Phân tích Tôi và chúng ta của tác giả Lưu Quang Vũ

0
4433
phan-tich-toi-va-chung-ta-ava

Trong chương trình Ngữ Văn 9, ngoài các tác phẩm thơ, văn bản nước ngoài, các bạn học sinh còn được tiếp xúc với thể loại văn bản mới đó là kịch. Nhắc đến các tác giả kịch nổi tiếng thì không thể bỏ qua Lưu Quang Vũ. Trong bài viết này, cùng HOCMAI lập dàn ý phân tích Tôi và chúng ta để nắm bắt những phần kiến thức trọng tâm trong tác phẩm nhé!

I. Thông tin về tác giả

– Họ tên: Lưu Quang Vũ 

– Sinh năm 1948, mất năm 1988

– Là con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận

– Quê quán: xã Thiệu Cơ, Hạ Hòa, Phú Thọ (quê gốc: quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng)

Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:

– Từ 1965 đến 1970, ông nhập ngũ và tham gia phục vụ trong Quân chủng Phòng không – Không quân. Đây cũng là thời kỳ sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ.

– Năm 1970 đến 1978, ông xuất ngũ và làm nhiều nghề để kiếm sống: làm ở Xưởng Cao su Đường sắt dưới sự lãnh đạo của giám đốc Tạ Đình Đề, làm hợp đồng cho nhà xuất bản Giải phóng, vẽ pa-nô, áp phích,…

– Từ 1978 đến 1988, Lưu Quang Vũ giữ vị trí biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu cầm bút sáng tác kịch nói, với vở kịch đầu tay tên là Sống mãi tuổi 17

– Khi đang ở đỉnh cao của tài năng và sự nghiệp, Lưu Quang Vũ đã gặp tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương. Ông ra đi mãi mãi cùng với vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.

– Lưu Quang Vũ mất và để lại di sản văn học đồ sộ gồm các tác phẩm kịch, thơ và tiểu luận. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến như Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Hương cây, Nàng Xita, Sống mãi tuổi 17, Ngọc Hân công chúa,… Chúng đều là những tác đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng. 

Phong cách sáng tác

– Lưu Quang Vũ có phong cách sáng tác thơ bay bổng, tài hoa nhưng vẫn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Các vở kịch, truyện ngắn của Lưu Quang Vũ luôn mang nét đặc trưng về tính hiện thực và thông điệp nhân văn. Đặc biệt, kịch của ông luôn thể hiện sự quan tâm đến các xung đột trong cách sống và quan niệm sống, bộc lộ khao khát hoàn thiện nhân cách con người.

tac-gia-luu-quang-vu

HM10 2024 - GIẢI PHÁP LUYỆN THI TOÀN DIỆN
NẮM CHẮC KIẾN THỨC - KHÔNG LO BIẾN DỘNG ĐỀ THI
  • Lộ trình toàn diện - NẮM CHẮC NỀN TẢNG - TỔNG ÔN TOÀN DIỆN - LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU
  • ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỌC - PHÙ HỢP VỚI MỌI NHU CẦU
  • TOP THẦY CÔ DANH TIẾNG, GIÀU KINH NGHIỆM
  • DỊCH VỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP ĐÔNG HÀNH TRONG SUÔT QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
Ưu đãi đặt chỗ sớm - Giảm đến 45%! Áp dụng cho PHHS đăng ký trong tháng này!

II. Thông tin về tác phẩm

1. Hoàn cảnh ra đời

– Đoạn trích “Tôi và chúng ta” thuộc cảnh ba của vở kịch cùng tên – vở kịch phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa chế độ cũ và mới trong quá trình đổi mới và phát triển.

– Vở kịch Tôi và chúng ta gồm tất cả 9 cảnh, lấy bối cảnh vào những năm 80 của thế kỷ XX, đây là khoảng thời gian đất nước gặp rất nhiều khó khăn do sự tồn tại của cơ chế bao cấp. Nội dung chính của vở kịch nhằm phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai lực lượng: bảo thủ và đổi mới trong việc thay đổi phương thức tổ chức, hoạt động sản xuất tại xí nghiệp Thắng Lợi. Trong đó:

  • Phe bảo thủ – đại diện là nhân vật Nguyễn Chính (phó giám đốc), Trương (quản đốc phân xưởng), Trần Khắc (đại diện Ban thanh tra của Bộ): thể hiện tư tưởng hết sức bảo thủ, khư khư muốn giữ lấy các nguyên tắc, quy chế đã lỗi thời và lạc hậu, kiên quyết không chấp nhận đổi mới.
  • Phe đổi mới – đại diện là nhân vật Hoàng Việt (giám đốc xí nghiệp), Thanh (kíp trưởng phân xưởng 1), Lê Sơn (kỹ sư) và số đông anh chị em công nhân: thể hiện tinh thần dám nghĩ dám làm, sẵn sàng phá bỏ các quy định giáo điều, lạc hậu, xác định cần đổi mới để đem lại quyền lợi, cuộc sống ấm no cho mọi người.

2. Bố cục

– Phần 1: Từ đầu đến “…tăng lên ít nhất là gấp năm lần” – Giám đốc Hoàng Việt và kỹ sư Lê Sơn bắt đầu công tác triển khai kế hoạch kinh doanh mới

– Phần 2: Từ tiếp theo đến “…các đồng chí giải tán” –  Mặc dù kế hoạch kinh doanh mới chịu sự phản đối nhưng giám đốc Hoàng Việt kiên quyết thực hiện

– Phần 3: Còn lại – Phản ứng của công nhân, phó giám đốc, kỹ sư khi kế hoạch kinh doanh mới bắt đầu được thực thi và chiến thắng thuộc về phe tiến bộ, đổi mới

3. Tóm tắt Tôi và chúng ta

Đoạn trích thể hiện cuộc xung đột quan điểm đầu tiên về việc thay đổi lề lối, phương thức hoạt động giữa hai tư tưởng: một bên là tư tưởng bảo thủ, lạc hậu; bên còn lại là đại diện cho tư tưởng cải tổ và đổi mới toàn diện. 

Sau một năm giữ vị trí giám đốc xí nghiệp Thắng Lợi, Hoàng Việt nhận ra tất cả những dự án đều được nhân viên hoàn thành một chống đối, làm cho có, dẫn đến tình trạng công ty phải đứng bên bờ vực phá sản. Giám đốc Hoàng Việt, kỹ sư Lê Sơn và kíp trưởng Thanh là nhóm người duy nhất nhìn ra sự thiếu sót và sai lầm trong quy chế điều hành xí nghiệp.

Nhận ra được vấn đề, Hoàng Việt đã quyết tâm đưa ra đề nghị thay đổi phương thức quản lý để củng cố bộ máy hoạt động xí nghiệp. Tuy nhiên, quyết định thay đổi này lại vấp phải sự phản đối của chính những cộng sự, những người bảo thủ và thiếu quyết đoán. Đặc biệt là phó giám đốc Nguyễn Chính là người kiên quyết phản đối những quyết định đổi mới của Hoàng Việt. Từ đây đã tạo nên những mâu thuẫn về mở rộng sản xuất, ngân sách đầu tư, khúc mắc tài chính giữa các bên, dẫn đến những xung đột, mâu thuẫn kịch tính.

III. Phân tích Tôi và chúng ta

1. Phân tích tình huống kịch và những mâu thuẫn cơ bản trong tác phẩm

Về tình huống kịch:

– Đề cập đến tình trạng ngưng trệ sản xuất ở xí nghiệp, đòi hỏi ban lãnh đạo cần tìm ra cách giải quyết. Tại đây Giám đốc Hoàng Việt đã ra quyết định bắt đầu thực hiện kế hoạch sản xuất mở rộng và đổi mới cách thức vận hành xí nghiệp

⇒ Hoàng Việt tuyên chiến với cơ chế quản lý phương thức tổ chức lỗi thời, lạc hậu, với đại diện là Nguyễn Chính và Trương.

Mâu thuẫn giữa 2 tuyến nhân vật với 2 tư tưởng đối lập:

– Giám đốc Hoàng Việt và kỹ sư Sơn: những con người với tư tưởng đổi mới, tiến bộ, dám nghĩ, dám làm

– Phòng tổ chức lao động, tài vụ, quản đốc phân xưởng: những con người đại diện cho tư tưởng bảo thủ, trì trệ, làm việc máy móc, thiếu hiệu quả

2. Phân tích tuyến nhân vật trong đoạn trích 

Giám đốc Hoàng Việt được lấy nguyên mẫu từ hình ảnh Tạ Đình Đề, với các đặc điểm như:

– Là một người lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm.

– Thẳng thắn, trung thực dám nhận ra sai sót và kiên quyết đấu tranh vì lợi ích cộng đồng

Kỹ sư Lê Sơn là nhân vật có đặc điểm:

– Là người có năng lực, trình độ chuyên môn cao

– Đã gắn bó nhiều năm cùng xí nghiệp

– Luôn đồng hành cùng Hoàng Việt trên hành trình cải tiến toàn diện hoạt động xí nghiệp

Phó Giám đốc Chính và giám đốc phân xưởng Trương được xây dựng với các đặc điểm như:

– Có quy cách làm việc máy móc, bảo thủ

– Làm lãnh đạo nhưng gian ngoan, xảo trá, ích ký, nhiều mánh khoé

– Không muốn thay đổi, làm mới mà dựa vào cơ chế nguyên tắc để chống lại sự cải tiến, chỉ khéo xu nịnh.

phan-tich-toi-va-chung-ta

3. Ý nghĩa của mâu thuẫn 

– Đây là cuộc đấu tranh giữa 2 quan điểm: đổi mới và bảo thủ. Cuộc chiến này tuy không tốn nhiều xương máu nhưng nó lại kéo dài âm thầm,dai dẳng và lặng lẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

– Phản ánh tính tất yếu và gay gắt của mâu thuẫn và xung đột khi đứng trước vấn đề nóng bỏng của thực tế đời sống sinh động.

– Cách kết thúc tình huống đã góp phần khẳng định trong cuộc đấu tranh giữa mới và cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu, nhất định những gì tiến bộ sẽ thắng

IV. Tổng kết

1. Giá trị nội dung của tác phẩm

– Qua đoạn trích, tác giả Lưu Quang Vũ đã làm nổi bật vấn đề đổi mới trong sản xuất, đem lại lợi ích cho đất nước và mọi người. Thông qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh rằng muốn phát triển thì xóa bỏ suy nghĩ lạc hậu là điều vô cùng cần thiết. Trong tổ chức, không thể có thứ chủ nghĩa tập thể chung chung, không thể để phương pháp của thời cũ tồn tại trước sự chuyển biến sinh động của cuộc sống. Hơn nữa, cái “chúng ta” được hình thành từ nhiều cái “tôi” cụ thể. Vì vậy, ai cũng cần được quan tâm, nhận được sự chăm sóc, và quyền lợi xứng đáng. 

2. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm

– Sử dụng cách liên hệ cuộc đấu tranh cũ – mới, cho thấy góc nhìn đương thời của tác giả

– Xây dựng tình huống kịch giàu kịch tính giúp người đọc thấu hiểu vấn đề đặt ra trong tác phẩm, nắm bắt được thông điệp chung

– Sử dụng thành công nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật 

Trên đây là dàn ý phân tích Tôi và chúng ta của tác giả Lưu Quang Vũ. Đây là một vở kịch hay phản ánh hiện thực đất nước ta trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời là lời ngợi ca những con người giàu bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, đưa lợi ích của mình vào lợi ích chung của tập thể. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn hiểu tác phẩm một cách sâu sắc hơn, hỗ trợ cho quá trình học và tự học tại nhà tốt hơn.

 

Tham khảo thêm:

Phân tích con chó Bấc

Phân tích bố của Xi-mông