Làm gì để giúp con thoát khỏi bạo lực học đường?

0
15258

Vụ nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị đánh hội đồng một lần nữa đặt ra câu hỏi: phụ huynh cần trang bị những kỹ năng cơ bản gì để giúp con em mình thoát khỏi bạo lực học đường?

Dưới đây là những chia sẻ của một chuyên gia tâm lí mà phụ huynh nên áp dụng để có thể giúp con em mình phòng ngừa và chống lại hành vi bạo lực học đường hiệu quả, kịp thời hơn, tránh để dẫn đến những hậu quả sai lầm, đáng tiếc.

Để giúp con thoát khỏi bạo lực học đường cha mẹ cần dạy con những kỹ năng sống cơ bản (Ảnh sưu tầm)

Cha mẹ hãy dạy con 5 kỹ năng cơ bản để kêu cứu

Dù xảy ra ở đâu, với đối tượng nào, bản chất của hành vi bạo lực không thay đổi. Những kẻ bắt nạt thường mang tâm lý tận hưởng “quyền lực” mỗi khi trêu chọc, lăng mạ hay đánh đập người khác.

Cảm giác có sức mạnh trong việc lấn át một ai đó kích thích kẻ bắt nạt, khiến chúng vui sướng và tạo thêm bầy đàn để tận hưởng quyền lực.

Vì thế, trong phạm vi học đường, những học sinh nhút nhát, ít nói, chậm chạp hay tỏ ra sợ hãi luôn trở thành mục tiêu đầu tiên mà nhóm người bắt nạt sẽ lựa chọn để thể hiện quyền lực đó.

Hãy dạy con 5 kỹ năng cơ bản dưới đây để tránh trở thành mục tiêu bị bạo lực học đường:

1. Né tránh

– Tảng lờ lời công kích.

– Không trao đổi ánh mắt.

– Đếm từ 1 đến 5, hít một hơi thở sâu, bỏ đi thật nhanh.

2. Đàm phán với sự thân thiện

– Nói với giọng bình tĩnh, tốc độ chậm, rõ ràng.

– Nhìn thẳng khi nói chuyện.

3. Đàm phán với sự cương quyết

– Giọng nói quyết đoán, tông cao.

– Nói với kẻ bắt nạt bằng các mệnh lệnh chủ động như: “Dừng lại ngay! Bạn đang làm tôi đau! Tôi không thích những gì bạn đang làm với tôi!”. Không sử dụng các mệnh lệnh bị động như: “Đừng đánh tôi! Xin hãy tha cho tôi!”.

– Cảnh báo hậu quả nếu hành vi bạo lực tiếp diễn: “Tôi sẽ báo với cô chủ nhiệm và bố mẹ của tôi ngay!”.

4. Tìm sự hỗ trợ khẩn cấp

– Cố gắng đứng thẳng, đầu ngẩng cao, dáng điệu tự tin (người rướn về phía trước, mắt mở to, nhìn thẳng không chớp).

– Đi nhanh đến một nơi có đông người hơn.

– Trong trường hợp không thể chống cự, cuộn tròn người để bảo vệ vùng ngực, bụng, hai tay che theo hình khiên để bảo vệ bộ phận đầu và tai.

5. Báo cáo

– Thông báo ngay với một người đáng tin cậy như người thân trong gia đình, thầy cô giáo, hàng xóm, lớp trưởng, bạn thân… về sự việc.

– Thông báo với bất kỳ người ngoài cuộc nào đang có mặt tại hoặc gần hiện trường: bảo vệ nhà trường, bác lao công, người đi đường, bạn cùng lớp…

Cha mẹ hãy luôn quan tâm đến con không trở thành mục tiêu bị bạo lực học đường (Ảnh sưu tầm)

Làm sao để biết con là nạn nhân của bạo lực học đường?

Dù con không nói, hành vi bạo lực thường để lại dấu hiệu rõ rệt mà phụ huynh có thể quan sát thấy từ con em mình:

– Thay đổi đường đến trường.

– Xuất hiện các vết thương, bầm tím không rõ nguyên nhân.

– Quần áo, sách vở, đồ dùng học tập bị mất, rách, hư hỏng.

– Sinh hoạt bất thường, kém ăn, khó ngủ hoặc ngủ li bì.

– Sức khỏe thay đổi, ốm, sốt, xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, dễ bị hoảng loạn (la hét, ác mộng, giật mình).

– Điểm số giảm.

– Không muốn đến trường.

– Từ chối chia sẻ về bạn bè hay các hoạt động diễn ra tại trường lớp.

– Từ chối tham gia các hoạt động của gia đình, nhà trường, cô lập bản thân và chỉ muốn ở một mình.

– Buồn bã, tức giận, lo âu, sợ hãi sau khi nhận được một cuộc điện thoại, email hoặc tin nhắn.

– Xin nhiều tiền tiêu hơn quy định mà không giải thích rõ lý do.

– Tự làm đau bản thân (cắt tay, đập đầu, đấm vào tường, tự đốt bản thân…) hoặc đề cập đến việc muốn tự tử.

Làm gì khi phát hiện con là nạn nhân của bạo lực học đường?

Hãy giúp con lên tiếng và là đại diện cho tiếng nói của con nhanh nhất và sớm nhất có thể.

– Chọn một không gian yên tĩnh, thân thuộc mà con yêu thích hay cảm thấy an toàn để nói chuyện với con.

– Sử dụng các câu hỏi mở để giúp con chia sẻ được thông tin như: Sự việc xảy ra từ khi nào? Sự việc diễn ra như thế nào? Sự việc khiến con cảm thấy ra sao? Những gì con muốn làm để giải quyết sự việc? Làm thế nào để bố/mẹ có thể giúp con?

– Không sử dụng các câu hỏi đóng như: Con có bị đánh không? Có phải bạn A đánh con không? Con đã làm gì sai để bị bạn đánh, phải không?

– Giải thích cho con về hệ thống bảo hộ mà nhà trường có thể hỗ trợ ngay sau khi con thông báo với thầy cô, bạn bè.

Khẳng định với con rằng người lớn sẽ ở bên cạnh con và con sẽ không phải đương đầu với sự việc một mình.

– Nhanh chóng thông báo với thầy cô, nhà trường, các cơ quan chức năng, giới truyền thông. Cung cấp đầy đủ chính xác diễn biến sự việc với thái độ bình tĩnh, mạch lạc. Đừng đổ lỗi ngay cho giáo viên hay các nhà chức trách – họ có thể không biết hết chuyện gì đang xảy ra và đang cần những thông tin đầu tiên từ phía gia đình.

– Yêu cầu nói chuyện với cha mẹ của các bên liên quan. Luôn nhớ rằng người thực hiện hành vi bạo lực cũng là một đứa trẻ.

Hãy giúp con lên tiếng và là đại diện cho tiếng nói của con nhanh nhất (Ảnh sưu tầm)

Vì sự phát triển toàn diện của con, để con an tâm khi đến trường đi học và hòa nhập với thầy cô, bạn bè, con luôn thấy hạnh phúc khi được đến trường thì cha mẹ hãy luôn là người bạn đồng hành với con, quan tâm con trong mỗi chặng đường.

Đặc biệt cha mẹ cần kết hợp với phía nhà trường để giải quyết triệt để tình trạng này khi xảy ra, tránh để tiếp diễn làm ảnh hưởng đến tâm lí và khả năng tiếp thu kiến thức của con trẻ. Đừng bao giờ nuôi dưỡng thói vô cảm, thờ ơ trước tình trạng bạo lực học đường, vì có thể hôm nay nạn nhân không phải là con em mình, nhưng ngày mai thì chưa chắc!

Hocmai.vn tổng hợp