẠI ĐÂY để được TƯ VẤN MIỄN PHÍ !