Phân tích bố của Xi – Mông tác giả Guy đơ Mô-pa-xăng

0
8398
phan-tich-bo-cua-xi-mong-ava

Trong chương trình Ngữ Văn 9, có rất nhiều tác phẩm văn học nước ngoài hay được đưa vào giảng dạy và học trên lớp. Một trong số đó là truyện ngắn Bố của Xi-mông. Để làm rõ hơn những ý nghĩa, thông điệp truyền tải tác giả Guy đơ Mô-pa-xăng, cùng HOCMAI lập dàn ý phân tích Bố của Xi-mông ngay trong bài viết dưới đây nhé!

 

I. Thông tin về tác giả

– Tác giả: Guy đơ Mô-pa-xăng

– Quê quán: vùng Normandie, miền Bắc nước Pháp

– Ông là nhà văn hiện thực vĩ đại, một bậc thầy về truyện ngắn của nước Pháp trong thế kỉ XIX

– Các tác phẩm của ông chủ yếu phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội nước Pháp đương thời

Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác: 

– Guy đơ Mô-pa-xăng xuất thân trong một gia đình quý tộc sa sút. Vì vậy, tuổi thơ ông là những trang buồn, lớn lên trong bi kịch gia đình. Từ năm 11 tuổi trở đi, ông sống với mẹ. Ngày chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra, Mô-pa-xăng buộc phải nhập ngũ.

– Sau chiến tranh ông trở về sống tại Pa-ri. Năm 1873, ông làm việc tại Bộ Hải quân, rồi sau đó đến năm 1878, ông chuyển sang làm ở Bộ Giáo dục 

– Sự nghiệp văn sáng tác của Mô-pa-xăng đồ sộ với trên 300 truyện ngắn, 6 cuốn tiểu thuyết. Trong đó, tiêu biểu là các tác phẩm nổi tiếng như: Viên mỡ bò, Một cuộc đời, Ông bạn đẹp, Núi orion.

 

II. Thông tin về tác phẩm

1. Hoàn cảnh ra đời

– Trích đoạn “Bố của Xi-mông” là một phần của truyện ngắn cùng tên, được Guy đơ Mô-pa-xăng sáng tác vào nửa cuối thế kỉ XIX. 

– Trích đoạn nằm trong phần đầu của truyện ngắn. Nội dung viết về một cậu bé không có bố tên là Xi-mông. Việc không có bố đã gây cho cậu bé nhiều chuyện phiền toái, bất lực đến nỗi cậu còn nghĩ đến chuyện tự tử. Nhưng nhờ có tấm lòng nhân hậu của một bác công nhân, cậu bé đã có thể tự hào về người bố mới của mình.

– Nhan đề “Bố của Xi-mông” là nhan đề gắn với sự xuất hiện của nhân vật bác Phi-líp – người đóng vai trò truyền tải thông điệp của tác giả về lòng nhân đạo và cách bày tỏ tình thương yêu giữa người với người.

2. Bố cục

– Phần 1: từ đầu đến ”..khói hoài”: Sự tuyệt vọng của Xi-mông

– Phần 2: tiếp theo đến “…một ông bố”: Hoàn cảnh khiến Xi-mông gặp bác Phi-líp

– Phần 3: tiếp theo đến “…bỏ đi rất nhanh”: Bác Phi-líp đưa Xi-mông về nhà và chấp nhận lời đề nghị làm bố của Xi-mông

– Phần 4: phần còn lại: Câu chuyện ngày hôm sau ở trường của Xi-mông

III. Tóm tắt bố của Xi – mông

Đoạn trích kể về câu chuyện của một cậu bé mồ côi cha tên là Xi Mông. Lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm từ người cha, cậu bé “không có bố” luôn bị bạn bè trong trường trêu chọc, bắt nạt. 

Trong một lần, vì quá nóng giận, Xi-mông đã đánh nhau với đám bạn chế giễu cậu. Tuy vậy, việc bị bạn bè trêu chọc rằng mình không có bố vẫn khiến cậu đau xót và buồn bã đến nỗi đã nghĩ đến việc nhảy xuống sông để kết liễu đời mình. May thay, bác công nhân Phi-lip đã đến an ủi và đưa cậu về nhà. Mọi thứ dần dịu đi nhưng có vẻ như Xi-mông vẫn cảm thấy rất buồn. 

Chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của cậu bé, bác công nhân Phi-lip đã chấp nhận lời đề nghị trở thành bố của Xi-mông. Trở lại trường học, Xi-mông luôn tự tin khoe với bạn mình rằng mình đã có một người bố thật sự. Và cậu bé rất tự hào về điều đó.

 

IV. Phân tích Bố của Xi-mông

1. Phân tích nhân vật Xi-mông: một cậu bé ngây thơ, hồn nhiên và đầy nghị lực

– Xi-mông là một cậu bé khoảng 7-8 tuổi, có dáng người xanh xao và ngoại hình nhút nhát, vụng dại

– Sự đáng thương của Xi-mông thể hiện qua việc cậu bé bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt thường xuyên chỉ vì cậu không có bố. Có thể thấy, cậu đã trải qua một tuổi thơ đầy bất hạnh với những dè bỉu, chê bai, lạnh nhạt của mọi người xung quanh.

Bằng khả năng của mình, tác giả đã miêu tả một cách tài tình diễn biến tâm lý của một đứa trẻ như Xi-mông:

– Tâm trạng cậu bé khi định tự tử ở bờ sông:

  • Cậu bé quên đi chuyện buồn, chỉ muốn ngủ và chơi đùa khi thấy cảnh đẹp, trời ấm, ánh nắng mặt trời êm đềm, nước lấp lánh của dòng sông hiện lên trước mắt mình
  • Cậu bé vui đùa thích thú và bị hấp dẫn bởi những sự vật thú vị bên bờ sông: cậu đuổi theo con nhái rồi vồ hụt, khi tóm được hai đầu chân sau, cậu bật cười.
  • Cậu bé khóc khi nhớ về mẹ

⇒ Diễn biến tâm trạng của một đứa trẻ hiện ra qua cách miêu tả hành động và cử chỉ phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Qua đó cho thấy, chính vẻ đẹp của thiên nhiên là sợi dây níu giữ cậu bé lại trước tử thần

– Tâm trạng của Xi-mông khi gặp bác Phi-líp 

  • Cậu bé như được dịp trút nỗi lòng đau khổ
  • Cậu bé mắt đẫm lệ, giọng nghẹn ngào, nấc nghẹn khi kể chuyện của mình cho bác Phi-líp nghe

⇒ Diễn biến tâm trạng cho thấy sự bất lực, tuyệt vọng của Xi-mông khi bị hoàn cảnh làm cho cậu trở nên buồn tủi và cô đơn

– Tâm trạng Xi-mông khi được bác Phi-líp đưa về đến nhà

  • Nhìn thấy mẹ: em la khóc, trút toàn bộ đau đớn, buồn tủi ra bên ngoài 
  • Thấy bác Phi-líp tốt với mình, cậu bé đề nghị hỏi bác Phi-líp: “Bác có muốn làm bố cháu không?”. Điều này cho thấy mong muốn có bố của Xi-mông mãnh liệt hơn bao giờ hết

⇒ Bằng lời đối thoại rất tự nhiên, tác giả đã cho thấy khát khao, ước mơ rất đáng thương, ngây thơ của một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm của bố. Tuy hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng mơ ước của Xi – mông lại chỉ là những điều bình dị nhất.

– Tâm trạng của Xi-mông trong ngày đến trường vào sáng hôm sau:

  • Xi-mông quát vào mặt bọn trẻ thường hay trêu chọc cậu rằng “Bố tao tên là Phi-líp”. Câu nói của cậu vừa thể hiện rằng giờ đây cậu đã có bố, vừa cho thấy sự hãnh diện, tự hào của cậu bé khi nhắc về người bố mới của mình

⇒ Đối với Xi-mông, sự xuất hiện của người bố mới trong cuộc đời em đã đem đến niềm vui, niềm tự hào lớn lao đối với em, giúp tiếp thêm động lực và sức mạnh để cậu bé sống và đến trường mỗi ngày

⇒ Sử dụng nghệ thuật miêu tả, so sánh tài tình, tác giả đã xây dựng hình tượng Xi-mông là một đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên, đáng yêu. Đồng cũng là một đứa trẻ đáng thương và giàu nghị lực.

2. Phân tích nhân vật bác Phi-líp: một người thợ rèn tốt bụng, nhân hậu 

– Bác Phi-líp được giới thiệu là:

  • Có vóc dáng cao lớn, râu tóc mọc xoăn đen, làm nghề thợ rèn
  • Khuôn mặt và biểu cảm toát lên một vẻ nhân hậu
  • Bàn tay chắc nịch, giọng nói trầm, ồm

– Thái độ và hành động của bác khi gặp Xi-mông:

  • Nhìn em bằng ánh nhìn nhân hậu, đặt tay lên vai em, nhẹ nhàng hỏi chuyện và an ủi, 
  • Ban đầu, trên đường đưa Xi-mông về đã nghĩ đến việc nói vài câu bông đùa với chị Blăng-sốt, nhưng khi gặp thì bác không làm vậy, vì hiểu rằng chị Blăng-sốt là người tốt

⇒ Hành động và thái độ thể hiện bác Phi-líp rất thương Xi-mông, đồng thời có sự cảm mến dành cho chị Blăng-sốt.

– Khi trò chuyện và chấp nhận làm bố của Xi-mông: Bác Phi-líp đã thể hiện mình là một con người có tấm lòng nhân hậu, thương người, có sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Hành động nhận làm bố dường như đã cứu sống tâm hồn của Xi-mông, đem lại niềm vui cho em. Đó là một hành động đẹp, đáng được quý trọng.

⇒ Sử dụng nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật miêu tả sinh động kết hợp cùng ngôn ngữ đối thoại, tác giả đã khắc họa chân dung nhân vật bác Phi-líp là một người có tấm lòng nhân hậu, giàu tình thương. Bác không những đã cứu sống Xi-mông khỏi tự tử mà còn đem lại niềm vui cho cậu bé nhờ việc nhận làm bố

3. Phân tích nhân vật chị Blăng-sốt: một người phụ nữ đẹp, giàu đức hạnh

– Chị Blăng-sốt được giới thiệu với các đặc điểm như:

  • Chị từng được biết đến là cô gái đẹp nhất vùng
  • Do nhẹ dạ nên đã dẫn đến lầm lỡ, sinh ra Xi-mông trong hoàn cảnh em không có cha
  • Chị là một thiếu phụ, cao lớn, vì gia cảnh nên trông xanh xao, cùng vẻ mặt nghiêm nghị
  • Chị sống cùng đứa con trai Xi-mông trong ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, gọn gàng và hết sức sạch sẽ.

– Khi nhìn thấy Phi-líp đưa con trai về nhà, thái độ của chị: tỏ ra rất nghiêm nghị, dường như cấm đàn ông bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà chị. Chính thái độ này đã làm thay đổi ý muốn đùa cợt của bác Phi-líp

– Thái độ chị Blang-sốt khi nhìn thấy con trai khóc lóc trở về:

  • Mặt chị đỏ bừng, tái tê đến tận xương tủy, vội vàng hôn con, nước mắt rơi lã chã.
  • Chị lặng ngắt và quằn quại vì hổ thẹn

⇒ Hành động và thái độ của chị thể hiện chị là một người mẹ rất thương và hiểu lòng con.

⇒ Sử dụng nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật, tác giả đã cho thấy chị Blăng-sốt là một người thiếu phụ đẹp, giàu đức hạnh, hết lòng vì con cái. Tuy trót lỡ lầm nhưng hoàn cảnh rất cần sự cảm thông.

phan-tich-bo-cua-xi-mong

IV. Tổng kết

1. Giá trị nội dung của tác phẩm

Qua đoạn trích, tác giả đã khắc họa thành công hình tượng cậu bé Xi-mông, đồng thời bày tỏ sự cảm thông với những nỗi đau của những con người trót lầm lỡ. Bằng cách miêu tả sinh động diễn biến tâm trạng của ba nhân vật: Xi-mông, Blăng-sốt và Phi-líp, tác giả đã gợi cho ta thêm hiểu hơn về lòng yêu bạn bè, mở rộng ra là tình yêu thương và lòng nhân hậu giữa người với người.

2. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm

– Giọng kể tự nhiên, hấp dẫn

– Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật đặc sắc, sinh động

– Ngôn ngữ kể chuyện giản dị trong sáng nhưng vẫn thể hiện nội dung sâu sắc, ý nghĩa, cô đọng.

Trên đây là dàn ý phân tích Bố của Xi-mông của tác giả Guy đơ Mô-pa-xăng. Đây là một truyện ngắn nước ngoài rất hay và đặc sắc, giúp truyền tải thông điệp nhân văn về lòng nhân hậu giữa người với người. Hy vọng với dàn ý phân tích trên của HOCMAI, các bạn đã có thêm tài liệu để tham khảo trong quá trình học và ôn trên lớp.

 

Tham khảo thêm:

Phân tích mây và sóng

Phân tích Bến Quê

Phân tích con chó Bấc